Tấm bia thiêng mang ngự bút của vua Trần
- Thứ hai - 02/03/2020 21:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tấm bia cổ đặc biệt
Nằm cách Hà Nội 80km về phía đông bắc, khu di tích Côn Sơn là một điểm đến trong tuyến hành hương Côn Sơn – Kiếp Bạc – Yên Tử - Quỳnh Lâm. Khu di tích nhân văn và tâm linh nổi tiếng này chính là mảnh đất gắn bó với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Ngoài ra, Côn Sơn còn là nơi hội tụ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo Việt Nam. Vì vậy, mỗi năm nơi đây đã đón hàng vạn lượt du khách về tham quan, lễ bái, chiêm ngưỡng.
Trong hệ thống văn bia còn lưu giữ tại chùa Côn Sơn của khu di tích, có một tấm bia được đánh giá là khá đặc biệt không chỉ do có niên đại lâu đời nhất mà còn mang ngự bút của vua Trần Duệ Tông – bia Thanh Hư Động.
Theo các tài liệu lịch sử còn tồn tại đến ngày nay, vào năm 1369, sau khi dẹp loạn Dương Nhật Lễ, lập lại triều Trần, Đại tư đồ Trần Nguyên Đán đã về dựng nhà trên núi Côn Sơn làm nơi an hưởng tuổi già. Bia Thanh Hư Động được đặt trong sân chùa Côn Sơn ở vị trí đầu tiên, bên phải. Bước qua tam quan nội, hiện vật nổi bật với thân bia cao trên lưng rùa đá, mặt trước có 3 chữ Nho lớn được đặt trong nhà bia cổ các rêu phong. Đây cũng là hiện vật đầu tiên mà du khách được các hướng dẫn viên giới thiệu trong hệ thống văn bia của chùa Côn Sơn mỗi khi có dịp về thăm bái nơi đây.
Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh, khu đồng vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ. Trần Nguyên Đán đã cùng gia đình lui về ở nơi đây. Rồi ông cùng gia đình không ngừng mở mang trồng cây, tu tạo thắng cảnh. Các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều được đặt tên riêng, nhưng tất cả được gọi chung là Thanh Hư Động. Bởi vậy, mới có câu truyền tụng trong dân gian: “Ông trồng thông, bà trồng rễ”, xuất phát từ việc này.
Sự kiện đó đã được chính Nguyễn Phi Khanh, con rể của vị Đại tư đồ ghi lại trong bài “Thanh Hư Động ký” viết vào năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ tám (năm 1384). Trong dịp về thăm ngài, vua Trần Duệ Tông đã ngự bút tặng 3 chữ “Thanh Hư Động” khắc trên bia. Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông tự chế bài minh khắc ở sau bia. Hành động này của hai đức vua nhằm bày tỏ sự khen ngợi công lao trước đây của Đại tư đồ Trần Nguyên Đán cũng như sự tôn trọng đối với ngài.
Bảo vật quý của quốc gia
Thanh Hư Động vốn là một tập hợp các công trình kiến trúc trên núi đã từng nổi danh một thời như: Bàn Cờ Tiên, am Bạch Vân, suối Côn Sơn với cầu Thấu Ngọc bắc qua được các nhà sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ tựa cảnh bồng lai.
Nhưng vào năm 1390, sau khi Trần Nguyên Đán qua đời, Thanh Hư Động dần trở lên hoang phế, lụi tàn. Đến thế kỷ 15, khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, khu di tích bị chúng tàn phá tan hoang. Tuy nhiên, tấm bia Thanh Hư Động ngày nào tuyệt nhiên vẫn còn và được nhà sư Mai Trí Bản phát hiện thấy, đưa về sân chùa vào năm 1602.
Theo quan sát, thân bia dẹt, trán cong, có kích thước lớn. Chiều cao bia là 165cm, rộng 98cm, dày 17cm. Toàn bộ thân bia được đặt trên lưng một con rùa đá. Về hình dáng rùa giống với rùa ở bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” thời Trần ở chùa Thanh Mai, đầu tạc rõ hai mắt và sống mũi, tư thế nghênh cao, mai để trơn, đuôi vắt lên mai.Mấy trăm năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, tấm bia vẫn sừng sững cùng trời đất như một chứng tích lịch sử. Các nhà nghiên cứu đánh giá, bia Thanh Hư Động là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị còn tồn tại đến ngày nay ở nước ta.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của bài ký này có thể do bài minh của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông được khắc trước đó đã bị phai mờ nên nhà sư Mai Trí Bản đã cho mài mặt sau bia để khắc vào. Bia đề niên hiệu Hoằng Định tam niên (năm 1602). Chữ viết trên mặt bia có 29 cột, mỗi cột có từ 2 – 45 chữ. Trán bia trang trí mặt trời, diềm bia trang trí hoa dầy hơn.Bốn chân rùa, các móng quắp lại nén xuống đất rang sức đỡ bia. Mặt trước trán bia khắc 4 chữ Nho theo thể chữ triện “Long Khánh Ngự Thư” trong khung chữ nhất (Niên đại thời Long Khánh 1373 – 1377). Giữa bia để 3 chữ lớn “Thanh Hư Động” viết theo lối chân phương. Xung quanh diềm bia trang trí rồng triện gẫy khúc. Đến mặt sau của bia có khắc bài ký “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn đó, ngày 23/12/2015, bia Thanh Hư Động ở chùa Côn Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Bia Thanh Hư Động cũng là minh chứng cho những giá trị vô giá về văn hóa vật thể, phi vật thể của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết, chùa Côn Sơn hiện còn lưu giữ được 16 văn bia, với nhiều hình dáng, kích thước. Bia tại đây không chỉ ghi lại quá trình trùng tu, xây dựng ngôi chùa mà còn là những tác phẩm điêu khắc có giá trị. Bia Thanh Hư Động chính là một trong những tài sản vô giá của di tích Côn Sơn bởi nó có niên đại lâu đời nhất.