Đánh thức tiềm năng du lịch Chí Linh
- Thứ ba - 17/10/2017 05:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hướng dẫn đoàn chúng tôi là nhà báo Phạm Chức của Đài PTTH tỉnh Hải Dương, một người khá tường tận về lịch sử văn hóa vùng đất này. Theo như lời ông nói, ông đã nghiên cứu lịch sử văn hóa quê hương mình khoảng 20 năm nhưng càng ngày ông càng thấy vùng đất này rộng ra, to lớn hơn.
Điểm đến đầu tiên chúng tôi dừng chân là chùa Thanh Mai. Con đường đi vào chùa vắng vẻ, thanh tịnh. Trong chúng tôi, ít người có thể hình dung ra nổi đây là một trong ba trung tâm quan trọng thời Trần “Thanh Mai, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến nghiệp tu chưa thành”. Con đường dẫn lên chùa là rừng phong cổ thụ đang chuẩn bị cho mùa đổ lá đỏ, đẹp xao xuyến. Nhà báo Phạm Chức chỉ cho chúng tôi về đỉnh núi có huyệt mạch hình bông sen, nơi đặt phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh, phụ thân Nguyễn Trãi. Trong những câu chuyện của ông là một phần lịch sử, một phần huyền tích về dòng họ trâm anh thế phiệt, về con đập giữ nước giúp “đóa sen” nơi phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh nở hoa theo truyền thuyết.
Chuyến đi của đoàn thêm nhiều phần thú vị, chúng tôi như được tiếp thêm tình yêu với mảnh đất quê hương nhà báo Phạm Chức. Thì ra, vùng đất này, nước Việt Nam có nhiều điều lý thú đến vậy. Ở Đền Sinh-Đền Hóa, ông chỉ cho chúng tôi về một địa điểm hiếm hoi, có lẽ với cả hành tinh này, một nơi tôn thờ người mẹ. Người mẹ đó không phải là người phụ nữ bình thường mà là một người đang làm nghĩa vụ thiêng liêng: Sinh nở. Hiếm nơi đâu, một người phụ nữ đang trong tư thế đang trở dạ như thế được lập đền thờ, ngay trong hậu điện linh thiêng. Do đức tin, người dân gọi ngôi đền là nơi cầu tự linh thiêng.
Ngay gần đền thờ người mẹ, một điểm đến được nhiều du khách biết đến chính là nơi thờ cha, theo cách dân gian gọi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: Đền Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc nổi tiếng xa gần về độ linh thiêng, nhộn nhịp. Đặc biệt, vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội đền Kiếp Bạc là một trong những lễ hội mùa thu lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, ít du khách đến Kiếp Bạc lại biết về “con đường” vào cửa cha, ra cửa mẹ để tỏ lòng biết ơn những đấng sinh thành, những tiền nhân có công với lịch sử, đất nước. Càng ít người biết hơn về nét văn hóa chợ hội trong thời gian từ ngày 10 đến 20-8 âm lịch hằng năm. Mặt hàng được bán chạy nhất trong chợ hội không phải sản vật quý hiếm, mà là chiếu cói. Chiếu cói được mang từ khắp nơi trong cả nước về bán tại đây, trở thành một nét tâm linh tín ngưỡng độc đáo của nơi này…
Một ngày trôi đi nhanh chóng, qua các điểm dừng chân của Chí Linh, mỗi nơi như thế chúng tôi đều được nghe về những câu chuyện, hiểu thêm về lịch sử, về nhân tình thế thái, thêm tự hào về con người đất Việt...