Chí Linh: Dân khấm khá nhờ trồng cam đường Canh, táo đại

Thứ bảy - 16/04/2016 07:14 - 2624 lượt xem
Cây cam đường Canh, táo đại phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt ở đất đồi Chí Linh. Trong ảnh: Vườn cam đường Canh của ông Nguyễn Văn Bình ở thôn An Mô, xã Lê Lợi
Cây cam đường Canh, táo đại phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt ở đất đồi Chí Linh. Trong ảnh: Vườn cam đường Canh của ông Nguyễn Văn Bình ở thôn An Mô, xã Lê Lợi
Do cây táo đại, cam đường Canh (CĐC) phù hợp với đất đai, bán được giá nên nhiều hộ dân ở thị xã Chí Linh đã hái "quả ngọt" nhờ những loại cây ăn quả mới này.
Xã Lê Lợi hiện có hàng trăm hộ trồng cây ăn quả tập trung, trong đó gần 200 hộ trồng CĐC. Riêng thôn An Mô có nhiều hộ giàu lên nhờ trồng CĐC.

Ông Nguyễn Văn Thiệu (52 tuổi) là một trong những nông dân đầu tiên ở thôn An Mô đã chuyển từ canh tác lúa, rau màu sang trồng cây ăn quả. Bắt đầu trồng CĐC từ năm 2011, nhờ đất đai phù hợp nên giống cam trồng trên đất đồi ở đây phát triển tốt, cho quả đều. Dịp Tết Bính Thân vừa qua, vườn cam của gia đình ông Thiệu cho hiệu quả kinh tế cao. Những cây cam dùng để chơi Tết loại to, đẹp bán với giá từ 1,5-3 triệu đồng/cây. Với vườn CĐC lấy quả, ông Thiệu bán giá tại vườn từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Riêng vụ Tết vừa qua, gia đình ông thu lãi trên 50 triệu đồng nhờ bán cam. Ngoài CĐC, ông Thiệu còn trồng thêm giống cam Vinh, chanh đào... Năm 2015, các loại cây ăn quả cho năng suất cao, trong đó CĐC đạt khoảng 2 tấn/sào. Mỗi năm, cây cam đã mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng cho gia đình ông. “Mấy năm trước, đất vườn nhà tôi trồng lúa và hoa màu nhưng hầu như không có lãi. Sau khi tìm hiểu ở nhiều nơi, tôi thấy cây CĐC có thể phát triển trên vùng đất quê hương. Năm 2011, tôi lấy đất đồi cải tạo nền đất trũng thấp để trồng thử CĐC. Sau 4 năm, tôi thấy trồng cây ăn quả lãi cao gấp 10 lần so với trồng lúa, hoa màu”, ông Thiệu cho biết. 

Ngoài xã Lê Lợi, cây CĐC còn được trồng ở 2 xã Hoàng Tiến, Hoàng Hoa Thám, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá. Nhiều hộ thu lãi từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng/năm nhờ canh tác loại cây này.

Ngoài cây CĐC, cây táo đại cũng được trồng nhiều ở một số xã, phường. Phường Cộng Hòa hiện có khoảng 100 gia đình trồng táo, tập trung ở khu dân cư Tiên Sơn, Cầu Dòng, Trúc Thôn. Ông Nguyễn Văn Hoan ở khu Tiên Sơn hiện có 1,5 mẫu trồng trên 250 gốc táo. Giống táo này ông chủ yếu lấy từ Trung tâm Giống cây trồng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là giống táo ghép nên chỉ sau từ 10-12 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch. Ở vụ thu hoạch đầu, mỗi cây táo cho khoảng 10-20 kg quả, đến vụ thứ 2 trở đi có thể cho từ 50-60 kg quả. Táo đại là loại cây dễ trồng, dễ sống trên nhiều chất đất. Mùa thu hoạch của giống táo đại thường kéo dài 3 tháng từ tháng cuối năm trước đến đầu năm sau. Một số năm gần đây, giá bán táo khá ổn định, bình quân từ 20.000-25.000 đồng/kg. Chị Trần Thị Giang ở khu dân cư Cầu Dòng cho biết: "Vào vụ thu hoạch táo đầu tiên năm 2014, chỉ tính riêng tháng chạp, tôi bán được 1 tấn quả, lúc giá bán cao nhất tại vườn là 40.000 đồng/kg. Đến nay, cây táo đại phát triển ổn định, cho quả đều. Loại táo này được khách du lịch ưa thích vì quả to, giòn, có vị ngọt mát". 

Ông Hoàng Hữu Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cộng Hòa cho biết: "Táo đại có năng suất, lợi nhuận vượt trội so với một số cây trồng truyền thống tại địa phương như nhãn, vải. Mỗi sào trồng táo, người nông dân thu bình quân hơn 1 tấn quả. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi những loại cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng táo và thu lãi từ 30-40 triệu đồng/sào. Thời gian tới, địa phương sẽ có quy hoạch để bảo đảm cân bằng giữa các loại cây ăn quả, đồng thời hỗ trợ các hộ trồng táo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững". 

Hiện nay, nông dân ở các xã Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám... cũng trồng táo đại cho hiệu quả kinh tế cao. Thực tế canh tác cho thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất đồi núi Chí Linh.

Những kết quả tích cực từ trồng CĐC, táo đại đã góp phần giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, khi canh tác những giống cây ăn quả mới, không ít gia đình còn gặp khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Họ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ bằng nguồn vốn vay, kỹ thuật canh tác. Bà Vũ Thị Hiên, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chí Linh cho biết: “Thời gian tới, Hội Nông dân thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hỗ trợ hội viên vay vốn không lãi suất từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, tập huấn về kỹ thuật... nhằm giúp họ phát triển kinh tế gia đình".

Tác giả bài viết: ĐỨC TÂM

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây