Lễ hội Đền thờ Chu Văn An
- Thứ ba - 03/11/2015 11:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
- Kiếp Bạc, nơi Trần Hưng Đạo, nhà quân sự thiên tài, được dân tộc tôn vinh là Thánh nhân, lập quân doanh từ sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất và sống ở đây cho đến cuối đời (1300).
- Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi, Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc, từng sống ở đây từ khi mới năm tuổi cho đến khi xẩy ra vụ án Lệ Chi Viên (1442).
- Phượng Hoàng, nơi Chu Văn An, nhà giáo mẫu mực của muôn đời, sống ở đây những năm dâng Thất trảm sớ.
Những di tích nói trên, dưới thời đại phong kiến có quy mô khác nhau và cũng từng bị huỷ diệt, nay tất cả đã được trùng tu, tôn tạo tương xứng với vị thế của từng danh nhân. Ngày qua đời của các vị đều trở thành ngày hội lớn và được tổ chức trọng thể nhằm đạt hiệu quả cao về văn hoá, xã hội.
Khu di tích Phượng Hoàng thời Lý Trần thuộc trang Kiệt Đặc thuộc Bằng Châu, đến thế kỷ XV là một xã thuộc huyện Chí Linh… Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Kiệt Đặc đổi thành xã Văn An để kỷ niệm nhà giáo lừng danh thời Trần, người đã sống ở đây những năm cuối đời. Xã có diện tích 15,6km2 , dân số trên 8.100 người , là một xã lớn của Chí Linh. Đất đai trù phù, giao thông thuận tiện. Phía Bắc có núi Phượng Hoàng, cảnh quan kỳ thú, phía nam có sống Kinh Thầy, sóng nước mênh mông. Trên mảnh đất sơn thuỷ hữu tình này, chỉ trong một chi họ Nguyễn, chưa đầy hai thế kỷ đã có 7 người đỗ đại khoa.
- Đặc biệt là Tinh phi Nguyễn Thị Duệ, người phụ nữ đầu tiên giả trai thi đỗ đại kho cuối triều Mạc tại Cao Bằng. Đây là một trong những xã có số người đỗ đại khoa cao nhất huyện Chí Linh xưa.
Về di tích lịch sử, văn hoá, Chí Linh có bát cổ thì 4 di tích thuộc đất Kiệt Đặc.
- Tinh phi cổ tháp- tháp mộ bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, xây dựng thế kỷ XVII.
- Vân Tiên cổ động: một thắng cảnh thuộc khu vực chùa cổ Huyền Thiên, một ngôi chùa lớn xây dựng vào thời Trần.
- Thượng Tể cổ trạch: Nhà cũ của Thượng Tể, Quốc phụ Trần Quốc Chẩn, sống cùng với thời Chu Văn An (nay thuộc xã Chí Minh).
- Tiều ẩn cổ bích, còn có tên là Chu Văn Trinh Tiên sinh ẩn cư xứ- nơi ẩn cư của nhà giáo Chu Văn An.
Những di tích này phần lớn bị tàn phá trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Đã hơn 6 thế kỷ, kể từ khi Chu Văn An qua đời, những tư liệu viết về ông đã thất lạc nhiều, di tích có liên quan đến ông cũng thay hình đổi dạng. Thế nhưng, những gì người đời viết về ông còn lại đến hôm nay đều là những lời lẽ trân trọng, chí tình về một nhà giáo tài đức vẹn toàn. Những di tích dù ở chốn rừng sâu hay giữa đô thành hoa lệ đều có sức hấp dẫn lạ thường và được nhân dân nhiệt tâm gìn giữ.
Chu Văn An nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1392) tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc thành phố Hà Nội. Dòng họ Chu ở Thanh Liệt đến nay đã có đến 20 đời kể từ cụ Chu Thiện, thân phụ Chu Văn An. Trong thần tích làng Nam Ngạn(nay thuộc thành phố Thanh Hoá), cho biết ông nội Chu Văn An là Chu Văn Lương, sau được vua ban Nguyên Lương, cụ nội là Chu Đức. Thần tích viết rằng: “Bấy giờ (thời Trần), ở đất Long Biên, thuộc nước ta, có người họ Chu, huý Đức, ông cha được thụ phong, thừa hưởng tư ấm, lấy người bản quận, họ Trần huý Lan, truyền gia thi lễ, đời đời trâm anh, thật là môn đương hậu đối mà kết duyên chồng vợ. Ông sớm được học hành, tinh tường y thuật, vui làm việc thiện, ham thích sử sách. Khi ông đã gần 60 tuổi, vợ 40 tuổi có thừa, con gái vài người, nhưng muộn sinh con trai. Một đêm, Trần thị nằm ngủ, mộng thấy một con rắn thần, nhập vào đầu thai mà bà thụ thai. Năm Quý Tỵ, tháng Hai, ngày 18, bà sinh hạ một con trai, tướng mạo khác thường, thiên tư kỳ dị. 3 tuổi đã biết lễ, nghĩa, kính nhường, nghe nói mà thông hiểu, tiếng nói vang như chuông lớn, được đặt tên là Văn Lương. 7 tuổi, nhập học. 13 tuổi thông hiểu các sử gia, sở trường võ nghệ, đương thời các học trò nhiều người thán phục, đều nói là Thánh đồng. 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời, bèn tìm đất tốt, làm lễ mai táng. Ba năm xong việc tang trở, lặng lẽ giữ gìn phần mộ cha mẹ, dậy bảo học sĩ, dân gian Long Biên, giáo hoá về những điều chưa biết về cương vực, chưa biết về đầu mối. Công cứ dần dần dạy bảo những điều tốt đẹp mà sau nhân dân hiểu biết lễ nghĩa.
Thời Trần Thái Tông, vua nghe nói công giáo hoá thuần phục nhân tâm, được người đương thời đề cử, được vua phong làm Liệt Hầu, Đồng bình chương sự. Sau khi thụ mệnh nhà vua, công đi các huyện ấp, xem xét phong tục thuần hậu của dân gian. Công đến Thanh Hoá, cổ gọi là Thanh Hoa, phủ Thiệu Hoá, cổ gọi là Thiệu Thiên, huyện Đông Sơn, trại Nam Ngạn, thấy dân quê còn chất phác, thô lậu, học thuật hạn chế, bèn truyền lệnh lập hành tại Nam Ngạn, dạy dân văn học. Qua vài năm, dân gian rất hâm mộ.
Bấy giờ, giặc Nguyên đến xâm lược, kinh thành bị vây hãm, Thái Tông triệu công về triều, giúp vua đánh giặc. Ngay hôm đó, công tuyển gia nhân được hơn 500 người, truyền hịch đến các quận huyện giúp đỡ. Mổ nhiều trâu, bò, lợn khao thưởng quân sĩ. Triệu phụ lão Nam Ngạn đến khoản đãi. Phụ lão đền ơn mà tâu rằng: Ngài hiểu dân mà ban đức lớn, dân đều phải báo đền, bái tạ mà nói rằng: nhân đây lấy Hành tại làm Sinh từ, sau này làm nơi thờ tự. Công thuận ý, bèn ban vàng 10 hốt để sau khi qua đời lo việc thờ cúng.
Ngày hôm sau, thấy sứ giả từ Bắc vào, sai công đánh giặc Nguyên ở vùng Hải Dương (Hồng Châu). Chỉ trong một ngày, Công tiến đến đạo Hải Dương, quyết chiến với quân Nguyên. Giặc thua, bỏ chạy, bắt được tướng chỉ huy. Từ đấy được ơn nhuần thánh trạch, ưu ái của nhà vua nên hương hoả thật không dứt. Được sống an nhàn, công đi thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh, đến đạo Kinh Bắc, huyện Phượng Nhãn, trang Kiệt Đặc, nơi có núi Phượng Hoàng, đỉnh núi nhấp nhô vây quanh, hai bên rộng lớn như cánh phượng, cảnh tượng thật sâu kín. Triều Trần lập Tử Cực Cung, Lưu Quang điện ở đấy. Công lên núi thấy đây quả là một thắng cảnh, bèn xây nhà ở đó…(1) .
Hiện nay, tại thôn Văn còn nhà thờ họ Chu, xây dựng năm Tự Đức nguyên niên (1848). Nhà thờ còn nhiều cổ vật có giá trị. Gian giữa có đức đại tự: “Chu gia phái đường” nghĩa là: Nhà thờ của một chi phái họ Chu. Dòng họ này có truyền thống hiếu học và trọng nhân nghĩa. Cháu 4 đời của Chu Văn An là Chu Đình Bảo, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn, năm Hồng Đức 15 (1484). Bia Văn Hội tại đình làng, khắc năm Tự Đức 18 (1865) còn cho biết có Chu Tam Tỉnh đỗ Ngự thí khoa Tân Sửu (?)
Thuở nhỏ, Chu An sớm có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, khi trưởng thành ông đạt đến mức thông kinh, bác sử, danh lợi không màng, tài năng đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Tuy có tài nhưng ông không quan tâm đến chốn quan trường mà ở nhà đọc sách, dạy học. Ông dựng nhà tại quê ở Huỳnh Cung, gần thôn Văn làm trường học tập. Học trò xa gần nghe tiếng thầy An, kéo đến học rất đông, trong số đó có nhiều người hiển đạt, giữ được đức thanh liên, như Lê Quát, Phạm Sư Mệnh... Do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, nên mới ngoài 20 tuổi, ông đã được vua Trần Minh Tông (1314- 1329) mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy thái tử và con em các quan lại học tập. Học trò của ông nhiều người làm quan lớn trong triều, khi đến thăm thầy vẫn giữ lễ học trò, được ông hỏi chuyện vài câu rồi đi cũng lấy làm mừng lắm.
Trần Dụ Tông, lên làm vua (1341) ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, nhiều lần ông khuyên vua sửa trị, nhưng vua không nghe. Ông bèn dâng sớ chém 7 tên nịnh thần, gây tổn hại cho quốc gia, đều là những kẻ có thế lực trong triều được vua yêu quý, đương thời gọi là Thất trảm sớ, vua vẫn bỏ qua, không xem xét. Ông trao trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Về đây, ông đặt cho mình một cái tên mới Tiều Ẩn, ví mình một tiều phu, ẩn dật trong rừng sâu.
Phượng Hoàng là một thắng cảnh có rừng thông bát ngát, suối trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính với 72 ngọn núi ngoạn mục. Một vùng núi nằm giữa quần thể di tích và là nơi di dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân từ thời Lý- Trần như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai, Trần Xá loan, Lục đầu giang... Đây là những di tích gắn liền với cuộc đời các danh nhân: Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn, Pháp Loa, Huyền Quang... Trần Nguyên Đán là người nhiều lần đến thăm các di tích của Phượng Hoàng và đã có những bài thơ hay về danh thắng này như: Đề Huyền Thiên Tử Cực cung, Chí Linh sơn, Phượng Hoàng phong.
Tuy Chu Văn An ở chốn lâm tuyền như tấm lòng vẫn đau đáu vận mệnh quốc gia và triều đình cũng không quên một nhân tài mẫu mực. Khi triều chính có đại sự, bao giờ cũng mời ông về tham dự. Mỗi lần như thế ông đều tâu bầy thắng thắn, hy vọng giữ vững kỷ cương, làm cho quốc thái, dân an, thể hiện một nhân cách lớn. Vua thường cho người mang lễ vật đến nhà ban tặng. Ông thường từ chối và nếu có nhận, lại đem chia cho mọi người. Sau vụ biến loạn Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông lên ngôi (1370), ông cả mừng, tuy tuổi đã cao vẫn chống gậy về kinh bái yết. Vua ban chức gì, ông cũng không nhận. Sau lễ bái yết, ông trở lại nhà riêng ở Phượng Hoàng, rồi mất tại đó vào ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế, tặng Văn Trinh Công, thuỵ là Khang Tiết và tôn thời tại Văn Miếu Thăng Long, đây là trường hợp đặc biệt trong giới nho sĩ nước nhà. Học trò làm nhà bên mộ, đến cả năm tế lễ để tỏ lòng thương nhớ thầy. Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nhơ có đức nghiệp lớn nhất. Sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ có lời bàn:
"Văn Trinh công thờ vua thì nói thẳng trước mặt; việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh; cao thượng, tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn; lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta”.
Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê đã mở trường dạy học, vì nổi tiếng mà được mời lên kinh đô làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám- Hiệu trường của trường đại học nước nhà đương thời, dạy Hoàng tử và đào tạo học trò thành những công khanh có tài, khi lui triều vẫn dạy học. Ông không chỉ là thầy giáo của đương đại mà còn là tấm gương sáng cho thầy giáo của muôn đời. Cuối đời ông có làm thơ, viết sách, nghiên cứu y dược, nhưng sự nghiệp chính vẫn là giáo dục.
Sau khi Chu Văn An qua đời, tại nơi ông làm nhà dạy học và sống những năm tháng thoái triều đã được dựng đền thờ giản dị. Căn cứ tư liệu lịch sử, văn bia tại di tích: Đền Phượng Hoàng thời Chu Văn An, chùa Huyền Thiên, Cung Tử Cực, Điện Lưu Quang, phần mộ Chu Văn An, Am Lệ Kỳ, Miết Trì, Giếng Son, Giếng Ngọc.. Trải qua 7 thế kỷ, qua biết mấy cuộc chiến tranh, chỉ còn một mảng tường đá ở hậu cung, bia ký ngổn ngang; Am Lệ Kỳ, Điện Lưu Quang rừng cây bao phủ; Miết Trì bùn lầy cỏ mọc; Giếng Son, Giếng Ngọc bị vùi lấp. Riêng khu lăng mộ tuy hoang sơ giữa chốn rừng sâu, nhưng vẫn được nhân dân địa phương tưởng nhớ, đó đây vẫn còn những chân hương hồng thắm. Việc khôi phục ngôi đền đầu tiên sau chiến tranh cũng do nhân dân bản xã tự giác thực hiện, tuy đơn sơ những ngọn lửa hồng khơi gợi những ý tưởng lớn sau này.
Được phép của Bộ Văn hoá Thông tin, năm 1997 Bảo tàng Hải Dương đã tiến hành điền dã, khai quật khảo cổ học, tìm được hầu hết các di tích nói trên. Những di tích này đều được xây dựng từ thời Trần. Am Lệ Kỳ thuộc khu vực chùa Kỳ Lân, ở bên kia suối, cách 100m về phía bắc đền. Giếng Son nay chưa tìm được di tích, nhưng son ở đây còn khá nhiều, dễ tìm trên đường ven suối. Bên mộ thầy Chu còn tìm được nhiều đồ gốm đương thời.
Tại di tích còn 5 tấm bia:
- Trùng tu Lệ Kỳ tự- thế kỷ XVII
- Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xử, khắc năm Cảnh Hưng 45 (1784)
- 3 tấm bia nói về thân thế sự nghiệp Chu Văn An và quá trình trùng tu di tích và quá trình trùng tu di tích vào các năm 1837, 1841, 1857. Đây là những văn bản quý xác định các danh nhân đã sống và qua đời tại đây. Có thể nói khi Chu Văn An về núi Phượng Hoàng thì đây là một danh lam cổ tích và từ đó các công trình tiếp tục được tôn tạo. Sau khi ông qua đời, các vị đại danh nho và quan lại địa phương thường đến thăm viếng, trùng tu đền thờ, lập bia ghi sự tích.
Sinh thời, Chu Văn An biên soạn nhiều sách để dạy học và sáng tác nhiều thơ văn như Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Y học yếu giải... Nay phần lớn đã thất truyền, chỉ còn lại 12 bài thơ chữ Hán và tập Y học yếu giải. Những bài thơ còn lại đến nay phần lớn được sáng tác trong những năm cuối đời ở Phượng Hoàng như các bài: Linh Sơn tạp hứng, Thanh Lương giang, Miết Trì, Xuân đán, Sơ hạ...
Căn cứ kết quả khảo cổ học và được sự nhất trí của chính quyền các cấp, Bảo tàng Hải Dương, UBND xã Văn An và ngành Giáo dục- Đào tạo đã tiến hành một cuộc đại trùng tu và tôn tạo các hạng mục công trình tại khu di tích, bằng kinh phí của giáo viên học sinh của nhiều tỉnh thành trong nước công đức, nhằm phát huy truyền thống văn hoá- giáo dục của nước nhà, khai thác tốt nhất một miền núi trù phú và tươi đẹp, biến Phượng Hoàng thành một điểm du lịch trong hệ thống du lịch của huyện Chí Linh.
Trong một thời gian ngắn, chưa đầy 3 tháng, dưới sự chỉ đạo tích cực và sát sao của cơ quan chuyên môn, Đảng bộ và nhân dân xã Văn An cùng với các ngành hữu quan đã làm được những việc lớn trong hoàn cảnh kinh phí khó khăn, thời tiết không thuận lợi.
Mở con đường 3km vào di tích qua các suối, khe, núi đèo hiểm trở, đây ví như Đường Trường Sơn của nhân dân xã Văn An; trùng tu tôn tạo lăng mộ Chu Văn An, quy hoạch khu di tích để chuẩn bị cho các công trình tiếp theo, tạo mối quan hệ giao hữu tốt đẹp với nhân dân xã Thanh Liệt- quê hương của danh nhân. Trước ngày hoàn thành công trình, Đảng bộ và nhân dân Thanh Liệt đã công đức một pho tượng thầy Chu, biểu trưng cho tình cảm thắm thiết giữ hai nơi.
Quá trình hình thành lễ hội:
Thời phong kiến, lễ hội đền Phượng Hoàng, tức đền thờ Chu Văn An rất giản dị, chỉ trong phạm vi làng xã trong ngày qua đời của nhà giáo. Hằng năm, xuân thu nhị kỳ, các vị quan chức địa phương có đến thắp hương thầy nhưng không tạo thành hội. Hội lớn đầu tiên có qui mô cấp tỉnh ở đây có lẽ là ngày 12- 8 năm Đinh Sửu (1997), lễ khánh thành trùng tu bước I đền thờ nhà giáo đã được tổ chức trọng thể tại khu di tích, được giáo giới, học sinh và nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt liệt trước sự chứng kiến của các ngành hữu quan. Sự có mặt của đại diện ngành giáo dục, học sinh và nhân dân địa phương là một biểu hiện quyết tâm phát huy truyền thống hiếu học, đạo đức làm thầy nhằm phục hưng nền giáo dục và văn hoá nước nhà. Trong ngày hội đầu tiên này có hàng nghìn giáo viên và học sinh của Chí Linh và của Trường Chu Văn An (Hà Nội) đến cắm trại từ điện Lưu Quang đến lăng mộ của thầy. Các em vui chơi ca hát, tìm hiểu di tích suốt hai ngày, báo hiệu một tương lai tốt đẹp cho khu di tích.
Sau một năm, Điện Lưu Quang- nơi ở dậy học của thầy được tái tạo. Trước khi xây dựng nền điện Lưu Quang đã tiến hành khai quật, tìm được nhiều di vật quý, trong đó có pho tượng đá cao 80cm, ngờ rằng tượng thầy Chu. Tại đây còn tìm thấy tượng Cửu Long, nghĩa là có lúc biến thành chùa. Vì chùa Lệ Kỳ bị huỷ diệt nên nhân dân mang tượng vào điện để thờ trong khi chưa có điều kiện để khôi phục chùa.
Miết Trì, sân vườn được tôn tạo làm cho khu di tích khang trang.
Ngày hội về nguồn, một loại hình lễ hội mới được hình thành tại khu di tích.
Đúng vào dịp kỷ niệm 707 năm ngày sinh của danh nhân 25/8 năm Kỷ Mão (1999), tại khu di tích đã làm lễ khánh thành, điện Lưu Quang và lễ đón nhận bằng công nhân di tích cấp quốc gia. Đây là lễ hội lớn thứ hai diễn ra tại khu di tích. Ngoài giáo viên, học sinh và nhân dân huyện Chí Linh còn có đại diện giáo viên các huyện thị, đại biểu của Bộ Văn hoá, Giáo dục, trường Chu Văn An Hà Nội và đoàn đại biểu quê hương danh nhân. Hội kéo dài hai ngày, được nhân dân địa phương và học sinh hưởng ứng nhiệt liệt.
Việc khôi phục và tôn tạo khu di tích Phượng Hoàng không chỉ ngành giáo dục hưởng ứng tích cực mà còn được các tổ chức nhà nước và xã hội ủng hộ tích cực. Năm 2002, Quân khu III công đức con đường nhựa 8km vào khu di tích. Năm 2005, nhiều công trình lớn tại khu di tích đã được khởi công. Ngày 26/11 Mậu Tý (4/01/2008), đúng vào kỷ niệm 638 năm ngày qua đời của danh nhân, công trình tôn tạo đền Chu Văn An khánh thành, tạo nên một không gian thiêng liêng hoành tráng, tương xứng với vị thế của người thầy vĩ đại. Đây cũng là ngày hội lớn tại khu di tích, do Bộ Giáo dục và UBND tỉnh tổ chức.
Tiếp sau đó, tổ chức lễ hội về nguồn, nhân kỷ niệm 608 năm ngày nhà giáo qua đời 25- 26/11 Mậu Tý (2008), thu hút ngót một vạn giáo viên, học sinh các trường tham dự trong hai ngày. Hai ngày đó, giáo viên, học sinh ôn lại lịch sử giáo dục nước nhà, lịch sử khu di tích với sự nghiệp của thầy Chu, biểu diễn văn nghệ, chơi thư pháp. Học sinh một số trường đã làm các biểu ngữ lấy trong Giáo khoa thư xưa hay Tam tự kinh như: Tiên học lễ, hậu học văn, Nhân bất học, bất tri lý... Những trò diễn ở đây trong sáng, phục vụ giáo dục.
Ngày 21/08/2009, Bộ Giáo dục- Đào tạo, đại diện ngành Giáo dục- Đào tạo của 63 tỉnh thành tổ chức dâng hương tại đền, thể hiện lòng tri ân và quyết tâm phục hưng nền giáo dục. Tối hôm sau, tổ chức giao lưu giữa các nhà nghiên cứu lịch sử với những thầy cô giáo và học sinh tiên tiến của cả nước về tiểu sử và sự nghiệp của thầy Chu, sau đó Bộ Giáo dục- Đào tạo phát phần thưởng cho những học sinh xuất sắc.
Như vậy một loại lễ hội mới ra đời, lễ hội của thầy và trò nhớ về cội nguồn của đạo học và khuyến học. Thành phần của khánh hành hương chủ yếu là giáo viên và học sinh cả nước. Giáo dục và khuyến học là nền tảng tạo nên tri thức của toàn dân, chính vì lẽ đó mà lễ hội về nguồn được nhân dân và giáo viên học sinh hưởng ứng, chắc chắn sẽ ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả.
Từ một phế tích đã mai một qua nhiều năm, nay trở thành nơi thăm quan, nghiên cứu, du lịch hấp dẫn, trước hết là của giáo viên và học sinh cả nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục thế hệ trẻ. Ngày sinh và ngày qua đời của nhà giáo xưa chỉ là việc của Hội tư văn và quan chức địa phương, nay trở thành ngày hội về nguồn của hành vạn thầy và trò trong cả nước. Không những thế, hàng ngày khu di tích tấp nập khách tham quan, chiêm bái, tưởng nhớ công ơn người thày vĩ đại, cầu mong cho con em học hành tiến tới xứng đáng với truyền thống hiếu học của dân tộc.
Từ ngày di tích được trùng tu, tôn tạo, đời sống chính trị, văn học, xã hội của nhân dân địa phương không ngừng được cải thiện, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục phát triển khá toàn diện và vững chắc, số học sinh đỗ đại học và cao đẳng hằng năm không ngừng tăng. Đây là một ví dụ sinh động về sự nghiệp văn hoá tác động đến đời sống xã hội của một địa phương mà trước hết là giáo dục.
……………………………
1)- Thần tích này có nhiều chi tiết có thể tham khảo để nghiên cứu về Chu Văn An và di tích ở Phượng Hoàng. Tuy nhiên sau khi thẩm định thấy một số chi tiết không chính xác, một số bài thơ nói là của Chu Văn Lương nhưng thực chất của Trần Nguyên Đán. Thần tích này sao chép vào đầu thế kỷ XX nên có những lầm lẫn cũng không có gì lạ. Nay trích ra đây để tham khảo.