Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Nhiều hoạt động hấp dẫn, ấn tượng tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 được tổ chức từ ngày 19-30/9 (10-20/8 Âm lịch) nhằm tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, đặc biệt tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Bao gồm các nghi lễ: Lễ Khai ấn và ban ấn cho nhân dân, Lễ rước bộ; Lễ giỗ Đức Thánh Trần. Lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Lễ cầu an và Hội hoa đăng... Phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống như: đua thuyền truyền thống, diễn xướng hầu Thánh, trình diễn nghệ thuật múa rối nước,...
Để tỏ lòng tiếc thương, kính trọng đối với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong Lễ quốc tang tổ chức vào 2 ngày 26, 27/9/ 2018 (17, 18 tháng 8 âm lịch), Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 đã quyết định điều chỉnh quy mô và thời gian tổ chức một số nội dung lễ hội. Nội dung cụ thể như sau:
Đồng chí Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm 718 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

Chí Linh quê tôi xin mời các bạn cùng điểm lại một số hoạt động tiêu biểu của mùa lễ hội năm nay:

I. LỄ CÁO YẾT XIN KHAI HỘI
Sáng 19.9 (10.8 âm lịch), tại đền Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức Lễ cáo yết. Đây là nghi lễ đầu tiên mở đầu cho chuỗi các hoạt động của lễ hội mùa thu năm nay.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương làm lễ dâng hương. Ảnh: Thành Chung

Trong không gian linh thiêng, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2018, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thị xã Chí Linh, Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, UBND xã Hưng Đạo cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã tiến hành Lễ cáo yết theo nghi thức cổ truyền.

Các đại biểu dâng lễ chay, lễ mặn và các vật phẩm ở bàn thờ trước sân nhà Bạc, ở hậu cung đền thờ Đức Thánh Trần... để xin mở hội, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…


Du khách thập phương thắp hương tại đền Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Chung

Sáng 25.9 (16.8 âm lịch), tại khu di tích Côn Sơn, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức Lễ tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1442 - 2018).

Các đồng chí: Đặng Việt Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc dự. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo thị xã Chí Linh, các nhà khoa học, các chi dòng họ Nguyễn Trãi, các tăng ni, phật tử, nhân dân địa phương và đông đảo du khách thập phương.

Diễn văn tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi do đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại buổi lễ nhấn mạnh: Lễ tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi là dịp thể hiện sự trân trọng lịch sử, ôn lại truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, lòng tự hào dân tộc, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tôn vinh các bậc tiền nhân có công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.


Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, từ lâu trong tâm thức đồng bào cả nước khi nói về Côn Sơn là nhớ về Nguyễn Trãi, nhớ về vầng sao Khuê lấp lánh trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Côn Sơn là mảnh đất đã gắn bó với Nguyễn Trãi những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi ông náu mình “ngẫm nay, suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong” để sau này viết lên Bình Ngô sách, vạch ra đường lối đánh giặc cứu nước giải phóng dân tộc. Dưới thời vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi đã được vua giao trông coi đạo Đông - Bắc. Côn Sơn cũng là nơi ông dựng nhà, mài mực viết nên nhiều tác phẩm có giá trị sử học, văn học, triết học, quân sự, ngoại giao và trở thành những di sản quý báu cho hậu thế, tiêu biểu, trong đó là “Côn Sơn ca”.

Vào dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi (1380 - 1980), tên tuổi ông đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận, suy tôn Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hoá thế giới. Ông là kết tinh tâm hồn và trí tuệ của dân tộc, được nhân loại trân trọng.

Đại diện Ban tổ chức lễ hội đọc văn tế tưởng niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Chung

Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Dù cuộc đời kết thúc bằng một bi kịch đau xót, song ông đã được lịch sử in đậm nhiều trang về sự nghiệp vẻ vang, có tầm ảnh hưởng to lớn tới công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đền Nguyễn Trãi - Ức Trai linh từ từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những lớp người khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. 

Đồng chí Lương Văn Cầu nhấn mạnh, tưởng nhớ Ức Trai, các thế hệ hôm nay cần coi trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để các giá trị văn hoá tiếp tục lan tỏa, trở thành nguồn lực tiếp sức cho mỗi người dân Việt Nam vững vàng bước vào hội nhập xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại Kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngãi (nay thuộc phường Cộng Hoà, Chí Linh). Tuổi thơ Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Từ năm 1407, giặc Minh đô hộ nước ta. Căm phẫn quân thù, Nguyễn Trãi đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, giúp Lê Lợi. Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV. Đất nước hòa bình, Nguyễn Trãi tiếp tục hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội dưới triều Lê và đã có công lớn xây dựng đất nước.


Rước lễ từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Chung

Tại buổi lễ, ông Trần Quang Sơn đã trịnh trọng đọc văn tế Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trên nền nhạc lưu thủy hành vân.

Sau phần đọc văn tế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, thị xã Chí Linh, nhân dân và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và dâng hương tại đền thờ Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Sáng cùng ngày, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 đã thực hiện Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn và Lễ rước văn từ chùa Côn Sơn lên đền thờ Nguyễn Trãi.

Tối 25.9 (16.8 âm lịch), tại di tích Kiếp Bạc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1300-2018).


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước tới dự. Dự buổi lễ có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. 

. Ảnh: Thành ChungAnh hùng dân tộc Trần Hưng ĐạoĐại diện Ban tổ chức lễ hội đọc văn tế tưởng niệm 

Các đồng chí: Bùi Thanh Quyến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các chức sắc tôn giáo, tín đồ phật tử cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương... tới dự Lễ tưởng niệm.

Các đại biểu dự lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo
. Ảnh: Thành Chung

Trong  diễn văn tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội  khẳng định: Hải Dương là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, là phên dậu phía đông của Kinh thành Thăng Long xưa, từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Tiêu biểu trong đó là khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Vào thời Trần, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã lập đại bản doanh Vạn Kiếp, cùng vua tôi nhà Trần tổ chức hội quân với ý chí quyết chiến, quyết thắng, đập tan ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ 13.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển ban ấn cho người dân địa phương và du khách thập phương. Ảnh: Thành Chung

Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Là người tài năng, lại biết giữ gìn rường mối quốc gia nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng. Vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông đã ba lần xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, đánh tan hàng vạn quân Nguyên Mông xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng.


Người dân địa phương và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ảnh: Thành Chung

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu và cán bộ, nhân dân địa phương, du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cũng chính thức khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 19.9 - 29.9 (10-20.8 âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống.  Sau Lễ tưởng niệm, Ban Tổ chức Lễ hội tổ chức Lễ khai ấn và ban ấn Đức thánh Trần.
 

Tối 27.9 (18.8 âm lịch), đông đảo người dân và du khách thập phương đã có mặt tại đê sông Lục Đầu thuộc khu di tích Kiếp Bạc để tham dự Lễ cầu an và hội hoa đăng.


Hàng nghìn ngọn nến xếp thành chữ “Lễ hội hoa đăng – Quốc thái dân an”. Ảnh: Thành Chung

Nghi lễ diễn ra trang nghiêm với lung linh sắc màu. Các nhà sư, pháp sư, đại biểu, nhân dân làm lễ dâng hương, rước lễ từ trong đền Kiếp Bạc ra đàn tháp được dựng sẵn ngoài bờ sông. Đi đầu là đội múa rồng, lễ phẩm, đội nhạc lễ, tiếp đó là đoàn đại biểu, các nhà sư, pháp sư cùng nhân dân, du khách thập phương. Đàn tháp cao 9 tầng được dựng lộng lẫy trên đê thẳng với cổng đền Kiếp Bạc, tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời - đất, âm - dương. 9 tầng hoa văn của cả 3 tôn giáo là Phật - Đạo - Nho đan xen, biểu hiện sự hòa hợp của tam giáo. Dưới sông từng đoàn thuyền chở đầy ắp hoa đăng, lung linh bừng sáng cả góc trời Vạn Kiếp. Các nhà sư, pháp sư thực hiện nghi lễ cầu an gồm 3 phần là khóa lễ, chính kinh và hồi hướng. Ngay sau lễ cầu an, các nhà sư thực hiện nghi lễ phóng sinh. Tiếp đó 5.000 bông hoa đăng đã được người dân chuyền tay nhau thả xuôi theo dòng sông Lục Đầu.

Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ tham gia Lễ hội hoa đăng. Ảnh: Thành Chung

Lễ cầu an và hội hoa đăng là nghi lễ quan trọng tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nghi lễ nhằm tưởng niệm, tri ân, cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ, đặc biệt là cầu siêu cho vong hồn tướng sĩ nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông và vong hồn kẻ bại trận trên sông Lục Đầu. Qua đó, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, nhà nhà ấm no, gia đình hạnh phúc...

Nhiều bạn trẻ xếp hàng thả hoa đăng xuống sông Lục Đầu cầu an.  Ảnh: Thành Chung
 

Sáng 28.9, tại khu di tích Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức trình diễn nghệ thuật múa rối nước phục vụ nhân dân và du khách thập phương.



Các nghệ nhân phường rối nước xã Thanh Hải đã trình diễn gần 20 tiết mục múa rối đặc sắc. Ảnh: Thành Chung

16 nghệ nhân đến từ phường rối nước xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã trình diễn gần 20 tiết mục múa rối đặc sắc, hấp dẫn như tễu giáo đầu, rồng đốt lá đề, ngựa chiến giàn sóc, sự tích Hồ Gươm, hội xuống đồng, câu ếch úp cá, tễu chui ống, chọi trâu, vũ hội quần hồng…

Đông đảo người dân và du khách thập phương đến xem 
 

Ngày 28.9, tại khu di tích Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức Giải đua thuyền chải tỉnh năm 2018.

Các trận đấu diễn ra sôi nổi. Ảnh: Thành Chung

Tham dự giải có hơn 100 vận động viên đến từ các huyện Bình Giang, Gia Lộc, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Các đội thi đấu 3 nội dung: thuyền nam, thuyền nữ và thuyền nam nữ phối hợp với cự ly 700 m. Các đội chia cặp, đấu loại trực tiếp và chọn hai đội vào chung kết.

Đông đảo du khách thập phương và nhân dân cổ vũ Giải đua thuyền chải tỉnh năm 2018. Ảnh: Thành Chung

Các trận đấu diễn ra sôi nổi. Kết quả, đội Gia Lộc giành giải nhất ở hai nội dung thuyền nam và thuyền nữ. Đội Chí Linh nhất nội dung thuyền nam nữ phối hợp.

Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba cho các đội nữ. Ảnh: Thành Chung
 

Tối 28.9, tại sân đền Kiếp Bạc (Chí Linh), Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức Liên hoan diễn xướng hầu thánh.


Diễn xướng hầu thánh tại đền Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung

Các thanh đồng đến từ nhiều tỉnh, thành phố phía bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh... đã biểu diễn hàng chục giá đồng với nội dung ca ngợi công lao to lớn của Đức Thánh Trần.

Theo tín ngưỡng dân gian, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được nhân dân suy tôn là Thánh. Ngài cũng là Giáo chủ của dòng Đạo nội - một dòng đạo đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian với một hệ thống các vị thánh trong Hội đồng Trần triều.

Hiện nay, diễn xướng ở lễ hội Kiếp Bạc chủ yếu hầu mừng Thánh với những phần diễn xướng tái hiện nhân vật lịch sử Hưng Đạo Đại vương và các tướng lĩnh Trần triều đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông, ngợi ca công đức của Đức Thánh Trần và các bậc tiền nhân có công với nước.

Nhiều năm qua, diễn xướng hầu thánh trở thành một trong những nội dung đặc sắc tại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Đỗ Quyết

Diễn xướng hầu thánh đã được phục dựng ở Lễ hội đền Kiếp Bạc gắn với lễ tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của nhân dân.

Nhiều năm qua, diễn xướng hầu thánh trở thành một trong những nội dung đặc sắc tại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế quan tâm thưởng thức.

Đây là một trong những hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận.
 

Sáng 29.9 (20.8 âm lịch), tại khu di tích Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển và các đại biểu làm lễ dâng hương tại đền Kiếp Bạc

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Thị Bích Liên, Thứ Trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ Trưởng Thông tin và Truyền thông; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thị xã Chí Linh cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức trang nghiêm tại đền Kiếp Bạc và trên núi Mâm Xôi - tương truyền là nơi Đức Thánh Trần hoá về trời. Các nhà sư thực hiện khoá lễ cúng Phật, Thánh và Hội đồng Trần triều theo nghi thức truyền thống. Các đại biểu, nhân dân địa phương và du khách thập phương lần lượt dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tốt tươi... Kết thúc buổi lễ, Ban tổ chức phát 7.000 túi lộc cho người dân và du khách.

Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt. Ông là người nổi tiếng thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn, hội tụ đầy đủ các đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc. Hàng trăm năm qua, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã ngự trị trong tâm thức nhân dân như một người cha, một vị thánh linh thiêng.

Ban Tổ chức Lễ hội phát lộc cho nhân dân

* Sáng cùng ngày diễn ra Lễ rước bộ từ đền Nam Tào và đền Bắc Đẩu xuống đền Kiếp Bạc. Lễ rước do 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn (xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh) thực hiện với nghi thức truyền thống. Đoàn rước với đội rồng, đội cờ, nghi trượng, kiệu, lễ phẩm gồm lợn, gà, xôi, lễ chay, lễ mặn, hương đăng, hoa tươi, quả ngọt... cùng các đại biểu và nhân dân tiến lễ vào đền trong tiếng nhạc rộn rã, không khí uy linh.

Đoàn rước bộ 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn tiến vào đền Kiếp Bạc làm lễ dâng hương, tế tạ

Sau khi lễ phẩm được dâng vào đền, Ban tổ chức làm lễ dâng hương. Đội tế 2 làng làm lễ tế tạ, thể hiện sự thành kính, tri ân đối với công lao to lớn của Đức Thánh Trần, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...
Lễ giỗ Đức Thánh Trần và Lễ rước bộ cũng là 2 nội dung cuối cùng tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây