Nghỉ lễ 2/9, khám phá Chí Linh ngay bạn ơi...
- Thứ ba - 16/07/2019 19:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Côn Sơn - Kiếp Bạc
Cách Hà Nội chừng 80 km, Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.
Du khách thập phương đến với Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, trước hết vì đây là một vùng danh lam thắng cảnh với nhiều di tích lịch sử, cổ kính nổi tiếng. Trong đó, nhắc đến Hải Dương nói chung hay Chí Linh nói riêng, người ta đều sẽ nghĩ ngay tới Côn Sơn - Kiếp Bạc, một địa điểm du lịch tâm linh mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như ẩn giấu nhiều ý nghĩa lịch sử có giá trị.
Đền thờ Chu Văn An
Nằm ẩn mình giữa rừng thông xanh rì bát ngát, đền thờ Chu Văn An vốn tọa lạc trên núi Phượng Hoàng và thuộc phường Văn An – thị xã Chí Linh.
Với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm hơi thở xưa cổ từ thời Nguyễn, đền thờ Chu Văn An còn khéo léo để lại ấn tượng với du khách nhờ cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ. Không giống như nhiều nơi khác, đây là một trong những địa điểm vẫn giữ được nguyên vẹn nét vốn có, không bị khai thác du lịch hay thương mại hóa. Bởi vậy mà sau nhiều đợt trùng tu và sửa chữa, nơi đây càng trở nên bề thế và nổi bật hơn với những bức phù điêu chạm khắc tinh tế cùng hơn 100 bậc đá dẫn lên đền thờ.
Đền thờ Chu Văn An nổi bật với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm hơi thở xưa cổ từ thời Nguyễn. (Ảnh: Nghiemhuy) |
Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Thị Duệ tọa lạc trên đỉnh đồi Mâm Xôi ở khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh (Hải Dương) là di tích lịch sử gắn liền với việc tôn thờ nữ tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam thời nhà Mạc.
Theo sách “Chí Linh phong vật chí” sau khi bà chúa Sao Sa qua đời, người ta đã đưa hài cốt của bà về đây an táng và xây dựng tháp. Vì vậy, tháp mộ Bà còn có tên là “Tinh Phi cổ tháp” (tức Tháp cổ của bà Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ).
Các nguồn tư liệu cho rằng, Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn và Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền. Tương truyền bà sinh vào ngày 13/3. Năm 1593, bà vừa tròn 20 tuổi, cải trang giả trai đi lên Cao Bằng để tham gia thi Hội. Kết quả bà đỗ đầu và được triều đình ban thưởng. Khi vào dự yến, Mạc Kính Cung phát hiện bà là nữ bèn lấy làm vợ, đặt tên tự là Tinh Phi (Sao Sa) và người ta quen gọi là “Bà Chúa Sao Sa”.
Khi quân Chúa Trịnh đánh lên Cao Bằng, bà bị bắt nhưng vẫn được triều đình nhà Lê – Trịnh trọng dụng cho làm Chánh Vương Phủ, Nghi Ái Quan. Bà có kiến thức uyên thâm, văn chương xuất chúng, đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, từng tham gia ban giám khảo kỳ thi tiến sĩ khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631). Năm 70 tuổi, bà về quê hương nghỉ ngơi rồi qua đời lúc 80 tuổi. Nhân dân lập đền thờ gọi là đền bà chúa Sao Sa.
Tinh Phi cổ tháp - Tháp mộ Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ nằm trên đỉnh đồi phía sau Đền thờ.
Đền Sinh - Đền Hóa
Nép mình trong thôn nhỏ An Mô – xã Lê Lợi – thị xã Chí Linh, đền Sinh – đền Hóa được xem là một trong số những kiến trúc cổ nổi bật nhất vùng đất đậm chất sử này.
Đền Sinh - Đền Hóa nằm giữa núi ngàn xanh thẳm, có lẽ vì thế mà nơi đây như trở thành điểm nhấn nổi bật giữa không gian rất đỗi kì vĩ. Đây là nơi thờ tự Đức Quốc Mẫu Thạch Linh – Hoàng Thị Ba và Hạo Thiên Phi Bồng đại tướng quân – Chu Phúc Uy. Không chỉ là điểm du lịch mang vẻ đẹp cổ kính để du khách có thể thỏa thích chiêm ngưỡng, đền Sinh – đền Hóa còn là nơi ban phúc ban lộc cho dân nữa.
Đền Sinh - Đền Hóa được xem là một trong số những kiến trúc cổ nổi bật nhất vùng đất đậm chất sử này. (Ảnh: bachnguyenvu, Nguyễn Khắc Nguyệt) |
Chùa Thanh Mai
Nép mình bên sườn núi Phật Tích, chùa Thanh Mai còn được xem là một trong những trung tâm Phật giáo của nước ta.
Chùa Thanh Mai "khoác" lên mình chiếc áo với vẻ đẹp cổ kính đến mê hồn. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng nơi đây vẫn khiến người ta ấn tượng và say mê bởi chính lối kiến trúc độc đáo đó. Nổi bật nhất có lẽ phải kể đến cánh rừng phong đỏ với màu lá được thay đổi theo mùa.
Bước chân vào khuôn viên chùa, du khách sẽ cảm thấy hết sức thanh tịnh và an yên. Cũng chính bởi điều này mà nhiều người đã luôn dành tình yêu đặc biệt cho nơi đây, và ghé thăm ngôi chùa nhỏ ẩn mình giữa rừng sâu thường xuyên để được ngắm nhìn phong cảnh hữu tình và hít thở bầu không khí trong lành ở nơi đây.
|
Chùa Thanh Mai còn được xem là một trong những trung tâm Phật giáo của nước ta. (Ảnh: taysoanh) |
|
Rừng lá phong tại chùa Thanh Mai. (Ảnh: Chuồn Chuồn Kym) |
Đền Cao
Đền Cao đã được xây dựng từ những năm ở thế kỷ thứ 10. Để có được diện mạo như ngày hôm nay, đền Cao phải trải qua nhiều lần trùng tu.
Nhìn tổng thể, nơi đây gồm có 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Đền Cao sở hữu lối kiến trúc kiểu chữ độc đáo cùng vẻ đẹp cổ kính, nên bất kể những ai khi đặt chân đến đây đều không quên ghé thăm đền Cao này. Chưa kể, đây cũng là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại tỉnh Hải Dương để cầu thi cử. Do vậy, hàng năm, cùng với Đền Chu Văn An, nơi đây thường tiếp đón rất đông du khách ghé thăm và hành hương, đặc biệt là mỗi dịp thi cử, năm hết tết đến.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình tại đền Cao. (Ảnh: Oanhvuthikim)
Bãi rễ Côn Sơn
Cánh đồng rừng rễ Chí Linh nằm cách Hà Nội chừng 70km, cách thị xã Chí Linh, Hải Dương hơn 1km. Nơi đây thực chất là một địa điểm để người dân ở đây trồng trọt loại cây là cây rễ. Sau đó, cây rễ nhiều hơn, phủ khắp không gian cánh rừng tạo thành một bức tranh vô cùng nên thơ, đẹp hút hồn. Kể từ đó có nhiều người biết và ghé thăm cánh đồng rừng rễ như một địa điểm để nghỉ ngơi, hòa mình vào hương đồng gió nội sau khi đã đi tham quan các điểm di tích lịch sử nổi tiếng và tham quan ngắm cảnh, chụp hình.
Bãi rễ nằm cạnh rừng thông ở phía nam chân núi Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cây rễ ở Chí Linh, Hải Dương vào mùa đông trở nên xanh tốt, đơm hoa trắng li ti với hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng trong gió, là điểm thu hút các bạn trẻ hay cặp đôi đến tham quan và chụp hình. (Ảnh: Hachi) |
Sự nên thơ, bình dị và mộc mạc của cánh đồng rễ Chí Linh đã thu hút nhiều du khách ghé tới tham quan. Những cặp đôi cũng tận dụng nét đẹp của thiên nhiên vùng quê Bắc Bộ đã lặn lội từ xa đến để chụp ảnh cưới, lưu lại mọi khoảnh khắc của ngày hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi tới được cánh đồng thơ mộng này, du khách cần lưu ý phải thật cẩn thận, nên đứng trên bờ ruộng, nếu có xuống thì cũng nên nhẹ nhàng, khéo giẫm vào cây, hư hại của người dân.
Sân golf Chí Linh
Chi Linh Golf Course tọa lạc tại Phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, Hải Dương, cách Hà Nội hơn 70km, trên trục đường Hà Nội – Hạ Long. Sân Golf Chí Linh được đánh giá cao không chỉ tại Việt Nam mà toàn khu vực Đông Nam Á.
Sân Golf Chí Linh đuợc mệnh danh là “Sân Golf thách thức nhất Việt Nam” và các tay golf chuyên nghiệp khó thể bỏ qua địa điểm thi đấu thú vị này.
Được xây dựng 27 hố theo tiêu chuẩn quốc tế AAA, Sân Golf Chí Linh có diện tích lên tới 325 ha trong lòng một thung lũng tuyệt đẹp với một hồ nước tự nhiên bên những dải đồi xanh hùng vĩ bao quanh. Để duy trì tiêu chuẩn của sân, Sân Golf Chí Linh luôn có đội ngũ Bảo trì sân chuyên nghiệp chăm sóc hàng ngày và suốt 4 mùa quanh năm nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho người chơi.
Chi Linh Golf Course 27 hố là một trải nghiệm đầy thử thách đối với các golfer. Khai trương 9 hố đầu tiên vào tháng 11 năm 2003, Sân Golf Chí Linh được đánh giá là “Sân golf đáng để chinh phục”. Đến năm 2008, Sân Golf Chí Linh tiếp tục đưa thêm 18 hố đi vào hoạt động nâng quy mô sân lên tới 27 hố . Sân Golf Chí Linh đã và đang khẳng định uy tín hàng đầu của mình thông qua chất lượng của sân và là một điểm nhấn về du lịch và thể thao golf chất lượng cao và ấn tượng.
Với những tiện ích và dịch vụ chuyên nghiệp, Sân golf Chí Linh hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của Hội Viên và Khách mời như tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, tổ chức sự kiện, dịch vụ đặt tiệc…
Chí Linh trước đây là một huyện miền núi, nay là đô thị trẻ ở phía Bắc của tỉnh Hải Dương. Nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Chí Linh có diện tích tự nhiên là 282,917 km2 với tổng dân số là 220.421 người. Trên địa bàn thành phố có 15 dân tộc sinh sống.
Năm 2015 thị xã Chí Linh được công nhận đô thị loại III và đến năm 2017, Chí Linh là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Từ ngày 1/3/2019, Chí Linh chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hải Dương.
Theo Như Ý (Báo điện tử Thời Đại)
Chí Linh quê tôi tổng hợp biên tập lại .