Giáo dục trẻ sống có trách nhiệm với gia đình

Thứ năm - 29/10/2015 15:33 - 4804 lượt xem
Giáo dục trẻ sống có trách nhiệm với gia đình
Giáo dục trẻ sống có trách nhiệm với gia đình
Lâu nay, chúng ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con trẻ.
 
Tuy nhiên, chúng ta ít khi đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của trẻ với tư cách là thành viên nhỏ tuổi trong gia đình. Thực tế cho thấy ở không ít gia đình, do được nuông chiều từ bé nên nhiều trẻ tỏ ra thiếu trách nhiệm với mọi người xung quanh mà trước hết là đối với các thành viên trong chính gia đình mình. Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng sau một ngày lao động vất vả, trở về nhà tất bật cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, thì con cái lại không những không giúp đỡ mà còn thản nhiên ngồi chơi điện tử, xem hoạt hình… Thậm chí khi nhắc nhở các em cũng không làm, lại còn cãi lời cha mẹ. 

Ðể giáo dục trẻ trở thành người có ích, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, trước hết các gia đình cần giáo dục trẻ sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với các thành viên trong gia đình. Bởi gia đình là môi trường đầu tiên giáo dục đạo đức, nhân cách cho trẻ, là nơi có nhiều điều kiện thực hành kỹ năng sống cho trẻ. Ðể trẻ trở thành người sống có trách nhiệm thì ngay từ khi còn bé, ông bà, cha mẹ và các thành viên lớn tuổi hơn cần dạy dỗ, hướng dẫn cho trẻ thói quen làm những công việc từ đơn giản đến phức tạp. Thông qua lao động trong gia đình, trẻ được phát triển tư duy rèn luyện sức khỏe, lao động tự phục vụ bản thân, giúp đỡ các thành viên trong gia đình và cộng đồng. 

Bác Hồ từng dạy thiếu niên nhi đồng: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Cho trẻ lao động là điều cần thiết nhưng cũng phải phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của trẻ, không nên quá lạm dụng. Ví dụ trẻ ở độ tuổi mầm non thì cha mẹ cần giáo dục trẻ có trách nhiệm biết mời các thành viên trong gia đình trước khi ăn cơm, biết xếp đồ chơi theo quy định sau khi chơi xong, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, đi học về biết chào ông bà, bố mẹ… Ðối với trẻ bậc tiểu học, cần phân công và hướng dẫn chúng hình thành thói quen tự phục vụ bản thân như chăm chỉ học tập, tự vệ sinh cá nhân, giúp đỡ những người xung quanh những công việc nhẹ như chăm sóc ông bà, cha mẹ, nấu cơm, rửa bát, quét nhà… 

Trong quá trình hướng dẫn, phân công trẻ lao động, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu và tự giác thực hiện, cảm thấy tự hào vì mình được cha mẹ tin cậy giao việc. Thường những ngày đầu các em sẽ lúng túng, song khi được chỉ dẫn tận tình của người lớn, các em sẽ quen dần. Nếu trẻ gặp khó khăn khi làm việc nhà, cha mẹ cần hướng dẫn từng bước, không nên làm thay. 

Trẻ em thường có thói quen bắt chước người lớn. Vì vậy, để giáo dục trẻ sống có trách nhiệm trong gia đình, trước hết ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, làm cho trẻ noi theo. Khi mỗi thành viên gương mẫu làm tốt nhiệm vụ của mình, sống có trách nhiệm, tiết kiệm, quan tâm lẫn nhau, nhất là chăm sóc người già và trẻ nhỏ, ắt trẻ sẽ nhìn vào đó mà học tập.

Khi trẻ hình thành được tính tự giác trong lao động gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân mình và người thân, biết lo lắng đến công việc được phân công là một sự khởi đầu tốt đẹp, sự thành công của quá trình giáo dục nhân cách con trẻ từ phía gia đình, báo hiệu đóng góp cho cộng đồng xã hội một công dân sống có trách nhiệm. 

 ĐOÀN THÊU (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây