Chí Linh quê tôi: Tin tức của Người Chí Linh

https://chilinhquetoi.com:443


Lễ giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả

Sáng ngày 01/3 (23 tháng giêng), tại di tích chùa Côn Sơn, BTC Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 đã tổ chức Lễ giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Buổi lễ thu hút sự tham gia của đông đảo các tăng, ni, phật tử, nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Đông đảo tăng, ni, phật tử, nhân dân và du khách tham dự buổi lễ
            Lễ giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả nằm trong chương trình Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hàng năm được tổ chức nhằm tưởng niệm ngày mất, tôn vinh những tư tưởng, đạo hạnh của ông và những đóng góp to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc.
            Buổi lễ diễn ra với các nghi lễ trang nghiêm, thanh tịnh của các tăng, ni, phật tử, nhân dân địa phương và du khách thập phương, kết thúc buổi lễ là nghi lễ dâng hương tại Đăng Minh bảo tháp nơi Đệ Tam tổ Huyền Quang viên tịch. Buổi tối cùng ngày là Lễ đàn Mông sơn thí thực diễn ra với các nghi thức: tuần cúng Phật, cúng lịch đại tổ sư, nghi lễ nhiễu đàn, đăng đàn, bắt quyết, múa long hồ, khai hoa kết ấn, thỉnh mời cô hồn, tuyên sớ cầu an, thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu... kết thúc các nghi lễ, những du khách tham dự sẽ được nhận đồ lễ để lấy may.
            Thiền sư Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ Ngài là Huệ Tổ dòng dõi quan lại, có công dẹp giặc Chiêm Thành, được nhà Trần bổ làm quan nhưng không nhận, chỉ ưa giao du sơn thủy. Thân mẫu Ngài thuộc dòng họ Lê, là người hiền đức. Ông là người thông minh, biệt tài lanh lợi, thi đỗ Trạng Nguyên năm 20 tuổi. Sau đó, được bổ nhiệm làm quan ở Hàn lâm viện, phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của ông lưu loát, đối đáp trôi chảy nên rất được sứ người nể phục. Năm 1305, ông xuất gia thụ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả đức Điều Ngự và được ban pháp hiệu là Huyền Quang tôn giả. Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), Tôn giả theo hầu Pháp Loa theo lời phó chúc của đức Điều Ngự, Tôn giả vâng mệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do Tôn giả đa văn uyên bác, học tinh thâm đạo lý nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên rất đông. Năm 1330, tại chùa Quỳnh Lâm, Pháp Loa lấy áo Cà sa của đức Điều Ngự Trần Nhân Tông cùng với bài kệ Tâm ấn trao cho Huyền Quang Tôn giả thừa kế nối dòng Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm làm vị Đệ Tam Tổ. Sau đó, Huyền Quang Tôn giả trụ trì chùa Côn Sơn, mở mang chùa cảnh, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, mở rộng Tằng viện Kỳ Lân … Ngài viên tịch tại chùa Côn Sơn ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334). Vua Trần Minh Tông cấp ruộng để thờ cúng, cấp 10 lạng vàng để xây tháp mộ phía chân núi sau chùa, ban thụy là “Trúc Lâm Thiền sư Đệ tam đại”, và từ đó đến nay ngày mất của thiền sư Huyền Quang dần trở thành Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trường

Nguồn tin: vhttdlhd.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây