Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Thấy và nghĩ từ Lệ Chi Viên

Gần 6 thế kỷ đã trôi qua. Vụ án Lệ Chi Viên vẫn là một bí ẩn lịch sử. Ai cũng biết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị oan, nhưng hung thủ giết vua Lê Thái Tông khiến cho họ bị hàm oan chưa được làm sáng tỏ. Hỏi bất kỳ ai đó về vụ án Lệ Chi Viên chắc sẽ có nhiều người biết, tuy nhiên nếu hỏi Lệ Chi Viên ở đâu thì có lẽ không có nhiều người trả lời được. Gần đây, sau khi tìm đọc các tài liệu phân tích về vụ án nhiều thế kỷ này tôi mới biết khu vườn vải - hiện trường của vụ án oan khuất kinh thiên động địa ở chính quê hương tôi, cách Hà Nội khoảng 50km, thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vùng Kinh Bắc xưa.

“Con đường oan khuất”

Ngược dòng lịch sử về thời Lý. Sau khi quyết định rời đô về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã chọn khu Đại Lai thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay thuộc Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng một Hành cung trên con đường quan trọng nối kinh thành Thăng Long với toàn khu Đông Bắc của Đại Việt. Tới triều Trần, do liên tục có giặc ngoại xâm nên con đường chiến lược này vẫn được triều đình chú ý phát triển. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, vua nhà Trần đã cho sửa lại Hành cung cũ của nhà Lý để làm nơi giam giữ những người trong Hoàng tộc phạm lỗi. Từ đó nơi này được gọi là Ly cung. Đến khi Lê Lợi đánh đuổi được giặc Minh và lập nên vương triều nhà Lê thì đổi tên Ly cung thành Yên Hà cung. Khi vua Lê Thái Tông bắt đầu tự mình chấp chính đã trọng dụng đại thần Nguyễn Trãi, giao cho Ức Trai tiên sinh cai quản vùng Đông Bắc, trong đó gồm cả Yên Hà cung. Tại cung này, Nguyễn Trãi đã trồng rất nhiều cây vải nên cung Yên Hà còn được gọi là Lệ Chi Viên.

thay va nghi tu le chi vien
Tượng đài Lệ Chi Viên

Năm 1442, trên đường trở về Thăng Long sau khi đi tuần vùng Đông Bắc, vua Lê Thái Tông đã nghỉ chân tại Lệ Chi Viên, đột ngột băng hà tại đây. Theo sử chép lại thì khi vua mất chỉ có duy nhất người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ hầu ở bên. Ngay lập tức, triều đình nhà Lê đã vu cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ giết vua, vu khống cho đại thần Nguyễn Trãi là chủ mưu phải chịu án tru di tam tộc.

Sau thời Lê Thánh Tông, nước ta chìm trong một thời kỳ chính trị bất ổn vì sự tranh chấp quyền lực liên tục giữa Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn. Nội chiến, rồi chiến tranh chống ngoại xâm liên tục xảy ra khiến nước ta chìm trong khó khăn, dân chúng lầm than. Bởi vậy, Lệ Chi Viên không còn được mấy ai quan tâm và tu bổ thường xuyên nữa. Trải qua 500 năm chống chọi lại sức tàn phá của thiên nhiên, vườn vải cổ xưa gần như biến mất. Theo lẽ thường thì phải vậy, nhưng xưa nay trời không phụ người có tâm, sau khi vượt quãng đường 50km từ Hà Nội tới xã Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh), từ con đường đê dọc sông Đuống rẽ xuống khoảng 200m, trước mặt tôi xuất hiện một cánh cổng tam quan uy nghi bề thế, trên đó có đề dòng chữ LỆ CHI VIÊN như chào đón mọi người tới thăm. Đây là một khu đất rất rộng (ước khoảng 10.000m2) gồm đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, cùng quần thể kiến trúc khang trang, sạch đẹp nằm phía trong ngay sát chân triền đê sông Đuống, giữa cánh đồng lúa chiêm xanh ngát.

thay va nghi tu le chi vien
Cổng tam quan Lệ Chi Viên

 Bên trái từ cổng vào là Tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Bức tượng được tạc bằng đá trắng của núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, mà theo người trông coi đền thì đó là do ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương và nghệ nhân Long Bửu cung tiến từ năm 2010. Một vẻ đẹp thanh thoát, uy nghiêm nhưng cũng đầy nữ tính được nghệ sĩ thổi hồn vào bức tượng Lễ nghi học sỹ. Còn bên phải là một bức phù điêu mang hình giọt lệ được tạc bằng đá đỏ tượng trưng cho nỗi buồn, sự mất mát quá lớn từ thảm án Lệ Chi Viên do ông Nguyễn Xuân Thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung tiến năm 2009. Hai tấm bia lớn được dựng hai bên cổng vào ghi lại công đức của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Phong cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Đứng trên đường đê, phóng mắt nhìn xa xa, dòng sông Đuống uốn lượn như một dải lụa. Đi hết đê, hướng về thị trấn Gia Bình không xa lắm, núi Thiên Thai - nơi có đền thờ Thái sư triều Lý Lê Văn Thịnh mờ ảo sừng sững đơn độc giữa đồng xanh bao la. Sự đơn độc này gợi cho tôi liên tưởng tới chính cuộc đời vị Trạng nguyên khai khoa khi ông bị vu cho tội “hóa hổ cướp ngôi vua” trong vụ án “Dâm Đàm” nổi tiếng.

Khu Lệ Chi Viên tọa lạc tại một vị trí ở trung tâm vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời - vùng Kinh Bắc. Có thể kể ra những địa danh như: chùa Bút Tháp, quần thể chùa Tứ Pháp đặc sắc với chùa Dâu là trung tâm Phật giáo lớn nhất Đại Việt, đây cũng là nơi khởi nguồn của Phật Bà Man Nương. Kế đến là những di tích thờ Thánh Tam Giang đã phù âm giúp Thái úy Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông dòng Như Nguyệt. Rồi lăng thờ Kinh Dương Vương - thủy tổ của người Việt; có cả chùa Đại Bi gắn với đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm Lý Đạo Tái; còn có bến Bình Than - nơi Trần Quốc Toản bóp nát quả cam khi không được tham gia Hội nghị Diên Hồng chống quân Nguyên Mông lần thứ hai do vua Trần Nhân Tông chủ trì. Nơi đây còn dòng tranh dân gian Đông Hồ độc đáo...

Không biết là do sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay do một lý do bí ẩn nào đó mà trên một quãng đường quãng độ 30km dọc đê sông Đuống, mà có tới ba địa danh gắn liền với ba vụ án oan động trời trong lịch sử. Đi từ thị trấn huyện Gia Bình xuôi một quãng không xa là thôn Bảo Tháp xã Đông Cứu - quê hương của Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, công thần đời Lý bị vu là hóa hổ cướp ngôi vua trên hồ Dâm Đàm, phải đày đi Thao Giang (nay là Phú Thọ), ông có đền thờ ở sườn núi Thiên Thai. Tiếp tục đi qua chân núi Thiên Thai ra đường bờ đê sông Đuống vài cây số là tới Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình). Đi ngược lên một đoạn nữa là tới lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ vương - một trung thần vì khuyên can vua những điều hay lẽ phải, để giữ nước mà bị An Dương Vương phế bỏ, rồi sau đó bị chết oan ức. Từ lâu người dân quanh đây đã đặt tên đường này là: “Con đường oan khuất”!

thay va nghi tu le chi vien
Bức Bình Phong trên đó khắc Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi

Bí ẩn Lệ Chi Viên

Đứng trước tấm bia đá khắc nguyên văn bài “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi, khi đọc tới câu “Tội ác này, trúc nam sơn không đủ để ghi. Vết nhơ này nước Biển Đông không đủ để rửa” tôi cảm thấy câu này như nói về nỗi tội ác tày đình của triều đình nhà Lê lúc bấy giờ. Quay về quá khứ tại những năm 30, 40 của thế kỷ XIV, sau khi vua Lê Thái Tông băng hà đột ngột tại vườn vải, quan chép sử thời đó là Ngô Sĩ Liên đã ghi lại sự kiện này trong “Đại Việt Sử Ký toàn thư”, bản kỷ thực lục, quyển XI như sau:

“…Tháng 8, ngày mồng 4, vua đến vườn vải, huyện Gia Định, bỗng bạo bệnh rồi băng. Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi Học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, xa giá  về đến vườn vải xã Đại Lai, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 về tới kinh sư, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”.

Nguyễn Trãi khi đó bị cho là chủ mưu và bị kết án tru di tam tộc. Nguyễn Thị Lộ thì bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho đến chết. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), tam tộc họ Nguyễn - Nhị Khê của Nguyễn Trãi, họ Trần của bà Trần Thị Thái, mẹ Nguyễn Trãi, họ Nhữ của vợ thứ Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) và họ tộc của tất cả 5 người vợ Nguyễn Trãi, tất thảy từ ông già đầu bạc đến đứa bé mới chào đời đều bị chém đầu. Đây thực sự là một nỗi đau của dân tộc, một vết nhơ không thể xóa bỏ của triều Lê.

Chính sử triều Lê dĩ nhiên chép theo hướng có lợi cho mình nên kết tội Nguyễn Thị Lộ “giết vua”, Nguyễn Trãi bị liên luỵ oan, kèm theo lời bàn: “Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?” (Ðại Việt sử ký toàn thư Q. XI, tờ 56a).

thay va nghi tu le chi vien
Tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bằng đá trắng núi Ngũ Hành Sơn

Tuy vua Lê Nhân Tông (1443-1459) sau đó một khoảng thời gian đã khẳng định lại công lao to lớn của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng” (Nguyễn Trãi toàn tập, đd, tr. 246). Nhưng không biết là vì làm sao vẫn chưa minh oan cho Ức Trai tiên sinh.

Phải tới mãi 22 năm sau tức năm 1464, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới ban chiếu chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi. Nhà vua ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (tấm lòng ức Trai sáng tựa sao Khuê), truy tặng ông tước Tán Trù bá, ban cho con là Anh Vũ chức huyện quan. Năm 1467 vua truyền  sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, trong vấn đề này nhiều nhà sử học đã đặt ra câu hỏi rằng, một vị vua được coi là anh minh và quyết đoán như Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, một đại công thần sáng lập vương triều Lê, một người đã cùng với vợ là Nguyễn Thị Lộ ra sức che chở cho mẹ con nhà vua lúc gian nan thủơ hàn vi, mà chỉ truy tặng tước Bá, thấp hơn tước Hầu vốn được Lê Thái Tổ ban phong. Còn nhiều điều bí ẩn bị che đậy đằng sau vụ án oan khốc và bi thảm này.

Theo dòng thời gian, nhiều nhà sử học, văn học đã dày công thu thập những tác phẩm còn lại của Nguyễn Trãi và gần đây không ít người đã cố gắng phá vụ án Lệ Chi Viên. Nhiều tình tiết nằm trong những bí ẩn cung đình được phát hiện, nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng cũng chỉ là tình tiết có liên quan, những giả thuyết chắp nối các sự kiện mang tính suy đoán lo-gich hay những giả thuyết được chứng minh một phần.

Gần 600 năm đã trôi qua kể từ tấm thảm kịch đó, vậy mà tới bây giờ nhiều người đọc Đại Việt sử ký toàn thư vẫn tin là giữa Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ có quan hệ ân ái với nhau. Buồn thay họ vẫn nghĩ rằng đấy là nguyên nhân dẫn đến thảm án Lệ Chi Viên mà không biết rằng tất cả chỉ là âm mưu tàn độc của bè cánh lũ quyền thần muốn loại bỏ một Anh hùng xuất chúng là Ức Trai tiên sinh - cái gai trong mắt bọn chúng.

Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc - người đã 30 năm đi vận động khắp mọi nơi để minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người có công lớn nhất trong công cuộc tái tạo lại khu Lệ Chi Viên ngày nay có kể lại: Khi ông đề xuất ý định tổ chức Hội thảo để minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với một quan chức vị lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và Du lịch) mong tìm được sự động viên ủng hộ từ phía Chính quyền và ngành dọc, thì ông được trả lời: Bà Lộ đâu phải là vợ chính thất của Nguyễn Trãi mà đáng làm Hội thảo (?!).

Nghĩ đến tấm bi kịch lúc cuối đời của Ức Trai tiên sinh, trong tôi cứ dâng lên một sự tiếc nuối. Tôi tự hỏi, tại sao ông không như Trương Lương sau khi giúp Hán Cao Tổ hoàn thành đại nghiệp xin lui về ở ẩn để tiêu dao du thiên hạ, hay như Phạm Lãi rời xa Việt vương Câu Tiễn vì nhìn trước được con người Câu Tiễn chỉ “có họa cùng chia” chứ không thể có “phúc cùng hưởng”. Giá như Nguyễn Trãi khi lui về ở ẩn rồi thì giữ vững ý chí không ra làm quan theo lời mời của vua Lê Thái Tông nữa thì tốt biết mấy. Tuy nhiên, càng đọc càng tìm hiểu tôi mới ngộ ra  rằng, đối với Nguyễn Trãi thì không có gì quan trọng bằng chấn hưng dân tộc, giúp con dân Đại Việt thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vì thế, đối với ông sự sống chết, an nguy của bản thân chỉ là chuyện nhỏ.

Một tour du lịch hấp dẫn

Khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm của chính quyền, nhân dân địa phương, các nhà khoa học, nhà hảo tâm công đức, nhất là với những nỗ lực không mệt mỏi của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, cùng các Hội viên Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Lộ, đến năm 2009, Đền thờ - công trình chính của toàn thể Khu lưu niệm ở Lệ Chi Viên đã được xây dựng. Sau đó, ông Chúc cùng các thành viên của Hội đã tiếp tục vận động các nhà tài trợ và người tâm huyết đồng lòng góp công, góp của để có một Lệ Chi Viên không chỉ hồi sinh mà còn hiện diện xứng với tầm vóc của nó.

Ngày 12-8-2010, Lệ Chi Viên đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp bằng Di tích lịch sử, ghi một dấu mốc  cho những giai đoạn sắp tới. Cán bộ xã Đại Lai kể lại: Có những người đã nhiều lần về Lệ Chi Viên để cất công tìm hiểu về huyền sử lưu truyền trong dân gian để hiểu rõ thêm bản chất vụ thảm án, để có thêm cơ hội được đắm chìm vào cội nguồn tinh thần của Danh nhân...

Vườn vải xưa - Lệ Chi Viên giờ vẫn đó - hiện trường của một vụ án lớn trong lịch sử, nơi giúp cho các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi khai thác những chứng cứ đáng tin cậy để khẳng định ngày càng thuyết phục hơn: Cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng hơn ba trăm người là âm mưu của một thế lực đen tối trong triều đình nhà Lê muốn trừ khử một tài năng lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng. Rồi từ đó không chỉ minh oan, mà còn để đánh giá, tôn vinh một cách tương xứng công đức lớn lao của Nguyễn Trãi, cùng sức tỏa rạng sâu rộng của công đức ấy đối với lịch sử và đối với cuộc sống hiện tại!

Trong tương lai gần, với tiềm năng văn hóa - lịch sử sâu dày và bi tráng, với sự quan tâm đầu tư thích đáng, Lệ Chi Viên mặc nhiên sẽ phải trở thành một địa điểm du lịch văn hóa - sinh thái quan trọng trong hệ thống quần thể du lịch văn hóa dọc vùng sông Đuống nói riêng và cả vùng Kinh Bắc nói chung! Tôi có nghe người trông đền kể: Tỉnh Bắc Ninh đang có ý định xây dựng một tour du lịch đặc biệt mang tên đâu như: Du lịch minh oan, trên vài chục cây số dọc sông Đuống...

Tác giả bài viết: Tú Cẩm

Nguồn tin: Năng lượng Mới 528

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây