Những ngôi chùa "xin con” nổi tiếng linh thiêng nhất Việt Nam
- Thứ ba - 02/08/2016 16:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chùa Hương – Hà Nội
Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng khắp cả nước nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947. Năm 1988 chùa Hương được phục dựng lại bởi Thượng Tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.
Từ xa xưa, chùa Hương đã được mọi người ca ngợi là ngôi chùa "xin con" rất linh ứng. Trong chùa có một hang đá, thạch nhũ mọc lổm chổm hai bên, tục gọi là núi Cô, núi Cậu. Nếu đôi vợ chồng nào muốn xin đẻ con trai thì làm lễ khấn ở núi Cậu, núi Cô dành cho những gia đình muốn sinh con gái.
Đền Sinh- Hải Dương
Đền Sinh tọa lạc ở trên sườn núi Ngũ Nhạc thuộc xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, Hải Dương. Ngôi đền này cũng có lịch sử hình thành lâu đời từ thế kỷ thứ 6.
Ngay trong gian hậu cung của đền Sinh có một phiến đá to được cho là mang hình của người phụ nữ đang lâm bồn, người dân cung kính gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Vì hình dạng phiến đá khá “tế nhị” nên những năm gần đây, nó được xây nhà bao quanh và che chắn cẩn thận, ít ai được trực tiếp mục sở thị. Nhưng hàng ngày, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết vẫn có rất đông du khách kéo đến đây, và chủ yếu với mục đích “cầu con”, bởi ngôi đền từ lâu được cho là rất linh thiêng trong “ban con” cho những người hiếm muộn.
Chùa Đô Mỹ- Thanh Hóa
Chùa Đô Mỹ được xây dựng ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vào thời Khải Định (theo lời thầy Thích Đàm Hưng, trụ trì chùa). Ngôi chùa này được nhiều người dân ví von rằng, chỉ cần đến chùa thành tâm cầu nguyện thì sẽ “cầu được ước thấy”.
Có rất nhiều điều kỳ bí xoay quanh ngôi Đô Mỹ mà người dân xung quanh vùng không thể lý giải được. Chỉ biết rằng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn về đường con cái đến hành lễ, ăn chay niệm Phật sinh được con, đến những đồ vật trong chùa bị mất cắp nhưng sau đó đều được hoàn trả lại vị trí cũ…
Chùa Từ Quang- TP. Hồ Chí Minh
Chùa Từ Quang nằm ven quốc lộ 1 đoạn đi qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Vào dịp đầu năm, Chùa Từ Quang phải đón tiếp hàng nghìn lượt khách một ngày, họ đều là những người dân tứ xứ ở nhiều vùng miền như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang... Những người đến chùa cầu tự đa phần đều là những bà mẹ hiếm muộn đã qua chạy chữa nhưng mãi không thành, họ đến đây dâng hương và cầu khấn, mong thần linh phù hộ sẽ sớm có cơ hội thụ thai.
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, trụ trì chùa Từ Quang cho biết từ năm 2000, chùa bắt đầu thờ hương linh trẻ con vô danh. Trước đây, ngày thường có vài người đến cầu siêu, thắp hương nhưng không hiểu sao gần đây Phật tử đến nhiều. Vào ngày rằm lên đến vài ngàn người, đứng kín cả sân.
Chùa Ngọc Hoàng (Phước Tự) – TP. Hồ Chí Minh
Chù Ngọc Hoàng là một trong số những ngôi cầu con còn lại trên đất Sài Gòn - Gia Định. Chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX (1892), chùa tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, Quận 1. Ngôi chùa này được hầu hết các cặp vợ chồng hiếm muộn trên cả nước biết đến vì nơi đây nổi tiếng về cầu con. Ai hiếm muộn thường thành tâm cầu con ở đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Kim Hoa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sinh nở ở chốn nhân gian.
Du khách đến chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa. Sau đó họ sẽ ra bên ngoài sân chùa thả một cặp rùa ghi tên tuổi của cả hai để cầu xin thần linh phù hộ.