Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn

Nhiều thế kỷ qua, lễ hội mùa xuân Côn Sơn luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân về tham dự, chiêm bái.
Huyền Quang tôn giả

Côn Sơn là một trong những trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của đất nước. Chùa Côn Sơn nằm ở chân núi Kỳ Lân, tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun, được khởi dựng từ thế kỷ thứ X. Vào Thời Trần chùa được tôn tạo mở rộng, trở thành một trong những chốn tổ nổi tiếng của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Chúng ta biết vào cuối thế kỷ XIII, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo mang ý thức dân tộc, tự chủ đã dựng liêu Kỳ Lân ở Côn Sơn cho các tăng ni tu hành. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, ba vị tổ xác lập thiền phái đã tu hành và thuyết pháp ở đây.

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm Nguyên Phong thứ tư (1254), quê tại hương Vạn Tải, huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, hiếu học. Năm 21 tuổi đỗ đầu khoa Đại tỷ thủ sĩ, niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274). Sau khi Nhân Tông qua đời, ông theo Pháp Loa học đạo và được Pháp Loa đặt pháp hiệu là Huyền Quang. Ông có biệt tài biên soạn kinh sách, Trần Nhân Tông từng đánh giá: “Các sách nói về đạo Phật do chính tay Huyền Quang viết ra thì không thể thêm bớt một chữ nào”. Sau 8 năm xuất gia, Huyền Quang được chủ trì chùa Vân Yên, một trong những trung tâm tôn giáo lớn nhất đất nước đương thời, trên núi Yên Tử. Sau sư Huyền Quang về trụ trì chùa Côn Sơn, mở mang cảnh chùa, dựng tượng, lập đài Cửu Phẩm liên hoa, biên tập kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, Thiền sư viên tịch tại chùa Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông ban cho 10 lạng vàng xây tháp ở bên tả phía sau chùa, lấy tên là Đăng Minh bảo tháp đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả.


Ngày viên tịch của Huyền Quang là ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn, cũng vì thế mà Côn Sơn trở thành chốn Phật tổ của thiền phái này. Ngày giỗ tổ sau thành ngày hội. Hội mùa xuân chùa Côn Sơn có từ đó. Hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng.

Nói về lễ hội mùa xuân Côn Sơn, những thế kỷ trước, sách xưa có chép: “Cứ đến mùa xuân, trai gái đến chùa dâng hương hàng tuần mới tan, đó là thắng hội của một phương”. Trong sách “Công Dư Tiệp Ký” thế kỷ XVIII, Vũ Phương Đề có chép: “Tục cũ cứ đến đầu năm mới, trai thanh gái lịch kéo nhau về đây vãn cảnh, đường xá đi lại đông như mắc cửi, thực là một nơi đại thắng tích”.

Lễ hội Côn Sơn xưa có nhiều nghi lễ, diễn xướng cổ truyền độc đáo như lễ dâng hương khai hội, Lễ rước nước, Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, Lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực, Lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm…


 

 

Lễ khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn

Lễ rước nước chùa Côn Sơn

Từ năm 2012, lễ hội Côn Sơn được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nội dung lễ hội được bổ sung thêm phong phú, đa dạng, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định đưa một số hoạt động dân gian vào hoạt động lễ hội như: Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương, Lễ Liên hoa Hội thượng chùa Côn Sơn… Ngoài ra còn nhiều phần hội rất náo nhiệt, tưng bừng như biểu diễn nghệ thuật, múa rối nước, hát chèo, thư pháp, cờ tướng, đấu vật, đu tiên…

 

Lễ Mông Sơn thí thực chùa Côn Sơn

Hội thi gói bánh chưng, giã bành giầy

Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương tổ chức tại Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn


Nhiều thế kỷ qua, lễ hội mùa xuân Côn Sơn luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân về tham dự, chiêm bái. Mọi người cùng thành kính dâng nén tâm hương trước Trời, Phật, các bậc tiền nhân cùng niềm tin ước nguyện được linh ứng, trở thành nét đẹp trong văn hóa, phong tục của dân tộc./.

Phòng Nghiệp vụ (Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc)
 

chuong trinh le hoi mua xuan con son kiep bac 2019 page 001

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây