Trước khi được nhìn nhận, số phận của tấm bia từng có một thời gian dài lận đận. Điều đáng nói là hiện tấm bia vẫn còn không ít bí ẩn chưa được giải mã.
Theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Quang thì nơi đặt bia hiện nay, ngày trước là miếu Quất Lâm thờ thiên thần có công phù nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông. Sau Mạc Đĩnh Chi về đây dạy học nên nhân dân địa phương gọi là “Văn chỉ”. Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành: Trạng nguyên cổ đường tức nhà dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1273-1346), người xã Long Động, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần năm Hưng Long 12 (1304), làm quan đến chức Tả bộc xạ, Nhập nội hành khiển (tức tể tướng). Sau về trí sĩ, ông dựng trường dạy học ở chùa Quất Lâm gần gò Hạc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang ngày nay. Đến cuối thế kỷ XVIII, khi tuyển chọn Chí Linh bát cổ, di tích này được xếp thứ nhất. Như vậy khu Văn chỉ Linh Khê chính là danh thắng Trạng nguyên cổ đường.
Giá trị của tấm bia bát cổ đã được nhìn nhận. Tuy nhiên xung quanh tấm bia quý cùng các công trình bát cổ cũng còn những điều lý thú và bí ẩn. Hẳn có người sẽ đặt câu hỏi, tại sao số danh thắng được chọn lại là tám mà không phải là một con số nào khác? Thứ hai, tại Chí Linh có nhiều di tích đẹp và lớn hơn như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai… tại sao không có tên trong bát cổ Chí Linh. Trong khi đó, Trạng nguyên cổ đường thuộc huyện Nam Sách sao lại liệt vào Chí Linh bát cổ? Cũng theo giải thích của nhà sử học Tăng Bá Hoành: Người xưa quan niệm con số tám là con số thể hiện sự viên mãn. Việc lấy con số tám cho việc tuyển chọn danh lam, cổ tích, tín ngưỡng đã có từ xưa ở Trung Quốc như bát quái, bát tiên, bát tú. Ở thế kỷ XVIII, những di tích như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai… thuộc về huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang (Kinh Bắc), còn Trạng nguyên cổ đường khi đó thuộc Chí Linh. Đến cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân mới chuyển những xã phía nam sông Kinh Thầy về huyện Thanh Lâm, sau này là Nam Sách. Chính những thay đổi địa giới như trên đã khiến không ít người nhầm lẫn khi nói về Chí Linh bát cổ. Nhưng điều đặc biệt nhất chính là tác giả của 8 bài thơ vịnh bát cổ Chí Linh. Căn cứ những gì ghi trên bia thì tác giả của các bài thơ là Thanh Hiên Khải Phủ người ghi lại tặng 8 bài thơ cho các nho sĩ địa phương vào dịp Trung thu năm Ất Mão (1795) nhân chuyến du ngoạn những cổ tích của Chí Linh. Các vị trưởng lão và quan chức của huyện bàn định, lập bia để ghi lại những bài thơ vịnh bát cổ đó và dựng ở gò Hạc. Như chúng ta biết Nguyễn Du (1766-1820), có tên tự là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên. Ông từng làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Như vậy rất có thể tác giả của tám bài thơ vịnh bát cổ Thanh Hiên Khải Phủ chính là Đại thi hào Nguyễn Du (!?). Nếu thế thì đây là một niềm tự hào cho mảnh đất tỉnh Đông. Điều này rất cần được các nhà nghiên cứu để tâm tìm hiểu.
Báo Hải Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn