Đi tìm biểu tượng Chí Linh, Bài 1: Vùng đất nhiều lần đồng hành cùng vận mệnh đất nước
Chủ nhật - 16/09/2018 21:10 - 3871 lượt xem
Thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí của một thành phố. Vì vậy, những ngày này, các phòng, ban, ngành và các địa phương của thị xã đang khẩn trương thực hiện các phần việc như chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ để được công nhận thành phố trước năm 2020. Khi được công nhận trở thành thành phố, yêu cầu đặt ra cần xây dựng biểu tượng cho thành phố Chí Linh. Biểu tượng phải truyền tải được thông điệp của lịch sử, văn hóa đặc trưng nhất gắn liền với quá trình phát triển và là niềm tự hào của nhân dân ở vùng đất đó. Trang Web site: Dulichchilinh.com có loạt bài viết “Đi tìm biểu tượng cho thành phố tương lai”. Loạt bài này khai thác dưới nhiều góc độ từ lịch sử, văn hóa, danh nhân, di tích, thắng cảnh trên vùng đất này, qua đó để gợi mở cho việc đi tìm và xây dựng biểu tượng cho thành phố Chí Linh.
Chí Linh nằm ở phía Bắc của tỉnh Hải Dương. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, với vị trí địa chiến lược đặc biệt trọng yếu về quốc phòng nên xuyên suốt trong lịch sử nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh an nguy của nước nhà.
Hơn 1000 năm trước, năm 944 sau khi Ngô Vương (Ngô Quyền) mất, đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, triều đình chia làm nhiều phe phái, các hoàng thân, quốc thích, các tướng nổi loạn tranh giành ngôi vua. Dương Tam Kha (anh vợ Ngô Quyền) tự nhận làm vua hiệu là Dương Bình Vương. Năm 950 Ngô Xương Văn, con trai thứ 2 của Ngô Quyền khởi binh lật đổ Dương Bình Vương lên ngôi Vua hiệu là Nam Tấn Tương và đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua. Từ đây lịch sử gọi đó là thời kỳ Hậu Ngô Vương diễn ra từ năm 950 đến 965 khi Ngô Xương Văn mất. Lúc đó, ở vùng núi Côn Sơn (Chí Linh), Dương Huy, Thứ sử Châu Vũ Ninh cai quan vùng đất gồm Quế Võ (Bắc Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) đã khởi binh cùng với các tướng lĩnh khác của triều đình gồm Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ Cảnh Thạc nổi loạn tham gia tranh giành ngôi vua. Vua Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn phải mang quân về Chí Linh đánh dẹp. Thu phục được Dương Huy, nhà vua vẫn cho ông giữ chức cũ và cai quản vùng đất cũ.
Năm 965, vua Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, tình hình đất nước càng hỗn loạn hơn, các tướng ở khắp nơi nổi lên lập thành các sứ quân để cùng tranh giành ngôi Vua. Lịch sử gọi đó là loạn 12 sứ quân. Tuy nhiên, cánh quân của Dương Huy không nằm trong danh sách 12 sứ quân. Vì cánh quân của ông và địa bàn của ông bị cánh quân của Nguyễn Thủ Tiệp đánh bại, bản thân ông bị giết, vùng đất của ông bị Nguyễn Thủ Tiệp chiếm và tự xưng Vũ Ninh Vương. Nguyễn Thủ Tiệp là một sứ quân trong 12 sứ quân. Thời điểm xảy ra loạn 12 sứ quân, vùng đất Chí Linh nằm trong địa phận quản lý của sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp. Trước tình hình hỗn loạn ấy, Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở Hoa Lư (Ninh Bình) với mong muốn dẹp loạn sứ quân để thống nhất đất nước. Đến năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân khác, thống nhất đất nước, lên ngôi vua lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lập ra nhà Đình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình.
Năm 979, Vua Đinh Tiền Hoàng mất, vua mới còn nhỏ, vận nước nguy nan, trong nước lục đục, ngoài biên cương giặc Tống phương Bắc lăm le đe dọa xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, năm 980 Thái Hậu nhà Đinh Dương Vân Nga đã trao long bào, cùng chúng tướng tôn Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua thay nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê để đồng tâm hiệp lực chống giặc ngoại xâm. Mùa xuân năm 981 quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy 4 vạn quân, chia làm 2 đường thủy bộ tiến hành cuộc xâm lược Đại Cồ Việt. Bộ binh do Tôn Toàn Hưng chỉ huy hành quân qua Tiên Yên (Quảng Ninh), đường thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy đi theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng (Quảng Ninh). Vua Lê Hoàn trước đó đã có sự chuẩn bị lực lượng, bố trí các tuyến phòng thủ để đối đầu với quân giặc.
Trước họa ngoại xâm, sự an nguy, sống còn của đất nước, vùng đất Chí Linh được lựa chọn để đồng hành, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đó là nơi được Vua Lê Hoàn chọn làm đại bản doanh để chỉ huy đánh giặc Tống. Khi hành quân đến vùng đất Chí Linh, Vua Lê Hoàn thấy địa thế rất hợp, trước có sông, xung quanh có núi bao bọc, “tiến có thể đánh, lùi có thể thủ” để làm đại bản doanh để điều binh khiển tướng các cánh quân thủy, bộ. Đặc biệt việc lập đại bản doanh ở An Lạc (Chí Linh) rất thuận tiện cho việc tổ chức trận đánh mang tính chất chiến lược có tính quyết định cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống Tống. Đó là trận đánh trên sông Bạch Đằng vào mùa xuân năm 981. Vì từ An Lạc theo đường sống đến Bạch Đằng chỉ khoảng 30 km, còn theo đường chim bay khoảng 20 km. Đây là trận Bạch Đằng thứ 2 trong lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Tại An Lạc (Chí Linh) Vua Lê Hoàn cho lựa chọn chỗ đất bằng rộng 25 – 30 mẫu để dựng đại bản doanh – còn gọi là Đồng Dinh, đặt Nội Xưởng làm nơi rèn vũ khí, khí giới, đặt Bàn Cung trên núi Bàn Cung (đáng ra phải gọi là Hành Cung nhưng vi phạm tên húy của Vua nên gọi chệch là Bàn Cung) để làm nơi bàn bạc việc quân cơ với các tướng lĩnh, núi Cao Hiệu được chọn để cắm cờ hiệu, núi Sơn Đụn là nơi tích trữ, cất giấu lương thực nuôi quân… Từ đại bản doanh này, cuối tháng 4 năm 981, Vua Lê Hoàn đã chỉ huy quân ta đánh thắng trận Bạch Đằng, giết chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo cùng hàng vạn quân giặc vùi xác dưới đáy Bạch Đằng giang và giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược cuối mùa xuân năm 981. Đáng nói, đây là cuộc kháng chiến giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, khoảng 3 tháng, từ đầu mùa xuân đến cuối mùa xuân.
Hiện nay, ở đền Cao, An Lạc còn nhiều dấu tích của đại bản doanh năm xưa của Vua Lê Hoàn. Chung quanh khu vực đặt đại bản doanh của Vua Lê Hoàn giờ trở thành quần thể khu di tích Quốc gia đền Cao linh thiêng. Núi Thiên Bồng nơi xây dựng đền thờ tướng Vương Đức Minh và các đền thờ khác thờ 4 chị, em của ông, đều là tướng dưới quyền chỉ huy của Vua Lê Hoàn. 5 vị tướng họ Vương sinh ra lớn lên ở An Lạc đã có nhiều công lao giúp Vua Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981. Trên núi Bàn Cung nơi bàn việc quân cơ, giờ đã xây dựng đền thờ Vua Lê Hoàn để tưởng nhớ công đức Vua Lê Hoàn. Khu di tích đền Cao hàng năm thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan, thắp hương, chiêm bái và tìm hiểu về đại bản doanh của Vua Lê Hoàn chỉ huy đánh giặc ngoại xâm năm xưa.
Đến thế kỷ XIII, vùng đất Chí Linh lại một lần nữa đồng hành cùng vận mệnh an nguy của đất nước, khi lại được lựa chọn trở thành đại bản doanh chống quân Nguyên Mông và là chiến trường nơi diễn ra trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử thời nhà Trần, dưới sự chỉ huy của Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương, Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn.
Đại bản doanh và chiến trường Vạn Kiếp năm xưa, nay thuộc xã Hưng Đạo, nằm phía tây bắc của thị xã Chí Linh, nơi có đền Kiếp Bạc, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Vạn Kiếp có vài trò lớn trong 2 cuộc kháng chiến lần 2 năm 1285 và lần 3 cuối năm 1287 đầu năm 1288. Tại đây diễn ra nhiều trận đánh vừa mang ý nghĩa chặn bước tiến của địch, làm giảm nhụy khí, tiêu hao sinh lực địch khi chúng tiến quân từ đường bộ từ Lạng Sơn về Thăng Long quân dân ta có thời gian chuẩn bị lực lượng để thực hiện kế thanh dã “vườn không nhà trống”, rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng hoặc phòng thủ Thăng Long. Khi ta thực hiện phản công, thì Vạn Kiếp cũng diễn ra nhiều trận đánh tiêu diệt kẻ thù khi chúng rút chạy về nước để khiến cho Thoát Hoan 2 lần phải chui vào ống đồng để bảo toàn tính mạng trước sự truy kích quân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 năm 1285, Vạn Kiếp diễn ra một trận đánh lớn khi quân Nguyên theo đường bộ từ Lạng Sơn kéo về Thăng Long. Trận đánh này là trận đánh lớn về quy mô số quân và mang ý nghĩa chiến lược làm tiêu hao sinh lực địch, làm giảm nhuệ khí, làm tấm lá chắn bảo vệ Thăng Long. Để chuẩn bị cho trận Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại Vương tập hợp lực lượng hơn 20 vạn quân, bố trí thế trận phòng thủ ở các vùng Bắc Giang, Vạn Kiếp (Chí Linh). Trong thế trận ông dự tính, vùng Bắc Giang lúc này như tấm khiên che chắn cho kinh thành Thăng Long, còn căn cứ Vạn Kiếp như ngọn giáo chực chờ phản kích giặc. Các phòng tuyến nhỏ ở Bình Than, Phả Lại được củng cố rào lũy, tăng cường quân thủy bộ. Còn Thoát Hoan cũng hội quân ở Nội Bàng một lực lượng lớn gần 50 vạn quân. Thoát Hoan chọn cách đánh vào Vạn Kiếp trước, rồi sau đó mới đánh Thăng Long. Mục đích đánh vào Vạn Kiếp là nhằm đánh tan lực lượng chủ lực của nhà Trần. Chúng hi vọng sẽ đánh một trận quyết định thành bại ngay tại Vạn Kiếp.
Ngày 11 tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan giao cho Ô Mã Nhi làm tiên phong cầm 30 vạn quân chia làm nhiều hướng tấn công vào Vạn Kiếp. Thoát Hoan thì dẫn mười mấy vạn quân còn lại theo sau làm lực lượng dự bị. Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân đánh vào phòng tuyến Bình Than. Bộ binh địch tiến dọc bờ sống tiến đánh núi Phả Lại. Còn Hưng Đạo Đại Vương đem hơn 1000 chiến thuyền bày trận trên các ngã sông Lục Nam, Lục Đầu, ngay tại bến Bình Than, gọi là trận Dực Thủy để ứng chiến với Ô Mã Nhi. Quân Nguyên cậy vào cung tên ở trên bộ hỗ trợ, hùng hổ tiến vào. Quân của Trần Hưng Đạo không hề nao núng, dựa vào hạm thuyền hùng hậu, thủy quân tinh nhuệ bẽ gãy các đợt tấn công của địch, khiến quân địch không tiến lên được, bị thiệt hại nặng. Quân ta giết được viên tướng Vạn hộ Nghê Thuận. Quân Nguyên cậy đông tấn công dồn dập từ nhiều hướng, quân địch chiếm thế thượng phong khi đánh trên bộ với kỵ binh, còn quân của Trần Hưng Đạo lại ở thủy quân với lực lượng thủy quân thiện chiến hơn tuy nhiên do lực lượng ít hơn nên quân của Trần Hưng Đạo rơi vào thế yếu hơn. Đang lúc đó, Vua Trần Nhân Tông được tin cấp báo, thân đem 1000 chiến thuyền với 10 vạn quân dự bị chiến lược từ Thăng Long đến tiếp viên cho quân của Trần Hưng Đạo.
Tổng cộng quân số của Vua tôi nhà Trần do Vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo chỉ huy ở chiến trận Vạn Kiếp lên tới gần 30 vạn quân, còn quân của Thoát Hoan lên tới gần 50 vạn quân. Hai bên kịch chiến dự dội kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm bất phân thắng bại. Đến ngày 14 tháng 2 năm 1285 nhận thấy quân ta thế yếu hơn nên Trần Hưng Đạo cùng Vua Trần Nhân Tông hạ lệnh lui quân bằng đường thủy. Cuộc lui quân diễn ra nhanh chóng, an toàn, bảo đảm được lực lượng. Quân Thoát Hoan chiếm được Vạn Kiếp. Sau khi cắt cử 2 vạn quân ở lại giữ Vạn Kiếp, Thoát Hoan lại cùng đại quân đánh chiếm Thăng Long.
4 tháng sau, vào khoảng đầu tháng 6 năm 1285, quân ta thực hiện các cuộc phản công chiến lược tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường buộc quân Thoát Hoan phải rút lui. Trên đường rút về Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo giao cho tướng Trần Tung, chỉ huy hơn 2 vạn quân đánh thọc sườn phá vỡ đội hình của địch, buộc địch phải chạy tán loạn. Khi địch kéo quân chạy về sông Cầu bị cánh quân của vị tướng trẻ tuổi Trần Quốc Toàn cùng dân binh địa phương đổ ra đánh, khiến quân địch kinh hồn bạt vía (cũng tại trận này Trần Quốc Toản đã anh dũng hi sinh). Trận đánh chặn địch ở sông Cầu của vị tướng trẻ tuổi Trần Quốc Toàn buộc địch phải rút về đường Vạn Kiếp - Nội Bàng. Tại Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã bài binh bố trận sẵn để đợi địch. Trần Hưng Đạo lựa chọn các tướng dũng mãnh Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái giao chỉ huy đạo quân này. Vùng Vạn Kiếp có địa thế đồi núi giáp đường giáp sông, quân ta chiếm địa thế đánh cắt ngang vào đội hình địch khiến đầu cuối không cứu được nhau. Tiền quân của địch bị đánh ở Vạn Kiếp còn trung quân của địch cũng vẫn chưa qua được sông Lục Đầu cũng bị quân ta đánh mạnh khiến địch hoảng loạn dẫm đạp lên nhau khiến cầu phao bị đứt khiến rất nhiều quân lính bị chết dưới sông. Cả đội hình hàng chục vạn quân của Thoát Hoan bị chia cắt, tan tác. Sử cũ cho biết: Sau trận Vạn Kiếp quân Nguyên Mông chỉ còn 5 vạn tàn binh.
Ngoài ra, Vạn Kiếp còn tiếp tục là đại bản doanh và chiến trường nơi diễn ra các trận đánh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân nhà Trần.
Những sự kiện lịch sử có tầm quan trọng gắn với vận mệnh dân tộc diễn ra trên vùng đất Chí Linh khiến cho mỗi người dân Chí Linh càng thêm tự hào, càng thêm yêu quê hương để cùng đồng tâm, đoàn kết xây dựng quê hương Chí Linh ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.