Các tác giả cổ ở Chí Linh (kì 1)

Thứ ba - 10/11/2015 12:39 - 5040 lượt xem

Tượng thầy giáo Chu Văn An

Tượng thầy giáo Chu Văn An
Chí Linh- miền đất sơn chầu thủy tụ, phong cảnh hữu tình đã từng là nơi dung dưỡng tâm hồn nhiều danh nhân, văn nhân tài tử từ xưa. Và nhiều người trong số đó đã để lại những tác phẩm rất có giá trị cho đời sau. NCL xin trân trọng giới thiệu loạt bài nghiên cứu của nhà giáo Đỗ Đình Tuân về các tác giả cổ ở Chí Linh.

1. KIỀU BẢN TỊNH (1100 – 1176)

Kiều Bản Tịnh quê gốc người làng Phù Diễn, quận Vĩnh Khang thuộc vùng Đan Phượng Hà Tây trước đây (nay thuộc Hà Nội). Ông từng theo học tại chùa Giáo Nguyên 1 , do Linh Nhân Hoàng thái hậu 2 cho xây dựng cạnh cung Cảnh Hưng, nơi mà nhà sư Mãn Giác đắc pháp.
Kiều Bản Tịnh là người tinh thông cả Nho và Phật. Năm Đại Định thứ 2 (1141) đời Lý Anh Tông, ông đến trụ trì ở chùa Kiệt Đặc ?, thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Về sau ông lại nhận lời mời của Dương Công về tu ở chùa Càn An trong thành Thăng Long. Tại đây, ông cùng với Bảo Giám làm thành thế hệ thứ 9 của dòng thiền Quán Bích. 3
Tác phẩm còn lại 2 bài kệ 4
Bài 1:
发大願              Đại phát nguyện
世世生生              Thế thế sinh sinh
不昧佛旨              Bất muội Phật chỉ
自觉觉他              Tự giác giác tha
无間彼此              Vô gian bỉ thử
方便提携              Phương tiện đề huề
 
Dịch nghĩa:
Nói ra ý nguyện lớn của mình
Đời đời kiếp kiếp
Chẳng bao giờ làm mờ tối ý chỉ của Phật
Mình tự giác ngộ để giác ngộ cho người
Không phân biệt kẻ này người khác
Sẵn sàng dìu dắt
(Để họ) cùng đi vào một đường lối chung
 
Dịch thơ:
*Kiếp kiếp lại đời đời
Phật chỉ phải sáng ngời
Ta người đều giác ngộ
Đây đó chẳng phân đôi
Dắt dìu nhau phương tiện
Một lối cùng tới nơi.
                    Hoàng Lê
 
**Đời đời kiếp kiếp
Phật chỉ sáng ngời
Ta tự giác ngộ
Rồi giác ngộ người
 
Không phân đây đó
Luôn luôn sẵn sàng
Dìu dắt kẻ khác
Chung đi một đàng.
                   Đỗ Đình Tuân
 
Bài 2
鏡中出形像
幻身本自空寂生
犹如鏡中出形像 
形像觉了一切空
幻身須臾証实相
Kính trung xuất hình tượng
Huyễn thân bản tự không tịch sinh
Do như kính trung xuất hình tượng
Hình tượng giác liễu nhất thiết không
Huyễn thân  tu du chứng thực tướng.
 
Dịch nghĩa:
Bóng hiện trong gương
Tấm thân hư ảo này vốn từ hư không tĩnh mịch mà sinh ra
Cũng giống như cái bóng xuất hiện ở trong gương
Cái bóng thấy đấy nhưng hết thảy đều là không
Tấm thân hư ảo phút chốc lại chứng được cái thực tướng của mình.
 
Dịch thơ:
*Vốn từ không tịch ảo thân sinh
Như ở trong gương hiện bóng hình
Hình bóng vẫn rằng không hết thảy
Ảo thân, tướng thực, chứng rành rành.
                                    Huệ Chi – Hoàng Lê
 
**Vốn từ không tịch sinh ra
Giống như cái bóng lập lòa trong gương
Có mà hết thảy đều không
Ảo thân phút bỗng được trông thực hình.
                                    Đỗ Đình Tuân
 
Chú thích:
1.Chùa Giáo Nguyên: Theo cuốn  “Văn thơ thời Lý” ( NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội – 1998) thì ghi là chùa Giáo Nguyên? Nhưng theo cuốn “Danh nhân Phật Giáo Việt Nam của Tô Hồng Cẩm (sách điện tử) lại ghiNguyên là chùa Giác Nguyên. Chùa này xây cạnh cung Cảnh Hưng trong Hoàng thành và mới sư Mãn Giác về trụ trì thì chắc chắn phải xây dựng từ trước năm 1096 (năm Mãn Giác viên tịch)
2.Linh Nhân Hoàng thái hậu: tức Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông
3. Phái Quán Bích: một trong các thiền phái phát triển trong thời Lý ở nước ta: Nam Phương, Quán Bích, Thảo Đường.
4.Kệ: một thể thơ thiền, thường dùng để tán tụng, diễn dịch ý tứ trong kinh ra.
 

2. PHÁP LOA (1284 – 1328)

Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, người thôn Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cửu La sau đổi thành Đồng Hòa. Đến thời Lê lại chia thành hai thôn là thôn Tiền và thôn Đồng thuộc xã Phụ Vệ. Có lẽ đó chính là Tiền Trung ngày nay.
Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi chép khá cụ thể về Pháp Loa như sau: “Thôn Tiền là chỗ chôn rau cắt rốn của Tôn Giả (Thổ trạch ấy bây giờ vẫn còn). Bà mẹ đêm nằm mộng thấy một người kỳ dị trao cho thanh thần kiếm, mừng rỡ cất vào trong bụng, lúc tỉnh dậy thì có mang. Khi sinh, mùi thơm lạ đầy nhà, lâu mới tan hết. Pháp Loa lúc còn bé thông minh rất sớm, không nói lời thô tục, không ăn mùi hôi tanh. Năm lên 8 tuổi Nhân Tông ra chơi Nam Sách giang, trông thấy, lấy làm kỳ dị và nói: “Thằng cháu này có con mắt đạo học, sau tất làm tiêu biểu cho pháp môn. Vả lại mừng về tương lai, nên đặt tên cho là Hỷ Lai, Sau thụ giới ở lều Kỳ Lân. Năm Hưng Long thứ 16 phong cho làm Trúc Lâm đệ nhị tổ. Sau Nhân Tông mất, nhà sư tu hành ở núi Yên Tử. Sư Huyền Quang cũng theo nhà sư học đạo, không mấy lúc rời bên cạnh. Anh Tông cho hiệu là Phổ Trí tôn giả. Sau đó mỗi khi viết thư cho nhà sư, Anh Tông đều xưng là đệ tử. Nhà sư phụng chỉ cầu mưa thường được linh ứng. Có dựng viện Quỳnh Lâm và các am Hồ Thiên, Chân Lạc, lại mở cảnh núi Côn Sơn và Thanh Mai, năm 44 tuổi thì tịch”.
Pháp Loa viết rất nhiều sách bàn về đạo Phật như Tham thiền chỉ yếu, Kim cương trường đà la ni kinh, Hoàn pháp hoa kinh lược sớ, Bát nhã hữu tâm kinh hoa sớ và bài văn Phát nguyện.
Thơ chỉ còn lại có hai bài được dẫn trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm. Đều không thấy có ghi đầu đề.
蔬 瘦窮秋水
巉岩洛照中
举头看不盡
来路又重重
Phiên âm:
Sơ sấu cùng thu thủy
Sàm nham lạc chiếu trung
Cử đầu khan bất tận
Lai lộ hựu trùng trùng
Dịch nghĩa:
Bóng núi gầy in tận đáy hồ thu
Ngọn đá chót vót phơi dưới nắng chiều tà
Ngẩng đầu nhìn mãi không thôi
Đường vào nơi ấy trập trùng xa xôi
Dịch thơ:
Núi gầy in bóng đáy hồ
Ngọn cao phơi dưới nắng thu chiều tà
Ngẩng đầu nhìn ngắm thiết tha
Đường vào nơi ấy thẳm xa trập trùng
                        (Đỗ Đình Tuân dịch thơ)
 
萬緣絕断一身閒
四十餘年夢幻間
珍仲諸人休些問
那邊风月更养寬
Phiên âm
Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh dường khoan
Dịch nghĩa:
Cắt đứt được vạn mối duyên thì một tấm thân được nhàn
Hơn bốn mươi năm ở trong cõi mộng hão huyền
Trân trọng các người xin đừng hỏi ta
Bên kia trăng gió rất thảnh thơi            
Dịch thơ
Thân nhàn rũ sạch nợ duyên
Bốn mươi năm lẻ hão huyền thế gian
Các ngài xin chớ hỏi han
Bên kia trăng gió vô vàn thảnh thơi.
                        (Đỗ Đình Tuân dịch thơ)

3. TRẦN KHÁNH DƯ (?-1339)                                                                   

            Trần Khánh Dư là con Thượng tướng Trần Phó Duyệt.Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất (1258), lợi dụng sơ hở của địch, đang đêm, Trần Khánh Dư đã bất ngờ tập kích vào trại giặc ở Đông Bộ Đầu, mở màn cho cuộc phản công của quân ta buộc địch phải rút lui tháo chạy về nước. Nhân có công này,Trần Khánh Dư  được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi và phong chức Phiêu kỵ tướng quân, tước Thượng vị hầu.
            Sau do mắc lỗi, Trần Khánh Dư bị triều đình giáng xuống cho làm dân thường, phải về châu Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống. Trước cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai, nhân hội nghị Bình Than (1282), Trần Khánh Dư được vua Trần Thái Tông gọi đến, cho khôi phục tước cũ và phong chức Phó đô tướng quân.
            Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba (1287),Trần Khánh Dư được giao nhiệm vụ trấn giữ vùng biển Đông Bắc, nhưng Khánh Dư đã không chặn nổi thủy quân của giặc, để chúng qua được cửa An Bang tiến vào Vạn Kiếp. Thượng Hoàng được tin, sai trung sứ (sứ của nhà vua cử ra ngoài) xiềng Khánh Dư giải về kinh trị tội. Trần Khánh Dư nói với trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xử tôi xin cam chịu tội, nhưng xin khất lại ba ngày để lập công rồi về chịu búa rìu cũng chưa muộn”.
            Trung sứ theo lời. Trần Khánh Dư bèn thu thập tàn quân phục kích chờ đánh đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đi sau. Tưởng quân ta đã bị đánh bại, nên quân giặc chủ quan không đề phòng, bị quân mai phục của Trần Khánh Dư xông ra diệt gọn. Trương Văn Hổ phải lên thuyền nhẹ vội vàng tháo chạy về đẩo Hải Nam để thoát thân. Trận ấy quân ta thu được nhiều lương thực khí giới và bắt tù binh nhiều không kể xiết. Chiến thắng này của Trần Khánh Dư đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba của quân dân nhà Trần.
            Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Khánh Dư mất vào năm 1339.
            Không rõ thời gian Trần Khánh Dư sống ở Chí Linh nhiều ít thế nào, nhưng tên tuổi và dấu tích của ông thì mãi mãi gắn liền với mảnh đất này, với đền Gốm, với “Nhạn Loan cổ độ” và với tên một xã của thị xã Chí Linh: xã Nhân Huệ. Trần Khánh Dư ít trước tác, nhưng còn để lại một bài tựa cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn. Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn tuy đã thất truyền nhưng qua lời tựa của Trần Khánh Dư ta vẫn có thể hình dung ra được nội dung và những khác biệt của nó so vớiBinh thư yếu lược. Qua lối nghị luân vừa khác lạ vừa sắc sảo của Trần Khánh Dư ta còn thấy ông chẳng những là một người có kiến thức sâu rộng về quân sự còn có đầu óc thông minh, linh hoạt . Có lẽ nhờ những phẩm chất này mà ông đã chuyển bại thành thắng trong trận Vân Đồn (1287).
Sau đây là bản dịch bài tựa ấy của ông:
 
               Bài tựa cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư

Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết. Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà người ta không dám trái mệnh, vua Vũ Thành nhà Chu 1làm văn vũ sư, ngấm ngầm sửa đức để lật đổ nhà Thương mà dấy nghiệp vương, thế là người giỏi cầm quân không cần bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự phải đến, và Tôn Vũ 2nước Ngô mang mĩ nhân trong cung thử tập trận  mà phía Tây phá nước Sở mạnh, phía Bắc làm sợ nước Tần, nước Tấn, nổi tiếng với chư hầu, thế là người giỏi bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập 3 nước Tấn theo đồ bát trận, chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thụ Cơ Năng mà lấy được Lương Châu thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.Cho nên “trận” có nghĩa là “bày ra”, là “khéo léo”. Ngày xưa Hiên hoàng đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế, Gia cát Lượng xếp đá sông để làm đồ bát trận, Vệ Công 4 sửa lại làm trận Lục hoa, Hoàn ôn đặt trận Xà thế, có đồ bày ra thứ tự, thành pháp rành rành.Nhưng người đương thời ít người hiểu được, muôn đầu nghìn mối, chỉ thấy rối ren, chưa từng biến đổi, như Lý Thuyên 5 định phép suy ra, đời sau không ai hiểu nghĩa là gì. Cho nên Quốc công ta mới so sánh đồ bản và phương pháp của các nhà, chép thành một tập, tuy chép cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm, lược lấy thực chất, rồi lấy năm hành cảm ứng với nhau, chín cung 6 cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quanh vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát, phương lợi sao tốt, thần hung tướng ác, ba cát năm hung, đều rõ rệt cả, thêm bớt Tam đại, trăm trận đều thắng, cho nên đương thời có thể phía Bắc làm Hung Nô phải sợ, phía Tây làm Lâm Âp phải kinh.Mới lấy sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có câu dặn rằng: “Sau này con cháu và bồi thần của ta có học được lý thuyết này, thì nên lấy lòng sáng suốt mà thi hành bày xếp, không nên lấy ngu tối mà dạy truyền, trái thế thì mình phải chịu tai ương   mà vạ lây đến cả con cháu. Thế gọi là tiết lộ cơ trời vậy”.
(Theo Đại Việt sử ký toàn thư)
 
            Chú thích:
1.Vua Vũ Thành…: tức vua Vũ vương và Thành vương nhà Chu.
2.Tôn vũ : đời Xuân Thu, Tôn Vũ người nước Tề làm tướng cho Ngô vương Hạp Lư, lấy 80 người cung nhân của Hạp Lư chia làm hai đội, đặt ra đội trưởng để diễn trận giả cho Hạp Lư xem.
3.Mã Ngập: sách Tấn thư và Liệt truyện chép là Mã Long
4.Vệ công: tức Lý Tĩnh đời Đường Thái Tông, phỏng theo Bát đồ trận của Gia Cát Lượng làm ra trận Lục hoa, trận lớn bọc trận nhỏ, doanh lớn bọc doanh nhỏ, gọi là Lý Vệ công binh pháp.
5.Lý Thuyên: người đời Đường, làm sách Thái Bạch âm kinh nói về mưu chước hành quân.
6.Chín cung: phép tính xưa của người Trung Quốc.
 

4. NGUYỄN PHONG  (1540-1623)  

Nguyễn Phong là ngư­ời xã Kiệt Đặc, tự là Tuyết Đ­ường, hiệu là Thiềm Tấu.Ông tổ của ông đư­ợc phong là Từ Quảng hầu. Ngư­ời cha của ông đỗ hư­ơng cống, đư­ợc tặng phong chức thái bảo, sinh đ­ược 3 con trai, Nguyễn Phong là ngư­ời con thứ hai.
Ông thông minh từ nhỏ. Lúc 4 tuổi nghe anh đọc sách đã tỏ ra ham thích. Ngư­ời cha thấy vậy đã lấy sách của ngư­ời anh cho em đọc; lên 6 tuổi đã dậy cho âm luật làm văn; lên 7 tuổi đã biết làm văn. Năm 14 tuổi thi một lần đỗ hư­ơng cống, cùng khoa với cha nh­ưng tên ông còn đ­ược ghi ở trên tên cha. Ngày vào ăn yến, ông đứng mà không dám ngồi. Quan trư­ờng thấy lạ hỏi, ông đem sự thực trình bày, đ­ược quan trư­ờng cho đổi chỗ, lúc đó ông mới dám ngồi dự. Cử chỉ này của ông đư­ợc ngư­ời đời rất khen ngợi. Đến tuổi trư­ởng thành ông rất thích dạo chơi non nư­ớc, không có ngọn núi nào ở trong vùng là không có dấu chân ông.
            Năm 28 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thuần Phúc năm thứ 7(1568) triều Mạc, lại trúng hạng ư­u ở Điện Đông các. Đại Việt sử ký toàn thư ghi cụ thể về kỳ thi này như sau: "Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho Vũ Hữu Chỉnh đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Đỗ An 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Giáp Phong 12 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”. Ông làm quan cho nhà Mạc đến chức Lại bộ th­ượng th­ư, Tả thị lang, đ­ược phong t­ước Phúc Gián bá.
            Khi nhà Mạc mất (1592), ông cùng với ông Nghiêm Sơn hầu Nguyễn Doãn Khâm (ng­ười cùng làng) vào núi Huyền Đinh, phá gai góc làm nhà ở đó.Hai ông thư­ờng xư­ớng họa thơ Đư­ờng với nhau đ­ược rất nhiều tập, như­ng đều thất truyền.
            Sau đó, ông đư­ợc quan Thái tể là Nguyễn Thực tiến lên vua; Vua cho ng­ười đến núi vời ông về kinh, bất đắc dĩ ông phải về theo. Bạn ông là Nguyễn Doãn Khâm thì lấy búa tự bổ vỡ đầu gối cáo bệnh không ra. Nhà Lê thấy ông là ng­ười văn học lại cho nguyên chức cũ.Về sau ông đư­ợc cử ra cửa quan để đón tiếp sứ thần. Lúc tuổi già ông xin về h­ưu mở gánh hát chèo làm vui. Sau đây là mấy bài thơ còn lại của ông:
 
愛山
吾何愛愛唯山
不遠烟霞遠世間
举目有天云五色
擡頭满地草花閒
梅嘲曉雪知春暖
柏立冬风楙歲寒
雷雨不迷填海志
葉舟嚀待汎長瀾
 
Phiên âm:
Aí Sơn
Ngô hà ái, ái duy san,
Bất viễn yên hà viễn thế gian.
Cử mục hữu thiên vân ngũ sắc,
Đài đầu mãn địa thảo hoa nhàn.
Mai trào hiểu tuyết tri xuân noãn,
Bách lập đông phong mậu tuế hàn.
Lôi vũ bất mê điền hải chí,
Diệp chu ninh đãi phiếm trư­ờng lan.
 
Dịch nghiã:
Yêu núi
Ta yêu gì chỉ yêu núi thôi,
Không xa mây khói mà xa cõi đời.
Ngẩng mặt nhìn trời có mây năm sắc,
Ngoái đầu trông đất đầy cỏ hoa t­ươi.
Thấy mai cư­ời tuyết sớm biết mùa xuân ấm áp,
Cây thông đứng trư­ớc gió mùa đông lạnh mà vẫn t­ươi tốt
Dù cho sấm m­ưa không quên chí lấp biển
Chiếc thuyền con còn đợi gì mà không lênh đênh giữa sóng cả.
 
Dịch thơ:
1.
Ta yêu gì? Chỉ yêu núi thôi,
Chẳng xa mây khói chỉ xa đời.
Nhìn trời mấy lớp mây năm sắc,
Ngắm đất đầy hoa cỏ biếc phơi.
Tuyết sáng mai cư­ời xuân biết ấm,
Gió đông thông đứng lạnh càng tư­ơi.
Sấm mư­a lấp biển lòng không chuyển,
Những giục thuyền con lư­ớt dặm khơi.
                     Xuân An dịch
2.
Ta yêu gì ? Chỉ yêu núi đây
Xa cõi đời nhưng gần khói mây
Ngửa mặt nhìn trời mây thắm sắc
Cúi đầu ngắm đất cỏ hoa đầy
Mai cười tuyết sáng hay xuân ấm
Bách trước gió hàn rõ dáng ngay
Lấp biển chí trai lòng chẳng đổi
Sấm mưa thêm giục cánh buồm bay.
                                    Đỗ Đình Tuân dịch
 
寓興
一湖山水一毛菴
草木漁龍一二三
天下有天春不老
囱前尙記講河南
 
Phiên âm
Ngụ hứng
Nhất hồ sơn thủy nhất mao am,
Thảo mộc ngư­ long nhất nhị tam.
Thiên hạ hữu thiên xuân bất lão,
Song tiền thư­ợng ký giảng Hà Nam.
 
Dịch nghĩa:
Ngụ hứng
Một lều non n­ước một nhà tranh,
Có một vài thứ cỏ cây rồng cá.
Dư­ới trời lại có trời tuổi xuân không già,
Trư­ớc cửa sổ còn nhớ ông Trình đi giảng ở Hà Nam.
 
Dịch thơ:
1.
Một mái nhà tranh giữa núi sông,
Vài ba cây cỏ cá tôm rồng.
Hãy còn trời đất còn xuân mãi
Xư­a giảng Hà Nam nhớ có ông.
                     Xuân An dịch
 
2.
Non nước một hồ, một mái tranh
Vài ba cây cỏ cá rồng quanh
Dưới trời lại có trời xuân mãi
Trước cửa thường khi lại nhớ Trình (?).
                                    Đỗ Đình Tuân dịch

5. CHU VĂN AN (1292-1370)

               Chu Văn An, hiệu là Tiều ẩn, người làng Quang Liệt huyện Thanh Đàm-nay là Thanh Trì-Hà Nội. Ông vốn là một nhà nho có tiết tháo và không ham danh lợi. Sau khi đô tiến sĩ, ông không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông và ông trở thành một nhà giáo nổi tiếng đương thời.
               Đến thời vua Trần Minh Tông, biết tiếng ông mới vời ra cho giữ chức Quốc tử giám tư nghiệp. Suốt thời Minh Tông, rồi Hiến Tông và nửa đầu thời Dụ Tông, ông đã dành nhiều tâm huyết và dày công nghiên cứu mở mang đạo học ở nước ta. Một người đương thời là Trần Nguyên Đán đã có những câu thơ ca ngợi công lao và sức học uyên bác của Chu Văn An như sau:
               Cùng kinh bác sử công phu đại
               Kính lão sùng nho chính hóa tân.
               (Đọc khắp kinh sử công phu rất to lớn
Kính đạo lão, sùng đạo nho, thực sự đổi mới nền giáo hóa)
               Từ khi Thượng hoàng Minh Tông mất (1357), vua Dụ Tông không còn người kìm giữ, đã lao sâu vào con đường sa đọa. Bọn gian thần đã nhân cơ hội này kết bè kết đảng thả sức tác oai tác quái. Trước tình hình ấy, Chu Văn An đã dâng “Thất Trảm sớ” lên nhà vua đòi chém đầu bẩy tên gian thần khét tiếng đương thời. Nhưng vua Dụ Tông không nghe, ông bèn treo mũ từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
               Cuối năm 1370, Chu Văn An mất tại nhà riêng trên núi Phượng Hoàng và được Vua Trần Nghệ Tông phong tước thụy là Văn Trinh Công .  Sau đó lại có mệnh cho phối thờ trong Văn Miếu.
               Chu Văn An để lại các tác phẩm:Tứ Thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Thất trảm sớ…nhưng đều thất tryền.Nay chỉ còn lại 11 bài thơ chữ Hán được chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn và Phượng Sơn từ chí lược của Nguyễn Thu. Sau đây chúng tôi xin chọn giới thiệu một số bài.
 
灵山雜兴
 
萬曡青山簇畫屏
斜暘倒掛半溪明
翠蘿經裏無人到
山鵲啼煙時一聲
 
Phiên âm:
Linh sơn tạp hứng
 
Vạn điệp thanh sơn thốc họa bình,
Tà dương đạm mạt bán khê minh.
Thúy la kinh lý vô nhân đáo,
Sơn thước đề yên thời nhất thanh.
 
Dịch nghĩa:
Tạp hứng ở núi Chí Linh
 
Lớp lớp núi xanh nhô lên như bức tranh vẽ,
Nắng chiều vàng nhạt chiếu sáng nửa lòng khe.
Trong lối cỏ biếc không có bóng người đến,
Thỉnh thoảng tiếng chim sơn thước kêu trong khói mù.
 
Dịch thơ:
Núi xa lớp lớp như tranh,
Con đường cỏ rậm vắng tanh bóng người.
Nắng chiều nhạt nửa khe soi,
Tiếng chim trong khói cất rồi… lại im.
                                                Đỗ Đình Tuân dịch
 
村南山小憩
 
閒身南北片雲輕
半枕輕風外世情
佛介清幽塵介遠        
庭前噴血一鶯鸣
 
Phiên âm:
Thôn nam sơn tiểu khệ
 
Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
Phật giới thanh u trần giới viễn,
Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.
 
Dịch nghĩa:
Tạm nghỉ ở thôn nam núi
 
Thân nhàn như đám mây nhẹ bay khắp nam bắc,
Gió mát để bên gối tâm tình để ngoài cuộc đời.
Cõi Phật thanh u, cõi trần xa vời,
Trước sân, hoa đỏ như máu, một chiếc oanh
kêu.                                                                                                              
 
Dịch thơ:
Thân nhàn tựa áng mây trôi,
Gió trăng nửa gối, cuộc đời nhẹ tênh.
Cõi trần xa, cõi phật thanh,
Sân hoa máu đỏ, chim oanh líu lường.
                                    Đào Thái Tôn dịch
 
青梁江
 
山腰一末夕暘橫
两两漁舟伴岸行
獨立青梁江上望
寒風颯颯怒潮生
 
Phiên âm:
Thanh Lương giang 
                                               
Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành,
Lưỡng lưỡng ngư chu bạn ngạn hành.
Độc lập Thanh Lương giang thượng vọng,
Hàn phong táp táp nộ triều sinh.
 
Dịch nghĩa:
 Sông Thanh Lương  1
 
Một vệt nắng chiều vắt ngang sườn núi,
Dọc theo bờ sông thuyền câu đi từng đôi một.    
Một mình đứng trên bờ sông Thanh Lương ngắm cảnh,
Gió lạnh vi vút, nước triều dâng lên.
 
Dịch thơ:
Sườn non vệt nắng vắt ngang,
Trên sông xuôi mái đôi hàng thuyền câu.
Một mình ngắm cảnh giờ lâu,
Vi vu gió lạnh dòng sâu dậy triều.
                                                Đỗ Đình Tuân dịch
 
春旦
 
寂寞山家鎭日閒
竹屝斜擁护輕寒
碧迷雲色天如醉
紅濕花梢露未乾
身與孤雲長戀岫
心同古井不生澜
栢薰半冷茶湮歇
溪鳥一聲春夢残
 
Phiên âm:
Xuân Đán
 
Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn,
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
Bích mê vân sắc thiên như túy;
Hồng thấp hoa sao lộ vị can.
Thân dữ cô vân trường luyến tụ;
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
 
Dịch nghĩa:
Buổi sáng mùa xuân  
                                  
Nhà trên núi vắng vẻ suốt ngày thảnh thơi,
Cánh cửa phên che nghiêng ngăn cái rét nhẹ.
Mầu biếc át cả sắc mây, trời như say;
Ánh hồng thấm vào nhành hoa, sương sớm chưa khô.
Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi;
Trong lòng giống như mặt giếng cổ chẳng hề gợn sóng.
Mùi khói thông sắp hết, khói trà đã tắt,
Một tiếng chim bên suối làm tỉnh mộng xuân.
 
Dịch thơ:
Trên non nhà vắng ngày nhàn,
Phên nghiêng ngăn ngọn gió hàn nhẹ bay.
Ngút ngàn cỏ biếc trời say,
Cánh hoa thấm ánh hồng lay trước vườn.
Thân như mây bện sườn non,
Lòng như giếng cổ không còn sóng lan.
Khói thông vãn, khói trà tan,
Tiếng chim bên suối kêu tàn mộng xuân.                                   
                                                Đỗ Đình Tuân dịch
 
鼈池
 
水月桥遍弄夕暉
菏花菏葉静相依
魚浮古沼龍何在
雲满空山鶴不歸
老桂随風香石路
嫩苔著水沒松屝
丹心殊未如灰土
聞說先皇淚暗揮
 
Phiên âm:
Miết trì  2
                            
Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy,
Hà hoa hà diệp tĩnh tương y.
Ngư phù cổ chiếu long hà tại?
Vân mãn không sơn hạc bất quy.
Lão quế tùy phong hương thạch lộ;
Nộn đài trước thủy nộn tùng phi.
Thốn tâm thù vị như hôi thổ,
Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy.
 
Dịch nghĩa:
Ao ba ba
 
Trăng nước bên cầu đùa giỡn bóng chiều hôm,
Hoa sen lá sen yên lặng tựa vào nhau.
Cá bơi ao cổ rồng ở chốn nào?
Mây đầy núi vắng hạc chẳng thấy về.
Cây quế già  đưa hương bay theo gió làm thơm ngát con đường đá;
Rêu non đẫm nước che lấp cánh cửa thông.
Tấm lòng nàyhẳn chưa nguội lạnh như tro đất,
Nghe nói đến tiên hoàng luống gạt thầm giọt lệ.
 
Dịch thơ:
Trăng nước như nô giỡn nắng tà,
Im lìm sen lá tựa sen hoa.
Cá bơi ao cổ rồng đâu tá?
Mây phủ non không hạc vắng nhà.
Cây quế già thơm đường đá ngát;
Đám rêu non phủ cửa thông nhòa.
Tấc lòng chưa nguội như tro đất,
Nhắc đến Tiên Hoàng lệ ứa sa.
                        Đỗ Đình Tuân dịch
 
初夏
 
山宇消消晝夢回
微涼一線起庭槐
燕寻故壘相將去
蟬咽新聲断續來
點水溪蓮無俗態
出篱野筍不凡材
棲梧静極還成懶
案上残書風自開
 
Phiên âm:
Sơ hạ
 
Sơn vũ tiêu tiêu trú mộng hồi,
Vi lương nhất tuyến khởi đình hòe.
Yến tầm cổ lũy tương tương khứ ;
Thiền yết tân thanh đoạn tục lai.
Điểm thủy khê liên vô tục thái ;
Xuất ly dã duẩn bất phàm tài.
Thê ngô tĩnh cực hoàn thành lãn,
Án thượng tàn thư phong tự khai.
 
Dịch nghĩa:
Đầu mùa hạ 
       Nhà trên núi vắng vẻ vừa tỉnh giấc mộng ban ngày,
       Một làn gió mát nhẹ thổi vào cây hòe trước sân.
       Chim én rủ nhau đi tìm tổ cũ ;
       Ve sầu cất tiếng đầu mùa lục tục bay về.
       Sen dưới suối điểm trên mặt nước không bợn chút phàm tục;
       Măng đồng nội tròi ra ngoài dậu chẳng phải khí tiết tầm thường.
       Phượng hoàng đậu cành ngô lặng lẽ quá đến thành lười nhác,
       Cuốn sách nát để trên án, gió tự mở ra.
 
Dịch thơ:
 
      Nhà non vừa tỉnh giấc ngày,
      Trước sân gió mát thổi lay cành hòe.
      Én tìm tổ cũ bay đi,
      Ve kêu mùa mới đã về râm ran.
      Sen khe không bợn chút phàm,
      Măng vươn ngoài nội ngang tàng thẳng ngay.
      Phượng hoàng lặng lẽ cành cây,
      Trên yên sách nát gió vầy mở xem.
                                       Đỗ Đình Tuân dịch
 
Chú thích:
1.Sông Thanh Lương: đoạn sông Kinh Thày làm huyện giới giữa hai huyện Chí Kinh và Kinh Môn .
2.Miết trì: một ao nuôi thả ba ba ở trong vùng, nay không còn.

Còn tiếp kì 2...

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây