Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Kỳ công phục dựng, tu bổ di tích

Phục dựng, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa là việc không đơn giản. Người thực hiện phục dựng, tu bổ di tích ngoài am hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa còn cần có cái tâm.
Kỳ công phục dựng, tu bổ di tích
Quy định nghiêm ngặt

Đưa chúng tôi đi thăm một loạt hạng mục kiến trúc tại khu di tích Côn Sơn, trong đó có công trình phục dựng lầu thờ Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát đang xây phần móng, tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: "Để triển khai thực hiện công trình này, hơn 2 năm qua chúng tôi phải nghiên cứu, tổ chức các cuộc họp, hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, sau đó xây dựng dự án báo cáo cấp trên xin chủ trương”.

- Nói như thế thì quy trình phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa sẽ rất khác so với  xây dựng một công trình dân dụng? - tôi hỏi.

- Đúng vậy! Xây dựng công trình dân dụng và phục dựng, tu bổ di tích đều phải có thiết kế, thi công, giám sát. Tuy nhiên, phục dựng, tu bổ di tích phải tuân thủ các nguyên tắc kiến trúc truyền thống, với những quy định nghiêm ngặt trong Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan.

Theo tiến sĩ Lê Duy Mạnh, các di tích muốn phục dựng, tôn tạo trước hết phải tiến hành nghiên cứu khoa học để xác định căn cứ lập dự án. Việc nghiên cứu thông qua các tư liệu thành văn (văn bia, thần tích, thần sắc…), kết quả khai quật khảo cổ học và các tư liệu gián tiếp. Với những công trình không được ghi chép trong các tư liệu hoặc dấu tích khảo cổ học mờ nhạt thì lập dự án phục dựng, tu bổ cần có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và ý kiến của cộng đồng dân cư.

Ở khu di tích Côn Sơn, các công trình tu bổ, tôn tạo đều dựa trên cơ sở khoa học nên quá trình phục dựng, tôn tạo khá thuận lợi. Tuy nhiên, ngay cả khi dự án tu bổ, tôn tạo đã được phê duyệt thì việc triển khai thực hiện cũng rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, có sự tham gia góp ý của giới chuyên môn và sự đồng thuận của cộng đồng. Trong văn bia “Côn Sơn tư phúc tự bi” (niên đại 1602) có ghi chép về xây dựng lầu chuông, gác trống chùa Côn Sơn nhưng không ghi rõ quy mô. Khi xây dựng dự án khôi phục công trình lầu chuông, gác trống chùa Côn Sơn, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thám sát khảo cổ học tại vị trí này, phát hiện hàng kè đá dài 2 m, rộng 0,4 m nằm ở độ sâu 0,8 m. Theo dự đoán, có thể đây là kè móng của công trình lầu chuông, gác trống chùa Côn Sơn xưa. Căn cứ vào kết quả thám sát khảo cổ, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã xây dựng phương án phục dựng công trình theo kiến trúc tam quan chùa Bối Khê (Hà Nội) có niên đại thế kỷ XVII. Vì ở nước ta hiện nay, tam quan chùa Bối Khê còn nguyên vẹn nhất, tiêu biểu nhất cho kiến trúc thời hậu Lê. “Sau 3 năm thi công, công trình này mới hoàn thiện. Nói như thế để thấy việc tuân thủ nguyên tắc cổ truyền trong phục dựng, tôn tạo di tích rất quan trọng. Di tích được phục dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ càng, tương ứng với niên đại của công trình được ghi trong sử sách”, tiến sĩ Lê Duy Mạnh nói.

 
Việc phục dựng, tu bổ di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc kiến trúc truyền thống

Căn cứ quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc dự kiến xin chủ trương lập dự án xây dựng trên khu vực Bàn cờ tiên một biểu tượng của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm hoặc xây một ngôi chùa thờ Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Nhưng để xác định căn cứ khoa học cho công trình, cần đầu tư nhiều thời gian.

Cần thợ tài và có tâm

Tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Côn Sơn được phục dựng từ năm 2014 và hoàn thành 2 năm sau đó. Toà cửu phẩm này không chỉ có quy mô lớn hơn các tòa cửu phẩm khác mà còn được các chuyên gia đánh giá là hoành tráng và rất đẹp. Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn kết hợp được cái hay của Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp, cái đặc sắc của Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Đồng Ngọ và cái tiêu biểu của Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Giám. Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn cao 9 tầng, trong đó cây phẩm làm bằng gỗ lim cao gần 10 m, đường kính 85 cm, nặng khoảng 5 tấn. Trên tòa cửu phẩm tạc 219 pho tượng bằng gỗ vàng tâm, được sơn son thếp vàng, nhiều hơn tất cả các tòa cửu phẩm liên hoa hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là ai đã tạo nên công trình đẹp xuất sắc trên? Theo tìm hiểu, thợ làm công trình Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn có 2 mảng. Riêng mảng tạc tượng, trang trí phải kén chọn các nghệ nhân và những thợ giỏi nhất ở làng nghề tạc tượng cổ truyền Sơn Đồng, Hoài Đức (Hà Nội). Mảng xây dựng kết cấu cơ bản cũng phải chọn công ty uy tín, có nhiều nghệ nhân ưu tú chuyên mảng đắp, vẽ, lợp ngói... "Chỉ tính riêng việc dựng cây phẩm nặng trên 5 tấn và nghiên cứu làm sao để cây cửu phẩm này quay được trơn tru cũng mất 1 năm. Nếu không phải là những người thợ có tài, có tâm thì khó có thể thực hiện thành công", tiến sĩ Lê Duy Mạnh nói.

Tại công trường phục dựng Lầu Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát ở khu di tích Côn Sơn, từng phần việc dù là nhỏ nhất cũng được anh Cao Đức Thắng (40 tuổi, quê ở Thanh Hà) trực tiếp giám sát thi công. Chỉ cần phát hiện một chi tiết nhỏ không đúng kỹ thuật là anh yêu cầu thợ làm lại. Anh Thắng cho biết mình đã có kinh nghiệm gần 20 năm theo nghề xây dựng, trong đó có 6 năm chuyên phục dựng, tôn tạo di tích. Nguyên tắc tu bổ, tôn tạo các di tích là phải cố gắng giữ tối đa yếu tố gốc, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. "Đập đi xây lại là chuyện thường. Có khi việc khắc phục lỗi sai một công trình tâm linh bằng lỗi sai của cả 20công trình xây dựng dân dụng gộp lại. Nhưng dù mất thời gian, tốn kém cũng phải làm vì đây là những công trình tâm linh để lại cho hậu thế, nếu cứ làm đại khái cho xong thì về nhà ăn cũng không ngon, ngủ không yên", anh Thắng bộc bạch.

 
Anh Cao Đức Thắng (bên phải) luôn sâu sát, tỉ mỉ, yêu cầu đội thợ làm việc nghiêm túc trong quá trình phục dựng di tích
 
Anh Thắng chia sẻ, trong phục dựng di tích, có những chi tiết mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải rất kiên trì. Với 1 thân cột gỗ lim bị mục rỗng, người ta sẽ hạ giải để đánh giá hiện trạng. Nếu chiếc cột vẫn còn chịu lực được thì thợ chỉ cần bơm keo, cốn vào bên trong rồi dựng lại. Trong trường hợp chiếc cột bị thông tâm, không còn khả năng chịu lực thì buộc phải xẻ dọc, dùng các vật dụng để nạo sạch mùn bên trong. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và phải rất cẩn thận, chỉ một sơ suất nhỏ là vỏ thân cột sẽ bị nứt ngay. Sau khi đã làm sạch mùn bên trong thân cột, công việc tiếp theo là đúc một cột bê tông có đường kính bằng đúng ruột thân cột gỗ. Cuối cùng là lấy 2 tấm vỏ của thân cây cột cũ ốp vào cột bê tông này. "Với việc phục dựng 1 cây cột như thế thường phải 3-4 ngày đội thợ của tôi mới làm xong. Tương tự, phục dựng các bức chạm hoa văn ở trên vì, con dường bị mọt, mục rỗng cũng thế. Tuy vất vả nhưng cả đội thợ vẫn phải kiên trì vì có như vậy mới bảo đảm tuổi thọ và giữ được giá trị gốc của di tích", anh Thắng chia sẻ. 

Anh Nguyễn Lương Dũng (41 tuổi) ở xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ) có 14 năm trong nghề phục dựng, tu bổ di tích cho biết có những công trình thi công phải kéo dài, sửa đi sửa lại nhiều lần khiến hiệu quả đầu tư không cao. Anh Dũng cho biết: "Tôi và đội thợ của mình đã phải mất 3 năm phục dựng tiền đường chùa Đậu (Hà Nội). Sau hạch toán, chi trả công lao động, tôi chẳng thu được là bao. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy vui vì mình đã góp phần làm được một việc ý nghĩa".     

Trong phục dựng, tu bổ di tích, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Nếu thực hiện không đúng thì chẳng khác nào làm sai lệch lịch sử, làm mất giá trị gốc của công trình văn hóa. Mới đây, nhiều cá nhân ở tỉnh Bắc Giang đã bị khiển trách, có người bị kỷ luật vì tổ chức phục dựng tam quan tại chùa Bổ Đà không đúng với thỏa thuận của Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

TIẾN MẠNH (Báo Hải Dương điện tử)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây