Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Công trình thắm tình hữu nghị Việt - Xô

Đã 35 năm đi qua, dây chuyền1 Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại vẫn vững vàng qua bao thử thách, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu đậm giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô.
Dây chuyền 1 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần làm ngay của nước ta là củng cố, khôi phục, thống nhất hệ thống điện trong cả nước. Ngoài việc tiếp tục khôi phục, củng cố, hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở sản xuất điện sẵn có, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc khảo sát, chuẩn bị xây dựng thêm các nhà máy điện mới, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.  

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn, sự giúp đỡ về trang thiết bị, máy móc và đội ngũ chuyên gia của Liên Xô chính là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ngay từ năm 1975, Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô đã ký kết hiệp định về việc Liên Xô sẽ giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng, Liên Xô giúp Việt Nam không chỉ thiết bị, máy móc, chuyên gia mà còn tham gia từ công đoạn khảo sát, thiết kế ban đầu, trong đó việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy có ý nghĩa hết sức quan trọng đến hiệu quả hoạt động sau này. Sau khi khảo sát nhiều nơi, cuối cùng các chuyên gia đã lựa chọn khu vực rộng 70 ha nằm bên bờ phải ngã ba sông Thương, sông Cầu và sông Thái Bình thuộc địa phận thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh (nay là phường Phả Lại, thị xã Chí Linh). Vị trí này nằm ở trung tâm kinh tế Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng nên việc truyền tải, phân phối điện thuận lợi hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng là vị trí thuận lợi về nguồn nước và vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Sau khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, ngày 17.5.1980, công trình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chính thức được khởi công trong niềm hân hoan của hàng nghìn chuyên gia, cán bộ, công nhân, người lao động Việt Nam, Liên Xô. Ngay sau lễ khởi công, đại công trường rộng hàng trăm ha bên ngã ba sông cũng như cả vùng Phả Lại bừng lên khí thế lao động khẩn trương của hàng nghìn con người không quản ngày đêm vì mục tiêu lớn góp thêm nguồn điện cho đất nước. Trong những ngày đầu, việc tổ chức chỗ ăn ở cho hàng nghìn người trên công trường hết sức khó khăn. Hầu hết nhà ở của công nhân là các lều tạm bằng tranh tre, nứa lá dựng trên những vạt đồi, bãi đất quanh công trường. Khu nhà ở và làm việc của các chuyên gia Liên Xô cũng sơ sài không kém nhưng không vì thế mà tinh thần làm việc giảm sút. Suốt ngày đêm, tiếng máy ầm ào không ngớt. Hàng nghìn con người lao động hăng say, náo nhiệt, từ đào móng, đổ bê tông, dựng giàn giáo, vận chuyển đất cát, xi măng... Dù phần nhiều là lao động thủ công nhưng chẳng ai phàn nàn hay thoái thác công việc. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung vì dòng điện quốc gia, vì công cuộc xây dựng đất nước.  

Các chuyên gia Liên Xô cũng phải bất ngờ trước ý chí thép của những người lao động Việt Nam khi chứng kiến cảnh họ đổ những khối bê tông lớn hàng trăm m3 mà chỉ dùng gùi đựng đan bằng tre, vác trên vai hoặc đẩy bằng xe cút kít. Đã có biết bao tấm gương sáng tạo trong lao động, bao nhiêu mồ hôi và cả máu xương của lớp lớp người lao động đổ trên công trường Phả Lại ngày ấy, trong đó có những chuyên gia Liên Xô. Cũng như nhiều cán bộ, công nhân thời kỳ đó, bác Nguyễn Huy Thực, nguyên cán bộ Phòng Tuyên truyền của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vẫn nhớ và biết ơn tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh cao cả của các chuyên gia Liên Xô trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy. Trong trí nhớ của bác Thực, các chuyên gia Liên Xô không quản ngại vất vả, nắng mưa, ngày đêm bám công trường trực tiếp điều hành, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ cho đội ngũ công nhân Việt Nam trong quá trình xây dựng, lắp đặt, vận hành các tổ máy. Đồng cảm với những khó khăn, vất vả của nhân dân Việt Nam, nhiều chuyên gia Liên Xô sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho công nhân Việt Nam trên công trường. "Điều này chỉ có được nhờ tinh thần quốc tế vô sản cao cả mà nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ gian khó", bác Thực nhớ lại.

Với tinh thần "Tất cả vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc", chưa đầy 3 năm, ngày 28.10.1983, tổ máy đầu tiên công suất 110MW đã hòa vào lưới điện quốc gia thành công. Cùng với tinh thần lao động ấy, các tổ máy số 2 (ngày 1.9.1984), số 3 (12.12.1985) và số 4 (29.11.1986) lần lượt hoàn thành, vận hành an toàn đưa dự án về đích với tổng công suất 440 MW như kế hoạch.

Vượt lên trên rất nhiều khó khăn, thử thách của đất nước những năm sau giải phóng, bằng những cố gắng phấn đấu, sức sáng tạo và lao động hết mình của tập thể chuyên gia hai nước Việt Nam - Liên Xô, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã hoàn thành xây dựng và vận hành. Đây không chỉ là thành quả của đất nước trong giai đoạn thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà còn là sự cố gắng hết mình của ngành điện và thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị sâu sắc Việt Nam - Liên Xô.

VỊ THỦY (Báo Hải Dương điện tử)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây