Thành phố Chí Linh phát huy giá trị các khu di tích, danh thắng để phát triển du lịch, dịch vụ

Chủ nhật - 14/04/2019 13:38 - 2465 lượt xem
Thành phố Chí Linh phát huy giá trị các khu di tích, danh thắng để phát triển du lịch, dịch vụ
Thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi di dưỡng tinh thần của nhiều bậc danh nhân nổi tiếng hàng đầu lịch sử như: Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ, Đệ nhị tổ, Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang. Đây cũng là nơi xuất hiện nhiều truyền thuyết mang tính huyền sử về các vị thần linh hiển ứng để cứu dân cứu nước như: Đức Thánh Mẫu Thạch Linh, Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên, 5 vị tướng họ Vương... Những nơi các danh nhân từng sống, hay nơi ra đời các truyền thuyết huyền sử đó giờ đây đều trở thành những khu di tích, danh thắng nổi tiếng của TP Chí Linh như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, khu di tích danh thắng Phượng Hoàng, khu di tích đền Cao, khu di tích đền Sinh đền Hóa, khu danh thắng chùa Thanh Mai. Chính điều đó đã trở thành nguồn “tài nguyên” vô giá để TP Chí Linh đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.
Các khu di tích, danh thắng được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng

Để phát huy tiềm năng thế mạnh này, những năm qua, tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh đã đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng nhiều khu di tích. Trong suốt nhiều năm qua, khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc được tỉnh Hải Dương quan tâm đẩy mạnh đầu tư, trung tu tôn tạo nhiều công trình ở đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, các cơ sở hạ tầng đường giao thông, bãi đỗ xe, quy hoạch khu dịch vụ, cải tạo cảnh quan di tích. Hiện nay, nhiều hạng mục công trình ở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc vẫn đang được tiếp tục đầu tư. Về thực hiện tín ngưỡng tâm linh cũng được tỉnh chỉ đạo phục dựng, khôi phục và nâng cấp nhiều hoạt động thực hành nghi thức tâm linh và đưa nhiều hoạt động thể thao, văn hóa và trò chơi dân gian như: Liên hoan diễn xướng hầu Thánh, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, đêm hội hoa đăng, giải bơi thuyền chải, liên hoàn nghệ thuật múa rối nước… (Kiếp Bạc), lễ mông sơn thí thực, liên hoa hội thượng, tổ chức và duy trì giải vật truyền thống, liên hoan pháo đất, giải cờ tướng… (Côn Sơn). Điều đó đã tạo sự hấp dẫn du khách khi về trảy hội, tham quan du lịch. Lượng du khách về tham quan Côn Sơn – Kiếp Bạc ngày càng đông. Mỗi năm khu di tích này thu hút hàng chục vạn lượt du khách.

Đối với các khu di tích do TP Chí Linh quản lý như: Khu di tích Phượng Hoàng, khu di tích đền Cao, khu di tích đền Sinh – đền Hóa, chùa Thanh Mai, chùa Ngũ Đài cũng đang từng bước được đầu tư.

Khu di tích Phượng Hoàng gồm các di tích đền Chu Văn An, đền Nguyễn Thị Duệ, chùa Huyền Thiên đã, đang và tiếp tục được đầu tư. Như đền Chu Văn An trước chỉ là một ngôi đền nhỏ do người dân địa phương lập để thờ phụng. Những năm 90 của thế kỷ trước và đặc biệt là những năm 2000 trở lại đây đền Chu Văn An được Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh đầu tư xây dựng nhiều công trình như: đền chính, điện Lưu Quang, nhà giải vũ, nhà bia, Lăng mộ Chu Văn An, sân, bậc, thềm, đường lên lăng mộ. Gần đây đền Chu Văn An tiếp tục được đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, đường vào đền, hệ thống chiếu sáng. Về hoạt động nghi lễ, Ban Quản lý Di tích TP Chí Linh đã tổ chức và nâng cấp hoạt động khai bút đầu xuân trở thành một lễ hội hấp dẫn, để tôn vinh đạo học, tôn sư trọng đạo đối và càng ý nghĩa hơn khi hoạt động đó lại được tổ chức ở đền thờ người thầy của muôn đời Chu Văn An. Vì vậy, ở đền Chu Văn An ngày càng thu hút đông du khách thập phương, giáo giới học sinh các trường học trên cả nước về tham quan, dâng hương chiêm bái, báo công. Hằng năm, di tích thu hút hàng trăm nghìn lượt khách. Còn đền Nguyễn Thị Duệ cũng đã được đầu tư tu bổ tôn tạo xây dựng đền chính, sân, bậc thềm, tam quan ngoại và gần đây Tinh Phi cổ tháp đã được tôn tạo, phụng dựng giống như mô tả về Tinh Phi cổ tháp xưa. Sắp tới tỉnh Hải Dương triển khai đề án về xây dựng đường và mở rộng đường vào khu di tích Phượng Hoàng, đường vào chùa Huyền Thiên và các hạng mục ở chùa Huyền Thiên.
 
Bên cạnh đó, thành phố còn tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng quần thể khu di tích đền Cao. Hai, ba năm trước, đền Cao được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tam quan ngoại, bậc đá, sân đền, hệ thống chiếu sáng… Gần đây và hiện nay, khu di tích đền Cao tiếp tục được thành phố đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông để việc đi lại của nhân dân và du khách thập phương về đền tham quan, chiêm bái. Đối với hoạt động tổ chức lễ hội ở đền Cao cũng Ban tổ chức lễ hội cho phụng dựng và nâng cấp lễ ban “khước” Thánh, tổ chức và duy trì hội thi nấu chè kho, giã bánh giầy, tổ chức giải vật truyền thống và nhiều hoạt động trò chơi dân gian nên những năm gần đây lễ hội đền Cao thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phường về trảy hội.

Ngoài ra, các di tích đền Sinh – đền Hóa, chùa Thanh Mai, chùa Ngũ Đài cũng đã, đang và sẽ từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng việc thực hành tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách thập phương ngày càng được tốt hơn. Qua đó để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của TP Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung ngày càng hiệu quả hơn.

Giải pháp để các khu di tích, danh thắng phát huy tiềm năng du lịch

Từ sự quan tâm đầu tư của các cấp bộ, ngành, tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh cùng sự phát tâm công đức của nhiều tổ chức, cá nhân, nhân dân và du khách thập phương đã góp phần giúp cho các khu di tích được trùng tu, tôn tạo, bảo vệ kịp thời và góp phần được hoàn thiện cơ sở hạ tầng di tích để phục vụ tốt hơn nhân dân và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Điều đó đã giúp các khu di tích ở Chí Linh thu hút ngày càng đông du khách về với Chí Linh. Theo ước tính, mỗi năm TP Chí Linh thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ở các khu di tích, điểm du lịch của Chí Linh còn đơn điệu, nghèo nàn, không hấp dẫn du khách. Hiện nay, các khu di tích của Chí Linh mới chỉ đáp ứng ở góc độ tâm linh, sau đó du khách lại đi nơi khác, du khách không được trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm du lịch khác. Hệ thống lưu trú ăn, nghỉ, chơi như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí còn ít, chưa hấp dẫn chưa đủ sức giữ chân du khách ở lại để tiêu tiền. Vì vậy, nguồn thu từ việc bán các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch không cao và kém bền vững. Sự kết nối với các công ty du lịch lữ hành, công tác xúc tiến du lịch, tuyên truyền, quảng bá tuy đã được quan tâm nhưng còn chưa nhiều; đội ngũ nhân sự về hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân tại các khu di tích, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Sự kết nối vùng giữa Chí Linh và các địa phương khác còn chưa chặt chẽ, bền vững. Chính vì những nguyên nhân hạn chế này khiến cho nguồn thu trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch chưa cao, chưa góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động trong lĩnh vực này.

Để các khu di tích, điểm du lịch ở Chí Linh phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của TP Chí Linh. Trước hết về phía các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh cần có cơ chế,  quy hoạch hợp lý, hài hòa giữa diện tích, không gian để phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch, có chính sách hấp dẫn, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, không gian trải nghiệm cho du khách. Tạo cơ chế khích lệ người dân cùng tham gia làm du lịch để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn và mang đặc thù của khu di tích đó, địa phương đó để phục vụ du khách. Ban Quản lý các khu di tích cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, nâng cao chất lượng các hoạt động tổ chức lễ hội, nghi lễ, nghi thức thực hành tín ngưỡng tâm linh. Các Ban Quản lý khu di tích, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng cần quan tâm đẩy mạnh đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm các công việc liên quan đến các hoạt động dịch vụ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân, phục vụ chuyên nghiệp hơn. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn  các cấp, các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá các di tích, điểm du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Với những động thái của tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh vừa qua đã mời gọi, tạo điều kiện cho một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp về khảo sát để làm cơ sở đầu tư vào khu vực hồ Bến Tắm giáp ranh với các địa phương phường Bến Tắm, xã Bắc An, xã Hoàng Hoa Thám và cồn Vĩnh Trụ ở phường Đồng Lạc để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và khu đô thị sinh thái. Với những quyết tâm và cơ chế “trải thảm đỏ” của tỉnh và TP Chí Linh hi vọng các dự án sớm được triển khai có hiệu quả, đồng thời tiếp tục có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch để phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP Chí Linh./.

Ban Quản lý Di tích Chí Linh

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây