Tưng bừng khai bút đầu xuân tại đền thờ Nhà giáo Chu Văn An

Thứ sáu - 23/02/2018 21:38 - 2535 lượt xem
Đọc văn tế ca ngợi công lao, phẩm chất, khí tiết của Nhà giáo Chu Văn An
Đọc văn tế ca ngợi công lao, phẩm chất, khí tiết của Nhà giáo Chu Văn An
Sáng 23.2, tại đền thờ Nhà giáo Chu Văn An, UBND thị xã Chí Linh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ khai bút và khai mạc hội sách Xuân Mậu Tuất 2018.
Về dự lễ có các đồng chí: Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo các địa phương, nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo thị xã Chí Linh đánh trống khai hội

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh nhấn mạnh, khai bút đầu xuân là phong tục đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng trí tuệ của dân tộc ta. Tục khai bút và xin chữ đầu xuân tại đền gắn bó chặt chẽ với Nhà giáo Chu Văn An.
 Nhà thư pháp Lê Thiên Lý (TP Hải Phòng) khai bút chữ Hán

Tương truyền, trước đây, qua trò chuyện thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người, khi ra về Nhà giáo Chu Văn An tự tay viết tặng mỗi học trò một chữ ứng với những nhận định hoặc ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Điều đặc biệt là xưa ở đây có giếng, dưới đáy có lớp bùn màu đỏ tươi như son, thầy Chu Văn An thường lấy để viết chữ. Nhiều năm nay, UBND thị xã Chí Linh phục dựng lại nghi lễ khai bút để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo này.
 
Lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương khai bút chữ quốc ngữ

Chu Văn An (1292 - 1370) hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội). Ông đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan, mà mở trường dạy học. Tài năng, đức độ của thầy Chu vang xa, khiến học trò các nơi đến bái sư, trong đó có nhiều người thành đạt làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy Thái tử và tham gia củng cố triều Trần đang bị suy vong, dân tình đói khổ. Lúc này, Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên gian thần. Vua không chấp thuận, ông từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi) và dạy học, viết sách. Sau khi Chu Văn An mất, vua Nghệ Tông liền cử người đến tế, đặt tên thụy là Văn Trinh, hiệu là Tiều Ẩn Khang Tiết tiên sinh, sắc phong Th­ượng Đẳng Thần và cho phối thờ tại Văn miếu bên cạnh Khổng Tử.  
 
Dâng chữ lên đền thờ Nhà giáo Chu Văn An

Lễ khai bút và hội sách xuân diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa tôn vinh Nhà giáo Chu Văn An, đạo học và văn hóa đọc như đọc, dâng văn tế, diễn văn khai bút, khai bút chữ Hán, chữ quốc ngữ, dâng chữ trình thầy, cắt băng khai mạc hội sách. Lễ khai chữ diễn ra trang nghiêm do lãnh đạo các cấp, các ngành, nhà thư pháp thực hiện với 4 chữ Hán "quốc phú dân cường" và 9 chữ quốc ngữ “tâm - đức - tài - trí - quang - minh - thành - đạt - vinh”.
Lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương cắt băng khai mạc hội sách Xuân Mậu Tuất 2018
 
Cũng tại buổi lễ, thị xã Chí Linh đã vinh danh và trao 27 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho những sinh viên đỗ đại học năm 2017 với điểm cao của thị xã Chí Linh và huyện Thanh Trì (Hà Nội). Các Ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hải Dương 2, TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, mỗi đơn vị tặng 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học thị xã Chí Linh. Sở Thông tin và Truyền thông cùng các Công ty CP Sách Alphabook và Omega Việt Nam trao tặng tủ sách cho Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Chí Linh).
 
        
Các đại biểu và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm Nhà giáo Chu Văn An
 
Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và du khách thập phương làm lễ dâng hương tại đền thờ và lăng mộ Nhà giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ; tham quan hội sách xuân, triển lãm ảnh về truyền thống khoa bảng, các di tích Nho học trên đất Hải Dương.
 
          
Học sinh tham gia gian trưng bày sách và xin chữ đầu xuân
                                                                        
DANH TRUNG (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây