Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Bảo vật quốc gia thứ ba được công nhận tại tỉnh Hải Dương

Ngày 23- 2 (tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch), tại chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương sẽ diễn ra lễ công bố và trao quyết định của Thủ tướng Chính Phủ công nhận bảo vật Quốc gia Bia Thanh Hư Động, đồng thời khai hội mùa xuân Côn Sơn, Kiếp Bạc 2016.

Bia Thanh Hư Động là Bảo vật Quốc gia thứ 3 tại tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận vào ngày 23/12/2015 cùng với 25 bảo vật Quốc gia trên cả nước (trước đó năm 2012 “Cửu phẩm liên hoa” tại Cẩm Giàng, 2014 trống đồng Hữu Trang tại huyện Tứ Kỳ). Bia Thanh Hư Động chùa Côn Sơn có niên đại sớm nhất trong số 16 văn bia hiện còn tại chùa Côn Sơn. Bia còn nguyên vẹn về hình dáng, hoa văn trang trí và chữ viết. Hiện bia đặt ở bên trái sân chùa Côn Sơn.

Bảo vật quốc gia thứ ba được công nhận tại tỉnh Hải Dương

 

Bia Thanh Hư Động chùa Côn Sơn.

Bia được đặt trên lưng rùa lớn. Bia và rùa đều được chế tác bằng đá xanh, trọng lượng bia khoảng hơn 1 tấn. Chiều rộng bia: 0,95m; Chiều cao: 1,65m; Dày: 0,17m. Bia Thanh Hư Động mang bút tích vua Trần Duệ Tông, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đề tặng quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Theo “Thanh Hư Động ký” của Nguyễn Phi Khanh cho biết vào cuối thế kỷ XIV, sau khi dẹp loạn Dương Nhật Lễ, ổn định triều chính, Tư Đồ Trần Nguyên Đán tâu xin hai vua một khu đất ở Côn Sơn, xây dựng một nơi lui về nghỉ ngơi. Trong đó “Các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là Thanh Hư Động”.

Sau khi Tư Đồ Trần Nguyên Đán mất (1390), vào các thế kỷ sau khu vực Thanh Hư Động chỉ còn là phế tích. Chùa Côn Sơn vào các thế kỷ XV, XVI không thấy có văn bia ghi chép việc trùng tu, tôn tạo. Có thể giai đoạn này, khu di tích Côn Sơn bị giặc Minh tàn phá như văn bia tại chùa ghi nhận, “cảnh giới có người trông nom, bỗng nhiều năm đổ nát” Có lẽ, bia Thanh Hư Động nằm ở trên núi cao, trong khu vực sâu, hoang vắng nên không bị phá hủy. Năm 1602, quốc sư trụ trì chùa Côn Sơn là Mai Huệ Pháp (Mai Trí Bản) cùng các thiện nam, tín nữ góp tiền của xây dựng, tôn tạo khu di tích Côn Sơn phát hiện ra tấm bia Thanh Hư Động, đưa về sân chùa Côn Sơn.

Bia Thanh Hư Động là hiện vật độc bản, lưu ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Ba chữ (Thanh Hư Động) là bút tích của vua Trần Duệ Tông niên hiệu Long Khánh (1372-1377) trực tiếp viết. Nội dung văn bia có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thời Trần. Đây là nơi trụ trì của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.

Bia Thanh Hư Động chứa đựng giá trị nghệ thuật thư pháp rất phong phú cả về nội dung và hình thức, ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Trần, thời Lê. Bia Thanh Hư Động được công nhận Bảo vật quốc gia, là niềm vinh dự lớn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Bia Thanh Hư Động với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, khẳng định vị trí, vai trò của chùa Côn Sơn trong lịch sử. Đây là nguồn tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu không chỉ về di tích mà còn về lịch sử, văn hóa phong tục địa phương, về lịch sử Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Vì vậy, để phát huy giá trị khu di tích Côn Sơn, cần phải biết trân trọng gìn giữ để lưu giữ cho muôn đời sau.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây