Xã Bắc An: Dân phá keo trồng cây ăn quả

Thứ sáu - 15/04/2016 05:17 - 2140 lượt xem
Nông dân xã Bắc An phá keo để trồng cây ăn quả, cây hương liệu không theo quy định
Nông dân xã Bắc An phá keo để trồng cây ăn quả, cây hương liệu không theo quy định
Mặc dù diện tích rừng sản xuất chưa được quy hoạch để chuyển đổi cây trồng nhưng nhiều hộ ở xã Bắc An (Chí Linh) đã phá bỏ keo trồng cây ăn quả và cây hương liệu.
Các thôn Vành Liệng và Chín Thượng hiện có 4 hộ trồng dứa trên diện tích rừng sản xuất. Bà Tạ Thị Hạnh ở thôn Vành Liệng cho biết: "Do trồng keo lâu cho thu hoạch nên ngay từ đầu năm 2013, gia đình tôi quyết định phá keo, cải tạo đất để trồng dứa trên diện tích hơn 1 ha. Trồng loại cây này cho năng suất, giá bán cao nên thời gian tới gia đình tôi tiếp tục cải tạo diện tích rừng keo còn lại ở khu đồi cao để trồng thêm dứa và một số loại cây ăn quả khác".

Cuối năm 2012, sau khi tham quan mô hình trồng dứa trên đất đồi ở huyện Lục Nam (Bắc Giang), ông Lưu Văn Độ (ở thôn Chín Thượng) đã phá keo, mua cây giống về trồng thử. Thời điểm đó, dứa tiêu thụ tương đối ổn định, với giá bán từ 12.000 - 13.000 đồng/quả, mỗi sào gia đình ông thu lãi từ 4-5 triệu đồng. Nếu trồng keo phải mất từ 6-7 năm mới cho thu hoạch thì trồng dứa chỉ cần gần 1 năm. 

Trên diện tích rừng sản xuất, các hộ ở thôn Bãi Thảo 3 còn phá keo để trồng nhãn xen cam và cây hương liệu. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao từ trồng các loại cây này nên các hộ không ngừng mở rộng diện tích. Ông Vũ Ngọc Lân cho biết: "Năm vừa rồi, nhờ cam, nhãn được mùa, được giá nên gia đình tôi lãi lớn. Thời gian tới, ngoài trồng cây lấy quả tôi còn ghép mắt, chiết cành nhãn, cam để cung ứng cây giống ra thị trường". Không chỉ trồng dứa, ông Dương Đinh Khay ở thôn Bãi Thảo 2 còn phá keo để trồng cây hương bài trên diện tích gần 2 ha. Nhận thấy đây là loại cây mới, có triển vọng nhân rộng trên đất rừng nên vụ vừa rồi gia đình ông xuống giống hơn 2.000 gốc hương bài.
Theo ông Dương Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc An, hiện người dân tự chuyển đổi gần 9 ha diện tích rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả, cây hương liệu, tập trung ở các thôn Chín Thượng, Bãi Thảo 2, Bãi Thảo 3, Vành Liệng. Trong đó, phần lớn diện tích được trồng dứa vì đây là loại cây cho năng suất cao trong thời gian ngắn và dễ tiêu thụ.

Theo lãnh đạo UBND xã Bắc An và Hạt Kiểm lâm thị xã Chí Linh, từ cuối năm 2012, trên địa bàn thị xã đã xảy ra tình trạng người dân tự ý sử dụng đất rừng sản xuất để trồng cây ăn quả, cây hương liệu. Việc làm này đã nảy sinh những bất cập trong công tác quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp tại địa phương, đồng thời dẫn tới tình trạng diện tích rừng trồng bị giảm, nguy cơ cao làm mất đi thảm cây và có thể phá vỡ hiện trạng sử dụng đất rừng. 

Ông Dương Đức Giang cho biết thêm: Sau khi nhận được thông cáo của Hạt Kiểm lâm thị xã về việc các hộ dân tự ý chuyển đổi cây trồng trên diện tích rừng sản xuất, UBND xã đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu bà con sử dụng đất rừng sản xuất đúng quy hoạch. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không nên chuyển đổi, sang nhượng đất lâm nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân về vấn đề quy hoạch diện tích rừng sản xuất đúng mục đích sử dụng còn hạn chế nên dẫn tới tình trạng "trên bảo dưới không nghe". 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Chí Linh, công tác giao đất, giao rừng tại địa phương còn nhiều bất cập. Trong quá trình giao khoán, không quy định rõ việc người dân được trồng loại cây gì dẫn tới tình trạng người dân tự ý chuyển đổi cây trồng mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với UBND xã Bắc An tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân trồng cây theo đúng quy hoạch.

Theo khoảng 3 điều 3 Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp thì đất rừng sản xuất là vùng đất lâm nghiệp quy hoạch chủ yếu để sản xuất, kinh doanh cây rừng, các loại lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, người dân tự ý chuyển đổi cây trồng trên diện tích rừng sản xuất sẽ tác động trực tiếp tới việc quy hoạch 3 loại rừng mà UBND tỉnh đã phê duyệt. 

Tác giả bài viết: ÁI LIÊN

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây