Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày ấy. Bài 3: Binh vận tốt, bớt đổ máu

Thứ năm - 24/08/2017 21:33 - 3469 lượt xem
Thiếu tướng Mạc Đình Vịnh, hiện là Trưởng ban Liên lạc nghĩa quân chiến khu Trần Hưng Đạo tại TP Hà Nội  (thứ ba từ trái sang) nói về công tác binh vận ở chiến khu Trần Hưng Đạo
Thiếu tướng Mạc Đình Vịnh, hiện là Trưởng ban Liên lạc nghĩa quân chiến khu Trần Hưng Đạo tại TP Hà Nội (thứ ba từ trái sang) nói về công tác binh vận ở chiến khu Trần Hưng Đạo
Do làm tốt công tác binh vận nên trong nhiều trận đánh ở chiến khu Trần Hưng Đạo, phía ta không bị đổ máu mà vẫn giành thắng lợi.
Lấy vũ khí của địch trang bị cho ta

Các cán bộ của chiến khu đã sớm nhận rõ tầm quan trọng của việc khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc cướp nước trong hàng ngũ binh lính người Việt làm tay sai cho thực dân, đế quốc. Công tác binh vận được thực hiện thường xuyên, liên tục như "mưa dầm thấm lâu", qua đó đã vận động được nhiều binh lính địch làm nội ứng cho ta. Nhiều trận đánh diễn ra nhanh gọn, ít bị tiêu hao sinh lực cũng nhờ công lao của đội ngũ này.

Nhắc đến những chiến công trong công tác binh vận, Thiếu tướng Mạc Đình Vịnh, hiện là Trưởng ban Liên lạc nghĩa quân chiến khu Trần Hưng Đạo tại TP Hà Nội kể ra 2 trường hợp điển hình: "Khi đánh đồn Đông Triều, phía ta có Đội Hiền làm nội ứng, do ta vận động được ngả theo cách mạng trước đó. Còn ông Lê Phú, từng tham gia hải quân Pháp, cũng được ta vận động về chiến khu. Ông Phú cùng một số người đã lấy trộm súng, chuyển về chiến khu".

Ông Lê Phú ở số nhà 27, ngõ 514, đường Thụy Khuê (Hà Nội), dù đã 92 tuổi song vẫn đi lại tốt, khá minh mẫn. Nhà ông treo nhiều tấm ảnh chụp với các cựu nghĩa quân chiến khu. Nhiều tư liệu liên quan đến chiến khu được ông lưu trữ cẩn thận. Theo ông Phú, chiều tối 9.3.1945 pháo thuyền Commandant Bourdais của hải quân Pháp đậu ở bến cầu Ngự lọt vào tay phát xít Nhật, mở đầu cho việc Nhật đảo chính Pháp ở Hải Phòng. Lúc đó những người trên tàu tạm trở thành hải quân của Nhật. Ông Phú kể: "Tôi đã có ý thức về cách mạng trong những ngày tháng cuối năm 1944 khi đóng quân ở đồn châu Nguyên Bình (Cao Bằng), được biết ngày Việt Minh hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần và được đọc vội tờ truyền đơn kêu gọi binh lính Việt Nam đánh Pháp, đuổi Nhật, cứu nước... Chúng tôi biết Nguyễn Lâm đã bắt được liên lạc với tổ chức Việt Minh. Vào một buổi sáng chủ nhật, tôi và Hoàng Vinh đi hỏi thăm tìm đến được gia đình người quen của anh ở phố Tam Bạc, gần ngã ba sông nhìn sang bến đò Phốt Phát. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Lâm ở nhà, mừng quá. Anh Lâm đồng ý sẽ giới thiệu chúng tôi với tổ chức Việt Minh. Tôi, Hoàng Vinh và Hà Phượng Tiên mong đợi đến ngày lấy súng trên tàu mang về chiến khu".

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Bình, Lê Phú cùng Hoàng Vinh, Hà Phượng Tiên đã đưa được 1 khẩu súng đại liên trên pháo thuyền Commandant Bourdais về chiến khu, phục vụ chiến đấu sau này. Khẩu đại liên này đã khai hỏa trong trận đánh đồn Tràng Bạch ngày 8.6.1945. Về sau, đồng chí Lê Phú là Đại đội trưởng Đại đội Ký Con, một đơn vị vũ trang của chiến khu. Ông cùng đơn vị Ký Con đã lập nhiều chiến công.

Sau khi lấy được khẩu đại liên trên tàu pháo thuyền Commandant Bourdais, đồng chí Nguyễn Bình cùng một số cán bộ Việt Minh còn vận động được nhiều binh lính yêu nước trong trại lính bảo an thị xã Kiến An lấy trộm súng của quân Nhật để đưa về chiến khu. Tại đây, hai công nhân cứu quốc là Thắng, Tâm đã giác ngộ cách mạng cho hơn 30 binh lính. Vào một đêm, Thắng, Tâm và một binh sĩ yêu nước đến trại lính khố đỏ lấy trộm 4 súng trường, 2 bao đạn chuyển cho người của ta đưa về chiến khu. Mấy ngày sau, các binh lính còn lấy được thêm 2 súng trường, 3 súng ngắn. 

Đồng chí Nguyễn Bình là người có công lớn trong việc cung cấp vũ khí cho chiến khu. Ông còn lập công binh xưởng để sản xuất, sửa chữa vũ khí. Nhiều vũ khí do ta vận động, lấy được từ hàng ngũ binh lính bảo an đã được sửa chữa ở đây. Linh mục De Vassily (bí danh Nguyễn Công Lý) được đồng chí Nguyễn Bình vận động, đã về giúp kỹ thuật cho công binh xưởng. Sau đó, người này được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Cài nội ứng trong hàng ngũ địch

Ngày 8.6.1945, ta khởi nghĩa đánh chiếm 3 đồn địch và một mục tiêu quân sự. Hiệu quả công tác binh vận phát huy tác dụng rõ rệt. Ở đồn bảo an binh Đông Triều có đồn trưởng Nguyễn Hiền đã được ta vận động đi theo cách mạng, tự nguyện làm nội ứng. Trước khi trận công đồn diễn ra, Nguyễn Hiền thăm dò tư tưởng binh lính, phân loại đối tượng, vận động những ngụy binh yêu nước để họ theo cách mạng. Khi chuẩn bị đánh đồn, ông cho hai người cai có thái độ không tốt với cách mạng về thăm nhà, điều một số người lính có thái độ lừng chừng đi tuần ở xa và bố trí các binh sĩ trong tổ chức quân nhân cứu quốc vào các ca gác trong đêm, sáng sớm để sẵn sàng mở cổng đồn khi nghĩa quân đến. 

Sáng 8.6.1945, đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy đánh đồn Đông Triều. Đồn trưởng Nguyễn Hiền xuống chân đồi đón nghĩa quân, hạ lệnh cho 2 lính gác mở cổng đồn. Chỉ trong chốc lát, ta đã làm chủ đồn Đông Triều. 40 binh sĩ được tập trung tại sân để nghe đồng chí Nguyễn Bình giải thích về đường lối cứu nước của Mặt trận Việt Minh, tuyên bố giải tán chính quyền tay sai Nhật và kêu gọi mọi người theo Việt Minh. Một số cai, binh lính tự nguyện đi theo cách mạng, sung vào hàng ngũ nghĩa quân. 

Trong trận đánh đồn Chí Linh, lúc đầu biết có lực lượng phỉ chiến đấu nên lính bảo an chống trả quyết liệt. Thấy tình hình gay go, tướng phỉ Lương Đại Bân hỏi ta cách đối phó. Sau khi ta cử một viên thừa phái của huyện cầm bức thư báo tin Việt Minh đến để kêu gọi binh lính về với cách mạng thì lính bảo an xin đầu hàng theo Việt Minh. Các đồng chí Hải Thanh, Lê Hai tay đeo băng đỏ sao vàng cùng một người cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên đồn. Binh lính trong đồn đều ngừng bắn. Sau khi được phía ta nói rõ mục đích tạm thời liên minh với thổ phỉ để kiềm chế chúng, tất cả 40 lính bảo an ở đây đều tự nguyện đi theo cách mạng.

Sau này, trong các trận đánh Trại thanh viên Đại Việt ở Bí Chợ và tỉnh lỵ Quảng Yên, lực lượng ta cũng vận động được nhiều binh lính trở về hàng ngũ cách mạng, làm nhân mối, góp phần giúp ta giành chiến thắng mau lẹ. Trong 8 trận đánh đồn trước tổng khởi nghĩa, ta bố trí được 5 đồn có nội ứng.

Trong bài viết "Đệ tứ chiến khu trong Cách mạng Tháng Tám", Giáo sư Văn Tạo nhận định: "Về xây dựng quân đội, do công tác binh vận tốt nên đã có một số binh lính, bảo an chuyển sang hàng ngũ cách mạng. Có người là quan một của Pháp đã trở thành chiến sĩ cách mạng". 

NINH TUÂN - Báo Hải Dương

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây