100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam
- Chủ nhật - 20/03/2016 10:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. DI TÍCH DANH THẮNG HƯƠNG SƠN
Di tích danh thắng Hương Sơn cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km. Cảnh sắc nơi đây như một bức tranh thiên nhiên hữu tình với núi cao, rừng xanh, suối mát…, có động Hương Tích đẹp nổi tiếng với danh xưng “Nam thiên đệ nhất động” do chúa Trịnh Sâm ban tặng năm 1770. Nơi đây còn mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam, mà từ ngàn xưa đã có câu “Bầu trời cảnh Bụt”. Trên các núi và trong các hang, nhiều đền, chùa đã được xây dựng với trung tâm là chùa Hương nằm trong động Hương Tích.
2. KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 19/2/1945 đến 2/9/1969. Khu di tích rộng hơn 14ha, bao gồm nhiều hạng mục công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc: Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà sàn, nhà 67 cùng các di tích ngoài trời: ao cá, đường xoài, giàn hoa Phủ Chủ tịch, vườn cây. Trong đó, ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị nằm giữa những hàng cây, hàng rào dâm bụt bao quanh cùng với vườn cây ăn trái với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng và ao cá Bác Hồ là những hình ảnh để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ đối với du khách viếng thăm.
3. VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM HÀ NỘI
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể di tích văn hóa - lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước. Được thành lập vào thế kỷ XI, dưới vương triều Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trung tâm đào tạo hiền tài hàng đầu phụng sự cho đất nước qua nhiều triều đại khác nhau. Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của nền văn hiến, của tinh thần và truyền thống hiếu học của dân tộc, là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tôn vinh các giá trị của sự học. Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Tám mươi hai bia tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
4. KHU DU LỊCH TÂM LINH TRÀNG AN – BÁI ĐÍNH
Khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính có tổng diện tích 12.000 ha, nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, gồm hai bộ phận chính là khu du lịch sinh thái Tràng An và khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính. Được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với “núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”, Tràng An mang vẻ đẹp trữ tình non nước, có 49 hang động tuyệt mỹ cùng nhiều đền đài, miếu mạo cổ kính. Bên cạnh đó là Bái Đính với hai ngôi chùa, một mới một cổ, mang tầm vóc của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo vào loại lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
5. KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG
Với mỗi người Việt Nam, Đền Hùng là chốn “đất Tổ” linh thiêng, là cội rễ mà “Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Di tích Đền Hùng gắn liền với huyền thoại về 18 đời vua Hùng lập nên nước Văn Lang, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Được hình thành từ thuở xa xưa, trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay kiến trúc của khu di tích gồm: đền Hạ, gác chuông, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, đền giếng và lăng của vua Hùng thứ 6. Hàng năm, vào ngày giổ tổ mồng 10/3 âm lịch, du khách khắp nơi lại háo hức quy tụ về đất thiêng đền Hùng để lễ bái và tham quan thắng cảnh hùng vĩ nơi đây.
6. VỊNH HẠ LONG
Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là một tác phẩm điêu khắc hùng vĩ và độc đáo của thiên nhiên. Từ trên cao nhìn xuống, Vịnh như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động mà ta ngỡ như lạc vào “thế giới cổ tích” bị hóa đá nơi đây. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa hết sức ấn tượng với mọi người: hòn Trống Mái, hòn Con Cóc, hòn Lư Hương, hòn Cánh Buồm, hòn Đại Bàng… Nét đẹp Vịnh Hạ Long không chỉ thể hiện ở dáng núi, sắc nước mây trời, mà còn ẩn giấu trong lòng các đảo đá với hệ thống hang động vô cùng phong phú, hấp dẫn.
7. KHU DI TÍCH KIM LIÊN
Khu di tích Kim Liên là một trong bốn di tích lịch sử quan trọng bậc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây lưu giữ các hiện vật về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người thân. Hình ảnh ao sen, giếng nước, mái nhà tranh đơn sơ nơi Người cất tiếng khóc chào đời… đã trở thành kỷ niệm đẹp, thành không gian văn hóa, lịch sử linh thiêng. Khu di tích bao gồm: làng Hoàng Trù, làng Sen; nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường (ông bà ngoại Bác Hồ), nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, khu mộ bà Hoàng Thị Loan, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm (ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…
8. PHONG NHA – KẺ BÀNG
Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trên địa bàn huyện Bố Trạch và Minh Quảng, tỉnh Quảng Bình. Với tổng diện tích 200.000ha, Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở khu vực núi đá vôi cổ, hình thành từ hơn 400 triệu năm trước. Động Phong Nha được đánh giá là một trong những hang động có giá trị hàng đầu thế giới bởi đây là nơi có cửa hang cao và rộng nhất, sông ngầm dài nhất, hang nước dài nhất, bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất. Vẻ đẹp của Phong Nha – Kẻ Bàng còn nằm ở hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng và ẩn chứa nhiều bất ngờ, thú vị.
9. KINH THÀNH HUẾ
Bên bờ Bắc của dòng sông Hương, ngay trung tâm cố đô Huế, từ Đông sang Tây là Kinh thành Huế với Hoàng Thành, Tử Cấm thành với nhiều di tích đan lồng, tạo một quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo. Hoàng thành là khu vực hành chính tối cao của triều Nguyễn. Tử Cấm thành là nơi sinh hoạt của Hoàng gia. Hai nơi này mang trên mình những công trình kiến trúc trọng yếu nhất của Kinh thành: Ngọ Môn - cửa lớn và độc đáo nhất trong 4 cửa của Hoàng thành, điện Thái Hòa lộng lẫy vàng son, Hiển Lâm Các linh thiêng bên Thế Miếu, cung Diên Thọ ghi dấu chữ hiếu trung, Duyệt Thị Đường nhà hát cổ,…Bên cạnh khu vực đó là Kỳ Đài như tiếng vọng của thời gian, Cửu vị thần công oai nghiêm, là buổi chiều tà êm ả bên Phú Văn Lâu…
10. PHỐ CỔ HỘI AN
Di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An nằm ở vùng hạ lưu, nơi con sông Thu Bồn hòa mình ra biển khơi. Vẻ đẹp của phố cổ nằm ở sự thanh bình, yên ả bởi một con phố không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo mà chỉ có những ngôi nhà với cánh cổng gỗ lim đã ngã màu thời gian, những mái ngói âm dương, những ánh đèn lồng lung linh. Không gian và thời gian như lắng đọng trong từng nếp nhà, từng địa danh di tích: chùa Cầu, hội quán (Phúc Kiến, Quảng Đông…), đình, miếu, nhà cổ (Quân Thắng, Phùng Hưng, Tân Ký)… để con người hoài niệm về một thời quá khứ.
11. VỊNH NHA TRANG
Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất trên thế giới đã được xếp hạng. Vịnh có diện tích khoảng 507km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, là nơi có hệ sinh thái đa dạng - một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới. Bởi nơi đây có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới: đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Vịnh Nha Trang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn với bao điều kỳ thú được tạo thành từ các mảnh ghép của bức tranh thiên nhiên, với những hòn đảo, bãi biển tuyệt đẹp…
12. KHU DU LỊCH VĂN HÓA CỔ LOA
Thành Cổ Loa được xây dựng từ thế kỷ III (trước công nguyên), là đô thành thuộc nhà nước Âu Lạc triều đại An Dương Vương và là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến độc lập thời Ngô Quyền vào năm 939. Khu di tích hiện còn lại dấu tích của các vòng thành xoắn ốc, có đền thờ An Dương Vương, Am Bà Chúa (thờ Mỵ Châu), Giếng Ngọc… Quyện trong không gian là bảng lảng những huyền tích xa xưa: thần Kim Quy, chiếc nỏ thần, áo lông ngỗng… Cổ Loa được đánh giá là một tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ.
13. CÔN SƠN – KIẾP BẠC
Côn Sơn – Kiếp Bạc là quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng nổi tiếng từ lâu đời, gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của nhiều danh nhân nổi tiếng: Trần Hưng Đạo, các vị Phật tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nguyên Đán và đặc biệt là Nguyễn Trãi. Nơi đây từ xưa đã được mệnh danh là vùng “đại chung tứ khí”, “đất tột cùng thiêng liêng”. Côn Sôn hùng vĩ với nhiều núi non, xen lẫn rừng thông vi vu gió ngàn, có ngôi chùa cổ từ thế kỷ XVII, đền thờ Nguyễn Trãi anh linh... Kiếp Bạc khoác lên mình màu xanh thẫm của một thung lũng thơ mộng, được bao bọc xung quanh bởi núi Rồng, có đền thờ anh hùng Trần Hưng Đạo trang nghiêm.
14. CỐ ĐÔ HOA LƯ
Cố đô Hoa Lư cách đây hơn một nghìn năm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lúc bấy giờ. Với địa thế đầu gối rừng, lưng áp biển, núi không cao mà hiểm, sông không sâu mà nước chảy xiết (Nguyễn Tử Mẫn), dải đất này được các nhà chiến lược quân sự thời phong kiến coi là cổ họng giữa Bắc, Nam (Đại Nam nhất thống chí), là thành trì quân sự vững chắc trong suốt 41 năm trị vì của 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, được sử sách gọi là “kinh đô đá”. Vùng cố đô hiện còn lưu giữ khá nhiều công trình kiến trúc cổ như: đền, chùa, lăng, phủ… Trong đó, hai công trình kiến trúc quan trọng nhất là đền vua Đinh và đền vua Lê.
15. KHU DI TÍCH PÁC BÓ
Pác Bó, tiếng địa phương nghĩa “đầu nguồn”,là khu di tích lịch sử quốc gia, một địa danh nổi tiếng của Cao Bằng. Pác Bó là bảo tàng sống động về không gian và thời gian, nơi lưu dấu nhiều địa danh, địa vật quan trọng như: núi Các Mác, suối Lê Ninh, mốc 108, láng Khuổi Nặm… gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng trên con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam, gắn liền với cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pác Bó còn là cuội nguồn của cách mạng, nơi nuôi dưỡng che chở cách mạng ngay trong những ngày đầu còn non trẻ, nơi gắn liền với nhiều sự kiện của cách mạng Việt Nam.
16. KHU DI TÍCH TÂN TRÀO
Khu di tích Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ của huyện Sơn Dương. Trước Cách mạng Tháng Tám, Tân Trào là căn cứ địa cách mạng, đồng thời là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, địa điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Nổi bật trong khu di tích là đình Tân Trào và cây đa Tân Trào (cách đình chừng 500m về phía Đông). Ngoài ra, trong khu di tích lịch sử cách mạng này còn có nhiều điểm tham quan thú vị như hang Bòng, lán Nà Lừa…
17. HỒ NÚI CỐC
Hồ Núi Cốc là một vùng hồ nhân tạo, có diện tích mặt hồ khoảng 25km2. Hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, kỳ thú giữa núi rừng Thái Nguyên. Mặt hồ mênh mông với 89 hòn đảo lớn nhỏ mà mỗi đảo lại có một sức hút riêng. Có đảo là nơi cư trú của những đàn cò đông đúc. Có đảo là nơi trưng bày các cổ vật từ ngàn xưa để lại. Có đảo với đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn linh thiêng... Phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ nhuốm màu huyền thoại bên những công trình nhân tạo đã tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình, một điểm đến du lịch hấp dẫn.
18. DI TÍCH DANH THẮNG YÊN TỬ
Yên Tử là một danh sơn độc đáo của Việt Nam, một địa danh không thể bỏ qua với những người theo đạo Phật. Với mây trắng quanh năm thường ôm lấy đỉnh núi nên nhìn xa xa, Yên Tử trông như một kỳ quan đang bềnh bồng giữa hư và thực. Có lẽ vì thế đã xuất sinh huyền thoại về vị đạo sĩ đi hái thuốc và ở lại non tiên Bạch Vân Sơn hóa thành đá tự nghìn xưa. Về sau, nhà vua anh hùng đánh thắng giặc Nguyên-Mông và là Đệ Nhất tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Trần Nhân Tông - đã đem lại cho danh sơn này nguồn sống mới và những trang sử đời lẫn đạo lưu truyền mãi đến nay.
19. VỊNH BÁI TỬ LONG
Với những bờ cát trải dài, dòng nước mát lành, trong vắt, vịnh không chỉ cuốn hút du khách đến nghỉ ngơi, tắm mát mà còn được thỏa sức ngắm nhìn những tuyệt tác tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Đó là các đảo và cụm đảo nổi tiếng: Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, Thẻ Vàng, cụm đảo Hòn Chồng, Hòn Vân Đồn, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… và đặc biệt là đảo Khỉ (đảo Rều). Vịnh Bái Tử Long là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới…
20. BÃI BIỂN LĂNG CÔ
Lăng Cô là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới, là một phần trong chuỗi con đường di sản miền Trung từ Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố đô Huế đến Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn. Bãi tắm Lăng Cô dài khoảng 8 km, nằm dọc Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân. Ðây là một bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn, thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều với mức chênh lệch thấp, rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển. Biển Lăng Cô còn là nơi có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao …
21. LÀNG GỐM CỔ BÁT TRÀNG
Bát Tràng là làng gốm cổ truyền nổi tiếng nằm ở bờ Bắc sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tinh xảo, sắc nét với đủ kiểu đủ hình, không bị ngấm nước, không bị nhạt màu theo thời gian. Men Bát Tràng độc đáo, tinh tế với những bí quyết gia truyền làm nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm gốm sứ của làng. Không chỉ là một làng nghề cổ truyền nổi danh, Bát Tràng còn là một làng quê văn hiến với thuần phong mỹ tục riêng. Nơi đây có chùa, đình, đền và hương ước làng, hình thành nên một nếp sống văn hóa tự lâu đời.
22. KHU DU LỊCH TAM CỐC – BÍCH ĐỘNG
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm trên địa bàn xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội 100 km về phía Nam. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp được ví như Vịnh Hạ Long cạn hay Nam thiên đệ nhị động, được đánh giá là một trong 21 khu du lịch chuyên đề quốc gia. Thiên nhiên và lịch sử đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Ninh Hải một quần thể di tích, danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ với hệ thống động cạn và động xuyên thủy; những dáng núi mang hơi thở huyền thoại; những phong cảnh trữ tình và nên thơ, nét huyền bí của các Khu di tích lịch sử-văn hóa tâm linh…
23. THỊ TRẤN SA PA
Khó có thể lột tả hết được sức quyến rũ của Sapa – thị trấn bồng bềnh trong mây thuộc Lào Cai - tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc Tổ quốc. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa kết hợp với sự sáng tạo của con người cùng địa hình đồi núi, màu xanh của rừng tạo nên bức tranh hài hòa, với nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn. Đến Sa Pa, trong một ngày, du khách có thể cảm nhận được thời tiết của 4 mùa trong năm. Mùa xuân bắt đầu khi trời hửng sáng với những làn mưa bụi, mùa hè tới vào lúc giữa trưa với nắng vàng rực rỡ, chiều đến lại dịu dàng, e ấp như thiếu nữ trong tiết trời thu và mùa đông tràn về với cái rét ngọt khi màn đêm buông xuống.
24. BIỂN SẦM SƠN
Từ năm 1906, người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp quyến rũ của bãi biển Sầm Sơn và nhanh chóng khai thác tiềm năng này để biến nơi đây trở thành một điểm nghỉ mát nổi tiếng tại Đông Dương lúc bấy giờ. Nước biển trong xanh, dập dìu ôm ấp bờ cát trắng mịn màng, thấp thoáng trên bờ là những biệt thự cổ kính theo lối kiến trúc phương Tây. Không chỉ sở hữu bãi tắm đẹp, khu vực biển Sầm Sơn còn có nhiều di tích danh thắng độc đáo khác như: hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước… với những truyền thuyết lung linh, mang đầy màu sắc huyền thoại.
25. THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
Thành cổ Quảng Trị là một di tích lịch sử đặc biệt của đất nước, trong “miền hồi tưởng” ở Quảng Trị, cạnh những địa danh đã đi vào lịch sử: sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, Khe Sanh, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… Đây không chỉ là một công trình thành luỹ quân sự - hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị, được xây dựng vào năm 1824. Đây còn là nơi chứng kiến cuộc chiến đấu oanh liệt của quân Giải phóng Miền Nam và nhân dân Quảng Trị suốt 81 ngày đêm, làm nên khúc tráng ca bất hủ trong lịch sử dân tộc.
26. KHU DU LỊCH BÀ NÀ - SUỐI MƠ
Là nơi nghỉ mát có thể sánh ngang Đà Lạt, Sa Pa hay Tam Đảo ở miền Trung, Bà Nà được người Pháp phát hiện ra và đầu tư xây dựng nhiều biệt thự, khách sạn, sân thể thao từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đến đỉnh Bà Nà ở độ cao 1.478m so với mực nước biển, du khách có thể đi trên con đường dài 15km tựa con trăn khổng lồ đang trườn trên sườn núi hay bằng hệ thống cáp treo hiện đại sở hữu hai kỷ lục thế giới về độ dài và độ cao để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ. Từ đỉnh Bà Nà, du khách có thể thu về cả bức tranh non nước đẹp như gấm hoa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận.
27. THÁNH ĐỊA MỸ SƠN
Di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn nằm ở địa bàn xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, trong một thung lũng kín đáo được bao bọc bởi đồi núi xung quanh với đường kính chừng 2km. Đây là trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa xưa với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ VII đến XIII. Các nhóm đền tháp ở Mỹ Sơn dường như là nơi hội tụ những tinh hoa của tất cả các phong cách kiến trúc nghệ thuật của Vương quốc Chămpa như: phong cách Mỹ Sơn, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn (giữa thế kỷ X), Pô Nagar và cả phong cách Bình Định cùng với phong cách cuối vào thế kỷ 12-13.
28. QUẦN THỂ THÁP CHĂM BÌNH ĐỊNH
Quần thể các tháp Chăm ở Bình Định khá đa dạng và được lưu giữ gần như còn nguyên vẹn. Tháp Dương Long nhìn từ xa như những bông hoa không lồ đang bừng nở với đỉnh tháp là những bông sen có nhiều lớp cánh hoa. Tháp Bánh Ít là một trong những công trình đền tháp lớn nhất của Vương triều Chămpa. Tháp Cánh Tiên như một ngọn lửa khổng lồ lung linh nổi lên giữa thành Đồ Bàn. Tháp Đôi có cấu trúc đặc biệt với thân tháp vuông, tháp mái cong đều bằng nhau, không giống như các tháp Chăm truyền thống khác.
29. VỊNH CAM RANH
Với lợi thế vừa rộng, vừa sâu, bốn bề lại có núi đá vây quanh, vịnh Cam Ranh phẳng lặng, thuận tiện cho tàu vào tránh gió bão, đồng thời là một thắng cảnh tham quan tuyệt vời. Địa danh được bình chọn là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín 60km², độ sâu trung bình 18 - 20m nước. Dường như quanh năm suốt tháng ở Cam Ranh chỉ thấy có hai màu tương phản: màu trắng của cát và màu xanh của biển trời, núi non và cây cỏ. Vịnh còn có nhiều bãi tắm hoang sơ và thơ mộng bên những rặng dừa xanh cao vút, làm nên nét đặc trưng của miền duyên hải Trung Bộ.
30. MŨI NÉ - PHAN THIẾT
Mũi Né là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 22km theo hướng đông bắc. Nơi đây được mệnh danh là “thủ đô” của resort, “Phuket” tại Việt Nam. Nhắc đến Mũi Né là nhắc đến hình ảnh của những đồi cát hoang sơ - “đồi cát bay”, có một không hai tại Việt Nam với hình dáng luôn thay đổi theo thời gian. Đó còn là nơi có những bãi tắm đẹp với khí hậu quanh năm nắng ấm. Bên cạnh đó là một Múi Né thanh bình với những làng chài hiền hòa, với bóng người dân quang gánh đổ dài trên những triền cát nóng bỏng…
31. VƯỜN QUỐC GIA U MINH HẠ
Vườn Quốc gia U Minh Hạ được thành lập năm 2006 với diện tích khoảng 8.286ha. Thảm thực vật ở đây là hỗn hợp rừng tràm, trảng cỏ ngập nước theo mùa và đầm lầy trống. U Minh Hạ được mệnh danh là lá phổi xanh của Tây Nam bộ bởi màu xanh trù phú của những cánh rừng bạt ngàn, trải dài ngút tầm mắt. Hệ sinh thái trong Vườn quốc gia U Minh Hạ mang những nét đặc trưng rất điển hình của rừng ngập nước đồng bằng sông Cửu Long. U Minh Hạ hiện có khoảng trên 200 loài thực vật với các loài cây đặc trưng như: tràm, đước, sú, vẹt…; hơn 40 loài thú, trên 180 loài chim cùng nhiều loài bò sát, lưỡng cư và côn trùng khác.
32. MŨI CÀ MAU
Mũi Cà Mau là một địa danh ở tận cùng cực nam Tổ quốc. Ba mặt đất Mũi giáp biển, phía đất liền là những cánh rừng xanh bạt ngàn. Về với Đất Mũi, du khách sẽ được hòa mình trong không gian mênh mông của sông nước, của màu xanh bạt ngàn rừng mắm, rừng đước, rừng tràm và tận mắt nhìn thấy mảnh đất hình mũi tàu hàng năm lắng tụ phù sa, vươn mình lấn biển hàng trăm thước nước, như muốn kéo dài dải đất hình cong chữ S ra mãi. Để một lần, du khách được đến thăm cột mốc tọa độ quốc gia, tham quan khu mô phỏng làng rừng kháng chiến, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và bao điều thú vị khác.
33. HÀ TIÊN
Hà Tiên là một thị xã biên giới, được hình thành cách đây gần 300 năm. Lịch sử vùng đất này gắn liền với dòng họ Mạc (bắt đầu từ Mạc Cửu). Hà Tiên từ lâu đã vang danh khắp chốn với danh xưng thập cảnh, bởi nơi đây có nhiều cảnh đẹp cùng núi non, hang động, chùa chiền, lăng mộ và những hòn đảo gần xa. Thắng cảnh Đông Hồ phẳng lặng, nên thơ giữa bốn bề sông núi. Nhà thờ và lăng mộ dòng họ Mạc cổ kính dưới chân núi Bình Sơn. Mũi Nai có bãi Nô, bãi Bằng miên man sóng vỗ, có ngọn hải đăng được xây dựng từ thế kỷ XIX…
34. ĐẢO PHÚ QUỐC
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 36 đảo ở vịnh Thái Lan và cũng là hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Được mệnh danh là đảo ngọc, Phú Quốc từ lâu đã trở thành một thiên đường du lịch với biển xanh, cát trắng, nắng vàng thơ mộng. Những bãi tắm tuyệt đẹp như trải dài trước mắt du khách với những cái tên bãi Trường, bãi Khem, rạch Tràm, rạch Vẹm… 99 ngọn núi lớn nhỏ, hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, rừng cỏ tranh, rừng họ dầu… cùng các chủng loài động thực vật phong phú ở Vườn Quốc gia Phú Quốc đã khiến Phú Quốc trở thành một địa danh du lịch sinh thái hấp dẫn, nhiều điều kỳ thú và bí ẩn.
36. CỤM DI TÍCH NÚI SAM VÀ MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Từ thành phố Long Xuyên đi khoảng 60km về hướng Tây theo quốc lộ 91, có một ngọn núi hình dáng như con sam đang đeo bám trên cánh đồng, đó chính là núi Sam. Núi Sam hiện nay thuộc xã Vĩnh Tế, có diện tích khoảng 280ha và cao trên 240m. Tổng cộng có trên 20 đền miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và đỉnh núi. Nơi đây có miếu thờ Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân… Đặc biệt, miếu Bà Chúa Xứ nổi danh khắp vùng vì sự linh thiêng và lòng tin trong tín ngưỡng dân gian.
37. KHU DU LỊCH CỒN THỚI SƠN
Cù lao Thới Sơn như một hòn đảo giữa sông Tiền có diện tích 1.200ha, là điểm dừng chân lý tưởng với khung cảnh yên bình, êm ả, điệu vọng cổ miên man trong những đêm trăng thanh… Khách có thể ngồi thuyền chèo tay đi giữa hai bờ dừa nước đan xen với cây bần xanh mát hay tản bộ trên những con đường mòn nhỏ bên dưới những vườn cây ăn trái. Những ngôi nhà của người dân nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính với những hàng cột gỗ, những bộ bàn ghế, tủ thờ được khảm xà cừ sáng bóng…
38. CÔN ĐẢO
Côn Đảo bao gồm 16 đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích 75,15km2. Vẻ đẹp của Côn Đảo không chỉ ở những bờ biển kéo dài, những bãi tắm nên thơ, những bến cảng nước sâu, rừng nguyên sinh làm bến nghỉ cho những cánh chim di cư, thoảng trong gió là vị mặn của muối, mùi ngai ngái của rừng, sự mênh mông của trời nước… mà còn có những di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam. Đó là nhà tù Côn Đảo, nơi từng được mệnh danh “địa ngục trần gian”, là cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, nghĩa trang Hàng Dương… bi tráng.
39. KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA - DANH THẮNG NÚI BÀ ĐEN
Khu di tích lịch sử văn hóa – danh thắng núi Bà Đen là nơi có phong cảnh hữu tình, gắn liền với nhiều truyền thuyết về nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen) trung trinh, tiết liệt. Núi Bà Đen đứng sừng sững, cao nhất miền Đông Nam Bộ và được xem là biểu tượng cho mảnh đất, con người Tây Ninh. Không chỉ vậy, hệ thống chùa Điện Bà (Linh Sơn Thánh Mẫu) và chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) trên núi còn là nơi thờ cúng linh thiêng của nhân dân trong vùng. Nơi đây, có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự.
40. THUNG LŨNG TÌNH YÊU
Thung lũng Tình Yêu đẹp thơ mộng với đồi thông vi vu, với hoa lá, thảm cỏ quanh năm xanh mát, tỏa hương thơm dịu và với độ dốc, trũng của một lũng sâu. Vẻ đẹp của thung lũng được tôn lên nhờ có hồ Đa Thiện hiền hòa, tạo cảnh “lưu thủy” trữ tình, lãng mạn. Trên đỉnh cao nhất của Thung lũng Tình Yêu là đồi Vọng
Cảnh. Từ đây, du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh Thung lũng Tình yêu với cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc. Và không biết tự bao giờ, Thung lũng Tình Yêu đã trở thành nơi gặp gỡ, tự tình của bao đôi lứa.
41. HỒ HOÀN KIẾM
Được mệnh danh là “lẵng hoa giữa lòng thành phố Hà Nội”, hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) từ lâu đã trở thành một biểu tượng, một không gian văn hóa không thể bỏ qua đối với du khách khi về thăm thủ đô. Khu vực Bờ Hồ có các di tích văn hóa – lịch sử cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo như: đền Ngọc Sơn, Bưu điện Hà Nội, tượng đài vua Lê Thái Tổ, tháp Hòa Phong, tượng đài vua Lý Thái Tổ… Tên hồ gợi nhắc lại truyền thuyết “hoàn gươm” của vua Lê Thái Tổ, chứa đựng khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
42. VƯỜN CHIM BẠC LIÊU
Vườn chim Bạc Liêu là ngôi nhà chung của hàng trăm loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Bên cạnh đó, nhiều loài động thực vật khác cùng sinh sống ở mảnh đất này đã tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất cao. Vườn chim là thế giới của rừng với màu xanh bạt ngàn, của những âm thanh lảnh lót của các loài chim. Buổi sáng, Vườn rạo rực với thời khắc những đàn chim bay đi tìm mồi. Buổi chiều, Vườn ấm áp với những cánh chim tìm về tổ. Lúc đêm xuống, Vườn nhộn nhạo với âm thanh của những loài chim ăn đêm.
43. CỒN PHỤNG
Cồn Phụng (cồn Đạo Dừa) tọa lạc trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, rộng khoảng 52 ha. Du lịch Cồn Phụng gắn liền với những chuyến tham quan các làng nghề thủ công mỹ nghệ làm từ cây dừa và thăm các vườn cây ăn trái sum suê. Trên Cồn Phụng có khu di tích Đạo Dừa với diện tích khoảng 1.500 m2, bao gồm khoảng sân bày trí 9 con rồng và tòa tháp Hòa Bình. Kiến trúc của tòa tháp độc đáo với những mảng chạm hình rồng, phượng được ghép lại từ nhiều mảnh vỡ của bát dĩa, ấm chén. Khu tòa tháp còn là nơi trưng bày nhiều hiện vật, những bức ảnh của giáo chủ Đạo Dừa lúc sinh thời đến khi qua đời.
44. LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM
Đường Lâm là ngôi làng cổ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước công nhận Di tích văn hóa lịch sử quốc gia (5/2006). Nơi đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hình ảnh của ngôi làng cổ Bắc bộ thuở trước với cây đa, bến nước, sân đình, giếng nước… Làng cổ Đường Lâm còn bảo tồn được hàng trăm ngôi nhà cổ có tuổi thọ từ 100 – 200 tuổi. Trên “mảnh đất hai vua” này còn có nhiều di tích cấp quốc gia như đền thờ Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền (thôn Cam Lâm), chùa Mía (thôn Đông Sàng), đình thôn Đoài Giáp…
45. VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG
Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.200ha, nằm trên địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Cúc Phương từ lâu đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước về sự đa dạng chủng loài trong hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các giá trị văn hóa lịch sử cùng với bản sắc văn hóa dân tộc Mường - cư dân bản địa. Đó là sự đa dạng sinh học với nhiều chủng loại sinh vật, những thân cây già nua hàng ngàn, hàng trăm năm tuổi, những loài động thực vật đặc hữu...; những hang động thiên tạo tuyệt đẹp, là đặc trưng của địa hình Catxtơ; những di tích khai quật khảo cổ học về người tiền sử thuộc nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, cách ngày nay từ 12.500 đến 7.000 năm...
46. QUẦN THỂ DANH LAM THẮNG CẢNH NHỊ - TAM THANH - NÚI TÔ THỊ -THÀNH NHÀ MẠC
Quần thể di tích danh lam thắng cảnh Nhị - Tam Thanh - núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc trải rộng trong diện tích khoảng 52ha, được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962. Bốn nét đẹp riêng hòa quyện vào nhau tạo nên vẻ quyến rũ rất riêng xứng danh là “đệ nhất bát cảnh” xứ Lạng. Động Nhị Thanh mang vẻ kỳ thú của một hang đá tự nhiên với nhiều hòn đá có hình dáng kỳ vĩ. Động Chùa Tam Thanh mang vẻ đẹp của muôn trùng nhũ đá thiên tạo, của hồ Cảnh - hồ Âm Ty. Dãy núi Vọng Phu là nơi gắn với hình ảnh của nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá. Dưới chân núi là dấu tích của thành nhà Mạc, một di tích kiến trúc quân sự được tổ chức xây dựng bởi Mạc Kính Cung trong thế kỷ thứ XVII.
47. KHU DU LỊCH SINH THÁI NA HANG
Là vùng đất huyền bí với vẻ đẹp tựa nàng công chúa đang say giấc nồng ẩn mình giữa vùng núi đồi Tây Bắc, Khu du lịch sinh thái Na Hang trải rộng trên diện tích 15.000ha cùng 18.200ha vùng đệm. Nhắc đến Na Hang là nhắc đến một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, được phối bởi sắc xanh của cây cối đại ngàn, sắc trắng của những dòng thác tuôn trào, sự mạnh mẽ của đá núi, sự lỳ bí của các hang động hòa trong nét mềm mại của những dòng sông con suối tựa những dải lụa… Na Hang còn mang vẻ đẹp của 99 ngọn núi được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn” - nơi mà mỗi khung cảnh đều có một câu chuyện cổ rất thú vị.
48. RUỘNG BẬC THANG MÙ CANG CHẢI
Mù Cang Chải - huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái từ lâu đã trở thành một địa danh du lịch hấp dẫn. Đây chính là một “thiên đường” rực rỡ sắc xanh, sắc vàng trải rộng trên các thửa ruộng bậc thang, tập trung chủ yếu ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Những thửa ruộng bậc thang trải dài từ trên triền núi xuống tận chân đồi, lúc quanh co khúc khuỷu, lúc mềm mại chao nghiêng, tạo nên một vẻ đẹp đến mê hồn. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia (2007).
49. KHU DU LỊCH SUỐI MỠ
Khu du lịch Suối Mỡ được tạo thành bởi những con suối như dải lụa mềm buông mình từ trên cao xuống, hòa quyện cùng mây trời non nước, tạo nên cảnh sắc độc đáo, nổi tiếng tại xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Ngày cũng như đêm, tiếng nước ầm ào tung lên trắng xóa, vang vọng cả núi rừng. Hai bên bờ suối Mỡ có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Nơi đây thờ Bà chúa Thượng ngàn (công chúa Quế Mị Nương, đời vua Hùng thứ 16), người đã tạo ra dòng nước mát trong, giúp nhân dân qua cơn khô hạn, đồng ruộng tốt tươi, đất đai màu mỡ.
50. ĐIỆN BIÊN PHỦ
Quần thể di tích Điện Biên Phủ, thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi in dấu bao chiến tích lẫy lừng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954. Những dấu vết, minh chứng về cuộc kháng chiến khốc liệt nhưng hào hùng, vẫn còn đó: các trận địa pháo, xác máy bay của địch, những nghĩa trang trên đồi Him Lam, Độc Lập, đồi A1, cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Hiện trên đồi D1, bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ... Từ đài quan sát của chỉ huy ta đặt trên đỉnh núi Pú Huốt, du khách có thể nhìn toàn cảnh lòng chảo Mường Thanh.
51. DI TÍCH NHÀ TRẦN
Di tích nhà Trần là nơi lưu giữ những dấu tích xưa của triều đại nhà Trần vang danh lịch sử. Khu di tích nằm trên địa bàn phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định – quê hương của nhà Trần và là nơi sinh ra Trần Hưng Đạo. Nằm trong khuôn viên khu di tích là các đền: Thiên Trường, Cố Trạch, đền Trần… thờ 14 vị vua Trần và Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, nơi đây còn có chùa Phổ Minh (chùa Tháp) và tòa tháp cổ nổi tiếng. Cụm di tích nhà Trần là điểm tham quan lý thú cho những ai muốn tìm hiểu thêm về lịch sử nước Việt.
52. THỊ TRẤN TAM ĐẢO
Thị trấn Tam Đảo rộng hơn 300ha, nằm bình dị trong một thung lũng nhỏ, được bao bọc bởi dãy Tam Đảo hùng vĩ. Thị trấn được xây dựng đầu thế kỷ 20 bởi người Pháp. Đây là một khu du lịch mang vẻ đẹp huyền ảo của khói sương, mây gió, rải rác bên các sườn núi có nhiều ngôi biệt thự sang trọng từ thời Pháp. Khí hậu Tam Đảo thay đổi trong ngày theo thời tiết của bốn mùa: xuân (sáng), hạ (trưa), thu (chiều) và đông (tối). Đặc biệt, du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên qua Vườn Quốc gia Tam Đảo, nơi có nhiều loài động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
53. ĐỀN ĐÔ
Đền Đô được khởi dựng từ thế kỷ XI ở phía đông nam làng Đình Bảng, trên mảnh đất tương truyền là nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế tám đầu rồng chầu. Đền là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng được bảo tồn khá trọn vẹn, nơi thờ tám vị vua nhà Lý, nơi tưởng niệm và phụng thờ của toàn dân đối với các vị vua nhà Lý. Đền Đô rộng 31.250m2, gồm hơn 20 hạng mục công trình như: điện thờ, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà bia, nhà để kiệu thờ, cửa rồng... Các công trình đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo, tài nghệ.
54. CAO NGUYÊN XANH MỘC CHÂU
Từ Hà Nội đi khoảng 200km theo quốc lộ 6 sẽ tới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có cao nguyên Mộc Châu ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Đây là một cao nguyên rộng lớn với những đồng cỏ trải dài xanh ngắt. Khí hậu cao nguyên trong lành, mát mẻ. Cảnh vật thanh bình với những nông trại nuôi bò sữa, những đồi chè xanh thẫm. Mộc Châu còn có những điểm tham quan văn hóa, lịch sử hấp dẫn như: động Sơn Mộc Hương, rừng thông, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông và các bản văn hóa của người Mông, người Dao ở Vân Hồ…
55. DI TÍCH LAM KINH
Lam Kinh là vùng đất gắn liền với quê hương đất tổ nhà Hậu Lê, với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Khu Lam Kinh, phía Bắc dựa vào núi Dầu (Du sơn), mặt nam nhìn ra sông – có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Hiện tại, Khu di tích Lam Kinh vẫn còn lưu giữ những hạng mục công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo: cửu miếu (9 tòa Thái miếu); 5 khu lăng mộ của Vua và 1 lăng mộ của Hoàng Thái Hậu; bia Vĩnh Lăng sắc sảo từ chất liệu, hoa văn đến nội dung hàm súc triết lý sâu xa…
56. BIỂN CỬA LÒ
Biển Cửa Lò nằm ở nơi hai con sông cùng đổ ra biển: sông Cấm ở phía Bắc và sông Lam ở phía Nam, giữa quần thể du lịch - văn hóa của xứ Nghệ. Biển Cửa Lò êm dịu, hiền hòa có chiều dài khoảng 10km, bờ cát trắng mịn, nước trong vắt, với ba bãi tắm nhỏ: Lan Châu, Xuân Hương và Song Ngư. Chạy dọc theo bờ biển là những khu lâm viên rộng với những rặng phi lao, dừa chắn gió, cát. Đến Cửa Lò, du khách không chỉ được tắm biển mà còn được thưởng thức món ngon được chế biến từ nguồn hải sản phong phú ở đây, đặc biệt là món mực nhảy nổi tiếng.
57. NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc có diện tích 50ha, nằm trong thung lũng tam giác, giao điểm giữa quốc lộ 15 và tỉnh lộ 2, thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc được xem là tuyến đường chiến lược, cổ họng trên con đường hành trình từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cũng chính vì ở vị trí chiến lược, ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu sự bắn phá ác liệt từ phía Mỹ - Ngụy, trung bình 1m2 đất hứng chịu ba quả bom. Hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc luôn gắn liền với huyền thoại bất tử về mười nữ thanh niên xung phong anh hùng.
58. CHÙA THIÊN MỤ
Chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) được chính thức khởi lập từ năm 1601, nằm trên đồi Hà Khê, soi bóng xuống dòng sông Hương, cách trung tâm cố đô khoảng 5 km về phía Tây. Đây là ngôi chùa nổi tiếng, đặc biệt là tháp Phước Duyên 7 tầng cao 21m được xây dựng vào năm 1844, theo hình bát giác, mỗi tầng thờ một Đức Như Lai, tầng trên cùng thờ Đức Thế Tôn. Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật quí giá cả về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật. Trong đó có chiếc ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.
59. DANH THẮNG NGŨ HÀNH SƠN
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía Đông, Ngũ Hành Sơn - Non Nước nằm bên bờ biển Đông và dòng Trường Giang. Năm ngọn núi như năm ngón tay, sừng sững vươn lên giữa mây trời xanh biếc có tên gọi là hòn Non Nước hay Ngũ Hành Sơn. Đứng trên Vọng Hải Đài, du khách có thể trải tầm mắt ngắm biển khơi bao la hay qua Vọng Giang Đài để đắm mình trước dáng vẻ thơ mộng, trữ tình của dòng Trường Giang. Ngũ Hành Sơn cũng là nơi có nhiều di tích giàu giá trị văn hóa lịch sử như: mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan, bút tích sắc phong quốc tự của triều Nguyễn còn lưu giữ tại chùa Tam Thai...
60. BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG HỌC
Bảo tàng Hải dương học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Bảo tàng hiện có trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong các bể kính. Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá, thu hút đông đảo khách du lịch tham quan mỗi năm.
61.ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
Địa đạo Vịnh Mốc nằm ở thôn Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ở đây có tới trên 60 địa đạo lớn nhỏ, trong đó, địa đạo Vịnh Mốc là làng hầm vững chắc nhất. Toàn bộ địa đạo được đào trong lòng quả đồi đất đỏ có độ cao chừng 30m, rộng 7ha, bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính, 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo. Địa đạo gồm 3 tầng, có bậc thang lên xuống lượn xoắn ốc. Trong đường hầm có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), bếp Hoàng Cầm, trạm phẫu thuật… và đặc biệt là có nhà hộ sinh, nơi ra đời của 17 đứa trẻ suốt trong hai năm 1967-1968.
62. BÁN ĐẢO SƠN TRÀ
Dù ở bất cứ đâu trên mảnh đất Đà Nẵng, du khách đều có thể nhìn thấy bán đảo Sơn Trà, với độ cao 693 m so với mực nước biển. Bán đảo Sơn Trà là nơi có nhiều bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng trải dài hàng chục km dọc theo con đường ven biển vòng quanh bán đảo. Nơi đây còn có những bãi san hô đầy màu sắc, là nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch lặn. Từ trên đỉnh bán đảo Sơn Trà, du khách có thể nhìn thấy vũng Tiên Sa (Vũng Thùng, Vũng Hàn, vịnh Ðà Nẵng) – một vịnh biển khá đẹp và hoang sơ.
63. LĂNG TỰ ĐỨC
Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng), là công trình được cho là đẹp và lãng mạn nhất Kinh thành Huế, tọa lạc trong một thung lũng ở thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Bao gồm 50 công trình kiến trúc đều bắt đầu bằng chữ “khiêm”, Lăng Tự Đức là sự kết hợp hài hòa với cảnh trí thiên nhiên, tạo thành một công viên thơ mộng phù hợp với chất thơ của nhà vua nổi tiếng thi sĩ này. Khiêm lăng còn là nơi đặt bài văn gồm 4.935 chữ, khắc trên bia đá nặng 20 tấn có tên “Khiêm Cung Ký”, do chính Vua Tự Đức viết về cuộc đời, vương nghiệp, kể công và nhận tội của Ông trước lịch sử.
64. CÙ LAO CHÀM
Khu dữ trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, nằm cách trung tâm thành phố Hội An khoảng 20km về phía Đông. Đây là cụm đảo có diện tích 15km2, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ nằm san sát: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Tai… Được ví như một viên ngọc xanh ẩn mình trong nắng gió của biển khơi, Cù Lao Chàm là nơi có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử như: chùa Hải Tạng, giếng nước cổ, lăng Ông, miếu Bà, miếu tổ nghề yến...
65. BẢO TÀNG QUANG TRUNG
Bảo tàng được xây dựng năm 1978 và khánh thành năm 1979 với chín phòng trưng bày các di chỉ, hiện vật của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Trong khuôn viên rộng 9ha, bảo tàng có tượng đài, cầu cảnh, nhà khách... Đặc biệt, bên phải nhà bảo tàng có điện thờ ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và cây me, giếng nước - những dấu tích còn in đậm kỷ niệm gia đình người anh hùng dân tộc. Xung quanh bảo tàng là các di tích gắn liền với nhà Nguyễn Tây Sơn: dấu tích dinh lũy, quán lương, bãi tập của nghĩa quân Tây Sơn ở núi Ông Bình, hòn Ấm, hòn Kiến, Tây Sơn thượng đạo...
66. THẮNG CẢNH HẦM HÔ
Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần 3km. Hai bên bờ là những khối đá trập trùng, nối nhau tạo dáng rất sinh động. Dưới lòng sông, những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng. Vào mùa nước cạn, ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên
muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình dưới làn nước trong xanh. Mùa mưa, cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Ðá Hàng để sinh đẻ. Tại đây, mùa cá vượt thành đàn, vì vậy mà thác Hầm Hô còn gọi là thác Cá Bay hay thác Vũ Môn.
67. THẮNG CẢNH DU LỊCH VÂN PHONG - ĐẠI LÃNH
Có thể nói, khu vực Vân Phong - Đại Lãnh là một trong những khu du lịch sinh thái biển đẹp nhất nước. Vịnh Vân Phong có địa hình rất phong phú, gồm hệ thống các đảo, bán đảo, vịnh sâu kín gió, bờ và bãi biển đẹp và cũng là nơi có hệ sinh thái đa dạng, từ rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn đến động thực vật biển nông ven bờ. Nằm cách vịnh Vân Phong không xa là biển Đại Lãnh, một vùng biển mang vẻ đẹp hoang sơ, nơi có nhiều nguồn suối từ núi đổ xuống quanh năm.
68. THÁP BÀ PONAGAR
Ponagar hay Tháp Bà Nha Trang là ngôi đền nằm trên đỉnh ngọn đồi Cù Lao, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Đây là quần thể kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Chămpa cổ, được xây dựng từ thế kỷ VIII đến XIII. Khu đền tháp còn bảo tồn 4 ngôi tháp cao sừng sững vươn lên bầu trời với những kiểu dáng khác nhau trông rất bề thế, độc đáo. Đặc biệt, trên những đỉnh tháp và tường tháp có nhiều tượng thần, linh vật bằng đá sa thạch và gạch nung như: tượng những tu sĩ cầu nguyện, các hoa văn trang trí, tượng thần Indra cưỡi voi, thần Kala, thần điểu Garuda… thể hiện trình độ nghệ thuật điêu khắc tài hoa của nghệ nhân Chămpa cổ.
69. BIỂN HỒ TƠ NUENG (BIỂN HỒ)
Được ví như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, Biển Hồ chính là “đôi mắt” trong veo của phố núi Pleiku. Được thiên tạo theo hình bầu dục, Biển Hồ có diện tích khoảng 230ha, xung quanh núi bao bọc và rừng thông xanh mát quanh năm. Có rất nhiều truyền thuyết và huyền thoại bảng lảng xung quanh vùng hồ. Nhưng chính sự rộng lớn mênh mông của vùng hồ tựa như biển khơi nên người dân địa phương gọi là T’Nưng (biển trên núi) – Biển Hồ. Và thách thức với thời gian, không gian, sự khắc nghiệt của thời tiết, nước Biển Hồ từ trước đến nay chưa bao giờ cạn.
70. CHỢ BẾN THÀNH
Chợ Bến Thành nằm ngay trung tâm Sài Gòn. Xưa kia, trước mặt chợ là dòng sông Bến Nghé với ghe thuyền vào ra thành buôn bán tấp nập nên chợ có tên gọi là Bến Thành. Hiện nay, chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn, nơi trao đổi đầy đủ các loại hàng hóa của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chợ thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm. Khu cửa phía Nam của chợ Bến Thành trong nhiều trường hợp được xem là biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh.
71. HỒ THÁC BÀ
Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có diện tích 23.400ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ khác nhau. Cảnh quan hồ được ví như “Hạ Long trên núi” với vẻ đẹp làm say lòng người. Núi non bốn bề hùng vĩ, soi bóng xuống mặt hồ trong xanh, thanh bình. Hệ thống các hang động ẩn mình trên núi đá vôi, nơi có những tượng đá tự nhiên, mang hình thù kỳ lạ được hình thành từ những nhũ đá. Đây còn là nơi có công trình thủy điện đầu tiên của nước ta: Thác Bà, xây dựng từ 1961 – 1971.
72. KHU DU LỊCH SUỐI NƯỚC KHOÁNG KIM BÔI
Suối khoáng Kim Bôi được coi là nguồn vàng trắng của huyện Kim Bôi. Nguồn nước ở đây phun lên luôn luôn ở nhiệt độ 36°C, khi lộ thiên, nước có nhiệt độ 34-36ºC. Nguồn nước khoáng Kim Bôi có đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, ngâm mình chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp… Từ khu du lịch nước khoáng Kim Bôi đi về phía dốc Cun khoảng 1km, du khách sẽ gặp dòng suối Mớ Đá róc rách bên những nương lúa và đồi núi xanh ngút ngàn tầm mắt. Xa hơn một chút là khu di tích mộ cổ Đống Thếch thuộc xã Vĩnh Đồng, nơi lưu giữ hàng trăm ngôi mộ cổ của các dòng họ Đinh Công, dân tộc Mường…
73. KHU LƯU NIỆM ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du được xây dựng năm 1825, tại quê hương ông – làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đây là một tổ hợp gồm nhiều di tích liên quan đến cuộc đời Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, gồm: đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ, cầu tiên, khu lưu niệm, đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, khu mộ đại thi hào Nguyễn Du và bảo tàng Nguyễn Du. Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích đặc biệt của quốc gia.
74. CHỢ ĐÔNG BA
Có lẽ, không có ngôi chợ nào như chợ Đông Ba. Ở đó, các bà, các chị thanh lịch trong tà áo dài thướt tha mang đậm chất Huế trong những ngày tết truyền thống, những ngày lễ lớn của dân tộc, giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào mời chào khách mua hàng. Chợ Đông Ba đã trở thành một hình ảnh biểu trưng, gợi nhắc về xứ Huế mộng mơ, giàu truyền thống văn hóa. Du khách dạo chợ Đông Ba, không chỉ để mua sắm hàng hóa, những đặc sản của Huế mà còn để sống trong không gian văn hóa mang đậm chất Huế, với những con người Huế, lời ăn tiếng nói và những cách ứng xử, mua bán rất đặc trưng.
75. THÁP PÔ KLONGARAI
Di tích tháp Pô Klongarai là quần thể tháp Chăm độc đáo, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Tháp gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau, nhưng hiện nay còn lại ba ngôi tháp xây bằng gạch Chăm: tháp cổng, tháp lửa và tháp chính là nơi thờ thần Pô Klongarai. Bố cục và cấu trúc của mỗi tháp là cả một công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được chạm khắc trang trí bằng các họa tiết gốm, đá với đủ loại người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần… Đây là nơi diễn ra các lễ hội như: Lễ Katê, lễ Cha Bun, lễ Yuôn Yang... của đồng bào Chăm.
76. KHU DU LỊCH BUÔN ĐÔN
Buôn Đôn là vùng đất từ lâu đã nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, nơi lưu truyền nhiều huyền thoại về “vua săn bắt voi” N' Thu K' Nul. Đến Buôn Đôn, du khách không chỉ được cưỡi voi thăm làng bản mà còn có dịp ghé thăm mộ và ngôi nhà gỗ của “vua săn bắt voi” thủa trước. Bên cạnh đó, Buôn Đôn còn là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, lôi cuốn với những chuyến đi khám phá bằng thuyền độc mộc xuôi dòng Sêrêpôk, cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk, du ngoạn ở thác Bảy Nhánh hay tìm hiểu không gian văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc ở Tây Nguyên.
77. VƯỜN HOA ĐÀ LẠT
Nằm cạnh khu vực hồ Xuân Hương, bên đồi Cù thơ mộng, vườn hoa Đà Lạt là nơi quy tụ hơn 300 loài hoa quý khoe sắc và tỏa hương. Tại vườn hoa Đà Lạt, du khách có thể tìm thấy những loài hoa phổ biến ở Đà Lạt như Cẩm tú cầu, hồng, hồng ri, xác pháo, mimosa… cho đến những giống hoa mới được du nhập về trong mười năm gần đây như cúc, đồng tiền, đỗ quyên, trà mi… Đặc biệt, nơi đây có một vườn địa lan, phong lan khá lớn và thuộc loại đẹp nhất ở Đà Lạt. Vườn hoa Đà Lạt còn là nơi diễn ra Hội hoa xuân hằng năm của “thành phố ngàn hoa”.
78. DINH THỐNG NHẤT
Dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập) là một trong những di tích quan trọng, chứa đựng cả một quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc ta. Hơn một trăm năm tồn tại, dinh thự này đã gắn liền với từng biến cố lịch sử Việt Nam, từ dinh Norodom đến dinh Thủ Tướng, dinh Độc Lập, Hội Trường Thống Nhất và dinh Thống Nhất hiện nay. Bên cạnh ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, dinh cũng là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Toàn bộ kiến trúc và bài trí dinh thự toát lên ý nghĩa văn hóa, tượng trưng cho triết thuyết cổ truyền, nghi lễ phương Đông và tính cách của dân tộc.
79. ĐỊA ĐẠO CỦ CHI
Địa đạo Củ Chi được biết đến như là quê hương của “chiến tranh địa đạo” và được mệnh danh là “Đất thép Thành đồng”. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, với hệ thống đường hầm dọc ngang nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách, liên kết nhau thành một khu chằng chịt, chia thành nhiều phòng ban cụ thể với chiều dài hơn 200km, có thể chịu sức ép bom 500kg và xe cơ giới của địch. Di tích Địa đạo Củ Chi bao gồm hai bộ phận chính là: Địa đạo Bến Dược - Căn cứ Khu ủy & Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Địa đạo Bến Đình - Căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi.
80. BÃI SAU VŨNG TÀU
Bãi Sau hay còn gọi là bãi Thùy Vân, một trong những điểm đến hấp dẫn khi du khách về với phố biển Vũng Tàu. Vẫn những con sóng ngày đêm rì rào tình khúc biển, vẫn mặt nước trong xanh như ngọc, vẫn nàng gió phiêu bồng lãng du, vẫn cái nắng vàng ươm rực rỡ… tất cả hòa vào nhau để Bãi Sau mang đến cho d
u khách những dư vị thật ngọt ngào của biển khơi mênh mông. Bãi Sau được đánh giá là một trong những bãi biển du lịch đẹp và lớn nhất của Việt Nam. Không chỉ là nơi tắm biển lý tưởng mà bãi cát dài rộng tại đây còn là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi quốc tế như thả diều, đá bóng, bóng chuyền bãi biển…
81. ĐẢO CÁT BÀ
Với diện tích hơn 200km2, quần đảo Cát Bà là nơi “rừng vàng biển bạc” với rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, san hô, thảm rong và nhiều hang động kỳ vĩ. Vườn Quốc gia Cát Bà với tổng diện tích bảo vệ hơn 15.000ha, trong đó 9.800ha rừng, 5.400ha biển; được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hệ động thực vật tại rừng rất phong phú với 32 loài thú, 69 loài chim và nhiều loài bò sát, lưỡng cư. Tiêu biểu nhất là loài voọc Cát Bà - biểu tượng của Vườn Quốc gia Cát Bà. Hệ thực vật rừng với hơn 600 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Vẻ đẹp của đảo Cát Bà còn ở những bãi cát nhỏ, trắng mịn màng; những hang động xen lẫn trong hệ thống núi đá vôi…
82. VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ
Ba Vì là một vùng đất cổ, là cái nôi của người Việt từ xưa. Ở đây có vườn Quốc gia Ba Vì cùng ngọn Tản Viên hùng vĩ, là nơi phát tích của truyền thuyết Sơn Tinh - vị thần núi Tản, một trong những tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nơi đây có di tích lịch sử đền Thượng, có đền thờ Bác Hồ tại đỉnh Vua cao 129m… Vườn Quốc gia Ba Vì mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và lôi cuốn với màu xanh ngát của núi rừng, cùng những dòng suối nhỏ trong vắt chảy nganh lối đi qua thảm động thực vật phong phú. Vườn ôm trọn 3 đỉnh núi: đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa – ba đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Ba Vì.
83. BIỂN ĐỒ SƠN
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 22km, biển Đồ Sơn hiện ra thơ mộng sau dãy núi sừng sững khoác trên mình màu xanh của cây cối chạy dài ra biển. Ngày trước, Đồ Sơn là điểm nghỉ mát lý tưởng của các quan chức Pháp và giới thượng lưu người Việt. Bằng chứng là họ đã xây dựng tại đây nhiều biệt thự, nhà nghỉ, trong đó khu 2 từng là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại. Ngày nay, Đồ Sơn với vẻ đẹp của những bãi cát mịn màng, của biển trời bao la, những con sóng bạc đầu, những công trình kiến trúc cổ kính, là điểm đến, nghỉ dưỡng được nhiều du khách gần xa lựa chọn.
84. HỒ SÔNG ĐÀ
Hồ sông Đà là một thắng cảnh đẹp nằm giữa núi rừng Hòa Bình, nơi có nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam. Lòng hồ mênh mông, rộng lớn với cảnh thiên nhiên thơ mộng, có đủ vịnh, đảo và bán đảo với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Xen kẽ giữa những mảng xanh thiên nhiên là các bản Mường, bản Dao, bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Xung quanh hồ sông Đà còn có các di tích lịch sử văn hóa như: đền Bà Chúa Thác Bờ, đền Cậu…
85. THUNG LŨNG MAI CHÂU
Thung lũng Mai Châu nằm e ấp dưới đèo Thung Chuối, cách thị xã Hòa Bình 60km. Từ trên cao nhìn xuống, cả thung lũng trải rộng với màu xanh mượt mà của cây lá, những cánh đồng lúa nối liền nhau tạo thành những ô vuông trải dài, xen lẫn những nếp nhà sàn nhỏ xinh. Nơi đây có bản Lác, bản Mường, Pom Coọng với hình thức du lịch cộng đồng khá hấp dẫn. Du khách được ở trong những ngôi nhà sàn của chính người dân bản địa, thưởng thức đặc sản của núi rừng Tây Bắc và tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người Thái, người Mường nơi đây.
86. CHỢ NỔI CÁI RĂNG
Chợ nổi Cái Răng là một trong những ngôi chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng, đồng thời còn nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Sáng sáng, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền những sản phẩm được bày bán vẫn thu hút được các bạn hàng ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
87. KHU DU LỊCH NÚI CẤM
Núi Cấm (núi Ông Cấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn) là ngọn núi cao nhất, đẹp nhất, trong dãy Thất Sơn ở miền Tây Nam Bộ, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Núi Cấm có dánh vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh tươi đẹp và cây cối luôn xanh mát tầm mắt. Trên núi có chùa Phật Lớn, miếu Sơn Thần, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí với khung cảnh đẹp như tranh: dòng thác đổ từ trên cao xuống, các tảng đá xếp chồng lên nhau, tiếng thác vang vọng trong gió núi, những khối thạch nhũ lâu năm ở động Thủy Liêm khơi gợi trí tưởng tượng của người xem…
88. KHU DU LỊCH BIỂN LONG HẢI
Là một thị trấn thuộc huyện Long Đất – Bà Rịa Vũng Tàu, Long Hải đang là điểm đến hấp dẫn du khách ở khắp mọi miền đất nước. Long Hải từng được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng biển cao cấp. Nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều công trình kiến trúc cổ, khu biệt thự rêu phong. Bãi biển Long Hải chạy dọc theo chân dãy núi Châu Long và Châu Viên, là nơi có những bờ cát trắng mịn, sóng hiền hòa và làn nước trong xanh. Đây còn là nơi có rừng hoa Anh đào đẹp rực rỡ trong mùa hoa khoe sắc cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử khác.
89. KHU DU LỊCH SINH THÁI CẦN GIỜ
Khu du lịch sinh thái Cần Giờ hiện nay đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Rừng Sác thuộc khu du lịch là nơi có hệ thực vật phong phú, những động vật thủy sinh không xương sống, khu hệ cá…, trong đó có rất nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây còn có chiến khu rừng Sác - nơi trước kia từng là địa bàn chiến đấu của các chiến sỹ đặc công dũng cảm. Đảo khỉ mang đến cảm giác thú vị với cảnh sinh hoạt của những chú khỉ thông minh, lém lỉnh. Cách đó không xa là biển Cần Giờ trong xanh, mát dịu.
90. CỤM THÁC ĐRAY SÁP - GIA LONG - TRINH NỮ
Cụm thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ là cụm danh thắng nổi tiếng của tỉnh Đăk Nông. Cả ba thác đều có cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Thác Đray Sáp, theo tiếng Êđê có nghĩa là “thác khói”, bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màu sương khói. Thác Gia Long nằm cách thác Dray Sap chừng 3km, nơi có cả hồ, thác và rừng xanh bao bọc với khung cảnh thơ mộng, dịu mát. Thác Trinh Nữ với vẻ đẹp hoang sơ, mang theo câu chuyện buồn về một nàng thiếu nữ…
91. BÃI BIỂN SA HUỲNH
Qua bao năm tháng, bãi biển Sa Huỳnh vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ tự thuở nào. Biển Sa Huỳnh đẹp ở bờ cát trắng mịn chạy dài hàng cây số, ở làn nước trong xanh, ở những con sóng hiền hòa. Bên cạnh đó là vẻ đẹp hùng vĩ của quần thể hang động, ghềnh đá đến từ dãy Trường Sơn vươn ra sát biển. Cảnh thiên nhiên hiền hòa được điểm tô thêm bởi sắc trắng tinh khôi ở những ruộng muối của vựa muối lớn ở miền Trung. Đến Sa Huỳnh, du khách còn có dịp tìm hiểu về một nền văn hóa được khai quật, tìm thấy tại chính nơi đây: văn hóa Sa Huỳnh.
92. VŨNG RÔ VÀ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BẮC ĐÈO CẢ
Vũng Rô là một thắng cảnh đẹp của đất Phú Yên, nơi có 12 bãi tắm nhỏ: Bãi Lách, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng… với phong cảnh sơn thủy hữu tình, quyến rũ. Ngoài tắm biển, ngoạn cảnh, du khách có thể tham quan trạm hải đăng Mũi Điện và bãi Môn xinh đẹp, nơi đón ánh bình minh sớm nhất nước Việt Nam. Tiếp đó, du khách đến thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Đèo Cả ở ngay kề bên. Đây là một khu rừng cấm với hệ thống động, thực vật đa dạng, gồm 191 loài thực vật, 22 loài thú, 55 loài chim.
93. VỊNH VĨNH HY
Với vẻ đẹp lý tưởng của thiên nhiên hoang sơ hòa quyện giữ núi và biển, vịnh Vĩnh Hy được coi là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam. Vịnh được bao bọc bởi những ngọn núi, hang động cùng những khu rừng già bạt ngàn. Mặt nước trong lòng vịnh xanh màu ngọc bích, ôm lấy những bãi cát trắng phau, lấp lánh phơi mình giữa núi và biển. Kề bên Vũng Rô là khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Đèo Cả. Với diện tích hơn 8.700ha, đây là nơi có hệ động, thực vật khá phong phú, đa dạng bao gồm 191 loài thực vật, 22 loài thú, 55 loài chim.
94. QUẦN THỂ THÁP CHĂM PÔ SAH INƯ
Quần thể tháp Chăm Pô Sha Inư được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII, theo phong cách kiến trúc Hòa Lai. Tháp Chăm Pô Sah Inư không đồ sộ mà có kích thước vừa phải. Các họa tiết trên bề mặt tháp được chắt lọc khá tinh tế, mang đậm dấu ấn một thời thịnh vượng của Vương quốc Chăm Pa, tạo nên vẻ đẹp uy nghiêm và huyền bí. Bên trong tháp thờ thần Shiva – vị thần được người Chăm rất mực tôn sung. Cạnh bên tháp là hệ thống đền đài cổ, được xây dựng vào thế kỷ XV, thờ công chúa Chăm Pô Sah Inư.
95. NÚI LANGBIAN - XÃ LÁT
Địa danh du lịch núi Langbian – xã Lát nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km. Núi Langbian cao 2.163m, còn có tên là núi Lâm Viên, là nơi thích hợp cho kiểu du lịch dã ngoại, cắm trại qua đêm… và cùng leo núi, chinh phục đỉnh Lang Bian bằng dù lượn. Dưới chân núi Langbian huyền thoại là nơi có các bản làng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, cùng làm nên địa danh xã Lát – một địa chỉ du lịch văn hóa đã có thương hiệu của Đà Lạt.
96. KHU DU LỊCH SINH THÁI THÁC GIANG ĐIỀN
Dòng thác Giang Điền bắt nguồn từ Cẩm Mỹ, Long Thành, Đồng Nai. Đây là một thác nước nguyên vẹn, tự nhiên, giữa một vùng phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ. Những con đường lát đá mang dáng dấp của đấu trường La Mã, những kỳ hoa dị thảo khắp mọi miền đất nước đã được hội tụ về đây đua nhau khoe sắc. Biến vùng đất hoang vắng mưa lầy nắng bụi ngày xưa thành một khu du dịch sinh thái an lành màu mỡ và sống động. Với cảnh quan, cây xanh bóng mát, cỏ hoa đua nhau khoe sắc và khí hậu dịu mát trong lành, Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền được ví như Đà Lạt của Miền Đông.
97. VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN
Vườn Quốc Gia Cát Tiên có khung cảnh thiên nhiên vô cùng đa dạng: đồi, bãi ven sông, các trảng cỏ rộng lớn bằng phẳng và cả những dòng chảy dốc. Nơi đây còn sở hữu nhiều dạng sinh cảnh như rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp, đất ngập nước ngọt và trảng cỏ ngập nước theo mùa, rừng ngập lụt và các kiểu sinh cảnh thứ sinh… Đáng chú ý là khu rừng già vẫn còn nguyên vẹn, nơi quy tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Hệ thực vật với hơn 1.300 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây dược liệu, 133 loài hoa phong lan... Động vật có 62 loài thú, 121 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm.
98. KHU DU LỊCH SINH THÁI SUỐI NƯỚC NÓNG BÌNH CHÂU - HỒ CỐC
Ẩn mình trong khu rừng tràm bát ngát xanh tươi, Khu du lịch sinh thái Suối nước nóng Bình Châu- Hồ Cốc là nơi có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹ, đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Dòng suối khoáng nóng với hơn 70 điểm phun lộ thiên luôn tỏa nhiệt và bốc hơi, nhiệt độ từ 37ºC - 82ºC. Mạch nước ẩn hiện dưới rừng tràm thơm đặc hữu này có chứa silic, hàm lượng nitơ cao, thêm lưu huỳnh, natri, clo... có tác dụng chữa trị nhiều loại bệnh. Cạnh đó là biển Hồ Cốc. Bãi biển trải dài trong màu trắng tinh khôi của cát, màu xanh ngọc bích của biển và những đợt sóng lao xao vỗ bờ.
99. VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc địa phận năm xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông với diện tích hơn 7.500ha. Đây được xem như một Ðồng Tháp Mười thu nhỏ với đặc trưng là hệ sinh vật phong phú, đa dạng của vùng đất ngập nước. Có hàng trăm loài thực vật, gần 200 loài chim nước và nhiều loài chim quý hiếm cư trú tại đây như: ngan cánh trắng, sếu cổ trụi, bồ nông, vịt trời… Đặc biệt là sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi, chim hạc), loài chim có chiều cao trên 1,7m, bộ lông xám mượt, cổ cao, đầu đỏ và đôi cánh rộng di trú đến Tràm Chim vào khoảng cuối tháng 12 đến đầu tháng 6 trong năm mỗi năm.
100. SÂN CHIM VÀM HỒ
Thảm thực vật ở sân chim Vàm Hồ là sự kết hợp giữa rừng ngập nước và rừng nhiệt đới, với diện tích hơn 40ha. Đó là nơi cư trú lý tưởng của hàng ngàn cánh chim trời di trú đến đây từ năm 1986. Khoảng 4-5 giờ chiều, khi bóng tà bắt đầu đổ xuống dòng sông Ba Lai cũng là lúc hàng ngàn cánh chim theo đàn kiếm ăn trở về. Từ xa xa, bóng của chúng hiện ra như những chấm trắng di động nhỏ li ti, càng rõ dần và rồi sà xuống trắng xóa cả một đám rừng. Tiếng cò quàng quạc, tiếng vạc gọi bầy đi ăn đêm, tiếng bìm bịp gọi con nước lên, tiếng chim vịt kêu chiều… đã trở thành những thanh âm quyến rũ, mời gọi du khách về với thiên nhiên kỳ thú ở Vàm Hồ.