Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Vụ án Lệ Chi Viên và sự ly tán của gia đình, họ tộc Nguyễn Trãi

Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là người có đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc, nhưng cũng chịu nỗi đau oan khuất nhất trong lịch sử. Vụ án Lệ Chi viên thảm khốc đã giết hại nhiều người trong gia đình, họ tộc Nguyễn Trãi. Những người sống sót đã phải phiêu tán khắp nơi, mai danh ẩn tích. Họ là cốt nhục của Nguyễn Trãi, để lại các đời con cháu đến ngày nay.
Nguyễn Trãi (1380-1442) Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long; cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái. Quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về làng Ngọc Ổi, xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). Cả cuộc đời Nguyễn Trãi lo cho dân, cho nước. Ông là người tài đức vẹn toàn, một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao thiên tài, nhà văn hoá vĩ đại, trí tuệ uyên bác, nhân cách cao thượng. Tài năng, nhân cách của Ông là biểu tượng cho đạo lý, trí tuệ, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Có thể nói, Nguyễn Trãi là vị anh hùng có công đầu trong sự nghiệp Bình Ngô khai quốc mở nền bình trị, là bậc danh nhân đi tiên phong trong sự nghiệp chấn hưng văn hoá dân tộc…

* Vụ án Lệ Chi viên với Nguyễn Trãi: Vụ án xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), khi vua Lê Thái Tông đi tuần thú miền Đông. Sau khi duyệt võ ở thành Chí Linh, nhà vua về Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Ngày 04 tháng 8, trên đường về Thăng Long, vua Lê Thái Tông có nghỉ tại ly cung Lệ Chi viên (tức Trại Vải) nay thuộc xã Đại Lại, Gia Bình, Bắc Ninh. Đêm đó, nhà vua đột ngột băng hà. Nhân sự kiện này, triều đình đã khép Nguyễn Trãi vào tội sai vợ là Nguyễn Thị Lộ đầu độc giết vua và kết án tru di tam tộc. Ngày 16 tháng 8, Nguyễn Trãi và ba họ đã rơi đầu tại pháp trường Thăng Long. Sách “Đại Việt sử ký Toàn thư” của Ngô Sĩ Liên ghi: “Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”.

Về nguyên nhân vụ án: Về nguyên nhân vụ án, sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký Toàn thư” có viết: “Tháng 8, ngày mồng 4, vua đến vườn Lệ Chi, huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”. Như vậy, theo ghi chép của sử gia Ngô Sỹ Liên thì nguyên nhân vụ án là Nguyễn Thị Lộ “giết vua” và do Nguyễn Trãi “chủ mưu”. Đến thế kỷ XVIII, nhà sử học Lê Quý Đôn trong “Đại Việt thông sử” cho biết thông tin liên quan đến vụ án: “Khi vua Thái Tông đi tuần phía đông, mắc bệnh nguy kịch, Thiếu úy Trịnh Khả hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”. Các sử quan triều Nguyễn (thế kỷ XIX) trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng ghi về vụ án: “Tháng 7 mùa thu, nhà vua tuần hành ở phía đông, duyệt võ ở Chí Linh. Lê Trãi đón mời, nhà vua đến chơi chùa núi Côn Sơn, nơi ở của Lê Trãi. Tháng 8 nhà vua về đến huyện Gia Định thì mất… Đến đây đi tuần ở phía đông, xa giá quay về đến Trại Vải làng Đại Lại, huyện Gia Định thì mắc chứng sốt rét, Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về kinh đô. Nửa đêm vào đến trong cung mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua bèn bắt giết Thị Lộ… giết Thừa chỉ Nhập nội Đại Hành khiển trí sĩ Lê Trãi, tru di cả họ. Trãi phải tội liên luỵ vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều cho là oan”. Như vậy, Lê Quý Đôn cho rằng nhà vua bị “mắc bệnh nguy kịch” mà chết và theo hầu ông còn có Thiếu uý Trịnh Khả hầu thuốc suốt đêm. Vậy tại sao triều đình lại quy kết vợ chồng Nguyễn Trãi giết vua?. Đến nay, các nhà sử học đã dần làm sáng tỏ nguyên nhân vụ án. Người đầu tiên nêu lên quan điểm và xét lại vụ án Lệ Chi viên là tác giả Lê Thước. Trong bài viết: “Thử xét lại vụ án Nguyễn Trãi” (Tạp chí Văn Sử Địa số 24, 1957) tác giả đã đưa ra nhiều tình tiết lôgíc để chứng minh. Sau khi UNESCO chính thức vinh danh Nguyễn Trãi là “Danh nhân văn hoá thế giới” (năm 1980), nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ được công bố. Đặc biệt, năm 2002 “Hội thảo khoa học về Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ” tại Hà Nội; các nhà nghiên cứu đã dựa theo các nguồn tư liệu mới đặt trong bối cảnh tình hình chính trị triều Lê để đánh giá nguyên nhân vụ án. Từ đó đi đến kết luận, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ không liên quan đến cái chết của vua Lê Thái Tông. Hai người chỉ là nạn nhân. Vụ án đã bộc lộ nhiều nhược điểm cố hữu của chế độ phong kiến mà mô hình xã hội với sự hoà quyện giữa 3 yếu tố “nhà, làng, nước”, ở đó tính chất dòng tộc (Lý, Trần, Lê…) độc tôn đã tạo nên những ích kỷ của dòng họ. Hệ quả là khi một dòng họ nào thiết lập nên triều đại mà người đứng đầu là ông vua sáng thì phát huy được sức mạnh của dân tộc. Nhưng, khi người đứng đầu triều đình là ông vua kém, sẽ dẫn đến những đố kỵ, ích kỷ của quyền lợi tư thường.

Sự ly tán của gia đình và họ tộc Nguyễn Trãi sau vụ án Lệ Chi viên:

Án “tru di tam tộc” được thi hành tuỳ theo từng thời, từng trường hợp cụ thể. Án này được vận dụng hoặc là ba họ gồm họ cha, họ mẹ, họ vợ; hoặc ba đời gồm ba thế hệ cha, con, cháu; hoặc ba đời giới hạn hơn là cha mẹ, anh em, vợ con. Trong vụ án Lệ Chi viên, đối tượng chủ yếu triều đình nhằm vào là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Nhưng theo gia phả các chi họ Nguyễn đều cho biết cả gia đình Nguyễn Trãi bị truy sát. Các bà vợ và anh em trong gia đình cũng bị án. Như vậy, án tru di tam tộc năm 1442 đối với Nguyễn Trãi, triều đình thực thi áp dụng với ba đời là cha mẹ, anh em, vợ con. Sử sách ghi chép về việc thi hành vụ án không đầy đủ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: tháng 8 “Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”. Sách “Cương mục” chép: “giết Thừa chỉ Nhập nội đại hành khiển trí sĩ Lê Trãi, tru di cả họ”. Gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê và sách “Tiên sinh sự trạng khảo” của Dương Bá Cung cũng ghi: “giết Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và bắt tội đến ba họ, tịch thu ruộng đất tài sản làm của công”. Chính sử không cho biết trong vụ án ngoài Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ còn những ai bị giết và số lượng bao nhiêu người.
Theo Gia phả họ Nguyễn ở Chi Ngãi (Cộng Hòa, Chí Linh), Phương Quất (Kinh Môn, Hải Dương) và gia phả ở Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội)… thì Nguyễn Trãi có 5 bà vợ.
Vợ cả là bà Trần Thị Thành.
Vợ thứ 2 họ Phùng, quê ở xã Nguyệt Áng, Thanh Trì, Hà Nội.
Vợ thứ 3 là bà Nguyễn Thị Lộ, quê ở xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên, (nay là Hưng Hà, Thái Bình).
Vợ thứ 4 là bà Phạm Thị Mẫn, quê ở làng Nỗ Vệ, Thụy Phú, Phú Xuyên, Hà Nội.
Vợ thứ 5 là bà Lê Thị phu nhân, người làng Chi Ngãi, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương.

Như vậy, ngoài họ Nguyễn (họ cha) còn có những họ liên quan là họ Trần (chánh thất Trần Thị Thái của Nguyễn Ứng Long; chánh thất Trần Thị Thành của Nguyễn Trãi), họ Nhữ (bà kế thất của Nguyễn Ứng Long), họ Phùng, họ Phạm (vợ thứ của Nguyễn Trãi). Cũng theo các gia phả trên cho biết, Nguyễn Trãi sinh được 7 người con trai và một người con gái.
Bà chính nhất Trần Thị Thành: Sinh Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù (tức Nguyễn Hồng Quý hay Hồng Quỳ).
Bà 2 là Phùng Thị phu nhân: Sinh Nguyễn Thị Trà, Nguyễn Bản, Nguyễn Tích.
Bà 3 là Nguyễn Thị Lộ: Không có con
Bà 4 là Phạm Thị Mẫn: Sinh ra Nguyễn Anh Vũ
Bà 5 là Lê Thị phu nhân: Sinh ra Nguyễn Năng Đoán

Sau vụ án Lệ Chi viên nhiều người trong gia đình, họ tộc Nguyễn Trãi đã bị hành hình, có những người lánh nạn trốn án. Căn cứ vào các gia phả, kết hợp với kết quả khảo sát thực tế tại các chi họ Nguyễn, bước đầu xác định những người trong gia đình Nguyễn Trãi còn sống sót như sau:
Về phần anh em với Nguyễn Trãi
Khi vụ án xảy ra thì thân phụ, thân mẫu của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái đã mất nên không còn liên đới trực tiếp.

Về anh em với Nguyễn Trãi; Nguyễn Phi Khanh có hai bà vợ với 7 người con trai. Bà cả là Trần Thị Thái sinh hạ 5 con trai là Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Ly. Nguyễn Phi Khanh lấy bà thứ hai Đoàn Nhữ Hoàn, sinh 2 trai là Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Nhữ Trạch. Khi vụ án xảy ra, ba người em là Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Phi Ly các gia phả đều “vô khảo”, không thấy ghi tông tích và con cái của họ nên có thể đã bị giết trong vụ án. Còn Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Nhữ Trạch đã thoát nạn tru di. Trong đó, người em thứ ba là Nguyễn Phi Hùng theo cha Nguyễn Phi Khanh sang Trung Quốc năm 1407. Hai người em Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Nhữ Trạch nằm trong diện truy bắt của triều đình nhưng đã trốn thoát về sống ở quê Cẩm Nga, Đông Sơn, Thanh Hoá. Về sau, Nguyễn Nhữ Trạch về định cư ở làng Bòng, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Từ đó, hình thành hai chi họ Nguyễn ở Thanh Hoá. Chi họ Nguyễn Nhữ Soạn ở Cẩm Nga, Mộc Nhuận (nay thuộc Đông Sơn, Thanh Hoá). Chi họ Nguyễn Nhữ Trạch phát triển ở làng Bòng, Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Dòng họ đều lấy tổ là Nguyễn Phi Khanh. Riêng chi họ Nguyễn Nhữ Soạn sau một chi phát triển di cư xuống làng Lan Trà, xã Trúc Lâm, Tĩnh Gia thành lập các chi họ Nguyễn ở đây. Chi họ Nguyễn ở Lan Trà phát triển, sau đổi tên đệm thành Nguyễn Đình. Hiện nay, ở Cẩm Nga và Lan Trà đều có từ đường thờ tiên tổ.

Về gia đình Nguyễn Trãi

Trong số 5 người vợ của Nguyễn Trãi, gia phả ở Nhị Khê ghi rõ người vợ cả là Trần Thị Thành thọ 62 tuổi, giỗ ngày 16 tháng 8 âm lịch. Ngày giỗ trùng với ngày thảm án xảy ra năm 1442, và tuổi thọ của bà kém Nguyễn Trãi một tuổi. Như vậy, có thể bà đã bị hành quyết cùng với chồng. Bà vợ thứ họ Phùng không thấy gia phả nhắc tới nên “vô khảo”. Trong 5 bà vợ của Nguyễn Trãi, các gia phả ghi lại còn 2 người thoát nạn là bà Phạm Thị Mẫn và bà thứ thiếp họ Lê người Chi Ngãi. 7 người con trai của Nguyễn Trãi thì 2 con của bà cả Trần Thị Thành là Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng và hai người con bà thứ Phùng Thị là Nguyễn Bản, Nguyễn Tích đều “vô khảo”, gia phả không ghi chép con cháu, có thể những người này cũng bị hành quyết cùng với cha trong vụ án. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong 7 người con của Nguyễn Trãi, còn 3 người con trai và một người con gái thoát nạn tru di gồm:

Nguyễn Phù (tức Nguyễn Hồng Quý hay Hồng Quỳ) con người vợ cả Trần Thị Thành. Sau vụ án Nguyễn Phù chạy ẩn về Phù Đàm (nay là Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) phát triển chi họ Nguyễn Trãi ở đó. Trong phả “Nguyễn Thị gia kê” viết đời Lê Chính Hoà năm thứ 17 (1698), trong phần dẫn tích trang 2 có ghi: “Họ ta trước ở xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam, sau do gặp đại biến con cháu phải chạy tản mát nhiều nơi. Một chi về sau cư trú ở nguyên quán xã Nhị Khê. Một chi về ở tại xã Phù Đàm, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc)”.

Về chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê còn có ý kiến nhầm lẫn cho rằng chi họ Nguyễn ở Phù Khê thuộc con cháu Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi). Còn Nguyễn Phù - người con thứ 3 của Nguyễn Trãi sống sót chạy lên Cao Bằng đổi ra họ Bế Nguyễn, dẫn đến những nhầm lẫn họ Bế Nguyễn thuộc dòng trực hệ Nguyễn Trãi. Khi nghiên cứu phả các chi họ Nguyễn Trãi đều thống nhất cho biết dòng họ Bế Nguyễn ở Bắc Khê, Cao Bằng do tổ Nguyễn Tông Thái là em ruột Nguyễn Kim, tướng trấn thủ biên giới lập ra. Dòng họ Bế Nguyễn ở Bắc Khê, Cao Bằng có lai lịch rõ ràng và không liên quan gì đến người con thứ 3 của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phù.

Còn về người em trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Hùng khi cha Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải sang Kim Lăng (Trung Quốc), ông đi theo cha để hầu hạ. Trong thời gian ở đạo Phúc Kiến, Nguyễn Phi Hùng lập gia đình sinh con cháu. Vì lý do đặc biệt, Nguyễn Phi Hùng đổi họ sang họ Ngô. Đến năm Mậu Thân (1428) cha Nguyễn Phi Khanh mất. Lúc này Lê Thái Tổ đã bình định xong giặc Minh. Nguyễn Trãi là Bình ngô khai quốc công thần được ban quốc tính tước Quan phục hầu. Một thời gian sau, Nguyễn Phi Hùng đưa hài cốt cha về táng tại núi Báo Đức (Chí Linh, Hải Dương), rồi quay trở lại Phúc Kiến sống cùng gia đình. Sau khi Nguyễn Phi Hùng mất, con là Ngô Dũng đưa gia đình trở về cố hương. Cũng do vụ án Lệ Chi viên, để giữ an toàn cho con cháu, Ngô Dũng lại đổi họ sang họ Phạm về định cư tại làng Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Đến đời thứ tư dòng họ có cụ Phạm Phi Kiến sinh năm Giáp Tí (1564), đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Quý Hợi Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến Hiến sát sứ. Từ đây, con cháu của Phạm Phi Kiến lại đổi lấy lại họ gốc là Nguyễn Phi giữ cho đến ngày nay. Con cháu Nguyễn Phi sinh cơ lập nghiệp tại Dương Liễu, từ đó hình thành và phát triển các chi họ Nguyễn Phi ở Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội.

Người con thứ 2 sống sót là Nguyễn Anh Vũ, con bà Phạm Thị Mẫn, vợ thứ 4 của Nguyễn Trãi. Khi vụ án Lệ Chi viên xảy ra, bà Phạm Thị Mẫn đang mang thai 3 tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa trốn vào xứ Bồn Man (phía tây Thanh Hoá). Một thời gian sau khi vụ án lắng xuống, bà về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia nương náu, ẩn dật. Tại đây, bà sinh Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, kết thúc vụ án Lệ Chi viên. Lúc này, Nguyễn Anh Vũ đại diện duy nhất của gia tộc ra nhận chiếu chỉ của triều đình. Đồng thời, Nguyễn Anh Vũ được vua Lê Thánh Tông phong chức Đồng Tri phủ Tĩnh Gia, cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là “miễn hoàn điền” (ruộng không phải trả lại) để con cháu đời đời phụng thờ, hương khói. Nhớ ơn cha ông tổ tiên, Nguyễn Anh Vũ xây dựng mộ Nguyễn Trãi tại xứ đồng Tai Hà, làng Dự Quần. Lấy ngày mất của Nguyễn Trãi (16 tháng 8 âm lịch) là ngày giỗ họ. Đời sau do không thuận tiện cho việc tế tổ (khó khăn kinh tế, gió bão nhiều…), con cháu chuyển lấy ngày mất của Anh Vũ làm ngày giỗ họ.

Theo các phả ở Chi Ngãi, Nhị Khê, Dự Quần, Hải Anh cho biết, Nguyễn Anh Vũ lấy 2 bà vợ sinh được 7 người con trai gồm Nguyễn Tạc, Nguyễn Giám, Nguyễn Quân, Nguyễn Thiêm, Nguyễn Giáp, Nguyễn Thung, Nguyễn Châu Phượng và 1 người con gái. Khi các con vương trưởng, Nguyễn Anh Vũ cử những người con của mình về các nơi để phục hồi lại dòng họ và hương khói từ đường tổ tiên như ở Nhị Khê (Hà Nội), Chi Ngãi (Hải Dương), Thuỵ Phú (Phú Xuyên, Hà Nội); và hình thành, phát triển một số chi họ Nguyễn ở Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định), Xuân Dục (Mỹ Hào, Hưng Yên), Dự Quần (Xuân Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hoá)...

Người vợ thứ 5 của Nguyễn Trãi sống sót là bà Lê Thị phu nhân người Chi Ngại. Khi vụ án xảy ra bà chạy về Phương Quất (Kinh Môn, Hải Dương), sinh ra Nguyễn Năng Đoán. Theo phả“Nhị Khê thế gia biên”, biên soạn cuối thời Lê và phả “Nguyễn tộc thế phả từ thượng chí hạ” ở Chi Ngãi, biên soạn thời Hồng Thuận tứ niên (1516), sao lục năm 1994, trang17 có chép:“祖 姊 次 妾 黎 氏 夫 人 館 在 芰 碍 社, 鳳 眼 縣, 蒗 江 府, 鎭 京 北. 時 將 公 悞 遇 有 胎 三 月 落 在 園 花 塃 使陶, 歸 顧 鄕 芰 碍 思 不 寡 再 緦. 于 挟 山 縣, 河 场 社, 花 餘 村. 居 安 後 改 花 橘 村”.Phiên âm: “Tổ tỷ thứ thiếp Lê Thị phu nhân quán tại Chi Ngại xã, Phượng Nhỡn huyện, Lạng Giang Phủ, trấn Kinh Bắc. Thời tướng công (tức thời Ức Trai) ngộ biến hữu thai tam nguyệt lạc tại viên hoa hoang sứ đào, quy cố hương Chi Ngại tư bất quả tái ty. Vu Hiệp Sơn huyện, Hà Tràng xã, Hoa Dư thôn. Cư yên hậu cải Hoa Quất thôn”. Dịch nghĩa: “Tổ là vợ thứ (Ức Trai) tên là Lê Thị nguyên quán ở tại xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Khi xảy ra vụ án Lệ Chi viên năm 1442, bà đang mang thai 3 tháng đã phiêu dạt về khu vườn hoang sau về thôn Hoa Dư, xã Hà Tràng, huyện Hiệp Sơn (tức Phương Quất ngày nay)”. Từ đời Nguyễn Năng Đoán đã phát triển thành nhiều chi họ Nguyễn ở Phương Quất, Quế Lĩnh (Kinh Môn, Hải Dương), Triều Bến (Đông Triều, Quảng Ninh)…

Người con gái duy nhất của Nguyễn Trãi sống sót là Nguyễn Thị Đào. Theo công trình nghiên cứu của Trúc Khê về Nguyễn Trãi thì Nguyễn Thị Đào bị câm từ nhỏ. Khi gia biến, các phụ nữ trong nhà bị sung làm thiếp, nàng còn nhỏ và được một hoạn quan đưa về nuôi. Sau viên hoạn quan đột nhiên mất sớm, nàng lưu lạc giáo phường tự nhiên nói được, sau vào cung ca hát, được vua Lê Thánh Tông chiếu cố, phong làm Chiêu nghi trong cung.

Như vậy, vụ án Lệ Chi viên năm 1442, đã kết án nhiều người trong gia tộc Nguyễn Trãi. Bên cạnh những người đã bị giết thì còn nhiều người trong gia đình thoát nạn. Một số con cháu thoát nạn đã phiêu tán lánh nạn khắp nơi. Lần theo các gia phả thì Nguyễn Trãi còn 3 người con trai thoát nạn sau vụ án. Nhờ sự che chở và đùm bọc của nhân dân nên đã sống sót. Vượt lên trên hoàn cảnh, họ đã tạo dựng cơ nghiệp, sinh ra các đời con cháu. Với ý thức về tông tộc, về cội nguồn họ đã phân các con cháu đi các nơi để khởi dựng lại dòng họ, lập từ đường để thờ cúng. Hơn năm thế kỷ hồi sinh phát triển, dòng họ Nguyễn Trãi đã trải qua biết bao thăng trầm. Đến nay dòng họ Nguyễn Trãi đã phát triển thành một dòng họ lớn có mặt ở khắp nơi và có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Quý Đôn (1993), Đại Việt thông sử, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
2. Ngô Sỹ Liên (1978), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
3. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (2009), Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên, Nxb Văn hóa Thông tin.
4. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo Dục
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục,  tập I, II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6. Uỷ ban KHXH (1982), Kỷ yếu Hội thảo khoa học 600 năm sinh Nguyễn Trãi, Nxb Khoa Học xã hội, Hà Nội.
7. Lê Thước - Trương Chính (1957), Thử xét lại cái án Nguyễn Trãi, Tạp chí Văn Sử Địa, số 1.
8. “Nguyễn Thị gia kê” viết đời Lê Chính Hoà năm thứ 17 (1698), Gia phả họ Nguyễn ở Phù Khê.
9. “Nhị Khê thế gia biên”, Gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê biên soạn cuối thời Lê.
10. Phả “Nguyễn tộc thế phả từ thượng chí hạ” ở Chi Ngãi biên soạn thời Hồng Thuận tứ niên (1516), sao lục năm 1994.
 
 
Nguyễn Văn Cường - Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây