Núi Phượng Hoàng nằm giữa một quần thể di tích như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai..., cũng là nơi di dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân thời Lý - Trần, có rừng thông bạt ngàn và suối mát chảy quanh năm, tĩnh lặng, yên bình khiến tâm hồn người trở nên thanh thản. Nơi đây mấy trăm năm trước, Chu Văn An giũ bỏ chốn quan trường trở về mở trường dạy học, viết sách, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời an nhàn, vui với cỏ cây mây nước.
Qua điện Lưu Quang là đền chính, nơi ngày xưa thầy Chu Văn An dạy học, nay được xây dựng bằng gỗ lim trên một vị trí thoáng đãng giữa đất trời với lối kiến trúc chữ đinh, chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh tầm vóc một danh nhân. Những bậc đá dẫn lên đền có khắc chữ "Học" theo kiểu thư pháp tiếng Việt.
Bước vào cổng đền là du khách đã cảm nhận được không khí trang nghiêm, tĩnh mịch ở nơi đây. Đền thờ là nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến ngành giáo dục của cả nước như tôn vinh thầy giỏi trò ngoan, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong giáo dục.
Đây không chỉ là điểm đến tâm linh của người dân vào ngày Rằm, mùng Một mà còn là địa chỉ đáng dừng chân ở Hải Dương trong những ngày tháng 11, tháng tôn vinh thầy cô và có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đầy ý nghĩa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn