Những vùng đất linh thiêng ở Chí Linh

Thứ ba - 10/11/2015 10:10 - 6506 lượt xem
Núi Phượng Hoàng có đền thờ thầy giáo Chu Văn An
Núi Phượng Hoàng có đền thờ thầy giáo Chu Văn An
Chí Linh- miền đất nổi danh địa linh, nhân kiệt; cũng là miền quê đặc biệt sơn thủy, hữu tình. Mỗi địa danh ở nơi đây gắn liền với những truyền thuyết, những nhân vật... nổi tiếng. Từ kỳ này NCL xin đăng tải một số bài viết về những miền đất ấy.
PHONG CẢNH CHÍ LINH

Trong sách Chí Linh huyện sự tích (còn gọi là Lịch sử huyện Chí Linh) có bài thơ "Phong cảnh Chí Linh". Nguyên văn như sau:

Dịch âm:     
Chí Linh bách lý phân cương giới.
Địa chí tòng tiền minh ký tái
Đông liên Hiệp Sơn thủy trung lưu.
Tây tiếp Thanh Lâm giao dã ngoại.
Nam tức Thanh Hà dữ Thanh Lâm.
Bắc liên Lạng Giang đồ cụ tại.
Thất tổng phân cư giám đại xuyên.
Hà Nam, Hà Bắc cổ danh truyền.
Bán cư sơn dã, bán bình điền.

Dịch nghĩa:
Huyện Chí Linh trăm dặm đây chia rõ bờ cõi
Sách địa chí từ xưa đã ghi chép rõ ràng
Phía Đông liền huyện Hiệp Sơn, giữa có dòng sông.
Phía Tây giáp huyện Thanh Lâm ngoài cánh đồng rộng rãi.
Phía Nam tức là huyện Thanh Hà, với huyện Thanh Lâm.
Phía Bắc liền phủ Lạng Giang, bản đồ còn đó.
Bảy tổng chia ra ở hai bên sông lớn
Hà Nam, Hà Bắc tên gọi xưa còn truyền lại
Gồm có sáu mươi lăm thôn, xã.
Nửa ở miền rừng núi, nửa ở miền đồng bằng
 
Dịch thơ:
Chí Linh trăm dặm cõi bờ
Ghi trong địa chí từ xưa rõ ràng
Cách sông, Đông giáp Hiệp Sơn
Tây, Thanh Lâm huyện đồng bằng bao la
Nam, Thanh Lâm với Thanh Hà
Lạng Giang phía Bắc nhìn qua bản đồ
Giữa bảy tổng có sông to
Hà Nam, Hà Bắc lời xưa còn truyền
Sáu lăm (65) thôn xã vách liền
Nửa miền đồng ruộng, nửa miền núi cao.
          
Giữa huyện có con sông lớn chảy qua (sông Kinh Thày), sông này do 6 đầu sông hợp lại (Lục Đầu Giang), chảy xuống đến Đò Vạn, theo hướng Đông đối ngạn với Huyện Hiệp Sơn (Kinh Môn ngày nay), một nhánh chảy thẳng xuống sông Bạch Đằng, một nhánh nữa chảy theo hướng Đông qua huyện Thanh Hà, đến huyện Tiên Minh (nay là Tiên Lãng) rồi đổ ra biển.

Huyện Chí Linh nguyên có 7 tổng: Chi Ngãi; Kiệt Đặc; Cổ Châu; Đông Đôi là 4 tổng ở phía Bắc sông lớn, còn lại 3 tổng: Cao Đôi; An Hộ; An Điền, là 3 tổng ở phía Nam sông lớn. Vì thế xưa còn gọi là Hà Nam, Hà Bắc. Bốn tổng ở phía bắc (Hà Bắc) đều ở vùng đồi núi; Ba tổng ở phía Nam (Hà Nam) đều ở đồng bằng (Nửa miền đồng ruộng, nửa miền núi cao). Trong sách địa phương chí do quan Phó đô ngự sử Trần Tiến người xã Trực Trì biên soạn, đã ghi chép rõ ràng như sau:

Dịch âm:
                   Bích Thủy Thanh Sơn chung tú khí
                   Phân minh thắng địa trưng kiêm ký
                   Cổ kim ngoạn thưởng tấn liễu nhân (1)
                   Địa thiết thiên bài nhiều thắng trí.

Dịch nghĩa:
                   Nước biếc non xanh chung đúc khí tốt
                   Thắng cảnh đã ghi trong sách rõ ràng
                   Xưa nay làng thơ nhiều người ngắm thưởng
                   Tạo hóa sắp bày nhiều cảnh trí đẹp.

Dịch thơ:
                   Khí tốt non sông sẵn đúc nên
                   Rõ ràng cảnh đẹp sách ghi truyền
                   Làng thơ ngâm thưởng nay như trước
                   Tạo hóa sắp bày cảnh tự nhiên

Chú thích:
(1): Chữ “Liễu Nhân” nghĩa là trên người. Theo ý chúng tôi (nguyên văn) cho là chữ “Tao nhân” vì  Tao nhân  là khách thơ.
* Huyện Chí Linh nói ở đây là Chí Linh cổ - ngoài phần đất của Chí Linh hiện nay còn thêm 3 tổng phía Nam sông Kinh Thày nay thuộc đất huyện Nam Sách.

NÚI CÔN SƠN

Chí Linh xưa nay vẫn nổi tiếng là miền "địa linh, nhân kiệt". Trong các "địa linh" ở đây thì đầu tiên phải kể đến Núi Côn Sơn.

Trong sách "Chí Linh huyện sự tích" có bài thơ sau về núi Côn Sơn:

Núi Côn Sơn
Dịch âm:
Tiên tòng Chi Ngại thuyết Côn Sơn
Phượng Nhỡn tiên bi thạch bất san
Thạch Bích liên không văn mạc mạc
Thanh truyền phun ngọc thúy sàn sàn
Tinh khai kim trướng lâm huyền vũ
Thiên thực Kỳ Lân túng thế gian
Ngọc kiều Thanh động yên minh nguyệt
Tăng viện thiên am hám bích than
Cảnh vật bất phàm dư chí cổ
Yên hà môi kỷ đạt nhân nhàn

Dịch nghĩa:
          Bắt đầu tổng Chi Ngại nói về núi Côn Sơn
          Trước thuộc huyện Phượng Nhỡn, bia đá vẫn còn
          Vách đá ngất trời, tầng mây bay lơ lửng
          Suối trong phun ngọc, dòng nước chảy rì rầm
          Về phương Bắc có núi Kim Tinh bày rộng ra
          Trên núi hình như con Kỳ Lân đứng sừng sững
          Núi có cầu Thấu Ngọc, động Thanh Hư,  ánh trăngsoi tỏ
          Lại có am viên của các thày tu nhòm xuống suối nước biếc
          Cảnh vật quý báu trong sách xưa đã có chép
          Thú yên hà đã làm cho biết bao khách nhàn ngắm thưởng
 
Dịch thơ:
                   Chi Ngại đầu tiên kể Côn Sơn
                   Bia xưa Phượng Nhỡn đá chưa mòn
                   Chọc trời vách đá từng mây lửng
                   Phong ngọc suối trong mạch nước tràn
                   Huyền vũ mạch về sao rải rác
                   Kỳ Lân đứng sững núi chon von
                   Ngọc kiều, Thanh động trăng trong rọi
                   Tăng viện, thiền am thác biếc nhòm
                   Cảnh đẹp còn ghi trong địa chí
                   Khách nhàn vui thú nước cùng non
 
          Núi Côn Sơn ở địa phận Tổng Chi Ngại (Chi Ngãi), trước thuộc về huyện Phượng Nhỡn xứ Kinh Bắc (sau thuộc huyện Phượng Sơn Phủ Nam Sách), có bia đá ghi chép hãy còn. Mạch núi từ phương Bắc dẫn lại có núi hình kim tinh mở rộng, núi này như hình con Kỳ Lân đứng sừng sững. Núi có động cổ, trong động rộng lớn gọi là động Thanh Hư, dưới có suối đá nước thường chảy rì rầm quanh năm không cạn, còn có cầu ghép bằng đá gọi là cầu Thấu Ngọc. Sách...(chỗ này mất 3 chữ)... nói, Sách An Nam Chí đều chép : “Trên núi Côn Sơn có động Thanh Hư, có cầu Thấu Ngọc là cảnh tuyệt đẹp ở trần gian” tức là nơi này. Dưới chân núi rộng rãi, phẳng lạt như chiếu trời, các núi bên phải, bên trái lớp lớp bao quanh. Núi Yên Tử cách xa hơn trăm dặm sừng sững đối lập như ở trước mặt. Bên dưới có ao, sắc nước trong suốt; có suối ở hai bên chảy qua phía trước, dòng nước quanh co, cách núi vài chục dặm chảy vào sông lớn. Lên núi  ngắm trông rất là sướng mắt, thật là cái thú lâm tuyền của một vùng. Pháp Loa là vị thánh tổ thứ  2 của Tam Lâm Trúc Thiền sư (phái Trúc Lâm Tam Tổ - BT) đời Trần lập am ở đó. Đến đời vua Trần Minh Tông, có Trạng nguyên Lý Đạo Thành, tự là Thượng Huệ Tôn, hiệu là Huyền Quang, quê ở xã Vạn Ty, huyện Gia Lâm, từ chức về tu ở núi Yên Tử thuộc huyện Đông Triều được 3 năm, có chiếu chỉ triệu về Kinh Đô làm đàn chay 7 ngày 7 đêm. Khi xong việc, Người lại trở về chùa ở núi Côn Sơn. Vì cảm hứng, Ông có viết bài thơ bằng khổ thơ 5 chữ như sau:
 
Vũ qua thiên sơn tĩnh
Phong lai nhất mộng lương
Cập quan khai thế giới
Khai nhỡn tứ mang mang.

Dịch nghĩa:
Mưa xong ngàn núi tĩnh mịch
Gió lại giấc mộng thanh sáng
Tỉnh ra ngắm xem cõi trần tục
Trong tâm hồn cảm thấy nhẹ bâng khuâng.

Tạm dịch là:
Mưa xong ngàn núi sạch thay
Gió đâu đưa lại tỉnh ngay giấc nồng
Cõi trần ngoảnh lại mà trông
Buông xa tầm mắt trong lòng bâng khuâng.
          
Đến ngày 22 tháng Giêng thì người về chốn Niết Bàn, tức là cõi phật, thường có hiển ứng, nên các triều đại đã chỉ chuẩn ban sắc cho xã sở tại phụng thờ, dần dần thành một chốn danh lam.
          
Đến cuối đời Trần, quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán, biệt hiệu là Băng Hồ Tướng Công cũng từ quan, về ở nơi này.
          
Đầu triều Lê, quan thừa chỉ Nguyễn Trãi, biệt hiệu là ức Trai tiên sinh đã tới làm nhà ở đây, nhiều thơ ca đề vịnh của Ông thường thấy trong các tập sách Nam Việt quân thần.
          
Vua Lê Thánh Tông qua chơi núi Côn Sơn có ngự chế bài thơ như sau:  

Tính thổ lâm đài cảnh trí kỳ
Cổ nhân trầm tích dĩ y hy
Nhất thiên thảo mộc cùng ngự thưởng
Bất tận giang sơn nhập chỉ huy
Đại hữu phế hưng kim thị tích
Dự vô ký tái thị dã phi
Hành trung thặng hữu nhàn cư lạc
Phân phó tăng đồng ý tự tri
 
Dịch nghĩa:
Lâu đài trên không, đất im lặng, cảnh đẹp lạ thường.
Dấu cũ người xưa, vẫn còn phảng phất
Cây cỏ một vùng giúp cho ta ngâm hứng
Non nước bao la cũng trong mắt ngóng trông
Đời có thịnh suy, đến nay coi lại trước
Việc không ghi chép, biết chăng đúng hay sai?
Trong cuộc du hành được nhàn là vui thích
Dặn dò chú tiểu sẽ hiểu ý đó của ta .
 
Tạm dịch là:
Khoảng vắng lâu đài cảnh đẹp thay
Người xưa dấu cũ vẫn còn đây
Bao la cảnh đẹp cùng non nước
Lai láng tình thơ cỏ lẫn cây
Đời có thịnh suy nay soi trước
Việc không ghi chép đúng hay sai ?
Cuộc đời cảm thấy nhàn là thú
Uớm hỏi tăng đồng ý có  hay ?

Xem thơ trên của Lê Thánh Tông có ngụ ý cảm khái.

Mỗi năm đến mùa Xuân, trai thanh gái tú ở địa phương này đến xem hội, đường đi như mắc cửi, thực là ngày hội vui của vùng này !.

NÚI PHƯỢNG HOÀNG

Sánh vai cùng Côn Sơn (Kỳ Lân) là Núi Phượng Hoàng- đó cũng là một vùng địa linh nổi tiếng của Chí Linh gắn với tên tuổi của rất nhiều danh nhân nổi tiếng như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ v.v...

Trong cuốn "Chí Linh huyện sự tích" có bài thơ về Núi Phượng Hoàng như sau:

Dịch âm:
Phượng Hoàng Kinh Bắc danh sơn cổ
Kiệt Đặc chiếm lai kinh kỷ đô
Chúng phong triều hướng tượng tinh la (?)
Lưỡng tý trương khai hình phượng vũ
Tử cực cung trung nguyệt nhất luân
Lưu quang điện hạ tùng thiên thụ
Miệt trì, châu tính lệ kỳ am
Huyền vân, Sơn động, Hàn than mộ
Nhất hồ thu thập vạn ban thành
Tiều ẩn, Bạch vân quy hứng bộ
Thạch bi nhàn vấn nhận di tông
Sơn cảnh nhân danh tương đối thọ.
 
Dịch nghĩa:
Núi Phượng Hoàng từ xưa có tiếng ở Kinh Bắc,
Làng Kiệt Đặc chiếm lại đã bao năm rồi.
Các núi chầu về giống như sao bày,
Hai tay giang ra hình như phượng múa.
Trong cung Tử cực trăng một vầng soi,
Dưới điện Lưu Quang thông ngàn cây đứng.
Ao Rùa, giếng son với Am Lệ kỳ,
Chùa động Huyền Vân và mộ Hàn Than,
Thu thập lại trong một bầu trời muôn vẻ thanh nhã,
Tiều ẩn (1), Bạch Vân(2) đi về thường ngâm vịnh.
Thấy bia đá nhân hỏi đến di tích
Cảnh núi, tên người song song còn mãi.
 
Tạm dịch thơ:
Kinh Bắc năm xưa núi Phượng này
Thuộc về Kiệt Đặc đã bao ngày.
Nhiều non chầu lại như sao rải,
Hai cánh giương lên tựa Phưọng bay.
Cung Tử Cực soi trăng một mảnh,
Điện Lưu Quang thông mọc ngàn cây.
Miệt trì, Lệ tự, giếng son lấp,
Huyền động, Hàn Than mộ cổ xây,
Tiều ẩn, Bạch Vân nhiều cảm hứng,
Một vùng thắng cảnh đẹp xinh thay !
Dấu xưa muốn hỏi xem bia đá?
Cảnh núi, tên người thọ mãi đây.

Núi Phượng Hoàng ở xã Kiệt Đặc, nguyên trước thuộc về huyện Phượng Nhỡn, xứ Kinh Bắc. Núi này nhiều ngọn chầu vào giống như sao rải rác, hai cánh giương ra tựa như chim Phượng múa, thực là một cảnh đẹp, vì thế đặt tên huyện là Phượng Nhỡn.

Tục truyền núi này có cung Tử cực, Điện Lưu Quang nên Băng Hồ Công có câu thơ:
                             Lưu Quang điện hạ tùng thiên thụ
                             Tận thị kinh thiên nhất thủ tài.
          Tạm dịch là:
                             Dưới điện Lưu Quang thông ngàn gốc
                             Đều cao cao vót một tay trồng.
          
Dưới núi này có giếng son đẹp, chỗ đất này sản xuất ra son có sắc đỏ tươi, khác hẳn nơi khác, sắc nước đỏ như son, sắc đất cũng như son, dân địa phương thường lấy ống nứa nhọn cắm vào đáy giếng, lấy được son mềm như bún, đem phơi khô, son đỏ tươi và rắn, chất lượng tốt nhất. Trung gian có đức bà Quí Phi dự biết sẽ đánh thuế, liền thúc giục người làng lấy đá lớn lấp đi, từ đó lạc mất chỗ giếng cũ. Lã Đường công có thơ rằng:

“ Tăng hộ thường quan nhân ủy hổ
Thạch nhàm đã quật vị tầm chân”.

Tạm dịch là:
“ Cửa thiền cài chặt vì kinh cọp,
 Hang núi đào bừa bởi kiếm son”
          
Tức là tả cảnh nơi này. Gần đây triều đình thường sai quan đến khám nhưng không thấy tung tích gì cả, chính người làng cũng không biết nơi nào. Hiện nay son tìm được đều không phải là son cũ.

Lại có một nơi ở mé sông Miết thủy, gọi là ao Miết thủy, trong sách Thức âm phụ (3 chữ này chưa rõ nghĩa - NBS) có chép “Miết thủy tri” tức là ao này, tục ngữ gọi là “đĩa son nước móc”. Sườn núi có chùa gọi là Lệ Kỳ, ông Huyền Vân, tiến sĩ đời Trần ẩn cư luyện đan ở đây(luyện thuốc tiên - NBS), vua Trần Dụ Tông thường vời vào kinh hỏi phép luyện đan, cho hiệu là Chùa động Huyền Vân. Phía Đông có chùa gọi là chùa Hàn Than, ở đó có mộ vị sư Vô Dĩ.
          
Đời Trần có quan Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, người xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì dâng tờ sớ Thất trảm (Thất Trảm sớ - NBD) rồi treo mũ từ quan về quê, yêu phong cảnh núi Chí Linh đến ở đây gọi là Tiều ẩn tiên sinh (ChuVăn An) tức là ở núi này. Trong tập thơ của Lã Đường công có câu:

“ Tương phùng vị hữu hữu quan ước
Linh Triệt hoàn ứng tiếu ngã phần”

Tạm dịch là:
“ Lúc gặp, về hưu chưa ngỏ ý
Chắc Thày Linh Triệt đã cười tôi”
(Linh Triệt là tước hiệu của Chu Văn An.)
Sau ông được tặng là Văn Trinh công, được phối tự ở Quốc Tử Giám, việc này quốc sử đã chép rõ. Người sau có thơ vịnh là:
“Thất trảm chương thành tiện quải quan
Chí Linh chung lão hữu dư nhàn”
         
Tạm dịch là:
“Thất trảm dâng rồi quyết bỏ quan
Chí Linh trọn đời được thanh nhàn”
Huyện Thanh Trì tôn thờ Ông là bậc Tiên hiền, đền thờ ông ở làng Cung Hoàng huyện này, tức là nhà dạy học của Ông khi trước. Trong bia có câu:
“Ngôn yên bất tức ngộ,
Tức nhật quải thiên quan,
Vu cử Linh sơn hạ,
                             Thái thiên tự thích nhàn”.
Tạm dịch là:
“Nói rồi mà không tỉnh
Liền treo mũ về ngay
Về núi Linh ẩn dật
Tiêu dao trọn tháng ngày”.
 
          Đến cuối đời nhà Mạc có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu là Bạch Vân tiên sinh, người huyện Vĩnh Lại cũng đến ẩn cư ở nơi này. Đời Tiền Lê, quan Hành tu tham chính họ Bùi, người xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì dựng lều ở mé núi. Đến nay các nhà sư trụ trì ở núi này thường giỏi phù chú (coi bói), ý chừng được Thần núi ngầm giúp, lại các nhà sư thường trồng thông, tới nay rậm rạp trông như đám mây, đem lời cổ ngữ này soi, há có phải là chỗ đất nên trồng thông hay sao?

PHAO SƠN
Di cảo của Cao Biền có câu: Chí Linh cổ phao Thủy thâm sơn cao Long sơn giáng khí Hổ lực phao giao Nghĩa là: Chí Linh cổ Phao, Nước thẳm non cao Núi long giáng khí Sức hổ đồi trao Nơi mà Cao Biền nhắc tới ở đây chính là Phao Sơn.
Trong sách Chí Linh huyện sự tích có bài thơ về Phao Sơn như sau:
Phiên âm:
Tới ải Phao Sơn đệ nhất phong
Quần Tinh củng sáp dẫn dương long
Cổ thành sơn thượng anh hùng tích
Cổ tự sơn đầu ẩn dật tông
Phả Lại kinh âm phong nghịch xứ
Bình Than ngư hóa nguyệt sinh trung
Hữu cổ Bạch Nhạn Kim đôi ám
Thập bát anh hùng tuế đình chung
Hồi vọng tả chi Nam Giản cảo
Sùng Nghiêm quý khí giữ Thăng Long
Trần am Lý phủ tang thương dị
Sơn thụ giang hàm cổ hậu đồng.
 
Dịch nghĩa:
Rất đáng yêu là ngọn thứ nhất Phao Sơn
Như các sao về chầu, dẫn dương Long lại
Thành xưa trên núi có dấu vết người anh hùng
Chùa cổ đầu non có dấu chân người ẩn dật
Là nơi gió đón tiếng chuông Phả Lại
Là nơi lửa chài le lói dưới ánh trăng trong
Bên hữu, bãi Bạch Nhạn là mộ tổ người Kim Đôi
Mười tám người anh hùng kế tiếp nhau hưởng lộc.
Bên tả là kiểu đất Nam Giản, có chùa Sùng Nghiêm
Quí khí của nó tương đối với chi mạch Thăng Long.
Am nhà Trần, Phủ nhà Lý thay đổi có khác,
Cây núi, nước sông, trước sau vẫn như một
 
Tạm dịch thơ:
Đỉnh Phao Sơn đẹp vô cùng
Quần tinh quay lại, dương Long dẫn vào(1)
Thành xưa còn vết anh hào
Chùa xưa còn dấu người vào ẩn cư.
Tiếng chuông Phả lại gió đưa
Bình Than nguyệt đãi, nhặt thưa lửa chài.
Hữu trông Bạch Nhạn Kim Đôi
Anh hùng mười lẻ tám đời đình chung
Tả quay Nam Giản chùa Sùng
Khí thiêng với mạch Thăng Long sánh bày
Lý, Trần am phủ đổi thay
Rừng cây, sông nước ngày rày như xưa.
 
Di cảo của Cao Biền có câu:
Chí Linh cổ phao
Thủy thâm sơn cao
Long sơn giáng khí
Hổ lực phao giao
 
Nghĩa là:
Chí Linh cổ Phao,
Nước thẳm non cao
Núi long giáng khí
Sức hổ đồi trao
 
Đó chính là nói về đất ấy. Trên núi có thành cổ vây quanh, sách sử ký gọi là Chí Linh Cổ thành cũng tức là nơi ấy. Người đời thường kể lại rằng: Thành xây dựng vào đời Vĩnh Lạc, triều Minh.  Đời Trần đã có thành rồi. Đến năm Khang Hữu, nhà Mạc đo đạc lại và mở rộng ra. Thời Tây Sơn, cựu thần Nhà Lê đã khởi quân ở đây.
          Người ta còn cho đây là nơi danh lam cổ tích. Cách núi về bờ bên kia, có chùa Phả Lại xứ Kinh Bắc, tiếng chuông vọng sang bên này nghe rất gần. Nhìn về phía trước có bãi Đại Than sông Lục Đầu, lửa chài, ánh trăng rất là đẹp mắt. Cụ Lã Đường có vịnh thơ như sau:
Phiên âm:
Nhật tảo Bình Than ngư dịch đoán
Dạ hàn Phả Lại hỏa đăng cô.
Bất tri kim cổ đăng lâm khách
Diệc hữu giang sơn điều vọng vô ?
Dịch nghĩa:
Buổi sớm, tiếng sáo dân chài Bình Than ngân (gấp)
Đêm lạnh, ngọn đèn chùa Phả Lại lẻ loi
Chẳng hay khách du xưa nay đến đây
Có ngắm  nhìn non nước này không ?
Tạm dịch thơ:
Sáo sớm Bình Than chài gấp giọng
Đèn khuya Phả Lại lẻ loi chong
Chẳng hay du khách xưa nay tới
Nước ấy, non này có ngắm không ?
 
Lại có thơ rằng:
Vĩnh bạng dung âm lục tự đài
Đã trình hành tận thiếu hồi hồi
Thập niên khách nhỡn hồng vân quyện
Phó dữ giang sơn nhất phóng khai.
 
Dịch nghĩa:
Tựa mãi dưới bóng cây đa xanh biếc như rêu
Đường đông quê đi hết dạ bồi hồi
Mười năm mắt khách đã mỏi mệt với mây hồng
Nay mới có dịp ngắm nhìn non nước
 
Tạm dịch thơ:
Dưới bóng đa xanh ngồi nghỉ mãi
Đồng quê dạo khắp dạ bồi hồi
Mây hồng mắt khách mười năm mỏi
Non nuớc bây giờ mới mở coi.
Phía đông nam dãy núi, một dải cát nổi lên như hình chim Nhạn, sắc trắng như bạc, chiều dài chừng vài mươi trượng, cao vài thước, người ta gọi là bãi Bạch Nhạn (Nhạn trắng), gần trông như bạc, xa trông như nước. Tục truyền người Tàu có câu: “Bạch Nhạn sinh mao, sinh tận anh hào” nghĩa là: “Chim Nhạn trắng mọc lông, người sinh ra hết thảy là anh hào”. Ngôi mộ Tổ họ Hoàng, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, táng tại núi này, chính là đối diện với bãi cát ấy. Tại đây, kế tiếp sinh ra được 18 vị Tiến sĩ. Gần đây cỏ mọc xanh lên, mười phần chỉ còn ba, bốn.
Tiếp cận nơi này, có chùa Sùng Nghiêm, dựng ở địa phận xã Nam Giản. Thày địa lý bảo đó là: “An Nam quí cục” nghĩa là “Thế đất quí báu của nước An Nam”, lấy xã Cổ Bi làm chi giữa, Thành Thăng Long làm chi hữu, xã Nam Giản làm chi tả. Sau chùa có một khu Phủ Lý cũ, dựng từ triều Lý, đến triều Trần có tu sửa lại am chùa, trong hai triều này, các hậu phi thường đến đây du ngoạn.

DƯỢC SƠN - VẠN KIẾP

Trong sách Chí Linh huyện sự tích có bài thơ vịnh về đất này như sau:
Phiên âm:
Dược Sơn Vạn Kiếp lưỡng tinh đảo
Bắc đẩu, Nam tào, song đối hạo
Thiên đức, giang loan ất tự triều
Nộn sơn trung trĩ long hình bão
Di nhàn tích thặng thụ hoa vi
Phá tắc dư uy hương hoa miệu
Hoán tịch trừ ma, sự hữu vô
Danh tướng linh thần tràng bất lão
 
Dịch nghĩa:
Xã Dược Sơn, xã Vạn Kiếp có 2 tinh đảo
Là Bắc Đẩu, Nam Tào, hai ngọn đối nhau
Khúc sông Thiên Đức chầu vào theo hình chữ  ất
Ngọn giữa Nộn Sơn như khúc rồng ôm lấy
Dấu vết dưỡng nhàn, cây hoa vây quanh
Dư uy phá giặc có đồn miếu hương lửa
Đối chiếu trừ ma, việc có hay không
Tướng giỏi thần thiêng, tiếng truyền mãi mãi.
 
Tạm dịch thơ:
Dược Sơn, Vạn Kiếp hai tinh đảo
Lấy tên Bắc Đẩu với Nam Tào
Thiên Đức quanh co dòng nước ủ
Nộn Sơn giữa đứng dáng rồng chầu
Nuôi nhàn cảnh cũ hoa vây bọc
Giết giặc oai xưa hương ngạt ngào
Đổi chiếu trừ ma nào đã chắc ?
Thần thiêng, tướng giỏi tiếng ngàn sau.
 
          Xã Dược Sơn, tiếp giáp xã Vạn Kiếp (Nay là Vạn An) huyện Phượng Nhỡn, địa thế như rồng uốn khúc từ trên núi xuống, hình như tay ngai. Hai bên nổi dậy hai ngọn núi: Một ngọn ở xã Dược Sơn, tục truyền trên núi có chùa, trong chùa có một cụ già biết đoán may rủi, lời nói thường hiệu nghiệm, người bốn phương lại hỏi rất đông, về sau không biết đi đâu, chỉ thấy trên vách núi có đề một câu: “Nam Tào thượng linh tiêu” nghĩa là “Mây thiêng trên Nam Tào”. Vì thế, người ta lập đền thờ tại đây, gọi là núi Nam Tào.
         
Một ngọn núi thứ hai ở xã Vạn Kiếp. Tục truyền có một nguời lái buôn, đêm đi dưới núi, nghe có tiếng người bàn đi nói lại về việc thiện, ác, thọ, yểu của người đời, lúc gà gáy bỗng có cơn gió Tây, mây bốn phía tụ lại, phảng phất như có tiếng người đi trong gió, người lái buôn nhìn lên núi, thấy một người cao lớn, mũ sao, áo thắt đai, ngồi xe  mây lên trời. Hôm sau, người ấy đem chuyện kể lại, dân địa phương bèn lập đền thờ, đặt tên núi là Bắc Đẩu. Núi này và núi Nam Tào đứng đối nhau, giữa có núi Nộn Sơn, trước mặt trông ra sông Thiên Đức, sông uốn khúc như hình chữ  ất. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tôn thất nhà Trần lấy đất này làm vườn hoa (theo nguyên văn của người biên soạn - theo những truyền thuyết khác thì Trần Hưng Đạo trồng thuốc để chữa bệnh cho quân sĩ nên gọi là Dược Sơn - núi thuốc). Vì Trần Hưng Đạo giết Phạm Nhan và Ô - Mã - Nhi trên sông Bạch Đằng nên người đời lập đền thờ, gọi là đền Kiếp Bạc. Theo tục truyền, người phụ nữ nào mắc bệnh không sinh đẻ thì gọi là mắc bệnh Phạm Nhan, ghé đến đền cầu đảo, đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ của Thần vị đem về cho bệnh nhân nằm, thì bệnh sẽ khỏi, xa gần kéo đến lễ đền, đi lại tấp nập, năm này qua năm khác đông như nước chảy, đến nay tục ấy vẫn còn.

LẠC SƠN

Lạc sơn xưa nay là khu vực phố Thiên, Thái Học, Chí Linh.

Trong sách "Chí Linh huyện sự tích" có viết về Lạc sơn như sau:
Phiên âm:
Lạc Sơn sơn tượng uyển Kim Qui
Diệc thị danh sơn tú khả kỳ
Thụ sắc hoa viên tinh nhật tiễu
Mục ca tiều xướng viễn phong suy
Tiểu giang Thu sắc ba trừng tễ
Cổ thị chiêu dương khách hội thì
Chinh lữ viên thần thanh mộng giác
Cố sơn, tân miếu cộng sinh huy
Dịch nghĩa:
Núi Lạc Sơn giống như con Rùa Vàng
Đó cũng là một ngọn núi có tiếng, vẻ đẹp khá lạ
Sắc cây, vườn hoa tươi lên dưới ánh mặt trời hửng
Gió xa thổi lại tiếng ca hát của mục tiều
Sông nhỏ, nước lặng in bóng mùa Thu
Chợ cổ, khách họp vào lúc buổi sáng
Trên đường dẹp loạn, Tướng quân tỉnh giấc mộng
Núi xưa, miếu mới đều thêm vẻ huy hoàng
 
Tạm dịch thơ:
Lạc Sơn dáng núi tựa Rùa Vàng.
Đây cũng danh sơn cảnh khác thường,
Trời hửng tô mầu hoa cỏ thắm,
Gió xa đưa động mục tiều vang.
Sáng ra chợ cổ người như hội,
Thu tới sông con nước tựa gương.
Chinh lữ tướng quân bừng tỉnh giấc,
Non xưa, miếu mới rạng đôi đường.
 
          Xã Lạc Sơn có một ngọn núi gọi là Nguyệt Sơn, đột khởi bên bờ sông, hình tựa như con Rùa Vàng, cây cỏ xanh tươi, kẻ chăn trâu, người kiếm củi thường thường qua lại. Dưới chân núi có một cái chợ cổ, tục gọi là chợ Thiên, mỗi tháng họp chín phiên. Đó là một nơi đô hội của huyện. Năm Mậu Thìn (Tự Đức thứ 21 - 1868 ) có một vị tôn thất làm quan đầu tỉnh, đem quân đi đánh giặc, đồn trú tại núi này, đêm thấy thần báo mộng bèn sai dựng đền trên ngọn núi này.

QUY SƠN

Thôn  Mặc Động có một trái núi, đột khởi ngọn chót vót, long sơn chiếm một khoảng đồng bằng tên gọi Quy Sơn, cũng là một nơi thắng địa ở Chí Linh
 
Trong sách Chí Linh huyện sự tích có bài thơ vêết về Quy Sơn như sau:
Dịch âm:
Mặc Động Quy Sơn thanh cảnh chiếm
Hiệp Sơn đối trĩ phân thiên hiếm
Thiền am Linh thượng thụ sâm si
Giang đới yêu hoàn ba liễm diễm
Lạc Thiên khê bão cực chấn đường
Vạn Doanh tục hoán kim do nghiệm
Đặng lâm nhất vọng nhỡn trung khoan
Thất quận sơn hà qui chí điếm
 
Dịch nghĩa:
Cảnh đẹp Quy Sơn chiếm một vùng xã Mặc Động
Hiệp Sơn đối ngọn chia nhau thế hiếm của trời
Am thiền trên đỉnh núi cao thấp
Dải sông uốn lưng sóng nhấp nhô
Khe Lạc Thiên ôm lấy ngôi nhà trấn cũ
Vạn Doanh tục gọi nay vẫn đứng
Lên núi đứng nhìn tầm mắt rộng ra
Non nước bảy quận trông thấy rõ hết
 
Tạm dịch thơ:
Quy Sơn Mặc Động cảnh thanh nhàn,
Thiên hiếm cùng chia với Hiệp Sơn.
Đỉnh núi am thiền cây lố nhố,
Lòng sông dòng nước sóng chờn vờn.
Trấn cũ móng nền khe Lạc bọc,
Tên xưa dấu vết Vạn Doanh còn.
Lên cao đứng ngắm xa tầm mắt,
Bảy quận thu vào của nước non.
 
Xã Mặc Động có một trái núi, đột khởi ngọn chót vót, long sơn chiếm một khoảng đồng bằng. Đối ngạn bên kia sông là huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, có một bến đò gọi là Đò Vạn, đó là sông Thanh Lương. Lại có một khe nhỏ giáp núi Phượng Hoàng xã Lạc Đạo. Tục truyền triều trước có đặt trấn ở đấy, cho nên còn gọi là núi Doanh Vạn. Trên núi có chùa cổ, lên đó đứng trông non nước bảy quận thuộc Kinh Môn đều thu được trong tầm mắt.
LỤC ĐẦU GIANG

Sông Lục đầu hay Lục đầu giang đã đi vào lịch sử với những chiến công vang dội. Đó là nơi 6 đầu sông tụ lại như 6 con rồng chầu về đất Chí Linh.

Trong sách "Chí Linh huyện sự tích" có bài thơ về sông Lục Đầu như sau:
Dịch âm:
Tái cử danh xuyên tục thuyết tường
Nhạn Loan cổ độ thị Triền Dương
Lục Đầu thượng đoạn giang lưu hội
Trung hữu than châu nhất đới tường
Đông Bắc long châu tranh hội xứ
Uông uông vạn khoảnh đạt huyền đường
Truy tự nhàn tướng yên ba lộ
Mãi thán ngư thuyền yết cổ Vương
Đảo cứu nhung hầu sưu hạm lộ
Nhất phàm phong lục áp Nguyên cường
Tức kim phong cảnh trường như hử
Tứ thủy phân minh giáp nhất phương.
 
Dịch nghĩa:
 
Lại đem con sông có danh tiếng tiếp tục nói rõ
Bến Nhạn Loan thủa xưa tức là bến đò Triền Dương ngày nay.
ở trên là đoạn có 6 con sông tụ lại,
ở giữa sông này có một dải cát dài.
Về phía Đông Bắc là kiểu đất ba con rồng tranh nhau hạt ngọc.
Muôn khoảnh mông mênh, chảy thông ra ngoài bể lớn.
Nhớ lại đó là con đường thủy của một viên nhàn tướng (tướng gia đã thôi việc),
Ông bán than, từ thuyền vào yết kiến vua cũ.
Lại nhớ đó cũng là con đường của các chiến thuyền các bậc danh tướng,
Đã thuận buồm xuôi gió đánh bại quân giặc Nguyên cường bạo,
Phong cảnh ngày nay vẫn còn như trước,
Con sông này rõ ràng là thắng cảnh nhất của một phương.
 
Tạm dịch thơ:
 
Lại nói tiếp đến con sông Cả (sông lớn)
Bến Nhạn Loan thuộc xã Triền Dương
Sáu đầu chầu lại mênh mang
Nổi lên cồn cát Đại Than giữa dòng.
Đông Bắc: kiểu “ba rồng tranh ngọc”,
Nước mênh mông chảy dốc ra khơi
Sông đây nhớ trước có người
Bán than sau lại được vời chầu Vua
Đường quân thủy, thủa xưa xuôi ngược
Thuận buồm ra diệt được giặc Nguyên
Đến nay thắng tích y nguyên
Con sông lịch sử danh truyền ngàn thu.
 
 Bến đò xã Triền Dương (theo bản đồ cũ là xã Lý Dương) khi trước gọi là bến Nhạn Loan (Nhạn Loan Cổ độ) nay là bến đò Triền. Con sông này rộng lớn, tên là sông Lục Đầu, tiếp giáp với các huyện Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Quế Dương, Gia Bình, xứ Kinh Bắc cũ. Một nhánh từ huyện Phượng Nhỡn chảy xuống (không có tên); một nhánh từ sông Xương Giang chảy xuống gọi là Đức Giang; một nhánh từ sông Nguyệt Giang chảy xuống gọi là  Thiên Đức Giang. Các nhánh sông hội hợp lại, đến bến Nhạn Loan thì lại chia làm hai chi: Một chi từ xã Lâu Khê, huyện Thanh Lâm chảy xuống phía Nam đổ ra sông Hàn; một chi từ xã Ninh Xá chảy ra phía Đông.  Đó là sông Lục Đầu, giữa có một bãi cát bồi gọi là bãi Đại Than, Nhà địa lí cho là kiểu đất “3 con rồng tranh nhau một hạt ngọc”. Trần Khánh Dư là tướng nhà Trần, phạm lỗi bị cách chức, về núi Chí Linh làm nghề bán than để sinh sống. Khi vua Trần Nhân Tông đến đây tổ chức Hội nghị Bình Than, trông thấy cho gọi lại, Ông chèo chiếc thuyền câu, mặc áo tơi đội nón lá vào yết kiến, vua cho phục lại chức cũ, phù Vua Trần diệt giặc Nguyên. Khi Trần Hưng Đạo tiêu diệt Ô - Mã - Nhi, thủy quân cũng đi theo con sông này.

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây