Người du khách và vế đối ở Chí Linh

Thứ ba - 10/11/2015 09:29 - 2889 lượt xem
Bến Vạn Kiếp - Đền Kiếp Bạc
Bến Vạn Kiếp - Đền Kiếp Bạc
NCL xin trân trọng giới thiệu một câu chuyện văn chương trên đất Chí Linh của tác giả Khúc Gia Trang. Hy vọng, quý vị sẽ có thêm vế đối độc đáo của riêng mình để làm phong phú thêm câu chuyện.
Có một dạo trong một vài quán nước trên đường vào khu di tích Kiếp Bạc -  Côn Sơn, Chí Linh xuất hiện một vế đối ”Đến Chí Linh chẳng chi ngại đường xa, chỉ sợ chí không linh để vạn kiếp hoá thành kiếp bạc”.

Vế đối được coi là khuyết danh, chẳng biết tác giả ở đâu, xuất xứ thế nào, nhưng đọc kỹ mới biết vế đối khó và hiểm. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa….

Hai chữ chi ngại  không viết  hoa thì hàm ý không ngại ngần . Nếu viết hoa lại là địa danh, là tên làng Chi Ngại, thuộc xã Cộng Hoà, vốn là quê gốc của Nguyễn Trãi, một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước nhà vào thế kỷ 15. Hai từ vạn kiếp không viết hoa thì có nghĩa muôn đời muôn kiếp,  và kiếp bạc  nghĩa là cái kiếp đời bạc bẽo, hẩm hiu…Thế nhưng khi được viết hoa nó trở thành tên riêng Vạn Kiếp hay Kiếp Bạc là  địa danh thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, hiện có đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Không chỉ dừng ở đó, vì đồng âm dị nghĩa, biến hoá tài tình nên cả mệnh đề lại  hàm chứa nghi ngờ về lòng thành của ai đó?

Vế đối lưu hành khá lâu nhưng chẳng thấy ai đối lại.

Năm ấy vào dịp lễ hội chùa Côn  Sơn, du khách về rất đông. Trong một quán nước ven đường có dăm ba người nghỉ chân uống nước, đang nghe ông chủ quán say sưa nói về vế đối từ mấy năm rồi nay vẫn còn để ngỏ. Họ mạn đàm tranh luận rất hăng. Bỗng có người khách từ xa đi tới có dáng một thầy giáo. Ông đỗ xe máy rồi vào quán nghỉ. Nghe thủng câu chuyện, bỗng nhiên ông đứng lên nói  ôn tồn:

- Thưa các bác, tôi là khách về hội chùa Côn Sơn, qua đây thấy các bác bàn chuyện văn chương câu đối, từ nhỏ cũng võ vẽ đôi điều, nay xin được góp chuyện làm vui. Có gì không đúng, xin được lượng tình.

Chủ quán và những khách ngồi nghỉ, bỗng cùng reo lên một lượt đầy độ lượng:

- Thế còn gì bằng. Bác đọc đi.

Người kia nói : Tôi ở huyện Thuận Thành, gần với Gia Lương. Vừa rồi Gia Lương đã tách thành Gia Bình và Lương Tài rồi. Vậy tôi nói thế này:

- Sang Kinh Bắc thấy thuận thành cảnh đẹp, càng thêm yêu đất bắc, đã gia lương lại có lương tài.

Giỏi quá! Hai chữ thuận thành, ngoài nghĩa là thuận lòng, thành tâm còn có nghĩa là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gia Lương và Lương Tài cũng là tên huyện, nhưng Gia Lương còn có nghĩa là nhà lương thiện, và Lương Tài còn có nghĩa là vừa thiện nhân vừa giàu có
Trong khi mọi người còn ồn ào kẻ khen hay, người xuýt xoa vế đổi chỉnh, đi tìm giấy bút để chép lại… thì vị khách đã đi từ bao giờ.

Bây giờ ở đây có một đôi câu đối mang dáng dấp dân gian:


* Đến Chí Linh chẳng chi ngại đường xa, chỉ sợ chí không linh để vạn kiếp hoá thành kiếp bạc.
* Sang Kinh Bắc thấy thuận thành cảnh đẹp, càng thêm yêu đất bắc, đã gia lương lại có lương tài. ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây