Những điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất ở Chí Linh, Hải Dương
- Thứ bảy - 18/11/2017 21:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dưới đây là một số điểm đến tâm linh mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm nơi đây.
Chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai là một trong những cơ sở quan trọng của thiền phái Trúc Lâm Tam tổ Việt Nam, ngôi chùa được xây dựng trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía nam. Trước chùa là núi Bái Vọng nơi có phần mộ của Nguyễn Phi Khanh – thân phụ Nguyễn Trãi.
Một góc chùa Thanh Mai (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Chùa Thanh Mai là một trung tâm tôn giáo của thiền phái Trúc Lâm ở chốn rừng sâu, núi cao. Sự hiện diện của di tích đã chứng minh cho tính phi thường của tôn giáo thời Trần. Chính vì vậy khu di tích cùng rừng tự nhiên đã được nhà nước khoanh vùng bảo vệ, từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, tạo một điểm tham quan du lịch hấp dẫn về văn hóa và cảnh quan tự nhiên.
Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc
Đây là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam, nơi đây gồm rất nhiều các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn. Đây cũng là nơi gắn liền với những anh hùng dân tộc như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo,…
Tòa Cửu phẩm liên hoa trong chùa Côn Sơn (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Chùa Côn Sơn có tên tự là Thiên Tư Phúc, là một trong những chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm. Chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962, hiện nay ngôi chùa vẫn còn lưu được nhiều dấu ấn kiến trúc từ thế kỷ XIV – XIX và nhiều bia ký.
Đền Kiếp Bạc tọa lạc ở giữa thung lung của dãy núi Rồng hình tay ngai, khu đất thuộc hai làng: làng Kiếp và làng Bạc. Đây là nơi thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Hàng năm, nơi đây đã trở thành điểm hẹn của khách hành hương từ mọi miền đất nước.
Đền Cao An Lạc
Đền Cao là một ngôi đền độc đáo, được xây dựng từ thế kỉ X và được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc còn lại bây giờ là kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chữ Đinh: 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, 1 gian hậu cung, mái ngói rêu phong, những đầu đao cong vút, trên mái là bức phù điêu lưỡng long chầu mặt trời.
Đền Cao An Lạc (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Trong đền còn lưu giữ nhiều đồ thờ tế tự giá trị, với những bức hoành phi, câu đối thể hiện công lao to lớn của vị thánh được phụng thờ nơi đây.
Đền thờ nhà giáo Chu Văn An
Đền thờ tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, được xây dựng theo thuyết phong thuỷ của người xưa, phía trước có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì lân và núi Phượng Hoàng như sải cánh của con chim phượng.
Hằng năm, có rất nhiều giáo viên, học sinh đến đây xin chữ (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Đền Chu Văn An kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, dựa theo kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm hai tầng tám mái. Nghệ thuật trang trí của đền theo đề tài tứ linh, tứ quý: long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai.
Đền thờ nhà giáo Chu Văn An đã trở thành một địa chỉ tâm linh cho các thầy cô giáo, các em học sinh và nhân dân cả nước. Vào những ngày lễ du khách về chiêm bái đền Thầy rất đông, nhiều trường đến đền làm lễ dâng hương, phát thưởng, xin chữ “thánh hiền” cho giáo viên và học sinh.
Đền thờ nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ
Trong lịch sử, Nguyễn Thị Duệ là nữ tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam, đền thờ bà được xây dựng trên cơ sở của ngôi đền cũ trên đỉnh đồi Mâm Xôi mặt hướng theo phía Tây Nam và theo thuyết phong thuỷ thế đất của đền như viên ngọc được bao bọc bởi dãy núi Phượng Hoàng.
Đền nữ tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Đây là di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và hàng năm được Bộ Giáo dục phát tâm công đức của giáo viên, học sinh và nhân dân cả nước nói chung và Chí Linh nói riêng./.
Ngọc Ánh (Báo điện tử Tổ quốc)
* Tên bài do Chí Linh 24h đặt lại. Nội dung bài viết có một số thông tin không chính xác đã được chỉnh sửa cho phù hợp.