Linh thiêng đỉnh núi Phượng Hoàng

Thứ tư - 27/04/2022 20:17 - 1476 lượt xem
Núi Phượng Hoàng ôm trọn khu di tích khiến các công trình kiến trúc như lọt giữa thiên nhiên
Núi Phượng Hoàng ôm trọn khu di tích khiến các công trình kiến trúc như lọt giữa thiên nhiên
Nơi cao nhất, đẹp nhất trên đỉnh Phượng Hoàng, chính là nơi an nghỉ của "người thầy của muôn đời" - thầy giáo Chu Văn An.

Núi Phượng Hoàng là mạch núi đặc biệt linh thiêng của vùng đất Chí Linh, gắn liền với truyền thuyết về 72 chú chim phượng hoàng sà xuống. 

Ánh mặt trời từ xa rọi lại, những màn sương mờ ảo tan đi thì cũng là lúc núi Phượng Hoàng hiện ra trong bạt ngàn cây cối. Phượng Hoàng có dáng đứng ôm trọn ngôi đền thờ "người thầy của muôn đời" và hai bên sườn núi mở rộng ra như hình chim phượng múa.

Thế núi nơi đây đã được các bậc tiền nhân lựa chọn. Từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt ra tứ phía thấy rõ kia là núi Côn Sơn, đây là đỉnh Ngũ Nhạc... hùng vĩ.

Truyền thuyết 72 chú chim phượng hoàng sà xuống 

Ông Nguyễn Văn Sông đã có 30 năm công tác trong ngành văn hóa Chí Linh, là Trưởng ban Quản lý di tích đầu tiên của thành phố. Đã nghỉ hưu 10 năm nay song ông vẫn ở lại với ngọn núi thiêng này, vì ông quan niệm, làm văn hóa, yêu văn hóa phải có thời gian gắn bó thì văn hóa, lịch sử mới thẩm thấu vào người. Vì thế, đã 70 tuổi đời nhưng ông vẫn đọc, và càng đọc ông mới thấy kiến thức của mình về đỉnh Phượng Hoàng, về thầy Chu Văn An vẫn còn thiếu hụt.

Không cần sổ sách, nói đến núi Phượng Hoàng, nói đến đền thờ thầy giáo Chu Văn An, hẳn ít người ở phường Văn An thông thạo như ông. Núi Phượng Hoàng thực chất là một dãy gồm 72 ngọn. Đỉnh Phượng Hoàng - nơi an nghỉ của thầy Chu Văn An cao nhất, đẹp nhất, còn gọi là núi Cả. 72 ngọn núi ứng với truyền thuyết về 72 chú chim phượng hoàng trong một lần rong chơi, thấy cảnh vật núi rừng đẹp đẽ đã sà xuống múa rồi hóa thành 72 ngọn núi. Đứng trên đó nhìn thấy tiền án là núi Ngọc như một bức chắn và 2 cánh phượng hoàng. Chim phượng hoàng biểu tượng cho trí tuệ và cái đẹp, còn núi Phượng Hoàng là mạch núi đặc biệt linh thiêng của mảnh đất Chí Linh. Trong các thư tịch cổ, mạch núi này còn được gọi với cái tên Kiệt Sơn.

Ông Sông kể, trước đây khu di tích chưa được khai thác, quy hoạch, hầu hết người dân không biết đó là nơi nương nhờ lúc cuối đời và là nơi yên nghỉ của thầy giáo Chu Văn An. Người dân chỉ quen gọi khu này là chùa Đổ.

Trên núi, ngoài mộ của thầy giáo Chu Văn An còn có giếng Son, hay có tên là giếng Mắt Phượng. Giếng nằm bên hữu mộ thầy Chu Văn An nhưng thấp hơn vài bậc. Giếng là nơi tụ mạch nguồn linh khí của linh sơn Phượng Hoàng. Tương truyền những năm tháng ẩn cư tại đây, thầy Chu Văn An đã dùng nguồn nước này để dưỡng thân, dưỡng thể, dưỡng khí, dưỡng thần. Khi thầy tạ thế vào ngày 26.11.1370, học trò lấy nước từ giếng lên dâng cúng. Du khách đến viếng mộ thầy, xin nước từ đây để mạch nguồn linh khí thấm vào cơ thể, trí được mở, tâm được thanh trong, lòng được yên, thanh thản đến lạ kỳ.

Theo lời ông Sông, giếng Son chưa khi nào cạn mà luôn đầy ăm ắp, trong lành, dùng để hãm trà, nấu nướng thì ngon ngọt vô cùng. Những người ở quanh đây chưa khi nào phải dùng nguồn nước khác. Còn nhiều du khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đến vãn cảnh xin cả can nước giếng Son như một món quà cho những người không đến được.

Vẫn theo lời ông Sông, tương truyền rằng ở đáy giếng có một lớp son dày. Khi thầy Chu Văn An về dạy học tại đây, không có mực nên đã có người lấy ống nứa chọc xuống đáy giếng để rút son lên. Son được phơi khô, tán nhuyễn làm mực viết, còn bút nghiên thì từ tre, nứa trong rừng. Đây là lý do tục xin chữ ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An khi nào cũng chỉ có chữ màu son. Giếng son nhiều năm nay có một điều lạ, là trong năm khoảng trước - sau rằm tháng bảy ắt có một ngày nước đổi màu son. Có năm nước đầy, màu son chảy xuống tận điện Lưu Quang phía dưới.

Lời kể của ông Sông về giếng Son phải chăng phù hợp với sách Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm? Sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 2009, ở trang 32 viết: "Dưới núi có giếng, đáy giếng có thứ son tốt mềm nhuyễn như bùn, đem phơi khô thành son. Gần đây người địa phương vì sợ phải đóng thuế son nên lấy đá lấp đi, nay không còn biết ở chỗ nào"...

Núi Phượng Hoàng và đền thờ thầy giáo Chu Văn An đã trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục, được du khách thập phương về tham quan, chiêm bái (ảnh tư liệu)

Ngôi đền - viên ngọc quý

Đền chính (Phượng Sơn Linh Từ) thờ thầy Chu Văn An và mộ của thầy luôn được du khách thập phương tìm đến. Phượng Sơn Linh Từ là trung tâm khu di tích. Đền hướng đông - nam, có núi Ngọc làm tiền án, núi Phượng Hoàng làm hậu chẩm. Với kiến trúc đẹp, hài hòa và gần gũi với thiên nhiên, ngôi đền được ví như viên ngọc nằm ở phần ức của loài chim quý phượng hoàng.

Còn lăng mộ của nhà giáo Chu Văn An tọa lạc trên đỉnh núi. Theo những người am hiểu về phong thủy, đó là vị trí điểm đầu của chim phượng hoàng - đỉnh cao công lý và đức hạnh. Đây là điểm tột cùng linh thiêng của khu di tích Phượng Hoàng. Năm 1990, Bảo tàng Hải Dương đã khai quật, phát hiện phần mộ được kè đá muối, hình chữ nhật, kích thước 4mx7m còn được bảo tồn nguyên trạng, xung quanh có nhiều đồ tùy táng như bát, đĩa thời Trần. Hiện nay lăng mộ được trùng tu, tôn tạo khang trang bằng chất liệu đá xanh, phía trước có hương án, phía sau có phù điêu là hậu chẩm khắc nổi ba chữ: đức - lưu - quang, chính giữa là nghiên bút. Đường lên mộ được kè bằng đá gồm 770 bậc ngắn - dài, tượng trưng cho số 7 - Thất trảm sớ thầy giáo Chu Văn An dâng lên thuở trước.

Không nhiều người biết, dãy Phượng Hoàng còn có một dòng suối chảy men theo con dốc từ trên đỉnh núi xuống. Dòng suối sâu và rộng, được xác định dài khoảng 4 km từ đầu nguồn đổ xuống hồ Phượng Hoàng của phường Cộng Hòa. Bên Côn Sơn cũng có suối Côn Sơn nhưng đổ xuống hồ Côn Sơn phía dưới. Đây là dòng suối cổ, trong dân gian ở vùng này còn có câu: Nước làng Dọc, thóc làng Sui. Làng Dọc nay là một khu dân cư của phường Văn An, còn làng Sui nay là làng Tiền Định cũng ở phường này. Ý chỉ, dòng suối chảy qua làng Dọc mát lành và luôn đầy ăm ắp, không đâu nhiều nước bằng làng Dọc. Làng Sui ở dưới nguồn đón dòng nước quý nên lúa non xanh tốt, thóc lúc nào cũng đầy bồ.

Dãy Phượng Hoàng được xác định kéo đài từ đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ ở phường Văn An đến đầu khu dân cư Bình Giang của phường Phả Lại. Rừng cây trên núi đang được bảo tồn chặt chẽ song hầu hết là rừng trẻ với một số loài thân thuộc như thông, phi lao, keo... Trong huyền sử của Chí Linh bát cổ, Tiều Ẩn cổ bích là 1 trong 8 địa danh liên quan mật thiết đến sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An tại núi Phượng Hoàng. Bản thân thầy Chu Văn An khi về đây cũng luôn nhận mình là một tiều phu ở ẩn.

Theo sử sách ghi lại, thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay thuộc Thanh Trì (Hà Nội). Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan mà mở trường dạy học. Đời vua Trần Minh Tông (1314-1329), ông được mời đến thành Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến đời vua Trần Dụ Tông, triều chính bê bối, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Ông xin từ quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, lấy tên là Tiều Ẩn (người đi hái củi ở ẩn). Ông mất ngày 26.11.1370 tại nhà riêng ở núi Phượng Hoàng, thọ 78 tuổi. Một người không sinh ra ở mảnh đất này, nhưng tên tuổi luôn được đời sau nhắc đến với lòng thành kính. Nhắc đến Chu Văn An là nhắc đến Chí Linh, đến núi Phượng Hoàng, người được ví như "ngọn tuệ đăng bất tử" - người sống trọn những năm tháng ẩn cư cuối đời ở vùng đất Chí Linh, trên núi Phượng Hoàng giữa non xanh thủy tú.

Theo Quyết định 920 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18.6.2010 về quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, Văn An là 1 trong 4 địa phương của Chí Linh được phân vùng quy hoạch, vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt (vùng 1). Trong đó, khu vực Phượng Hoàng với diện tích 36,9 ha được phân vùng bảo tồn đặc biệt, cùng với khu vực Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Quy hoạch nói trên nhằm bảo tồn, nghiên cứu làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của quần thể di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam. Tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới. Phượng Hoàng còn là 1 trong 3 khu vực trọng tâm thuộc nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích trong vùng nghiên cứu quy hoạch cùng với Côn Sơn, Kiếp Bạc...

Tại hội nghị hợp tác phát triển giữa 3 địa phương gồm Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng được tổ chức tại TP Chí Linh vào giữa tháng 3 vừa qua, lãnh đạo 3 địa phương đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung tên hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) là quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đồng thời các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Khi ấy, giá trị của di tích Phượng Hoàng sẽ được nâng lên và mang giá trị trường tồn với thời gian.

TIẾN HUY (Báo Hải Dương)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây