Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Di tích lịch sử - văn hóa: Tài sản vô giá tạo nên sức bật cho du lịch Hải Dương

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng du lịch Bắc Bộ, giới hạn trong khoảng từ 20040’B đến 21015’B và từ 105055’Đ đến 106037’Đ.
Phía Bắc giáp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, phía Nam giáp Thái Bình, Phía Đông giáp Hải Phòng, phía Tây giáp Hưng Yên.
Di tích lịch sử - văn hóa: Tài sản vô giá tạo nên sức bật cho du lịch Hải Dương
   Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 1651,85 km2, chiếm 0,5% diện tích tự nhiên của cả nước, bao gồm một thành phố trực thuộc, một thị xã và 10 huyện với 264 đơn vị hành chính cơ sở, trong đó 228 xã, 23 phường và 13 thị trấn. Dân số năm 2008 của toàn tỉnh là 1.723.319 người, mật độ dân số trung bình là 1032 người/km2.
      Thời Hùng Vương, Hải Dương thuộc bộ Dương Tuyền, thời Bắc thuộc thuộc Hồng châu, thời Trần đổi thành Hồng lộ, đến năm Quang Thái thứ 10 (1397), đổi là Hải Đông lộ, thời thuộc Minh (1407-1428) là phủ Nam Sách. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), cả nước chia thành 5 đạo, Hải Dương thuộc Đông Đạo, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi thành thừa tuyên Nam Sách, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đặt là thừa tuyên Hải Dương, sau là trấn Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đặt là tỉnh Hải Dương. Tháng 1/1968, sát nhập với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Tháng 2 năm 1997, tỉnh Hải Dương tái lập, trên cơ sở tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh như cũ.
      Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, lại cận kề kinh thành Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Vì vậy, văn minh sông Hồng, văn hóa Thăng Long trực tiếp tác động và kết tinh nhiều thành tựu rực rỡ trên đất này.
Hải Dương là vùng đất trù phú, cảnh quan đa dạng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông rất thuận tiện, với nhiều tuyến đường huyết mạch của cả nước chạy qua. Từ bao đời xứ Đông vẫn là “phên dậu phía Đông” của kinh thành Thăng Long, là địa bàn chiến lược, với những vị trí trọng yếu trong các cuộc chiến tranh giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc, Hải Dương án ngữ các đường thủy bộ chủ yếu để tiến vào Thăng Long và rút chạy của những đội quân xâm lược phương Bắc. Hình thế núi sông hiểm yếu (đặc biệt là vùng Chí Linh, Kinh Môn) rất thuận lợi cho người chỉ huy tác chiến có tài, cả khi công hoặc khi thủ, khi tiến hay lui. Vì vậy, rất nhiều nhà quân sự- văn hóa lỗi lạc của dân tộc đã đến đây, nghiên cứu thực địa, bày thế trận, lập chiến công, để lại dấu son không bao giờ phai trong lịch sử nước nhà.
      Hải Dương có 9 huyện đồng bằng phì nhiêu bát ngát, tiếp giáp là huyện miền núi Kinh Môn và thị xã Chí Linh ( liền một dải với huyện Đông Triều- từ năm 1961 về trước vẫn thuộc Hải Dương) là một vùng núi non kỳ thú, sơn thủy hữu tình, nhiều núi đẹp nổi tiếng từ xưa: Trán Rồng, Côn Sơn, Ngũ Nhạc, Phượng Hoàng, Bái Vọng, Trúc Sơn, An Lạc, An Phụ, Kính Chủ…Đây là vùng đất lý tưởng để các bậc tiên hiền thấm nhuần lẽ xuất xử của đạo Nho lựa chọn. Ở đây, khi bất đắc chí, phải lui về (xử), chỉ đi qua vài dốc núi, nhà nho đã vào đến chốn lâm tuyền, đã tìm được nơi vô cùng thanh tĩnh, yên ả để ở ẩn, tránh thế tục, “lánh đục về trong”. Khi thời cơ đến cần ra giúp đời, chỉ một hai khắc giờ đã kịp về với đồng bằng, với cuộc đời rộng lớn, thậm chí chỉ một hai ngày đường bộ hoặc ngồi thuyền là đã về tới Thăng Long, hoặc dễ dàng về tới các địa phương khác- nơi cuộc đời đang cần họ ra tay “trị quốc bình thiên hạ”. Có thể nói: Hải Dương là địa bàn thuận lợi cho các danh nhân, cả dụng văn dụng võ, cả khi hành và khi chỉ, cả lúc xuất lẫn lúc xử.
Những điều kiện lịch sử, địa lý nói trên đã là nguyên nhân làm cho xứ Đông trở thành nơi sinh ra nhiều danh nhân, thành nơi mời gọi nhiều anh tài 4 phương về đây lập nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà Lê Đại Hành chọn núi rừng An Lạc đóng đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng đại thắng năm 981, Trần Hưng Đạo- vị tướng tài kiệt xuất, Nguyễn Trãi- danh nhân văn hóa thế giới cùng Chu Văn An- người thầy tiêu biểu mẫu mực của muôn đời, đó là những nhân vật vĩ đại bậc nhất của đất nước, đã gắn bó máu thịt với Hải Dương. Cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân cùng quá trình lao động sáng tạo của đông đảo nhân dân qua nhiều thế hệ, đã làm cho Hải Dương- “đất học- đất danh nhân- đất văn hiến”- xây dựng được nhiều truyền thống quý báu, để lại một kho tàng văn hóa thật phong phú, đa dạng và độc đáo. Đó là một khối lượng lớn văn hóa vật thể và phi vật thể rất giá trị, với hàng ngàn di tích quý, hàng trăm làng nghề lâu đời, nhiều sản phẩm văn hóa ẩm thực và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, nhiều sinh hoạt văn nghệ dân gian nổi tiếng như hát chèo, hát đối, hát trống quân, cò lả và có rất nhiều bài ca dao, dân ca làm say đắm lòng người.
      Hải Dương là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có nền văn hóa lâu đời. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tổ tiên đã để lại cho vùng đất Hải Dương một tài sản “vô giá” với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa. Trong hệ thống di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn tỉnh Hải Dương gồm các loại hình: Lưu niệm sự kiện, danh nhân; Tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, nghè…); Kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc; Các kiến trúc cổ truyền người Việt (cầu, nhà thờ họ, nhà ở); Kiến trúc cổ truyền của người dân tộc thiểu số thuộc Thị xã Chí Linh; Di chỉ khảo cổ học; Di vật; Cổ vật.
      Theo thống kê khoa học của Bảo tàng tỉnh, năm 2009 trên địa bàn tỉnh có 1098 di tích. Trong đó: Đền: 78; Đình: 299; Chùa: 423; Miếu: 83; Nghè: 28; Nhà thờ họ: 49; Nhà thờ Công giáo, Tin lành: 103; Di chỉ khảo cổ học: 14; Lăng mộ: 03; Văn Miếu: 01; Địa điểm cách mạng: 06; Hội Quán:01; Cầu đá: 05; Hang động: 03; Giếng cổ: 01; Thác: 03.
      Trong hệ thống di tích trên có nhiều di tích tiêu biểu, đặc trưng về văn hóa tâm linh, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan, hấp dẫn du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội tham quan nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tiêu biểu là:
      - Các di tích gắn liền với các danh nhân tiêu biểu của đất nước, có giá trị giáo dục truyền thống cao: Di tích Kiếp Bạc (Chí Linh), An Phụ (Kinh Môn) – nơi thờ và có tượng đài anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (Thời Trần), Côn Sơn là một trong những chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Thời Trần), có đền thờ Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán (Thời Trần), đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (Thời Lê), Đền Bia, Đền Xưa, chùa Giám – nơi lưu giữ những kỷ niệm về Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh (Thời Trần), đền Quát (Gia Lộc)- nơi thờ danh tướng Yết Kiêu (Thời Trần), Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) – nơi thờ Khổng Tử và ghi danh các nhà khoa bảng của tỉnh, nhiều di tích cách mạng khác như: Đình Đầu (Hợp Tiến – Nam Sách), Đình Đọ Xá (Chí Linh), Đền Từ Hạ (Thanh Bính – Thanh Hà), Đình Phù Tả (Thanh Giang – Thanh Miện).
      Các di tích có giá trị văn hóa tâm linh tiêu biểu: đền Kiếp Bạc – xã Hưng Đạo, đền Sinh, đền Hóa – xã Lê Lợi, Đền Cao – xã An Lạc (Chí Linh), đền Tranh – xã Đồng Tâm (Ninh Giang), đền Sượt (Thành phố Hải Dương), đền Bia – xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng).
      Các di tích danh thắng hấp dẫn du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan nghiên cứu khoa học: Danh thắng Côn Sơn (Chí Linh), danh thắng Phượng Hoàng, chùa Thanh Mai (Hoàng Hoa Thám – Chí Linh), An Phụ - Kính Chủ, Khu hang động đá vôi (Kinh Môn)…
      Các di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu: Chùa Giám (Cẩm Sơn – Cẩm Giàng), chùa Động Ngọ (Tiền Tiến – Thanh Hà) với hệ thống tượng và tòa cửu phẩm liên hoa dược dựng từ thế kỷ XVI, đình Nhân Lý, đình Vạn Niên (Thị trấn Nam Sách), đình Bồ Dương – xã Hồng Phong, đình Cúc Bồ - xã Kiến Quốc (Ninh Giang), đình Đào Lâm, Đình Đông (Thanh Miện), đình Thạch Lỗi (Cẩm Giàng), đình Huề Trì (Kinh Môn) với kiến trúc và những bức chạm khắc hoàn hảo…
      Các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Hải Dương phần lớn được xây dựng bằng chất liệu gỗ, ảnh hưởng của vùng khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, có độ ẩm cao, chiến tranh kéo dài nên nhiều di tích bị hủy hoại, mất yếu tố gốc, đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, mang dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật của nhiều thời kỳ, song điển hình nhất là thời Lê – Nguyễn. Vào những năm 1970 – 1995, các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương hầu hết xuống cấp nghiêm trọng.
      Di tích địa điểm gắn với các sự kiện Cách mạng và kháng chiến: Năm 2009. Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương phối hợp với Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh điều tra và bước đầu xác định trên địa bàn tỉnh có 127 di tích, địa điểm. Đây là những địa danh đã diễn ra những sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được lịch sử Đảng bộ, lịch sử quân sự các địa phương ghi nhận, song chưa được quy hoạch, ghi nhận bằng hình thức dựng tượng đài hay bia, biển kỷ niệm. Nhiều nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, đất đai bị sử dụng vào nhiều mục đích nên đang bị lãng quên trong trí nhớ của nhân dân.
      Ngoài hệ thống di tích tín ngưỡng, tôn giáo, sự kiện cách mạng, các công trình kiến trúc dân dụng, kiến trúc của người nước ngoài: Pháp, Hoa đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của các công trình kiến trúc trên đất Hải Dương ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, song hầu hết các công trình này đã được cải tạo để phù hợp với hoạt động của trụ sở các cơ quan ban, ngành hiện nay của tỉnh như: Nhà khách Bạch Đằng, UBND tỉnh, Sở văn hóa - thể thao và du lịch, Rạp chiếu bóng Hòa Bình (Kiến trúc Pháp), Trường tiểu học Bạch Đằng (Kiến trúc Hoa)…
      Các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền nhà ở người Việt và người dân tộc ít người thuộc Thị xã Chí Linh do điều kiện kinh tế phát triển, thay đổi về thẩm mỹ, nhu cầu sống, hầu hết đã được thay bằng kiến trúc hiện đại, chất liệu bê tông, cốt thép…
       Hệ thống di vật, cổ vật, hiện vật: Đó là tài sản văn hóa quý giá của tổ tiên các thế hệ để lại trong các di tích lịch sử văn hóa, trong lòng đất, trong nhân dân Hải Dương và được di chuyển đến nhiều nơi trong, ngoài nước. Nhiều cổ vật có giá trị như các Trống đồng phát hiện tại Hữu Chung (Tứ Kỳ), làng Gọp, Hoàng Lại (Thanh Hà), Gốm thời Trần phát hiện tại di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh), Chu Đậu (Nam Sách), Cậy (Bình Giang), hệ thống tượng thờ, tại các di tích lịch sử văn hóa. Ngoài ra còn nhiều di vật, hiện vật là công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống vật chất tinh thần của mỗi gia đình và cộng đồng bằng nhiều chất liệu khác nhau đang được từng bước sưu tầm, phân loại, bảo vệ, quảng bá.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hoá phục vụ mục đích phát triển du lịch sẽ là hướng đi có ý nghĩa với mong muốn du lịch tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử văn hoá sẽ đóng góp thêm một bước phát triển mới cho ngành du lịch Hải Dương trong thời gian sắp tới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thảo

Nguồn tin: ftf.saodo.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây