Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày ấy. Bài 1: Vị "Tư lệnh" đặc biệt

Thứ năm - 17/08/2017 11:00 - 5469 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Bình được nhiều người coi là "Tư lệnh" của chiến khu Trần Hưng Đạo
Đồng chí Nguyễn Bình được nhiều người coi là "Tư lệnh" của chiến khu Trần Hưng Đạo
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn song chiến khu đã có những đóng góp quan trọng, là "bàn đạp" quân sự cho Tổng khởi nghĩa ở nhiều địa phương của Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhiều bài học, kinh nghiệm quân sự quý báu đã được đúc rút từ đây.

Trong số những cán bộ cốt cán gây dựng và lãnh đạo chiến khu Trần Hưng Đạo có một người đặc biệt. Đó là đồng chí Nguyễn Bình.
 
Từng gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng

Đồng chí Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1908), quê ở Hưng Yên. Những năm 1929-1930, ông tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng, sau đó bị thực dân Pháp bắt, giam ở Côn Đảo. Trong tù, ông được các tù nhân cộng sản tuyên truyền nên đã giác ngộ đường lối cách mạng theo quan điểm vô sản và đấu tranh với những phần tử cực đoan của Việt Nam Quốc dân Đảng. Vì điều này, ông đã bị chúng đâm mù một mắt. 

Ra tù đồng chí Nguyễn Bình tích cực gây dựng cơ sở cách mạng ở Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương. Từ tháng 4.1945, ông đã tiếp xúc, bàn bạc với các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh, sư Tuệ (tên thật là Nguyễn Kiên Tranh) về việc phối hợp hoạt động, xây dựng lực lượng, chuẩn bị thành lập chiến khu. 

Hồi ký của ông Hải Thanh, một cán bộ lãnh đạo chiến khu cùng hoạt động với Nguyễn Bình ghi lại những cảm nhận về ông: "Anh Nguyễn Bình vóc người cao lớn, khỏe mạnh, mặt trái xoan, một mắt bị hỏng nên luôn luôn đeo kính râm, tiếng nói sang sảng, mặc bộ đồ vải nâu, đi giày ba ta, đội khăn xếp và luôn cắp chiếc cặp phồng. Ai ở với anh Bình lâu cũng khó đánh giá anh làm nghề gì, ở tầng lớp nào". 

Đồng chí Nguyễn Bình đã sớm chứng tỏ tài năng quân sự xuất chúng, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng. Nhiều vũ khí của chiến khu do ông tổ chức lấy được từ hàng ngũ của địch.

Ngày khởi nghĩa 8.6.1945, ông chỉ huy đánh chiếm đồn Đông Triều. Một chiến thắng nhanh gọn, không có đổ máu. 

Chiều 8.6.1945, tại đình Hổ Lao (xã Tân Việt, thị xã Đông Triều ngày nay), Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp, quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu gồm 4 người để lãnh đạo xây dựng, bảo vệ chiến khu, gồm Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung, Nguyễn Hiền. Điều đặc biệt là đến thời điểm này, Nguyễn Bình vẫn chưa là đảng viên Đảng Cộng sản (năm 1946 ông được kết nạp Đảng khi đang lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam). Dù chỉ là Ủy viên phụ trách kinh tế của Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu song thực tế ông đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng, giành chiến thắng vang đội, được quân khởi nghĩa và nhân dân coi như một vị "Tư lệnh" của chiến khu.

Tài năng quân sự xuất chúng 

 
Lô cốt trên đồn Đông Triều - nơi đồng chí Nguyễn Bình đã chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm ngày 8.6.1945

Tài năng quân sự xuất chúng của đồng chí Nguyễn Bình thể hiện qua nhiều trận đánh, tiêu biểu là ở Bí Chợ và tỉnh lỵ Quảng Yên (đều thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Ông chỉ huy một tiểu đội du kích đánh Trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ. Trại này do viên quan hai Nhật chỉ huy, cũng là nơi đào tạo sĩ quan của Đảng Đại Việt. Trại thường xuyên có khoảng 70 học viên. Khoảng 23 giờ ngày 29.6.1945, theo hiệp đồng, Bùi Sinh (người của Việt Minh được cài cắm trong trại) ra cách đồn khoảng 3 km để đón nghĩa quân. Do đêm tối, trời mưa to nên gần một nửa tiểu đội bị lạc. Đồng chí Nguyễn Bình vẫn quyết định cùng lực lượng còn lại vào đồn. Lúc này trời đã mờ sáng. Sau khi lấy xong vũ khí của địch để tự trang bị cho mình thì tiếng kẻng báo thức vang lên. Tình thế rất nguy hiểm, nhiều người băn khoăn không biết nên đánh hay lui. Ông đã quyết định cứ đánh khi bọn địch còn ngái ngủ. Bị ta tấn công bất ngờ nên chúng không kịp phản ứng, toàn bộ binh lính bị bắt sống. 

Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu tiếp tục giao đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Đây thực sự là thử thách lớn của ông nói riêng và chiến khu nói chung vì đánh chiếm tỉnh lỵ khó khăn hơn nhiều so với đánh một đồn địch. Tuy nhiên, bằng sự tài trí, mưu lược, táo bạo của mình, ngày 20.7.1945, đồng chí đã chỉ huy lực lượng đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên nhanh gọn, địch không kịp trở tay. Đây là một chiến thắng nổi bật của chiến khu Trần Hưng Đạo, có ý nghĩa lớn cả về quân sự và chính trị. Quảng Yên là tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Bắc Bộ. 

Trong cuốn sách "Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình", Thiếu tướng Bùi Sinh (người cùng hoạt động với Nguyễn Bình ở chiến khu) nhận xét: "Trước Cách mạng Tháng Tám, trong thời kỳ còn bí mật mà tổ chức được những trận đánh như vậy thật là kỳ tài, tưởng như huyền thoại". Trong hồi ký, Thiếu tướng Bùi Sinh viết: "Ở chiến khu Đông Triều, về danh nghĩa Nguyễn Bình chỉ là Ủy viên kinh tế, không phải là Ủy viên quân sự. Song với những hoạt động thực tế, anh em nghĩa quân đều coi Nguyễn Bình là người chỉ huy quân sự cao nhất. Quần chúng nhân dân đều coi Nguyễn Bình là tư lệnh của chiến khu Đông Triều, sắc phong vô tư của quần chúng nhân dân không có gì là quá đáng". 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã điều động đồng chí Nguyễn Bình vào miền Nam để thống nhất và chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ chống Pháp. Ngày 20.1.1948, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và quân hàm Thiếu tướng cho 9 đồng chí khác. Đây là đợt phong tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên. Ngày 29.9.1951, Trung tướng Nguyễn Bình bị địch phục kích và hy sinh. Ngày 29.2.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình. Ông là người đầu tiên trong quân đội được nhận huân chương này. Hiếm có trường hợp nào mà trong bản sắc lệnh truy tặng Huân chương, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ những công lao to lớn như của Nguyễn Bình.
NINH TUÂN - Báo Hải Dương
 
Thực hiện nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập, từ cuối tháng 4.1945, nhiều cán bộ cách mạng được phân công về vùng núi Chí Linh, Đông Triều để gây dựng cơ sở, chuẩn bị điều kiện thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là Đệ tứ chiến khu hay chiến khu Đông Triều). 

Ngày 8.6.1945, lực lượng vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo đánh chiếm 3 đồn là Chí Linh, Đông Triều, Tràng Bạch và một mục tiêu quân sự ở mỏ than Mạo Khê, giành thắng lợi giòn giã, đánh dấu thời điểm thành lập chiến khu. Sau đó, lực lượng vũ trang chiến khu đã kiên cường chiến đấu, giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh thổ phỉ, đồn lính bảo an và quân Nhật; hỗ trợ đắc lực cho các địa phương trong Cách mạng Tháng Tám và bảo vệ chính quyền non trẻ. 

Chiến khu có phạm vi hoạt động gồm nhiều huyện phía bắc của Hải Dương như Chí Linh, Kinh Môn, Đông Triều (lúc đó thuộc Hải Dương), một phần tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng ngày nay. Cuối tháng 10.1945, Chính phủ quyết định thành lập Chiến khu 3 (nay là Quân khu 3) trên cơ sở kế thừa chiến khu Trần Hưng Đạo. 


Các hoạt động của chiến khu Trần Hưng Đạo liên hệ mật thiết với phong trào cách mạng của Hải Dương. Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương đã phân công 2 đồng chí Tỉnh ủy viên là Trần Cung, Hải Thanh tham gia xây dựng, lãnh đạo chiến khu. 

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây