Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Đã khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2017: Lễ hội mùa thu lớn nhất miền Bắc

Sáng 29.9 (10.8 âm lịch), tại đền Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2017 tổ chức Lễ cáo yết xin phép mở hội. Đây là nghi lễ đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của lễ hội mùa thu năm nay.
Tham dự lễ cáo yết có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thị xã Chí Linh, Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, UBND xã Hưng Đạo cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Lễ cáo yết được tổ chức trang trọng theo đúng nghi thức cổ truyền. Các đại biểu dâng lễ chay, lễ mặn và các vật phẩm ở bàn thờ trước sân nhà Bạc, ở hậu cung đền thờ Đức Thánh Trần và bàn thờ một số thiên thần, nhân thần, nhân vật lịch sử được phối thờ để xin mở hội, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Chuẩn bị chu đáo

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội được trang hoàng lộng lẫy bởi cờ, hoa, băng rôn. Tuyến đường từ Côn Sơn sang Kiếp Bạc có tới 1.500 hồng kỳ và cờ thần được cắm dọc 2 bên. Trong khuôn viên 2 khu di tích, Ban tổ chức cho treo hàng chục chiếc cờ đại, 400 chiếc đèn lồng, 1.000 m cờ dây...

Suốt thời gian qua, theo chỉ đạo của Ban tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, các tiểu ban và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các phần việc được phân công. Tất cả kịch bản, nội dung có trong lễ hội đều được rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp. Cùng với tuyên truyền trực quan, việc quảng bá về kế hoạch, chương trình, nội dung lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương được coi trọng. 

Công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại lễ hội được quan tâm. Cứ 2 ngày 1 lần, Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc lại phối hợp với Ban Quản lý rừng, Chi cục Kiểm lâm thị xã Chí Linh kiểm tra các địa điểm có nguy cơ xảy ra cháy để xây dựng phương án đối phó khi có tình huống xấu. Ngoài lực lượng công an, Ban Quản lý khu di tích tăng cường mỗi chốt 5 người tham gia điều tiết giao thông, hướng dẫn du khách giữ gìn an ninh trật tự tại những điểm thường xuyên xảy ra ách tắc, tội phạm trộm cắp, móc túi có khả năng hoạt động. Từ cách đây 2tuần, Ban Quản lý khu di tích đã cử lực lượng quét dọn vệ sinh, cắt tỉa một số cây cổ thụ, trồng thêm cây xanh, cỏ, hoa, trang trí trong khuôn viên 2 khu di tích; vớt rác trên hồ Côn Sơn và 3 ao tại đền Kiếp Bạc; đặt thêm các thùng đựng rác, nội quy, biển chỉ dẫn 2 bên đường lên Bàn cờ tiên, núi Ngũ Nhạc… Cảnh quan khu di tích thêm phong quang, sạch đẹp, tạo thuận lợi cho du khách tham dự lễ hội. Chiều 28.9, ngành y tế tỉnh đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại khuôn viên 2 khu di tích và vùng phụ cận, bố trí một ê-kíp y, bác sĩ, phương tiện thường trực tại lễ hội để chăm sóc sức khỏe du khách khi có nhu cầu…

Điểm mới trong mùa lễ hội này là Ban tổ chức đã giải tỏa, nghiêm cấm các lều quán, người bán hàng rong hoạt động tại khu vực đường vào đền Kiếp Bạc. Tại di tích Côn Sơn, 98 hàng quán trong khuôn viên chùa Côn Sơn đã phải di dời ra khu vực bến xe. Tất cả các hàng quán ở khu đền Kiếp Bạc đều đã được dỡ bỏ phần cơi nới, làm biển quảng cáo theo một mẫu chung do Ban Quản lý khu di tích thống nhất. Một điểm nhấn đáng chú ý khác là 961 m đường sau đền Kiếp Bạc đã được trải nhựa, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.

 Nâng tầm một số nghi lễ

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, một số nội dung tại lễ hội mùa thu năm nay sẽ được nâng tầm cả quy mô và chất lượng so với lễ hội năm ngoái. Cụ thể, lễ dâng hương tại đền thờ Nguyễn Trãi sẽ có thêm tế cáo yết (sáng 15.8 âm lịch) thay vì chỉ có tế chính kỵ (sáng16.8) như mọi năm. Liên hoan diễn xướng hầu thánh sẽ kéo dài từ tối 16 đến tối 19.8 âm lịch. Ngoài các thanh đồng ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, liên hoan diễn xướng năm nay sẽ có thêm các thanh đồng đến từ các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh tham dự. Chất lượng các giá hầu thánh sẽ có sự chọn lọc. Sân khấu làm rộng khoảng 40 m2, trang trí đẹp, lung linh hơn. Lễ hội quân trên sông Lục đầu cũng sẽ được mở rộng quy mô với sự tham gia của đoàn thuyền 60 chiếc, tăng 20 chiếc so với lễ hội năm trước và hàng nghìn người thuộc khối cầm cờ, đội trống, đội múa rồng, biểu diễn võ thuật. Ngoài ra, lễ ban ấn đền Kiếp Bạc, lễ hội hoa đăng… cũng được dàn dựng công phu hơn.

Để chuẩn bị cho các nghi lễ, Ban Quản lý khu di tích đã phối hợp với phường Cộng Hòa, 2 xã Lê Lợi và Hưng Đạo huy động mỗi nơi khoảng 1.000 người tham gia phục vụ những phần việc liên quan. Các nghi trượng phục vụ như bát âm, bát biểu, quần áo, cờ, kiệu rước, rồng, lân… đã được sửa chữa, mua mới đầy đủ. Ban tổ chức cũng đã làm mới tháp cầu an 9 tầng, hoàn thành làm cầu tàu, đóng xong 1 vạn ấn phục vụ lễ ban ấn, làm 7.000 đèn hoa đăng…

Công tác chuẩn bị cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2017 đã được các ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo nhằm hướng tới một mùa lễ hội trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Sau đây là một số hình ảnh của lễ cáo yết khai hội và các hoạt động chuẩn bị lễ hội:

 
Đoàn đại biểu vào dâng hương xin mở hội trước đền Kiếp Bạc
 
Sáng 29.9, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón khoảng 3.000 du khách
 
Nhân dân làm lễ trong đền Kiếp Bạc

Nhân viên Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc treo pano, áp phích ở bên đường vào đền Kiếp Bạc.

Con đường đôi rộng rãi sẽ phần nào giải quyết được bài toán tắc đường vào dịp trọng hội.

Pano, áp phích, cờ hội đã đường treo trang hoàng tại đường vào Kiếp Bạc.

 Đường đá lối dẫn vào đền đã được dọn dẹp sạch sẽ, phong quang để đón du khách về dự lễ hội.

Cổng đền Kiếp Bạc. 

Bến Vạn Kiếp được cắm cờ chuẩn bị cho lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Trên đê sông Lục Đầu trước cửa đền Đài hoa đăng đã được dựng lên để cho hoạt động lễ cầu an và hội hoa đăng.

Tin: TIẾN MẠNH - Báo Hải Dương
Ảnh: Việt Cương - Báo Đại đoàn kết
Tên bài và nội dung đã được Chí Linh 24h biên tập cho phù hợp.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây