Chuyện về nữ giáo viên dạy trẻ mắc hội chứng “đặc biệt” ở Hải Dương
- Thứ ba - 20/11/2018 20:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà chồng cấm không cho con dâu đi dạy
Lâu nay, chuyện về những giáo viên dạy trẻ mắc các hội chứng "đặc biệt" (tự kỷ, tăng động giảm chú ý, khiếm khuyết về trí tuệ, khiếm thính…) ở bậc mầm non tại tỉnh Hải Dương vẫn chưa được nhiều sự đồng cảm của các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng.
Bởi vậy, dù cùng là dạy học sinh, dạy kiến thức, kĩ năng nhưng những giáo viên làm công việc này vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong xã hội hiện nay và nhận được quan tâm đúng mức.
Có mặt tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hy Vọng (gọi tắt là Trung tâm Hy Vọng, TP. Hải Dương) từ sáng sớm, chúng tôi bắt gặp cảnh giáo viên ở đây bận rộn với công việc hàng ngày, từ đón những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ đến thực hiện các biện pháp can thiệp khác nhau tùy vào từng trẻ và những khó khăn khiếm khuyết mà trẻ mắc phải.
Mặc dù áp lực công việc lớn, vất vả, nhưng những giáo viên làm nghề này vẫn chưa nhận được sự đồng cảm của xã hội cùng mọi người. Ảnh: Đ.Tùy
Bà Trần Thị L.cho biết: “Hơn 2 năm trước, khi đó con tôi hơn 1 tuổi thì cháu có biểu hiện bất thường. Sau khi đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung Ương được bác sĩ chẩn đoán bị mắc hội chứng tự kỷ, tôi đã đưa cháu đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không có nhiều biến chuyển.
Các hành vi của con tôi ngày càng nặng hơn và khi biết đến các cô giáo chuyên dạy về bệnh này, gia đình tôi cho con đến học, can thiệp. Trên thực tế, đến nay cháu chuyển biến rõ rệt khi nhận thức được các vấn đề xung quanh”.
Chị Nguyễn Thị Thúy, người thành lập Trung tâm Hy Vọng Hải Dương không thể nào quên những câu chuyện vui buồn của nghề này trong suốt 10 năm qua và chỉ có tình yêu với nghề, tình thương dành cho những đứa trẻ thiệt thòi, chị mới vượt qua mọi sự khó khăn mà nhiều lúc tưởng chừng bản thân bỏ cuộc.
Dựa trên các hội chứng mà từng trẻ mắc phải, trung tâm đưa ra cách can thiệp khác nhau. Ảnh: N.T
Chị kể, ngày tốt nghiệp với chuyên ngành được đào tạo giáo dục đặc biệt, bản thân có nhiều cơ hội để làm việc trong các trường sư phạm công lập. Tuy nhiên, chị đã tìm đến những học sinh bị mắc hội chứng tự kỷ (hay học sinh khuyết tật) để gắn bó là quyết định khó khăn.
Bởi lẽ, thời điểm đó ở Hải Dương chưa có một cơ sở nào dạy cho trẻ mắc những căn bệnh này. Đặc biệt, công việc này rất ít giáo viên muốn làm vì sự quan tâm cũng như cách nhìn của mọi người dành cho cô và trò còn “thiếu thiện cảm”.
Chị Thúy cho biết: “Để chạy chữa cho những đứa trẻ mắc hội chứng này cần nhiều thời gian, thậm chí tiền bạc và quan trọng nhất là sự kết hợp can thiệp của người thân trong nhiều hoàn cảnh ở mọi lúc, mọi nơi. Có nhiều trẻ được đưa đến trung tâm can thiệp thì người thân còn e ngại, không nói thật về bệnh tình.
Có nhiều bố, mẹ giấu và không muốn cho nhiều người biết con mình, cháu mình bị tự kỷ. Mọi suy nghĩ đó, chúng tôi đều biết và cảm thông. Chính vì vậy, ngoài việc là giáo viên dạy trẻ, những cô giáo ở đây còn là người tư vấn cho phụ huynh”.
Nhiều giáo viên không chịu được áp lực công việc đành phải chuyển sang công việc khác. Ảnh: Đ.Tùy
Nhớ lại 10 năm qua, chị Thúy không biết bao nhiêu giáo viên đến với trung tâm rồi lại ra đi. Trong khi, những giáo viên ở đây phần lớn được đào tạo chuyên biệt, các chuyên ngành liên quan và có kinh nghiệp can thiệp cho trẻ.
Có lẽ, áp lực công việc quá lớn khi dạy những đứa trẻ mắc căn bệnh đặc biệt nên những giáo viên trẻ không chịu được., hay chế độ thù lao chưa đáp ứng với sức lực bỏ ra, rồi tương lai và cách nhìn của đồng nghiệp cùng ngành cũng không mấy thiện cảm.
Thậm chí, nhiều giáo viên sau khi xây dựng gia đình cũng bị chính nhà chồng không cho đi làm ở trung tâm, chỉ vì họ sợ con dâu hàng ngày tiếp xúc với những đứa trẻ “không bình thường” rồi sau này con cháu họ sinh ra cũng bị như vậy.
Áp lực lớn và cần sự sẻ chia
Trong quá trình tìm hiểu công việc dạy học sinh mắc các hội chứng tự kỷ, khiếm khuyết về phát triển trí tuệ, chúng tôi mới thấy được sự vất vả, áp lực công việc, sự kiên trì và tình yêu thương cao cả của những giáo viên nơi đây dành cho trẻ.
Tuy nhiên, phía sau công việc tưởng chừng giản đơn ấy vẫn còn sự xa cách về nhận thức của xã hội khi nói về nghề này. Thậm chí, ngay chính đồng nghiệp trong ngành đôi lúc chưa có sự sẻ chia, đồng cảm… Tất cả những điều đó, giáo viên đều biết.
Cô Nguyễn Thị Quyên (SN 1986, giáo viên trung tâm) kể, đối với một giáo viên dạy trẻ bình thường đã cảm thấy vất vả, nhưng dạy những học sinh mắc chứng bệnh đặc biệt còn vất vả, khó khăn hơn và thời gian bỏ ra nhiều gấp bội.
Một tiết học can thiệp của giáo viên trung tâm. Ảnh: Đ.Tùy
Người giáo viên lúc nào cũng phải theo sát từng cử chỉ, hành động và biểu hiện của trẻ. Khi thấy học sinh hôm nay phát được một âm, nói được một từ mới hay làm được những việc sau quá trình chỉ bảo rèn luyện thì ai cũng vui mừng. Đó chính là niềm vui mà chỉ những giáo viên trực tiếp dạy cho những đứa trẻ đặc biệt này mới cảm nhận được.
Nói về những khó khăn của nghề, cô Quyên cho biết: “Nghề nào cũng có áp lực và khó khăn riêng, nhưng đối với việc dạy những học sinh mắc bệnh tự kỷ thì nếu không có tình yêu thương vô bờ dành cho các con, không xem các con như chính con đẻ của mình và quan trọng hơn vượt qua rào cản xã hội, đôi khi là “cái nhìn còn thiếu thiện cảm” thì khó có thể trụ được.
Hiện tại, số lượng trẻ đưa đến trung tâm can thiệp và học bán trú quá tải. Ảnh: N.T
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa có một cơ sở chuyên biệt công lập nào để dạy cho những học sinh này trong độ tuổi mầm non học bán trú mà chỉ có những trung tâm hay cơ sở tư nhân khiến cho nhiều giáo viên không yên tâm giảng dạy. Đặc biệt, là sự đồng cảm, sẻ chia ngay chính người thân trong gia đình mình”.
Theo Giám đốc Trung tâm Mầm non Hy Vọng, hiện tại chưa có một giáo trình cụ thể về dạy trẻ mắc các chứng bệnh tự kỷ, khiếm khuyết phát triển trí tuệ. Cho nên, các giáo viên ở đây đều dựa vào căn bệnh, khó khăn khiếm khuyết của từng cháu, kết hợp với một số chương trình đào tạo của ngành, sau đó đưa ra các biện pháp, nội dung can thiệp khác nhau cho từng trẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm có 2 cơ sở (TP. Hải Dương và thị xã Chí Linh) với trên 150 cháu. Ngoài việc dạy tập trung và ăn bán trú thì nhiều trẻ được can thiệp bán thời gian trong ngày, sau đó những trẻ này được về các cơ sở giáo dục để học hòa nhập. Đặc biệt, hàng năm các cô giáo ở đây can thiệp thành công cho từ 60-70% số trẻ hội chứng tự kỷ để hòa nhập và hiện tại, trung tâm đang quá tải với số lượng trẻ đến can thiệp và học.
Theo chị Thúy, nếu như không có tình yêu thương và vượt qua mọi áp lực thì rất khó trụ được với công việc dạy những đứa trẻ thiệt thòi. Ảnh: N.T
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương thông tin, địa bàn tỉnh hiện đã có đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng kiến thức để dạy trẻ mắc các chứng bệnh như trên và hầu hết nằm trong các nhà trường.
Trong khi đó, tỷ lệ số học sinh này học hòa nhập chiếm tỷ lệ cao khoảng từ 60-70%. Tuy nhiên, số lượng giáo viên được đào tạo chuyên sâu để dạy về trẻ thì rất ít và trên địa bàn tỉnh chỉ có một vài cơ sở đào tào chuyên biệt như Trung tâm Hy Vọng.
“Hiện tại trung tâm đang quá tải số lượng các cháu đến can thiệp về các chứng bệnh này. Trong khi đó, dự án xây dựng cơ sở mới đã hoàn thiện với đầy đủ các trang thiết bị cùng đội ngũ giáo viên tâm huyết, chuyên môn chuyên biệt… nhưng rất khó thực hiện bởi nhiều cơ chế khác nhau và quan trọng hơn là sự quan tâm của các ngành chức năng dành cho công việc đặc biệt này", Giám đốc Trung tâm Mầm non Hy Vọng bày tỏ.