Vài nét về Tinh Phi cổ tháp

Thứ năm - 29/10/2015 13:44 - 4440 lượt xem
Tinh Phi cổ tháp
Tinh Phi cổ tháp
 Chí Linh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá, liên quan tới danh nhân ở các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...Vào cuối thế kỷ XVIII, Chí Linh có 8 di tích cổ nổi tiếng, đại diện cho 8 loại hình kiến trúc tiêu biểu, gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và đất nước. Đó là: Trạng nguyên cổ đường: gắn liền với việc dậy học của lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Tiều ẩn cổ bích: là bức tường cổ quây quanh nhà của Tiều ẩn - ngôi nhà ẩn dật của thầy giáo Chu Văn An; Dược lĩnh cổ viên: gắn liền với việc Phạm Ngũ Lão cho trồng cây thuốc để chữa bệnh và vết thương cho quân sĩ nhà Trần; Nhạn Loan cổ độ: là bến đò cổ, gắn liền với tích Thục An Dương Vương bị quân Triệu Đà truy đuổi, ông đã chạy qua  đây; Thượng Tể cổ trạch: là nhà cũ của quan Thượng Tể Trần Quốc Chẩn; Chí Linh cổ thành:gắn liền với việc xây thành của nhà Trần và được củng cố vào thời Mạc; Vân Tiên cổ động: tức động cổ Vân Tiên nằm trong khuôn viên chùa Huyền Thiên có từ thời Lý. Đặc biệt là Tinh Phi cổ tháp: Đây là ngôi tháp cổ của Tinh Phi - bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta, một ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục nước nhà, tiên phong trào phong trào giải phóng phụ nữ, một nhân vật nổi tiếng vào thế kỷ XVII.
 
Căn cứ vào những tài liệu thành văn, hiện còn lưu giữ như: Hải Dương phong vật chí, Chí Linh phong vật chí, Chí Linh bát cổ, bi ký, sắc phong, tài liệu khảo cổ học  và các tài liệu có liên quan cho biết: Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi (tức Sao Sa). Bà sinh vào cuối thế kỷ XVI, trong một gia đình hiếu học, ngay từ lúc còn nhỏ bà có tính quyết đoán, được gia đình mời thầy về dạy học.

Vào năm Quang Hưng thứ 15 (1592), sau khi bị quân Lê-Trịnh chiếm thành Thăng Long, quân nhà Mạc phải rút về phía Đông thuộc trấn Hải Dương. Đầu năm Quang Hưng thứ 16 (1593), quân Lê-Trịnh tấn công vùng Nam Sách, Chí Linh. Trước sức mạnh của quân triều đình, nhà Mạc thất thủ phải rút lên Cao Bằng lập căn cứ. Năm đó Nguyễn Thị Duệ tròn 20 tuổi, cùng cha chạy lên Cao Bằng, phù giúp nhà Mạc.

 Tại Cao Bằng, nhà Mạc củng cố thanh thế, mở mang quyền binh, ổn định tổ chức, mục đích xây dựng nhà Mạc trở thành thế lực hùng mạnh, có thời cơ sẽ nắm quyền trị vì đất nước. Tại đây, nhà Mạc mở khoa thi hội để kén chọn nhân tài. Nguyễn Thị Duệ đóng giả trai đi thi cùng với thầy giáo của mình. Kết quả bà đã đỗ đầu bảng. Xúc động trước người học trò của mình, thầy dạy Nguyễn Thị Duệ nói: "Mầu xanh từ mầu lam mà ra, nhưng đẹp hơn mầu lam". Khi vào dự yến tiệc, vua Mạc phát hiện ra thân thế thực sự của bà, không những không xử phạt mà còn khuyến khích và lấy làm vợ, phong là Tinh Phi.

Vào năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), quân Lê-Trịnh do Đinh Văn Tả làm tiên phong tiến đánh Cao Bằng, quân Mạc đại bại. Nguyễn Thị Duệ ẩn trong hang núi, bị quân Trịnh bắt được và giao cho chúa. Chúa Trịnh nhận thấy tài năng, đức độ của bà đã tỏ lòng quý mến và trọng dụng. Đồng thời ban chỉ: Tiền đóng góp về binh lính, thuế tô ruộng công, thuế đò, thuế chợ cùng các thuế khác ở tổng Kiệt Đặc đều là bổng lộc của bà. Khi thân quân Hoằng tổ Dương Vương lên ngôi (Trịnh Tạc lên ngôi năm 1653 ở ngôi đến năm 1682 thì mất, giao quyền cho con là Trịnh Căn), cho tìm nữ học sĩ để dậy các cung nhân, các quan trong triều đều tiến cử bà. Vua đồng ý, cho vời vào cung, dạy các cung nhân và bà được suy tôn là Đức Lão Lễ sư.

Theo truyền thuyết: Bà khéo khuyến khích người sau học tập để trở thành người hiền tài, phụng sự đất nước. Mỗi tháng 2 kỳ cho họp sĩ tử Tư văn hàng huyện tập làm văn. Đề bài do bà ra, rồi sai người từ kinh đô mang về. Bài làm xong, giao cho hội Tư văn niêm phong lại, rồi nộp cho bà. Nguyễn Thị Duệ tự chấm bài và trả bài đúng hạn, các bài viết đều có đánh giá đúng sai, nhằm khích lệ các kẻ sĩ.

Dưới hai triều vua, bà đều lấy văn chương cung phụng. Mỗi khi việc cần hỏi, bà đều dẫn kinh sử, sự tích ngày xưa để đối đáp, chúa thường khen ngợi. Cả quyển thi hội, văn sớ quần thần đều qua tay bà xem xét, quyết định. Trong quá trình dậy học, bà luôn khuyến khích việc học tập, rèn cặp nhiều nhân tài, trong đó có Nguyễn Minh Triết đỗ đầu khoa Tân Mùi (1631) và nhiều người ở Chí Linh đỗ đại khoa, trong đó ở Kiệt Đặc có 3 vị họ Nguyễn đỗ tiến sĩ ở thế kỷ XVII. Đối với quê hương, bà dành 10 mẫu lộc điền dọc theo sông Kinh Thầy (dân gian gọi là dải yếm bà chúa Sao Sa), để thưởng cho những tân tiến sĩ của làng cày cấy, thu hoa lợi. Từ đó phong trào học tập không ngừng phát triển.

Cả cuộc đời chăm lo việc dạy học, đào tạo và khuyến khích nhân tài, đến gần 80 tuổi, bà nhờ một người Trung Quốc dựng một am nhỏ, trên đồi thấp (Đồi Mâm xôi), dưới chân núi Phượng Hoàng, cách chùa Huyền Thiên 200m về phía Nam để sinh sống.
Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ qua đời vào ngày 8 tháng 11 khi tuổi đã ngoài 80, từng trải 3 đời vua: Lê Thần Tông (1619- 1643); Lê Chân Tông (1643- 1649) và Lê Thần Tông làm vua lần thứ 2 (1649-1662). Sau khi mất, di hài được mai táng cạnh mộ tổ, trên xây dựng một ngôi tháp hồng từ xa nhìn rõ. Đến cuối triều Lê, tháp mộ của bà được xếp vào hàng: "Chí Linh Bát cổ" (Một trong tám di tích cổ của Chí Linh), có tên là: "Tinh Phi cổ tháp". Người đời sau ca ngợi bà như Nghiêu, Thuấntrong giới phụ nữ, Thần tiên trong cõi đời.

Ca ngợi vẻ đẹp của Tinh Phi cổ tháp, bia "Chí Linh Bát cổ" khắc dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1800), hiện đang lưu giữ tại thôn Linh Khê xã Thanh Quang huyện Nam Sách có bài thơ:
 
"Tay ngọc bẻ cành cao,
Mặt g­ương in tháp cổ.
Từ x­a n­ước non này,
Đến nay còn rậm rạp.
Hoa cỏ tự nở tàn,
Ng­ư tiều cùng đối đáp.
Sắc núi vẫn trong xanh,
Tiếng thu nghe xào xạc".

Trải bao binh lửa, thiên nhiên tàn phá, nhiều tác phẩm văn thơ, kể cả thơ Nôm bị thất lạc hầu hết. Nay chỉ còn vài câu thơ Nôm trong gia ký, trong đó có câu:

Nữ nhi dù đặng có lề,
Ắt là tay thiếp kém gì Trạng nguyên"

Trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Thị Duệ là ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, người nữ tiến sĩ đầu tiên của đất nước, tiên phong trong phong trào giải phóng phụ nữ khỏi những quy định của lễ giáo phong kiến đương thời. Khuyến khích việc học tập và đào tạo nhân tài để từng bước xây dựng một Quốc gia hùng mạnh.

Chiến tranh khốc liệt, thiên nhiên tàn phá đã làm cho các di tích liên quan đến bà bị hư hại khá nhiều. Tinh phi cổ tháp cũng chung số phận, công trình bị tàn phá vào đầu thế kỷ XIX và xuống cấp trong thời gian khá dài. Năm 1987, Tinh Phi cổ tháp bị kẻ gian đào bới, phá huỷ nặng nề tháp cổ. Bằng tấm lòng thành kính, nhân dân địa phương xây lại lăng mộ để bảo vệ.

Năm 1993, tiếp tục xây một ngôi đền nhỏ, công trình khiêm tốn, có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung, các hạng mục bằng chất liệu rẻ tiền, mau hỏng. Năm 1994, bằng nguồn công đức của các tầng lớp nhân dân, lăng mộ bà tiếp tục được trùng tu bao gồm tháp gạch 3 tầng kết cấu gạch ngói, đao tàu và được xây tường bao bảo vệ.

 Năm 2006, UBND Hải Dương thực hiện dự án xây dựng đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ bằng nguồn công đức của giáo giới cả nước. Sau một thời gian thi công, khu di tích đã hoàn thành giai đoạn I, bao gồm 5 gian tiền tế chồng diêm cổ các với 8 góc đao cung vút, 1 gian hậu cung. Công trình có nhiều mảng chạm khắc, phù điêu đạt trình độ nghệ thuật. Một số công trình phụ trợ khác như am hóa vàng và sân đền cũng đã hoàn thành. Kinh phí thực hiện hơn 1,6 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công của nhân dân địa phương.

Trong thời gian tới, giai đoạn II bao gồm 2 dẫy dải vũ, nghi môn, bãi đỗ xe, kè đá xung quanh khu vực đền, tạo dựng nhiều công trình khác cho phù hợp với cảnh quan sẽ được tiến hành. Tương lai khu di tích trở thành điểm tham quan chiêm bái, du lịch của nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và giáo giới cả nước. Cùng với việc phát triển đất nước, việc xây dựng Tinh Phi cổ tháp có tác dụng rất lớn trong phong trào khuyến học khuyến tài đối với thế hệ trẻ, chủ nhân của đất nước trong những thập kỷ tới.

Trước giá trị to lớn của di tích, ngày 19 tháng 12 năm 2007, UBND tỉnh ra Quyết định số 4540/QĐ-UBND, xếp hạng đền thờ và lăng mộ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là di tích Lịch sử - văn hóa.

Vũ Danh Thắng 
Bảo tàng tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây