Khai hội đền Cao - An Lạc năm 2016

Thứ tư - 02/03/2016 21:41 - 3419 lượt xem
Rước kiệu - nghi lễ đặc biệt không thể thiếu trong lễ hội
Rước kiệu - nghi lễ đặc biệt không thể thiếu trong lễ hội
Sáng ngày 1/3 (tức 23 tháng Giêng), tại khu di tích đền Cao (xã An Lạc, thị xã Chí Linh), UBND thị xã đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm 5 vị tướng họ Vương và khai hội đền Cao 2016.
            Tới dự có đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND thị xã Chí Linh cùng đông đảo cán bộ nhân dân địa phương và du khách thập phương trong và ngoài tỉnh.

            Sau lễ rước kiệu uy nghi, hoành tráng theo đúng nghi thức truyền thống  từ đền Cả về đến đình Hội Đồng, buổi lễ dâng hương chính thức được bắt đầu. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban tổ chức lễ hội đã đọc diễn văn ôn lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của 5 vị tướng họ Vương. Theo truyền thuyết kể lại: Vào thời nhà Đinh, ở Nga Sơn - phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá có hai vợ chồng sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con. Họ quyết đi tìm cuộc sống mới. Khi đến Dược Đậu Trang (An Lạc ngày nay) thì ở lại sinh cơ lập nghiệp và sinh được 5 người con. Năm người con lớn lên học hành tinh thông, văn võ song toàn.  Năm 981, quân Tống ồ ạt tiến vào xâm lược nước ta, năm người con họ Vương xin phò vua Lê Đại Hành đánh tan quân giặc, giữ yên bờ cõi đất nước. Vua nhận thấy họ đều là người tài năng liền phong 5 vị làm tướng tiên phong. Sau khi giành thắng lợi, ngày 23 tháng Giêng năm 981, năm vị tướng đó thăng hoá về trời. Vua biết tin vô cùng thương xót, liền ban lệnh cho nhân dân lập đền thờ ở các nơi thánh hoá và phong tướng cho 5 vị. Hơn 1000 năm trôi qua, trải qua nhiều thăng trầm với những biến cố của lịch sử, khu di tích Đền Cao đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, hiện nay trong Đền còn lưu giữ được nhiều di vật, di sản văn hoá có giá trị. Quần thể di tích Đền Cao không chỉ tôn thờ 5 vị tướng họ Vương mà còn là chốn tổ của 12 dòng họ Việt Nam, còn được gọi là Thập nhị gia tiên.
            Ngay sau đó, lễ dâng hương được diễn ra trang trọng, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu và đông đảo du khách  đã thắp hương tưởng niệm.
 
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm


            Lễ hội chính đền Cao năm nay diễn ra  từ mồng 1 đến mồng 3/3 (tức từ 23 đến 25 tháng Giêng âm lịch). Bên cạnh phần lễ còn có các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các xã, hát quan họ, các trò chơi truyền thống: kéo co, vật, bắt vịt, thi giã bánh giầy, nấu chè kho.
            Lễ hội đền Cao được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm của tổ tiên, tiếp tục bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống từ xưa tới nay. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu tới quần chúng nhân dân và du khách thập phương trên mọi miền Tổ quốc.
 
Nghe hát quan họ trên thuyền

Tác giả bài viết: V.H

Nguồn tin: vhttdlhd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây