Du lịch Chí Linh: Sức sống mới từ Nghị quyết XXII
- Thứ ba - 17/10/2017 22:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
KỲ I: NGHỊ QUYẾT ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG
Miền địa linh nhân kiệt
Đã có nhiều chuyến công tác tại thị xã Chí Linh, nhưng lần trở lại này chúng tôi cảm thấy hào hứng hơn, bởi Chí Linh không chỉ là trọng điểm du lịch của Hải Dương mà còn là trọng điểm du lịch phía Bắc sau khi có Nghị quyết XXII của Đảng bộ thị xã. Hành trình hơn 2 giờ đồng hồ trên chuyến xe Hà Nội – Quảng Ninh, Trưởng ban Quản lý Di tích Chí Linh - Thị ủy viên Nguyễn Minh Thắng liên tục gọi điện hỏi thăm khiến chúng tôi càng có thêm động lực để sớm đến nơi này.
Mở đầu câu chuyện, tiếp chúng tôi ngay tại UBND thị xã, đồng chí Nguyễn Minh Thắng hồ hởi cho biết, có lẽ ít thị xã nào lại có địa hình rộng và phong phú như Chí Linh, "nhưng hơn hết, mỗi tấc đất của Chí Linh đi đâu cũng chạm vào lịch sử" - đồng chí tự hào.
Chí Linh là mảnh đất núi sông hòa hợp, sơn thủy hữu tình, là nơi "hội giang - tụ thủy", đồng nghĩa với "tụ đức - hội nhân" của trời đất, mang đến thái bình thịnh vượng cho muôn đời. Vì vậy, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, Chí Linh trong suốt trường kỳ lịch sử luôn gắn bó mật thiết với những văn thần, võ tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc. Trên vùng đất địa linh, văn hiến này hiện có hơn 273 di tích, di chỉ, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt và 9 di tích, danh thắng quốc gia. Tiêu biểu như: Quần thể di tích lịch sử quốc gia Côn Sơn – Kiếp Bạc, Đền Cao, Đền Chu Văn An, khu di tích Đền Sinh, Đền Hóa, Chùa Thanh Mai, Chùa Ngũ Đài Sơn, Đền bà chúa Sao Sa - Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ…
So với các huyện lỵ khác của tỉnh Hải Dương, Thị ủy viên Nguyễn Minh Thắng khẳng định, Chí Linh còn là vùng có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi bậc nhất. Xưa nơi đây có thể dễ dàng xuôi ra biển lớn, ngược lên non ngàn, là chốt giữ trọng yếu cửa ngõ Đông Bắc của kinh thành Thăng Long. Còn nay, Chí Linh nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội; là điểm kết nối trên chuỗi đô thị hành lang kinh tế công nghiệp Bắc Ninh – Chí Linh – Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí - Hạ Long.
Bước ngoặt lớn
Nhờ lợi thế sẵn có, huy động tối đa nguồn lực, thời gian qua, Chí Linh đã đạt tốc độ phát triển cao trên nhiều lĩnh vực, từng bước tạo thế vững chắc, trở thành trung tâm phát triển kinh tế lớn của khu vực phía Bắc tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, đối với ngành du lịch, dịch vụ dù có trữ lượng tài nguyên đặc sắc và phong phú, nhưng trong suốt một thời gian dài tình hình kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của mình.
Nhận thức được những bất cập đang tồn tại và để không lãng phí nguồn tài nguyên du lịch ẩn chứa nhiều giá trị riêng có, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Chí Linh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015-2020) ngày 3/6/2015 đã ra Nghị quyết với mục tiêu: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; mục tiêu mỗi năm thu hút 1 triệu lượt du khách đến với Chí Linh".
Tiếp đó, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết XXII, ngày 18/6/2016, Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Chí Linh quyết định xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020". Điểm nhấn của Đề án là hệ thống hóa và vạch ra những mục tiêu, hướng đi, giải pháp phát triển du lịch như về quy hoạch; thu hút đầu tư nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; tổ chức, quản lý; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng hạ tầng; liên kết, hợp tác phát triển; thuế và tài chính cho phát triển du lịch…
Đề án được nhận định là một trong những định hướng quan trọng nhằm phát triển kinh tế thị xã Chí Linh giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, là bước ngoặt lịch sử đối với ngành "công nghiệp không khói" của thị xã Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. Thậm chí, như đồng chí Nguyễn Minh Thắng ví von, Nghị quyết XXII mà cụ thể hóa là Đề án chính là kim chỉ nam, mở đường "đánh thức" tiềm năng du lịch, dịch vụ Chí Linh, để "nàng công chúa" của thị xã không còn ngủ quên trước định hướng chiến lược đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Chí Linh và tỉnh Hải Dương.
Nhấn mạnh thêm ý nghĩa, vai trò và tính quyết định của Nghị quyết XXII, đồng chí Nguyễn Minh Thắng cho hay, trước năm 2015, Chí Linh định hướng phát triển công nghiệp dựa trên sự dồi dào về tài nguyên đất sét trắng, than và cát. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng này Chí Linh sẽ không còn là "lá phổi xanh" của tỉnh Hải Dương nữa, đồng thời sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, nhất là ảnh hưởng đến tầng sâu văn hóa, lịch sử vùng đất thiêng Chí Linh... "Đảng bộ thị xã Chí Linh nhận ra rằng, để phát triển kinh tế, xã hội lâu dài, cần phải xây dựng một đô thị bền vững, thành phố hiện đại, trên cơ sở lợi thế và tiềm năng văn hóa, lịch sử, địa lý của vùng. Và con đường phát triển phù hợp nhất chính là kinh tế du lịch, thương mại dịch vụ" - đồng chí Nguyễn Minh Thắng nói.
----------------------
Kỳ II: "Trái ngọt" từ sức lan tỏa lớn
----------------------
Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương: Việc Chí Linh thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020" theo Nghị quyết XXII là một bước đi đặc biệt quan trọng để phát triển du lịch thị xã Chí Linh nói riêng và phát triển du lịch tỉnh Hải Dương nói chung. |