Một số giải pháp tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự

Thứ năm - 26/05/2016 22:15 - 2366 lượt xem
Kháng nghị phúc thẩm là một quyền năng pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Vì vậy việc nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự là một trong những biện pháp tích cực để thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch công tác đã đề ra và cũng là một trong những biện pháp để tăng cường công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 37/2012/QH12 ngày 23/11/2012 của Quốc hội trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong thời gian qua, qua công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Chí Linh đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự và đã ban hành nhiều kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án. Theo số liệu thống kê trong thời hạn 5 năm từ năm 2011 đến 5 tháng đầu năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Chí Linh đã phát hành 16 kháng nghị phúc thẩm, trong đó: năm 2011 phát hành 02 kháng nghị phúc thẩm; năm 2012 phát hành 01 kháng nghị phúc thẩm ; năm 2013 phát hành 02 kháng nghị phúc thẩm, năm 2014 phát hành 05 kháng nghị phúc thẩm; năm 2015 phát hành 04 kháng nghị phúc thẩm, 6 tháng đầu năm 2016 phát hành 02 kháng nghị phúc thẩm. Các quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát đều có căn cứ pháp lý, đảm bảo về nội dung và hình thức nên hầu hết các kháng nghị của Viện kiểm sát đều được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

Để có được những kết quả như trên Viện kiểm sát nhân dân thị xã Chí Linh tích cực thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Một là: Lãnh đạo đơn vị đã quan tâm, sát sao trong chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ;  phân công cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp với năng lực và yêu cầu của công việc. Bố trí, sắp xếp nhân lực khoa học, linh hoạt trong từng giai đoạn, khi cần thiết bổ sung KSV kịp thời cho bộ phận dân sự trong những giai đoạn nhiều việc (giai đoạn Tòa kết thúc thi đua, kết thúc năm nghiệp vụ vào tháng 9 hàng năm).

Hai là: Chú trọng việc học tập nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, Kiểm sát viên; thành lập tổ học tập do lãnh đạo viện chủ trì, định kỳ tại buổi giao ban hàng tuần tiến hành tổ chức học tập các văn bản mới về nghiệp vụ, chú trọng nghiên cứu các văn bản rút kinh nghiệm của ngành cấp trên, để nhận diện những dạng vi phạm của Tòa án. Bên cạnh việc tổ chức học tập, đơn vị cũng đặt ra yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên phải chú trọng việc tự học, tự nghiên cứu và học những Kiểm sát viên có kinh nghiệm để tự trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho bản thân.

Ba là: Thực hiện tốt phương pháp làm việc theo nhóm, tập trung trí tuệ tập thể, phân công nhiều người cùng nghiên cứu quyết định, bản án (lãnh đạo viện phụ trách, kiểm sát viên, chuyên viên của khâu nghiệp vụ đều phải nghiên cứu), sau đó đưa ra thảo luận trong bộ phận, để tổng hợp, đánh giá kết quả kiểm sát; khi cần thiết đưa ra thảo luận trong đơn vị.
 
Bốn là: Khi kiểm sát bản án, quyết định, Kiểm sát viên cần đối chiếu bản án, quyết định với những tình tiết khách quan, chứng cứ đã được xác lập trong vụ án để xác định: Có hay không có vi phạm trong bản án, quyết định của Toà án. Nếu có vi phạm thì vi phạm gì? (về nội dung, về thủ tục tố tụng) vi phạm điều Luật nào? Tính chất và mức độ vi phạm? Có cần thiết phải kháng nghị khắc phục hay chỉ cần  kiến nghị rút kinh nghiệm đối với Toà án ? Đối với sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết nội dung tranh chấp, cần thận trọng khi thực hiện quyền kháng nghị, vì ngoài yêu cầu đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, cần chú ý nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong pháp luật Tố tụng dân sự.

Năm là: Một yếu tố hết sức quan trọng trong việc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp huyện đó là cần thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo với Viện kiểm sát tỉnh (phòng nghiệp vụ), ngay sau khi có bản án, quyết định phải gửi ngay cho phòng nghiệp vụ (thực hiện giám sát hai cấp). Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng phải báo cáo ngay phòng nghiệp vụ xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của phòng để thực hiện hay không thực hiện quyền Kháng nghị; khi được phòng chấp nhận quan điểm kháng nghị, tiến hành dự thảo kháng nghị và xin ý kiến của phòng về thể thức, nội dung kháng nghị,… trước khi phát hành chính thức. Nội dung này mang tính quyết định trong việc thực hiện chỉ tiêu Kháng nghị của cấp huyện vì phòng nghiệp vụ là đơn vị sẽ bảo vệ quan điểm kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm. 

Nguồn tin: chilinh.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây