Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Người tôn tạo danh thắng Côn Sơn

Trần Nguyên Ðán là vị quan tài danh nổi tiếng triều Trần. Không chỉ có công phục hưng nhà Trần, ông còn là người góp phần tu tạo, mở mang chốn quốc tự danh thắng Côn Sơn.
Đền thờ Trần Nguyên Đán
Công lao thành giai thoại

Công lao tôn tạo, mở mang di tích danh thắng Côn Sơn của Trần Nguyên Đán được ghi dấu bằng những công trình kiến trúc, trong các tài liệu lịch sử, văn bia còn được lưu giữ đến nay. 

Nói đến danh thắng Côn Sơn ta không thể bỏ qua công trình đã đi vào thơ ca, sử sách là Thanh Hư Động. Đây là công trình được Trần Nguyên Đán xây dựng trước khi về trí sĩ ở Côn Sơn ít lâu. Theo các tài liệu lịch sử, sau khi dẹp loạn Dương Nhật Lễ, khôi phục cơ nghiệp nhà Trần, vào thời Long Khánh (1373 - 1377), Đại tư đồ Trần Nguyên Đán xin triều đình cho xây dựng động Thanh Hư ở Côn Sơn làm nơi lui nghỉ. Triều Trần suy tàn, Hồ Quý Ly âm mưu đoạt ngôi. Trần Nguyên Đán can ngăn nhưng Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không nghe. Năm 1385, ông xin về nghỉ ở núi Côn Sơn vui với trúc thông. 

Động Thanh Hư không phải là hang động như nhiều người lầm tưởng.  Có thể hiểu đó là không gian núi non rộng lớn với các công trình kiến trúc từng được các sử gia và thi nhân ca ngợi như: Bàn Cờ Tiên, am Bạch Vân, suối Côn Sơn... Động làm xong, vua Trần Duệ Tông tặng ba chữ ngự bút lớn "Thanh Hư Động" (nghĩa là thanh trong, thoát tục) khắc trên bia, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tự chế bài minh khắc ở sau bia. Sang thế kỷ 15, giặc Minh sang xâm lược nước ta, khu di tích Côn Sơn bị tàn phá. Năm 1602, khi trùng tu chùa Côn Sơn, nhà sư Mai Trí Bản đã phát hiện được tấm bia Thanh Hư Động và đưa về sân chùa. Với giá trị đặc biệt, bia Thanh Hư Động đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Cùng với Thanh Hư Động, Trần Nguyên Đán còn cho dựng cầu Thấu Ngọc, trở thành điểm nhấn của quần thể danh thắng. Trong "Lịch triều hiến chương loại chí" có viết: "Trên núi có Động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc cây và đá xanh um....". Ngoài ra, khi về sống tại Côn Sơn, Trần Nguyên Đán còn cho đắp đàn Tinh Đẩu tế thần sao Bắc Đẩu, cầu cho quốc thái, dân an cũng như bỏ ra nhiều công sức mở mang, tu tạo chùa Côn Sơn, cùng toàn bộ khu danh thắng. 

Về Côn Sơn, du khách sẽ được đắm mình vào rừng thông xanh mát. Cũng tại Côn Sơn, du khách còn bắt gặp bãi rễ kỳ lạ trải rộng ở chân núi phía nam. Theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, người cao tuổi nhất ở đất Côn Sơn cũng không biết bãi rễ có tự bao giờ. Nhưng họ vẫn truyền nhau một giai thoại thú vị đậm chất huyền thuyết về rừng thông, bãi rễ. Sau khi cáo quan về trí sĩ ở Côn Sơn, Đại tư đồ Trần Nguyên Đán đã trồng rất nhiều thông ở trên núi Côn Sơn tạo cảnh quan. Sau này cây lớn tạo thành rừng thông đại ngàn. Còn vợ ông thì cấy rễ, đem màu xanh phủ lên khắp vùng đất hoang ở dưới chân núi Côn Sơn. Đời này qua đời khác, cây rễ mọc lan, phát triển thành bãi rễ kỳ thú. Vì thế cây thông, cây rễ gắn liền với câu nói cửa miệng của người dân nơi đây: “ông trồng thông, bà cấy rễ”. Hiện nay, bãi rễ được khoanh vùng bảo vệ như một di sản về danh nhân Trần Nguyên Đán. 

Đại tư đồ Trần Nguyên Đán còn được biết đến là người nuôi nấng, dưỡng dục người cháu ngoại Nguyễn Trãi. Tài năng, trí tuệ, tư tưởng của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã làm rạng danh đất Côn Sơn, niềm tự hào cho cả dân tộc. 

Uy linh đền thờ

Năm 1390, quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông, sắc chỉ cho nhân dân lập đền, tạc tượng thờ tại đây. Trải qua năm tháng, các công trình trong Thanh Hư Động và đền thờ Trần Nguyên Đán xưa không còn. Song các đợt khai quật khảo cổ học đã minh chứng quy mô một thời của các công trình. Năm 1979, thám sát khu vực Thanh Hư Động ở Côn Sơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện kè đá dài 27 m và nhiều hiện vật gồm: bát men ngọc có dấu con kê, một vỉa gạch, ngói mũi nhọn… Trên cơ sở phân tích đặc điểm kiến trúc, hoa văn kết hợp tư liệu chính sử nhận định đây có khả năng là nền nhà cũ của Trần Nguyên Đán. Năm 2000, Bảo tàng tỉnh tiếp tục mở 3 hố khai quật khảo cổ học nhằm xác định quy mô của công trình kiến trúc Thanh Hư Động. Kết quả đã xuất lộ nền nhà được làm theo kiểu giật cấp, sân và nhiều gạch ngói, đinh thuyền… minh chứng khu vực này là trung tâm của Thanh Hư Động và là đền thờ của Trần Nguyên Đán sau khi ông qua đời. Tại hố khai quật khu vực cầu Thấu Ngọc đã tìm thấy nhiều mảnh ngói các loại, trong đó phần lớn là ngói mũi nhọn có móc thời Trần, Lê cho thấy công trình là bộ phận quan trọng của Thanh Hư Động. 

Từ các cứ liệu khảo cổ học xác đáng, để tưởng nhớ một danh nhân trong lịch sử dân tộc, người có công lớn trong mở rộng thắng cảnh Côn Sơn, năm 2005, đền thờ Trần Nguyên Đán (đền Thanh Hư) đã được xây dựng. Đền có kiến trúc chữ Đinh, tòa tiền tế chồng diêm, hai tầng tám mái uy nghi tựa núi Côn Sơn, nhìn xuống hồ. Cạnh đền thờ là dấu tích nền nhà cũ của quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán được bảo tồn nguyên trạng để giới thiệu với du khách thập phương. 

 


Cầu Thấu Ngọc được phục dựng góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho chốn tùng lâm

 
Cùng với đền Thanh Hư, công trình cầu Thấu Ngọc bắc qua suối Côn Sơn cũng được phục dựng. Từ khi hoàn thành, đền Thanh Hư và cầu Thấu Ngọc góp phần tạo thêm cảnh đẹp uy linh cho chốn tùng lâm. Tại đây, mỗi ngày rất đông du khách đến tham quan chiêm bái. Sau khi ngoạn cảnh chiêm bái Thanh Hư Động, mỗi du khách đều dành chút thời gian nán lại bên cầu Thấu Ngọc để đắm mình nghe tiếng suối róc rách, tiếng thông reo vi vút. 
 
Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ, sinh năm Ất Sửu (1325) ở Thiên Trường (Nam Định), là con một gia đình quý tộc thuộc dòng dõi vua Trần. Hơn 30 năm làm quan, Trần Nguyên Đán là Tướng quốc của ba triều vua: Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Năm 1369, ông có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ, giành lại vương triều, lập vua Trần Nghệ Tông.

Bên cạnh đóng góp to lớn về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, Trần Nguyên Đán còn là một nhà văn hoá, nhà thơ lớn đời hậu Trần. Ông thông hiểu kinh sách, nghiên cứu sâu sắc các học thuyết Nho, Phật, Lão, là người quan tâm nghiên cứu nông lịch. Trước tác của ông có: "Bách thế thông khảo", "Băng Hồ ngọc hác tập"... hiện còn 51 bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”.
 

Tác giả bài viết: NGỌC HÙNG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây