Ngày 23/2 sẽ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016

Thứ hai - 15/02/2016 19:03 - 2198 lượt xem
Ngày 23/2 sẽ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016
Ngày 23/2 sẽ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016
Từ ngày 21/2 đến ngày 1/3/2016 (tức ngày 14 - 23 tháng Giêng âm lịch), UBND tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016. Lễ khai hội chính thức sẽ diễn ra vào ngày 23/2 (tức 16 tháng Giêng âm lịch).


Ngày 23/2 sẽ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016


Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay tưởng niệm 682 năm ngày viên tịch Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả (1334-2016) nhằm tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc.

 Lễ hội năm nay sẽ gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả; Lễ đón bằng bảo vật quốc gia cho bia Thanh hư động; Khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2016, Lễ mộc dục, Lễ đàn Mông Sơn thí thực… và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian sẽ diễn ra trong suốt các ngày hội như: Thi gói bánh chưng, giã bánh giày; Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 6; Thi đấu Vật dân tộc, chọi gà, viết thư pháp...

Theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Hiện, Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đang tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào đến khu di tích được cắm nhiều cờ lễ, băng zôn giới thiệu sơ lược về lễ hội.

Ông Nguyễn Khắc Minh cho biết: “Để đảm bảo cho các nghi lễ được trang nghiêm và linh thiêng, lễ hội an toàn tuyệt đối, chúng tôi cùng Công an tỉnh, Công an thị xã Chí Linh, cùng với lực lượng Công an của 3 xã, phường Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa trực 24/24 trong không gian tổ chức lễ hội, lập các trạm đảm bảo an toàn giao thông từ vòng ngoài, bến bãi; kiểm soát tất cả các phương tiện đi lại trong khu vực lễ hội và cũng kiểm tra tất cả các hàng quán ở trong khu vực di tích. Năm nay chúng tôi cũng kết hợp với chính quyền địa phương ký cam kết với các hàng quán không có chuyện nâng ép giá, chèo kéo khách như trước và tuyệt đối không có đổi tiền lẻ để đảm bảo tốt nhất cho nhân dân về dự lễ./.

Thy Hạt/VOV-Trung tâm Tin
===================================

Đảm bảo an toàn lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc

Công tác phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh-trật tự, văn hóa của lễ hội năm nay.

Sáng nay (25/2) tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tại thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) sẽ diễn ra Lễ khai hội Côn Sơn – Kiếp Bạc và Lễ dâng hương tưởng niệm 679 năm ngày mất của Đệ tam Tổ Huyền Quang tôn giả - dòng Trúc Lâm Yên Tử. Tỉnh Hải Dương đã tập trung một số lượng lớn nhân lực nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội.

Với dự đoán số lượng du khách sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái, đặc biệt là số khách trong ngày khai hội hôm nay có thể lên tới hơn 5 vạn lượt người, lực lượng cảnh sát giao thông Hải Dương đã lên kế hoạch phân luồng từ xa và tập trung tuần lưu, kiểm soát đồng thời cấm các xe ô tô đi vào khu vực trước tam quan đền Kiếp Bạc.

Ông Hoàng Tiến Nam, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 2 – Công an tỉnh Hải Dương cho biết: “Chúng tôi đã có những kế hoạch rất cụ thể và nghiêm túc triển khai đến từng cán bộ chiến sĩ, chủ yếu là công tác tuần lưu, tuyên truyền nhắc nhở bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp qua loa gắn trên phương tiện tuần tra. Tuyến quốc lộ 37 sau khi trạm thu phí cầu Bình bỏ thì lưu lượng xe tăng lên, do đó chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể. Lường trước được bất cập xảy ra trên tuyến chúng tôi đã giải quyết được ổn thoả, chưa để xảy ra vụ tai nạn nào nghiêm trọng”.

Về việc đảm bảo an ninh trật tự trước và trong lễ hội, ban tổ chức kiên quyết xử lý với những trường hợp chèo kéo khách hay gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Đồng thời các tiểu ban an ninh, đoàn kiểm tra liên ngành với hơn 100 người được thành lập sẽ tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa hiện tượng trộm cắp, các hành vi lừa đảo, đánh bạc...

Ông Lương Văn Cầu, phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hải Dương – Phó trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Chúng tôi hết sức lưu tâm đến đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Tổ chức tốt các tuyến giao thông, nhất là các bãi đỗ xe làm sao cho hợp lý. Vấn đề thứ 2 là tích cực giải toả một số hàng quán và quy hoạch chi tiết cả 2 khu Côn Sơn và Kiếp Bạc. Một số thiết chế tuy chưa đáp ứng được, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng hạn chế tối đa việc chèo kéo, đeo bám khách và những việc làm không được văn minh với du khách về thăm di tích”./.

Tự Minh – Thành Nam/VOV-Trung tâm tin
========================================

Côn Sơn - Kiếp Bạc: Quần thể du lịch văn hóa, tâm linh
 

Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của đất nước với hình sông, thế núi hùng vĩ, linh thiêng... Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là vùng đất gắn liền với những sự kiện nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong các giai đoạn lịch sử Việt Nam, vùng đất này luôn được nhắc đến như là biểu tượng của khí phách anh hùng, của tinh thần đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng; nơi hội tụ, kết tinh các giá trị lịch sử, văn hóa của xứ Đông xưa và nay. Nơi đây gắn bó mật thiết cuộc đời, sự nghiệp với nhiều anh hùng dân tộc, các danh nhân hiền sỹ của đất nước. Hàng năm, tại Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra 2 kỳ lễ hội vào mùa xuân và mùa thu.

Năm 2016, Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức nhằm tưởng niệm 682 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Huyền Quang tôn giả (1334 - 2016). Dự kiến nội dung, chương trình Lễ hội năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 17/02 - 01/03 (ngày 10 - 23 tháng Giêng âm lịch). Đáng chú ý, tại lễ hội năm nay, sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia và khôi phục Lễ rước nước trong lễ hội. Lễ rước nước là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội cổ truyền mùa xuân Côn Sơn, biểu hiện ước muốn cầu mùa màng tươi tốt, cầu nước…

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội có nhiều nét văn hóa và giàu truyền thống. Vì vậy, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thường được tổ chức hàng năm với nhiều nghi lễ, diễn xướng và trò chơi dân gian đặc sắc như Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; Lễ dâng hương, dâng bánh chưng, bánh giầy tại Chùa Côn Sơn, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ Trần Nguyên Đán; Tế khai xuân tại Đền Nguyễn Trãi; Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VI; Lễ tưởng niệm 682 năm ngày viên tịch Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả, lễ đón bằng Bảo vật quốc gia bia Thanh Hư Động, lễ rước nước, lễ mộc dục; Thi đấu Giải vật dân tộc, chọi gà, viết thư pháp…

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đem lại những cảm nhận về một không gian văn hóa lễ hội đầy màu sắc cùng những âm thanh trầm bổng của tiếng trống hội, những lời ca, tiếng hát, những nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh, tín ngưỡng; những hoạt động hội hoành tráng, mang ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục lịch sử sâu sắc - đã tạo nên sức hút kỳ diệu đối với nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội. Nhắc tới Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, những du khách đã từng được tham gia sẽ nhớ tới một lễ hội đặc sắc, thú vị, cũng như tưởng nhớ đến bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước. Hãy đến với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 để khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp hào hùng, linh thiêng và hấp dẫn của vùng non nước xứ Đông - Hải Dương.

Ngọc Linh - Bùi Tú

Nguồn tin: Người Chí Linh tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây