Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Một số vùng cây xanh quan trọng ở Chí Linh

Cây xanh có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Chỉ đến khi nào ta không gìn giữ, thậm chí để mất nó thì mới thấy tiếc nuối. Hải Dương có một số vùng cây xanh đang bị đe dọa tiêu diệt nếu như không gìn giữ ngay từ bây giờ.
Vùng cây xanh An Lạc
Về thực vật, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, tác giả “Atlas thực vật An Lạc” xác định  được 328 loài , chủ yếu là các cây tạp thứ sinh như: keo tai tượng, bạch đàn, dọc và các cây trồng như cau, mít, khế…Tuy nhiên còn duy trì được một số cây bản địa như: guột, lim xanh, tổ chim, lim xẹt, thông nhựa, chút chít…Đặc biệt giàu cây thủy sinh như: rau bợ nước, rau dệu, rau dớn, dừa nước, mác, súng, trang, sen…Cây dược liệu cũng sẵn như: hồng bì, thảo quyết minh, đơn buốt, lạc tiên, cỏ xước, bưởi bung…Nhìn chung hệ thực vật bình thường, tuy không có loài nào có tên trong Sách Đỏ, nhưng còn lưu giữ được nhiều loài thực vật bản địa.
                                                                                          
2 tập Atlas về động thực vật An Lạc
Do xã có tới 99 quả đồi phủ cây rậm rạp, xưa kia vốn là rừng tre nứa, lại cách biệt với dân, nên động vật trên cạn mới đặc biệt phong phú. Chim có tới 75 loài, trong đó có nhiều loài chim quí hiếm như: thiên đường đuôi phướn, chim hút mật, gà gô, liếu điếu, bắt tép kho cà, giẻ cùi…Trong số ấy có 4 loài có tên trong Sách Đỏ là: Dù dì phương đông, bồng chanh, khướu và chim sả. Riêng cò, vạc có tới 7 loài.
Bò sát cũng phong phú không kém, có tới 30 loài, đặc biệt có loài thằn lằn chân ngắn hiêm quí và có tới 7 loài có tên trong Sách Đỏ như: tắc kè, ô rô vẩy, nhông cánh, rắn ráo, cạp nong, hổ mang chúa, hổ mang thường. Lưỡng cư cũng rất đáng kể, có tới 11 loài là thức ăn quan trọng của chim nước và bò sát.Sự đa dạng về động vật chứng tỏ thực vật, cơ sỏ thức ăn của chúng vô cùng đa dạng và phong phú.
Hệ sinh thái xã An Lạc huyện Chí Linh là tài nguyên quí hiếm may mắn còn xót lại, cần được giữ lại bằng được và tôn tạo cho phong phú đa dạng  hơn nữa. Cứ lấy các động vật có tên trong Sách Đỏ làm căn cứ xét giá trị thì Đảo Cò Chi Lăng Nam trước đây chỉ có 5 loài có tên trong Sách Đỏ, gần đây phát hiện thêm 2 loài nữa là 7 loài. Nhưng An Lạc hiện đang có tới 11 loài có tên trong Sách Đỏ. Nhưng điều này chính cán bộ xã cũng không biết đến.
Sau khi giúp cán bộ xã thấy được giá trị hệ sinh thái như thế, chúng tôi có đề xuất trong khi chờ đợi một dự án tổng thể, xã nên khai thác ngay sự đa dạng sinh học này cho du lịch sinh thái và tham quan, thực tập cho sinh viên và học sinh. Trước mắt, thực hiện các công việc sau:
- Đặt mua ngay vài chục bộ sách “Át lát về Động, Thực vật xã An Lạc” để phục vụ cho tham quan du lịch cho khách và học sinh.
- Không để nạn cháy rừng xẩy ra, dừng lại việc bán đất đồi ở khu vực trọng điểm cho cơ sở làm gạch. Vừa qua, xã đã để cháy rừng ở chính ngọn đồi có cò vạc làm tổ, tạm thời làm mất nguồn lợi này.
- Quy hoach đường đi lối lại cho khách tới thăm. Động viên dân đầu tư mua thuyền chở khách đi trên suối quanh đồi nếu có yêu cầu.
- Cấm khai thác các động, thực vật có tên kể trên; đẩy mạnh giáo dục bảo vệ môi trường cho nhân dân trong xã và quanh vùng.
- Có kế hoạch chuyển các thợ chuyên săn bắt các đặc sản trong vùng như chim, rắn, cá… sang chăn nuôi, bảo vệ chúng.

 Vùng cây thuốc Dược sơn:
Từ năm 1992, dưới sự hướng dẫn của chúng tôi, 2 sinh viên CĐSP là Đoàn Thị Tám và Phạm Thị Chanh, người địa phương đã có một nghiên cứu sớm và đầy đủ về thành phần cây thuốc ở Dược Sơn.
Đề tài đã xác định được 76 loài cây đang tồn tại như Hà thủ ô, Cối xay, xam, bồ công anh, chút chít, đinh lăng, ngải cứu, huyêt dụ, bời lời, cỏ xước hoắc hương… và 11 loài cây đã bị mất như: Bìm bìm biếc, chìa vôi, ích mẫu, ké đầu ngựa, đẳng sâm.
Nhìn chung, về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cơ sở y tế, cùng với việc khai thác Dược Sơn, sử dụng thuốc Nam của xã Hưng Đạo còn thấp so với yêu cầu và tiềm năng sẵn có.
Theo các nguồn tài liệu gần đây thì Dược Sơn trước đây là núi thuốc với hàng trăm loại khác nhau, có lượng thuốc đủ chữa cho binh lính và dân cư địa phương. Nhưng hiện nay, qua khảo sát, Dược Sơn còn lại chỉ là ngọn đồi hoang hoá. Làng Dược Sơn ngày phát triển, lấn sâu vào chân đồi, người dân trồng cây ăn quả, không trồng cây thuốc.
Dược Sơn có 158 loài cây thuốc có thể sử dụng để chữa một số bệnh thông thường như:
- 15 loài chữa vết thương như bong gân, gẫy xương, vết thương phần mềm; đáng chú ý có cây Dược linh, mỏ quạ v.v...
- 51 loài dùng chữa bệnh tiêu hoá như đau dạ dày, ỉa chảy, nhuận tràng, lỵ, táo bón, chậm tiêu; đáng chú ý là cây bầu giác, sự cẩu, hàm ếch, cỏ Lào v.v...
- 18 loài chữa bệnh gan, mật như viêm gan siêu vi trùng, viêm gan mãn tính, xơ gan cổ trướng, bổ gan, lợi mật v.v... Đáng chú ý có bìm bìm, dừa cạn, hà thủ ô, găng trắng, đùm đùm.
- 13 loại chữa bệnh đường tiết niệu như viêm cổ tử cung, viêm đường tiết niệu sỏi thận, chứng thuỷ thũng. Đáng chú ý có mặt quỷ, khúc khắc, vú bò, gừng gió.
- 12 loài chữa bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, phổi. Đáng chú ý có đuôi hổ, bướm bạc, đơn châu chấu, bộ nấm v.v...
- 26 loài chữa bệnh thần kinh, cơ, xương, khớp như đau dây thần kinh, an thần, đau nhức xương khớp v.v...
- 9 loài chữa bệnh phụ sản như an thai, rối loạn kinh nguyệt, bệnh vú v.v... Đáng chú ý có cây vuốt hùm, hy thiêm. Ngoài ra, còn có các loại cây chữa sởi, răng, hàm mặt, da, mắt, tai, mũi, họng, đau đầu, hạ sốt, giải độc v.v...
Nhìn chung số lượng cá thể ít, trữ lượng nhỏ, khoảng 500 - 600 kg.
Phân bố không đồng đều, sinh sống phát triển tự nhiên, hoang dại còn sót lại, mật độ tập trung chủ yếu xung quanh vườn đồi, việc khai thác thu hái tuỳ tiện.
Dược Sơn đã bỏ hoang hoá từ lâu, không ai quản lý. Cây thuốc còn lại sống hoang dại, không ai chăm sóc.
Nhìn chung các cây thuốc này chữa được các bệnh như: Ho, đi kiết, bệnh gan, bện thận, mụn nhọt, sốt rét, cảm cúm…
Từ năm đó đến nay đã có nhiều nghiên cứu nhằm phục hồi vườn thuốc nhưng bất khả thi.
Nguyên nhân vườn thuốc ở trên đỉnh núi, năm tháng qua đi, đất màu bị rửa trôi nên  cây thuốc không thể mọc lên đươc. Nên chăng mở rộng vườn thuốc đến các hộ dân ở thôn Dược Sơn, hiện còn một số lương y đang theo nghề này. Mô hình này chưa có tiền lệ nhưng rất khả thi.
Bài tham luận nêu 2 vùng cây xanh ở 2 tình trạng khác nhau:
-   Vườn thuốc Dược Sơn: Đó là sự mất mát do không chăm sóc vun xới. Đó là câu chuyện gần ngàn năm. Gần đây, ở Gia Lộc còn có một vườn thuốc với số cây còn hơn Dược Sơn nhiều, nhưng bây giờ chỉ mấy chục năm qua, cũng đã ở tình trạng như vậy.
-   Vùng cây xanh An Lạc: cũng đang ngấp nghé đe dọa vì các quả đồi có cây bản địa phong phú nhất ở khu An Bài, làm cở sở thức ăn cho hàng trăm loài động vật quí hiếm, lại đang nằm trong danh sách bán dần cho cơ sở làm gạch đã xây nhà máy ở trong vùng.

Nguyễn Văn Khang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây