Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến

Trong một không gian nhỏ ấm cúng, quán cà phê Vô Thường ở đường Nguyễn Trãi 2, phường Sao Đỏ đã trở thành điểm hẹn thân thuộc của nhiều người dân TP Chí Linh.
Nhiều người đến quán cà phê Vô Thường để chiêm ngưỡng những kỷ vật thời chiến
Ngoài tận hưởng các bản nhạc Trịnh nổi tiếng, họ tìm đến đây để chiêm ngưỡng các kỷ vật thời chiến và chia sẻ những câu chuyện về một thời chiến đấu hào hùng của dân tộc.

Điểm hẹn

Quán Vô Thường có không gian chưa đầy 40m2 nhưng lúc nào cũng đông khách. Khách đến đây có cả người trẻ tuổi và những bậc cao niên. Điều đặc biệt là quán được trang trí rất nhiều kỷ vật thời chiến như cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, kèn đồng gắn cờ giải phóng, bình đựng nước… mà bộ đội ta đã sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những kỷ vật này được gia đình sưu tầm nhiều năm qua.

Vốn là người yêu thích tìm hiểu về lịch sử dân tộc, quán cà phê Vô Thường đã trở thành điểm đến thân quen của anh Phạm Văn Tài (38 tuổi, ở phường Sao Đỏ) mỗi lúc rảnh rỗi hay ngày nghỉ cuối tuần. Anh Tài cho biết: “Cà phê Vô Thường là một điểm nhấn rất riêng ở thành phố trẻ này. Những người tới đây hầu hết đều yêu thích tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Giữa bộn bề cuộc sống, họ muốn được lắng đọng trong không gian ấm cúng của nhạc Trịnh và ôn lại những kỷ niệm về một thời chiến đấu hào hùng của cha ông”.

Ông Đỗ Hồng Chấp (74 tuổi, ở phường Phả Lại) từng tham gia chiến đấu và trực tiếp chứng kiến thời khắc lịch sử khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà. Quán cà phê Vô Thường đã trở thành địa chỉ quen thuộc của ông và các đồng đội xưa để ôn lại kỷ niệm thời chiến. “Lâu nay tôi vẫn nghĩ cuộc sống hiện đại khiến một số người dần quên đi quá khứ. Nhưng ngồi tại đây tôi mới thấy không hẳn như vậy. Có nhiều bạn trẻ đến với quán để nghe chúng tôi kể về tháng năm chiến đấu và tìm hiểu qua những kỷ vật thời chiến đang được trưng bày tại đây. Điều này thật đáng quý”, ông Chấp nói.

Kỳ công sưu tầm

Quán cà phê Vô Thường của gia đình chị Dương Thị Vân (53 tuổi) được mở gần 10 năm nay. Trước đây, bố và bác ruột của chị Vân là bộ đội. Sau năm 1975, họ trở về quê hương và mang theo một số kỷ vật thời chiến. Khi có ý định mở quán, chị cùng người thân đã nghĩ ngay đến ý tưởng về một không gian xưa, nhẹ nhàng và ấm cúng.

Hiện nay, trong quán trưng bày hơn 30 kỷ vật thời chiến mà ít quán cà phê nào có được. Ví dụ như chiếc ca uống nước in hình cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với ngôi sao vàng năm cánh trên nền màu đỏ - xanh có in dòng chữ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam 1966; bình tông, ba lô, mũ, cờ của Quân Giải phóng miền Nam… Những kỷ vật này được gia đình chị Vân sưu tầm gần 20 năm nay.

Chị Vân kể trong những kỷ vật hiện lưu giữ, có cái được đồng đội của bố và bác ruột tặng lại, nhưng cũng có kỷ vật gia đình phải mất công sưu tầm. Một trong số đó là chiếc kèn đồng có gắn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được trưng bày tại vị trí trang trọng ngay chính giữa căn phòng. Năm 2012, chị cùng gia đình tham quan dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh) vào đúng dịp nghỉ lễ 30.4. Khi ấy, gia đình chị đến thăm một người bạn đồng hương và nhìn thấy chiếc kèn đồng. Đó là kỷ vật của ông nội người bạn khi tham gia giải phóng Sài Gòn. Sau khi nghe kể về việc mở quán Vô Thường, người bạn đã tặng lại chị chiếc kèn đồng. Với gia đình chị Vân, đây là món quà vô giá. 

Một kỷ vật khác mà gia đình luôn trân trọng, nâng niu là 2 lá cờ của Quân Giải phóng miền Nam được treo phía trên hai góc tường. Để sở hữu 2 lá cờ trên, gia đình chị đã phải 2 lần vào TP Hồ Chí Minh để đề nghị mua lại của một quán cà phê khác. 

Qua câu chuyện kể của chị, chúng tôi hiểu phải có một tình yêu lớn thì gia đình mới cất công sưu tầm những hiện vật quý giá đó. Hằng ngày, người dân TP Chí Linh và khách ở nhiều nơi khác đến quán cà phê Vô Thường để tìm lại một không gian thanh bình và cũng để nhớ lại kỷ niệm chiến trường xưa giữa nhịp sống sôi động ngày thường.

ĐỨC TÂM (Báo Hải Dương điện tử)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây