Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 3: Tự hào Chí Linh bát cổ

Thứ hai - 22/10/2018 20:36 - 3243 lượt xem
Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 3: Tự hào Chí Linh bát cổ
Thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí của một thành phố. Vì vậy, những ngày này, các phòng, ban, ngành và các địa phương của thị xã đang khẩn trương thực hiện các phần việc như chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ để được công nhận thành phố trước năm 2020. Khi được công nhận trở thành thành phố, yêu cầu đặt ra cần xây dựng biểu tượng cho thành phố Chí Linh. Biểu tượng phải truyền tải được thông điệp của lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất gắn liền với quá trình phát triển và là niềm tự hào của nhân dân ở vùng đất đó. Trang Web site: Dulichchilinh.com có loạt bài viết “Đi tìm biểu tượng cho thành phố tương lai”. Loạt bài này khai thác dưới nhiều góc độ từ lịch sử, văn hóa, danh nhân, di tích, thắng cảnh trên vùng đất này, qua đó để gợi mở cho việc đi tìm và xây dựng biểu tưởng cho thành phố Chí Linh.
Người dân Chí Linh không chỉ tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt mà còn tự hào về những giá trị văn hóa được bồi đắp trải qua nhiều thế kỷ. Đó là những danh nhân được sinh ra và hội tụ về Chí Linh đã bồi đắp, dựng xây hoặc khi mất đã được người dân yêu mến tưởng nhớ và trở thành các công trình di tích cổ. Trong nhiều di tích cổ, ngay từ giai đoạn cuối triều Hậu Lê đã xếp hạng và công nhận 8 di tích cổ tiêu biểu truyền tải các giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất Chí Linh và được gọi là “Chí Linh bát cổ”.

“Chí Linh bát cổ” bao gồm các di tích: Trạng Nguyên cổ đường, Tiều Ẩn cổ bích, Dược Lĩnh cổ viên, Thượng Tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Vân Tiên cổ động (hay còn gọi Huyền Thiên cổ tự), Chí Linh cổ thành (hay còn gọi Phao Sơn cổ thành), Tinh phi cổ tháp. Có 2 nhà nho đã cảm hứng trước niềm tự hào về “Chí Linh bát cổ” nên đã làm thơ ca tụng và khắc họa về tám di tích cổ này và được gọi là “Thơ bát cổ”. Các bài thơ này được khắc vào bia đá đặt tại cổng Phủ đệ Nam Sách (cơ quan hành chính làm việc của bộ máy các quan lại địa phương cấp phủ, huyện xưa, khi đó huyện Chí Linh thuộc phủ Nam Sách). Trong 8 di tích cổ có 1 di tích có từ thời Lý là Vân Tiên cổ động (hay còn gọi Huyền Thiên cổ tự), 6 di tích có từ thời nhà Trần như: Trạng Nguyên cổ đường, Tiều Ẩn cổ bích, Dược Lĩnh Cổ viên, Thượng Tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Chí Linh cổ thành (hay Phao Sơn cổ thành) và 1 di tích có từ thời Hậu Lê đó là Tinh phi cổ tháp. Do yếu tố về công tác quản lý nhà nước có sự chia tách địa giới hành chính nên “Chí Linh bát cổ” không còn đầy đủ nữa. Hiện, trên địa bàn thị xã Chí Linh chỉ còn 7 di tích, còn di tích Trạng Nguyên cổ đường nay thuộc về huyện Nam Sách. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc về Chí Linh thì người dân (trong tâm) vẫn gọi “Chí Linh bát cổ” với một niềm tự hào về một Chí Linh xưa trầm mặc, văn hiến.

Để nhân dân và du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất Chí Linh xưa và nay, bài viết xin điểm lại các công trình di tích của “Chí Linh bát cổ”.

Trạng Nguyên cổ đường: Có nghĩa là nhà giảng đường dạy học của quan Trạng nguyên. Trạng nguyên Cổ đường (thời xưa thuộc xã Linh Khê, huyện Chí Linh, nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách), đây là giảng đường nơi dạy học của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông sinh năm 1272 – 1346, tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am là một quan đại thần của triều nhà Trần. Ông thông minh có tài hơn người nhưng tướng mạo xấu xí. Năm 1304, dưới triều Vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Đến thời Vua Trần Hiến Tông ông làm chức Nhập nội hành khiển sau được thắng chức Tả bộc xạ (hàng quan to). Những năm cuối đời ông về chí sĩ tại quê nhà, Tại đây, năm 1342, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mở trường dạy học để đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Toàn bộ công trình Trạng nguyên Cổ đường nằm trên diện tích 5000 m2. Trải qua thời gian, Trạng nguyên Cổ đường đã xuống cấp nhưng vẫn còn lưu giữ được 5 sập đá lớn và 1 án thư. Năm 1993 đến nay, nhân dân địa phương đã lần khuyên góp tiền để đầu tư tôn tạo di tích. Hiện nay, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được chính quyền và nhân dân địa phương trông nom giữ gìn thờ phụng chu đáo nhưng rất tiếc di tích này bây giờ không còn thuộc về thị xã Chí Linh.

Tiều Ẩn cổ bích: Tức là bức tường cổ bao quanh nhà Tiều Ẩn. Tiều Ẩn có nghĩa là người tiều phu ở ẩn nơi núi rừng. Đây là tên hiệu của thầy giáo Chu Văn An đặt sau khi về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng. Việc thầy Chu Văn An đến núi Phượng Hoàng ở xuất phát từ sau khi sự kiện ông dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém 7 tên quan nịnh thần nhưng không thành. Khi đi về vùng núi Phượng Hoàng thấy cảnh sắc núi đồi, rừng thông bao phủ cảnh sắc đẹp ông đã quyết định ở lại sinh sống. Tại đây, ông đã đổi tên hiệu là Tiều Ẩn và dựng nhà ở, sống cuộc sống thanh bạch làm bạn với người dân nơi sơn dã, làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông núi rừng và dạy học cho học trò trong vùng làm vui. Khi ông mất, học trò và nhân dân trong vùng an táng ông ngay trên núi và khói hương thờ phụng. Trải qua thời gian, Tiều Ẩn Cổ bích không còn dấu tích. Từ những năm 1990 trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh và ngành giáo dục, di tích đền Chu Văn An được xây dựng mới trên nền dấu tích của “Tiều Ẩn Cổ bích”. Đền Chu Văn An uy nghi là điểm nhấn trong khu di tích Phượng Hoàng. Hằng năm, đền Chu Văn An thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là giáo giới và học sinh trong cả nước về đây tham quan, dâng hương báo công thành tích học tập, công tác. Những năm gần đây, Ban Quản lý Di tích Chí Linh đã cho phụng dựng và phát triển lễ khai bút đầu xuân và lễ hội về nguồn vào tháng 11 đã trở thành những hoạt động văn hóa đặc sắc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ở đền thầy giáo Chu Văn An thu hút đông đảo du khách, học sinh, sinh viên và thầy cô giáo về tham quan.

Dược Lĩnh cổ viên: Có nghĩa là vườn cổ Dược Lĩnh, nơi trồng thuốc nam của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền, xưa vùng Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) là thái ấp của Hưng Đạo Đại Vương, nơi đây cũng là đại bản doanh để Vương điều binh khiển tướng và cũng là chiến trường nơi diễn ra các trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3 của vua tôi quân dân nhà Trần thế kỷ 13. Vì vậy, việc ba quân tướng sĩ trong lúc tập luyện, đánh trận không thể tránh khỏi thương vong, trong khi đó thuốc thang thiếu thốn không đủ chưa bệnh cho tướng sĩ khiến Hưng Đạo Đại Vương rất lo lắng. Một đêm ông nằm mơ Ngọc Hoàng sai Nam Tào hóa thành tiên ông tên là Dược Lĩnh đến tặng thuốc cho ông. Hưng Đạo Đại Vương nhận túi cói trong có mấy cây thuốc giống và cúi đầu cám ơn. Hôm sau, trên đường từ xưởng đóng thuyền về vương phủ khi đi ngang một quả đồi, ngựa của ông không đi mà cứ đứng tung vó, hí vang. Thấy có sự lạ, ông xuống ngựa kiểm tra, lạ thay dưới chân ngựa có nhiều cây giống với cây thuốc mà tiên ông Dược Lĩnh tặng ông trong giấc mơ. Lập tức Hưng Đạo Đại Vương sai quân lính đánh những cây thuốc này đem trông khắp núi để có thuốc chữa bệnh cho ba quân tướng sĩ và nhân dân trong vùng. Dược Lĩnh cổ viên ra đời từ đó. Ngày nay, tuy không còn dấu tích của Dược Lĩnh cổ viên song trên núi Nam Tào, Bắc Đẩu thuộc khu di tích Kiếp Bạc có nhiều loại cây thuốc chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.

Thượng Tể cổ trạch:  Có nghĩa là nhà cổ của quan Quốc Phụ Thượng Tể, Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn, ông vừa làm quan và là hoàng thân của triều đại nhà Trần. Ông là con trai thứ của Vua Trần Nhân Tông và là em Vua Trần Anh Tông là cháu ngoại của Trần Hưng Đạo. Ông được ban Thái ấp ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh), tại đây ông xây dựng một ngôi nhà (sau này được gọi là Thượng Tể cổ trạch) để ở và thường xuyên đi lại giữa kinh sư và thái ấp ở Chí Linh để lo công việc đất nước. Ông được đánh giá là một nhân vật chính trị kiệt xuất, tướng giỏi và là trụ cột của triều đại nhà Trần và lập công lớn trong việc đánh Chiêm Thành lấn chiếm đất Đại Việt. Năm 1324, dưới triều Trần Minh Tông ông được phong đến chức Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể, chức quan đứng đầu triều nắm giữ Lục Bộ Thượng Thư. Sau ông bị mắc oan do kẻ xấu hãm hại từ việc liên quan đến lập thái tử và bị vua Trần Minh Tông (vừa là cháu ruột, vừa là con rể) tống giam vào ngục và bị bắt phải tuyệt thực đến chết. Sau đó, vụ việc bị bại lộ, những kẻ xấu bị bắt và xử tội, còn Trần Quốc Chẩn được minh oan. Bị ám ảnh bởi vì oan khuất, Vua Trần Minh Tông  đã khôi phục lại chức tước, sai lập đền thờ thờ ông bên tả ngạn sông Kinh Thầy, là một trong tám di tích cổ trong Chí Linh bát cổ nổi tiếng được sử sách ghi nhận. Đến năm 1344, Vua Trần Dụ Tông (cháu ngoại) minh oan hoàn toàn cho ông và Thượng Hoàng Minh Tông phục chức Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể. Ngày nay, đền Quốc Phụ được chính quyền, nhân dân địa phương chăm lo hương khói, thờ phụng.

Nhạn Loan cổ độ: Có nghĩa là bến cổ Nhạn Loan. Nay có nhiều người cho rằng đó là bến Triều Dương thuộc xã Nhân Huệ bây giờ. Bến đò này có từ lâu đời gắn với tích An Dương Vương sau khi bị Triệu Đà đánh bại trên đường chạy ra biển đã chạy qua bến đò này. Nhưng đến thời Trần, sau khi Trần Khánh Dư bị xử tội và bị giáng xuống làm dân thường, ông đã về thái ấp của cha là Thượng tướng Trần Phó Duyệt ở Chí Linh sinh sống làm nghề buôn bán than trên sông. Bến đò Nhạn Loan không chỉ giúp Trần Khanh Dư thuận tiện trong việc buôn bán trên sông mà còn giúp nhân dân trong vùng đi lại thuận tiện. Còn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần 2, lần 3, vùng Vạn Kiếp diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, bến Nhạn Loan cũng nằm trong vùng chiến sự và giúp quân ta trong việc xuất quân và rút quân khi đánh giặc. Ngày nay, do chưa xác định bến Nhạn Loan nằm chính xác ở đâu nên đến giờ vẫn chưa khôi phục được.

Vân Tiên cổ động: Có nghĩa là động cổ Vân Tiên (Nhiều người còn gọi là Huyền Thiên cổ tự). Nơi đây thuộc khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh. Đây là một công trình kiến trúc năm trong tổng thể kiến trúc chùa Huyền Thiên, một ngôi chùa cổ nổi tiếng được xây dựng vào thời nhà Lý. Gọi “động” ở đây không có nghĩa là hang động, vì núi Phượng Hoàng là núi đất nên không có hệ thống hang động như ở các vùng có hệ thống dãy núi đá vôi. Tương truyền sư Huyền Thiên về đây tu và luyện thuốc Linh Đan trường sinh. Nhà sư Kiều Bản Tịnh (1100 – 1176), thuộc thế hệ thứ 8 của Thiền sư Việt Nam thuở nhỏ hiếu học, thích và am hiệu phật pháp, sau lớn lên xuất gia đi tu, theo học và đắc đạo với Thiền sư Mãn Giác ở chùa Giao Nguyên. Năm 1141 sư đến tu tại chùa trên núi xã Kiệt Đặc (phải chăng là chùa Huyền Thiên). Chùa Huyền Thiên còn là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khi các vị tổ của Thiền phái này như Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang đều đã từng tu tập ở đây. Trải qua thời gian, các di tích của Vân Tiên cổ động hay Huyền Thiên cổ tự đã bị mai một không còn. Những năm gần đây, người dân dựng tạm ngôi chùa nhỏ, sơ sài để hương khói. Mấy năm trước, các ngành chức năng đã tiến hành khảo cổ khu vực chùa Huyền Thiên và đã phát hiện có nhiều dấu tích như các chân cột đá và nhiều hiện vật với những hoa văn thời Lý - Trần. Điều đó chứng tỏ Huyền Thiên cổ tự xa xưa là một công trình Phật giáo lớn, bề thế. Hiện nay, chính quyền thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đang có kế hoạch quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng chùa Huyền Thiên bề thế tương xứng với vị thế chùa xưa.

Chí Linh cổ thành: (hay Phao Sơn cổ thành) Đây là thành cổ được xây từ thời nhà Trần có tên thành Chí Linh, nay thuộc phường Phả Lại, thị xã Chí Linh. Đến thời nhà Mạc thế kỷ XVI, thành được gia cố và đổi tên gọi là Phao Sơn. Thời Pháp thuộc chúng biến nơi đây thành khu quân sự, có trường đào tạo sĩ quan. Năm 1978, khi xây dựng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, dân cư phải chuyển đi, thành đã bị phá để lấy mặt bằng cho công trình Nhiệt điện Phả Lại. Dấu tích hiện còn từng đoạn thành nằm dưới tầng đất trong vườn nhà dân. Hiện nay, việc tìm hiểu dấu tích Chí Linh cổ thành cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì địa hình địa vật đã biến đối nhiều.

Tinh Phi cổ tháp: Có nghĩa là tháp mộ cổ của bà Tinh Phi, di tích có niên đại thấp nhất trong “Chí Linh bát cổ”. Tinh Phi cổ tháp nằm trên địa phận khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh. Bà Tinh Phi tên là Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654), quê ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh). Thuở nhỏ, bà xinh đẹp, thông minh được cha mẹ cho đi học. Tuy phận liễu yếu đào tờ nhưng tính cách bà mạnh mẽ, bà coi việc nữ nhi không được thi cử, học hành như nam nhi là một sự bất công. Sau khi gia đình theo nhà Mạc lên Cao Bằng, ở đây bà tiếp tục đi học. Khi nhà Mạc tổ chức khoa thi, bà đã giả trai đi thi và đỗ đầu Tiến sĩ. Sau khi phát hiện bà giả trai đi thi, Vua nhà Mạc không những không bắt tội mà còn cảm phục yêu mến và cưới làm vợ phong là Tinh Phi. Sau khi nhà Lê - Trịnh đánh bại nhà Mạc, bà bị bắt về Thăng Long. Một lần nữa Vua Lê, chúa Trịnh lại trọng dụng bà, phong chức quan cho bà, chuyên dạy học cho các cung tần. Bà có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, khoa cử, nhất là giáo dục từ xa, khuyến học, khuyến tài… Năm gần 80 tuổi bà về sinh sống tại quê hương Kiệt Đặc đến khi mất năm 1654. Lúc mất bà được nhân dân thương tiếc và xây tháp mộ bằng đất nung có nhiều tầng khác nhau, từ xa nhìn rõ màu hồng của ngôi tháp và thờ tự, gọi là Tinh Phi cổ tháp. Đến thế kỷ 19, tháp mộ sụp đổ chỉ còn phế tích. Từ năm 2008 đến nay di tích đã được đầu tư trung tu tôn tạo tháp mộ, đền thờ và các công trình phụ trợ trở thành một di tích trong khu di tích Phượng Hoàng được nhiều người biết đến. Hiện nay, đền thờ Nguyễn Thị Duệ đang tiếp tục được trùng tu tôn tạo để di tích xứng tầm với Nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của nền giáo dục khoa bảng phong kiến Việt Nam.
Các cấp chính quyền và nhân dân thị xã Chí Linh luôn rất tự hào với những giá trị văn hóa, văn hiến mà các bậc tiền nhân để lại.
Đến những năm 1990 hầu như các di tích chỉ còn là phế tích, thậm chí không còn dấu vết gì. Nhờ sự quan tâm của các cấp bộ, ngành, các cấp chính quyền đã đầu tư, trùng tu tôn tạo một số di tích như đền Quốc Phụ được xây dựng trên nền Thượng Tể cổ trạch đến những năm 1950 đã bị thời gian, bom đạn phá hỏng, hoang phế cho đến năm 1997 chính quyền, nhân dân địa phương phát tâm công đức xây dựng đền thờ Quốc Phụ, tuy nhiên ngôi đền có quy mô còn khá nhỏ. Đặc biệt Tiểu Ẩn cổ bích được xây dựng thành đền Chu Văn An, Tinh Phi cổ tháp được xây dựng cùng với đền thờ Nguyễn Thị Duệ và nhiều hạng mục công trình nữa đã giúp cho một số di tích đã được khôi phục khang trang, bề thế tạo khuôn viên, cảnh quan đẹp cho di tích để một mặt bảo vệ bảo tồn di sản, một mặt để thu hút khách du lịch về tham quan nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Chí Linh.


Nguồn: BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ DANH THẮNG CHÍ LINH

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây