Hội thảo “Khôi phục và tôn tạo các di tích không còn nguyên vẹn, lấy chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc làm ví dụ thực tiễn”
- Thứ hai - 25/12/2017 20:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự hội thảo có TS Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính; PGS.TS Trần Lâm Biền; PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; KTS. Nguyễn Bá Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Hoàng Đạo; đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương; TS Nguyễn Khắc Minh - Trưởng ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc và đại diện các phòng, ban của Sở và đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích, các cán bộ Viện Bảo tồn Di tích và Ban QLDT Côn Sơn- Kiếp Bạc...
Nội dung hội thảo gồm hai phần:
Một là khảo sát, đánh giá hiệu quả khôi phục và tôn tạo tại hai di tích chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc.
Hai là, trao đổi, thảo luận, bước đầu mở hướng ứng xử cho việc khôi phục, tôn tạo tại những di tích tôn giáo - tín ngưỡng không còn nguyên vẹn.
Trong phần đánh giá hiệu quả khôi phục và tôn tạo tại hai di tích chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc các nhà khoa học đã khẳng định: Quần thể di tích quốc gia đặc biệtCôn Sơn- Kiếp Bạc, nơi gắn với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân kiệt xuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Năm 1994, Ban QLDT Côn Sơn- Kiếp Bạc được thành lập với chức năng quản lý toàn diện việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng khu di tích. Khi đó, khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc chỉ còn một số ít các hạng mục công trình: Chùa Côn Sơn, Nhà tổ, Tháp Huyền Quang (di tích Côn Sơn); Khu di tích Kiếp Bạc còn: Nghi môn, hai nhà Thành Các, đền Kiếp Bạc. Các công trình này hầu hết đã bị mối mọt, dột nát xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1994 đến nay, bằng sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng các ban ngành trong tỉnh và nhân dân thập phương..., công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Các công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra và đảm bảo các yếu tố: bảo tồn toàn bộ các hạng mục công trình kiến trúc của di tích, tiến hành tu bổ các hạng mục công trình theo hướng giữ nguyên hiện trạng các yếu tố gốc, loại bỏ các thành phần bổ sung mới không phù hợp với di tích. Tôn tạo, phục hồi các hạng mục và hệ thống thờ tự của khu di tích đã bị tàn phá trong lịch sử nhằm hoàn chỉnh không gian kiến trúc, cảnh quan. Phục vụ việc tổ chức lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng của khu di tích. Phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan du lịch, phát huy giá trị của khu di tích. Phân kỳ đầu tư hợp lý, làm cơ sở kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn vốn thực hiện.
Các nhà khoa học đánh giá công tác tu bổ, tôn tạo tại di tích chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc được thực hiện một cách hiệu quả và bài bản mang lại nhiều thành công trong việc bảo tồn và phát huy tác dụng di tích, được nhân dân khen gợi.
Về phần trao đổi, thảo luận: Hội thảo đã được nghe tham luận của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích: GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, PGS.TS Trần Lâm Biền; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; KTS. Nguyễn Bá Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Hoàng Đạo; TS Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban QLDT Côn Sơn- Kiếp Bạc...
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Điều khiến cho rất nhiều người trăn trở hiện nay, đó là việc tu bổ hay tu sửa, phục hồi hay xây dựng mới. Cần phải nắm rõ bản chất trong việc khôi phục và tôn tạo di tích. Đặc biệt trong công tác tu bổ thì không được làm mất đi hồn cốt, biến chất “di tích này” thành một “di tích khác” cho dù nó được khoác lên “chiếc áo mới” đẹp hơn qua công tác tu bổ. Việc tu bổ tôn trọng tính nguyên gốc không chỉ là hình thức mà phải là giá trị của nó. Trong một di tích thì từng cảnh quan, chi tiết đều có những ý nghĩa của nó. Bên cạnh đó, trong công tác tôn tạo di tích cũng cần phải có những nghiên cứu đa ngành - liên ngành, cần phải đối sánh với các di tích khác…”
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Di sản văn hóa là tài sản vô giá, hồn cốt của dân tộc. Trải qua thời gian, do tác động của thiên nhiên, xã hội và chiến tranh, các di sản không còn nguyên vẹn, bởi vậy ngoài việc thực hiện nghiêm túc và chuẩn mực những yêu cầu của công tác tu bổ, tôn tạo di tích, chúng ta cần kiện toàn và làm tốt công tác quản lý di tích, có những biện pháp để bảo vệ, giữ gìn các công trình sau khi được trùng tu, tôn tạo. Thứ trưởng đánh giá cao cuộc hội thảo, đồng thời đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, xuất bản sách, đề ra những quy trình, nguyên tắc chung trong công tác tu bổ di tích nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở Việt Nam.
*Một số hình ảnh của hội thảo
Thứ trưởng Bộ VHTTDL- TS Đặng Thị Bích Liên cùng các nhà khoa học khảo sát thực địa tại chùa Côn Sơn
Các nhà khoa học khảo sát thực địa tại đền Nguyễn Trãi
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại đền Nguyễn Trãi
Toàn cảnh buổi hội thảo
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính tham luận tại hội thảo
PGS.TS Trần Lâm Biền phát biểu tại hội thảo
TS Nguyễn Khắc Minh- Trưởng ban QLDT Côn Sơn- Kiếp Bạc tham luận tại hội thảo
TS Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại hội thảo