Lên rừng Cấm tìm cây thuốc quý

Chủ nhật - 28/07/2019 20:21 - 3398 lượt xem
Bà Hương và cháu nội khai thác cây thuốc trên rừng Cấm
Bà Hương và cháu nội khai thác cây thuốc trên rừng Cấm
Rừng Cấm ở xã Bắc An (Chí Linh) có hàng trăm loại cây thuốc quý. Đây là nguồn nguyên liệu giúp thầy lang Viết chữa bệnh, cứu người, nổi danh ở nhiều nơi.
Mục sở thị

Mấy lần về xã Bắc An, tôi thấy cán bộ và người dân địa phương hay nhắc đến tên cụ lang Viết - người dân tộc Sán Dìu nổi tiếng với tài chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc tìm về gia đình cụ. Bà con trong vùng bảo có người bị bệnh nặng, chạy chữa khắp nơi không khỏi, thậm chí có trường hợp bị bệnh viện trả về nhưng khi đến đây đã được điều trị dứt điểm. 

Trí tò mò đã thôi thúc tôi tìm về nhà cụ lang Viết vào một ngày đầu tháng 7. Tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Hương (62 tuổi), con dâu của cụ. "Mẹ chồng tôi tên thật là Lưu Thị Lý nhưng cụ đã mất rồi. Bây giờ nghề gia truyền này do tôi tiếp nối. Mẹ chồng tôi là đời thứ 3 và đến tôi là đời thứ 4", bà Hương giới thiệu.

Hôm đó trời nắng đẹp, bà Hương sai các con tranh thủ mang những cây thuốc quý mới khai thác được ra sân hong. Bà giới thiệu với tôi đây là những cây thuốc được lấy trên rừng Cấm thuộc địa phận xã Bắc An.

- Rừng Cấm có bao nhiêu loại cây thuốc có thể dùng để chữa bệnh vậy bà? - tôi hỏi.

- Tôi không biết rõ nhưng chắc chắn phải hàng trăm. Lát nữa tôi cũng phải lên đó để lấy cây thuốc tươi về làm mồi đắp cho 1 người bị bệnh trĩ ngoại.

Tôi bày tỏ mong muốn được theo lên rừng Cấm và được bà Hương vui vẻ đồng ý. Bà với con dao quắm dựng ở góc sân rồi gọi thêm đứa cháu nội vác bao đi cùng. Rừng Cấm cách nhà bà Hương khoảng 2 km. Chúng tôi đi bộ về phía cuối làng Chín Thượng, rẽ vào con đường đất rồi qua một cánh đồng để tới đó. Nghe bà Hương bảo đây là lối đi duy nhất để vào rừng. Sau khoảng 20 phút đi bộ, chúng tôi đã có mặt ở bìa rừng. Con đường mòn heo hút dẫn chúng tôi vào khu rừng. Đường nhỏ hẹp, khó đi, đất đá lởm chởm, cây dại mọc quá đầu người. Bà Hương dùng dao phát những cây dại mọc chắn lối đi, phăng phăng tiến về phía trước. Chỉ có đi theo 2 bà cháu cũng khiến tôi thở dốc, người đẫm mồ hôi. Mọi lối đi, ngóc ngách của khu rừng này bà Hương đều thông thuộc. "45 năm làm dâu, tháng nào tôi cũng 5-6 lần theo mẹ chồng lên rừng lấy thuốc nên hiểu rất rõ về nơi này. Hôm nay, tôi chỉ dẫn chú đi vòng ngoài thôi chứ nếu đi vào khu trung tâm thì có mà mất cả ngày trời", bà Hương nói.

Rừng Cấm rộng khoảng 100 ha. Trên rừng có hàng trăm loại cây thuốc có thể dùng độc lập hoặc phối hợp với nhau để chữa nhiều loại bệnh liên quan đến gan, thận, trĩ, đại tràng, phong khớp, thần kinh, u nang buồng trứng, bướu cổ, u xơ vú, ghẻ lở... Phổ biến nhất là các loại cây thuốc như: ớt rừng, móng dê, kim ngân, kim tiền thảo, lạc tiên... Còn rất nhiều loại cây thuốc mà bà Hương nhận dạng được nhưng chưa từng biết tên. Song bà biết chắc những cây thuốc đó có thể chữa được bệnh gì. "Mẹ chồng tôi nói tiếng đồng bào dân tộc Sán Dìu trong khi bản thân tôi lại không biết tiếng này. Thế nên ngày trước khi đi rừng với bà lấy cây thuốc, tôi luôn chú ý quan sát. Về thấy mẹ bốc thuốc đó chữa bệnh gì cho khách thì tôi ghi chép vào sổ, lâu ngày thành quen", bà Hương nói.

Dừng lại một gốc cây to, bà Hương dùng dao quắm phát lấy một túm dây lá leo chằng chịt trên thân cây. Bà giới thiệu đó là hà thủ ô - một loại cây thuốc quý có thể cứu được người bị rắn độc cắn. Bà bảo ở rừng Cấm có một số loại cây thuốc mà không phải nơi nào cũng có. Có thể kể tên như hoàng liên (chữa bệnh đi ngoài), mật quỷ, chìu chìu (chữa bệnh phong khớp), chuột chí (chữa bệnh thận)... Mấy lần leo các dãy núi ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang nhưng bà cũng không thấy có những cây thuốc như vậy.

 
Bà Hương phơi hong mẻ cây thuốc được khai thác từ rừng Cấm

Đi tìm cây thuốc trên rừng Cấm rất vất vả. Mới chỉ theo 2 bà cháu vào khu ngoài của rừng mà quần áo tôi đã lấm lem, tay chân, cổ bị muỗi vằn đốt sưng đỏ. Muốn tìm được nhiều cây thuốc quý thì phải đi sâu vào rừng, nhưng càng vào sâu thì nguy hiểm càng nhiều. Nếu đi lại không chú ý, rất dễ sảy chân ngã xuống khe suối, bờ vực. Bà Hương và người thân lên rừng tìm cây thuốc đều từng bị rắn độc cắn. Việc bị ong, muỗi vàng, kiến kim... đốt là chuyện thường.

Mang niềm vui đến với nhiều người

Bà Hương cho biết từ trước tới nay gia đình bà chủ yếu chữa bệnh bằng cây thuốc tươi. Chỉ những cây thuốc khan hiếm hoặc khai thác lá mới phơi hong rồi đóng gói cho vào kho để dùng.

Gần nửa thế kỷ theo nghề gia truyền, bà Hương nhiều lần chứng kiến người dân trong vùng bị rắn độc cắn. Có người tất tả đến lúc nửa đêm, người thì tới đúng lúc trời mưa to, sấm chớp đùng đùng để nhờ chữa trị. Nhưng dù có vào thời điểm nào, cứ có bệnh nhân bị rắn độc cắn là bà Hương cùng mẹ chồng lại lập tức lên rừng Cấm tìm lá hà thủ ô về giã lấy nước cho bệnh nhân uống, còn bã để đắp vào vết thương. Với gia đình bà, lợi nhuận từ bán thuốc không quan trọng bằng việc có thể cứu sống và mang lại niềm vui cho người bệnh.

Bà Hương dẫn tôi vào thăm kho thuốc của gia đình. Nơi này khá rộng rãi, thoáng đãng, chứa cả chục bao cây thuốc đã được hong khô. Tất cả đều được kiểm tra định kỳ, tránh để nấm mốc làm hỏng. Không cần ghi tên bên ngoài nhưng bà Hương có thể biết rõ tác dụng của từng loại thuốc.

Câu chuyện giữa tôi và bà Hương liên tục bị ngắt quãng bởi có người bệnh ở xa gọi điện thoại đến kể bệnh và nhờ bốc thuốc. Bà Hương bảo có rất nhiều bệnh nhân tận trong Đà Nẵng, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh... gọi điện ra thông báo tình hình bệnh, nhờ bà bốc thuốc rồi chuyển vào bằng đường hàng không hoặc ô tô. Cứ người này uống thuốc khỏi rồi lại giới thiệu cho người khác, dần dần lan truyền ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. "Tôi rất vui vì nghề gia truyền của gia đình có thể giúp ích và mang lại niềm vui cho nhiều người bệnh", bà Hương chia sẻ.

Bà Hương chỉ bốc thuốc cho người bệnh khi đã đi khám, điều trị và có bệnh án từ bệnh viện. Căn cứ vào bệnh án và tình hình sức khỏe của mỗi người, bà sẽ bốc thuốc sao cho phù hợp. Danh sách tên, địa chỉ, số điện thoại của từng người được bà ghi cẩn thận vào sổ để theo dõi. Có rất nhiều người bệnh, trong đó có cả người bệnh nặng bị bệnh viện trả về đã được chữa khỏi nhờ các bài thuốc gia truyền của gia đình bà. Ông Phạm Văn Linh ở Tứ Kỳ mắc bệnh xơ gan cổ trướng, bị bệnh viện trả về nhưng chỉ sau 8 tháng kiên trì uống thuốc của gia đình bà Hương ông đã khỏi bệnh. Bà Nguyễn Thị Hòa ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị viêm gan B, chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Sau 6 tháng uống thuốc nam do bà Hương bốc đã hết bệnh, sống khỏe mạnh... "Bà ấy hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng thuốc rất tỉ mỉ, chi tiết, lại thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình để tư vấn kịp thời. Tôi bị bệnh viêm gan B nhưng sau một thời gian uống thuốc nam của bà Hương thấy bệnh tình đỡ dần, người khỏe hẳn", chị Vũ Thị Luyên, một bệnh nhân ở TP Chí Linh nói.

Bà Hương khoe gia đình bà được cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền từ lâu. Nhiều bài thuốc gia truyền của gia đình được giới chuyên môn về nghiên cứu, ghi nhận, đánh giá cao. Bà rất vui khi hiện nay vợ chồng con trai út đã đi học đông y để tiếp nối nghề của gia đình. Song bà luôn trăn trở liệu rằng sau này có còn lưu giữ nghề ông cha khi mà rất nhiều loại cây thuốc quý ở rừng Cấm đã biến mất hoặc trở nên khan hiếm sau nhiều năm khai thác. "Tình trạng khai hoang rừng Cấm để trồng cây ăn quả trong những năm gần đây khiến các cây thuốc quý ngày càng ít đi. Chúng tôi đã phải chuyển hướng khai thác thêm trên tận Thái Nguyên mới có đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chữa bệnh", bà Hương cho hay.

Ông Dương Đức Giang, Chủ tịch UBND xã Bắc An nhận xét: "Những bài thuốc gia truyền nhiều đời của gia đình cụ lang Viết đã góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cả trong và ngoài địa phương. Chúng tôi sẽ tuyên truyền các hộ có diện tích đất được giao khoán trên rừng Cấm trong quá trình sản xuất có ý thức giữ gìn, bảo vệ các loại cây thuốc quý".

BÌNH MINH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây