Bia Thanh Hư Động được công nhận là Bảo vật Quốc gia

Chủ nhật - 27/12/2015 19:55 - 4680 lượt xem
Bia Thanh Hư Động chùa Côn Sơn
Bia Thanh Hư Động chùa Côn Sơn
Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định công nhận 25 bảo vật quốc gia (đợt 4) cho các hiện vật, nhóm hiện vật.

Các hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận gồm:

1. Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, thành phố Hà Nội).

2. Đôi trống đồng Lô lô (Niên đại: trống Đông Sơn nhóm D, khoảng thế kỷ V, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang).

3. Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (Niên đại: năm 995, dưới thời vua Lê Đại Hành, hiện lưu giữ tại Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

4. Tượng Thần Visnu (Niên đại: thế kỷ VI, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp).

5. Tượng nữ thần Laksmi (Niên đại: thế kỷ VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

6. Tượng Nữ thần Laksmi (Niên đại: thế kỷ VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp).

7. Đầu tượng thần Siva (Niên đại: khoảng đầu thế kỷ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam).

8. Tượng Sadashiva (Niên đại: khoảng thế kỷ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

9. Đầu tượng thần Siva (Niên đại: khoảng thế kỷ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

10. Pho tượng Trấn Vũ (Niên đại: năm 1802, hiện lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

11. Bệ thờ Vân Trạch Hòa (Niên đại: thế kỷ IX-X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế).

12. Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (Niên đại: đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định).

13. Hương án chùa Khám Lạng (Niên đại: năm 1432, hiện lưu giữ tại di tích chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

14. Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương (Niên đại: cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, hiện lưu giữ tại Di tích đình Nội (còn gọi là Đền Lạc Long Quân), thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).

15. Mô hình nhà (Niên đại: thời Trần, thế kỷ XIII - XIV, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định).

16. Bia “Thanh Hư Động” (Niên đại: niên hiệu Long Khánh (1372-1377) thời Trần Duệ Tông, hiện lưu giữ tại di tích chùa Côn Sơn, phường Cộng hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

17. Bia điện Nam Giao (Niên đại: Niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, đời vua Lê Hy Tông (1679), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

18. Bia Khiêm Cung Ký (Niên đại: năm 1875, hiện lưu giữ tại di tích Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

19. Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn (Niên đại: 1659 - 1684, hiện lưu giữ tại di tích Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

20. Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám (Niên đại: thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại chùa Giám xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

21. Cây đèn gốm (Niên đại: Niên hiệu Diên Thành 5 (1582), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội).

22. Long đình gốm Bát Tràng (Niên đại: thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội).

23. Ấn Sắc mệnh chi bảo (Niên đại: năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

24. Ngai vua triều Nguyễn (Niên đại: 1802-1945, hiện lưu giữ tại điện Thái Hòa thuộc di tích Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

25. Áo Tế giao (Niên đại: 1802- 1945, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

--------------------------------------
TẤM BIA CỔ CÓ NÉT BÚT VUA TRẦN

Trong hệ thống văn bia còn lưu giữ tại chùa Côn Sơn, có một tấm bia khá đặc biệt không chỉ có niên đại lâu đời nhất mà còn mang ngự bút của vua Trần Duệ Tông.

Đề nơi danh thắng

Bia “Thanh Hư Động” được đặt trong sân chùa Côn Sơn ở vị trí đầu tiên, bên phải. Bước qua tam quan nội, hiện vật nổi bật với thân bia cao trên lưng rùa đá đặt trong nhà bia cổ kính rêu phong. Mặt trước bia có 3 chữ Nho lớn. Đây cũng là hiện vật đầu tiên mà du khách được các hướng dẫn viên giới thiệu trong hệ thống văn bia chùa Côn Sơn khi có dịp về thăm nơi đây. 

Theo các tài liệu lịch sử, năm 1369, sau khi dẹp loạn Dương Nhật Lễ, lập lại triều Trần, Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán về dựng nhà trên núi Côn Sơn làm nơi lui nghỉ. Vua Trần Duệ Tông về thăm, ngự bút đề tặng 3 chữ “Thanh Hư Động” khắc trên bia. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tự chế bài minh khắc ở sau bia.
 
“Trải qua mấy trăm năm, bia Thanh Hư Động vẫn trơ gan cùng trời đất như một chứng tích thời gian. Các nhà nghiên cứu đánh giá, bia Thanh Hư Động là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị”.
Sự kiện này được chính Nguyễn Phi Khanh, con rể Trần Nguyên Đán ghi lại trong bài Thanh Hư Động ký viết năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ tám (năm 1384): “Bấy giờ Người (Trần Nguyên Đán) mới tâu xin một khu đất hoang ở Côn Sơn, sắp đặt cất một ngôi nhà để làm nơi lui về nghỉ ngơi. Hai đức vua khen ngợi công lao trước đây của tướng công, không ép buộc cái chí của Người, vì vậy thể theo với ý của Người. Người bèn tìm nơi thích hợp, xem xét hình thế. Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ các nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là Thanh Hư Động. 

Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá, ý đều là để nêu công lớn trước đây của Người, và cũng là để tỏ sự khuyến khích và khen ngợi Người vậy”. 

Sau khi xây dựng Thanh Hư Động xong, Trần Nguyên Đán đã cùng gia đình lui về ở nơi đây. Rồi ông và gia đình không ngừng mở mang trồng cây, tu tạo thắng cảnh. Bởi vậy mới có câu truyền tụng trong dân gian: “Ông trồng thông, bà trồng rễ”. Thanh Hư Động là một tập hợp các công trình kiến trúc trên núi đã từng nổi danh một thời như: Bàn Cờ Tiên, am Bạch Vân, đặc biệt suối Côn Sơn với cầu Thấu Ngọc bắc qua được các sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ tựa cảnh bồng lai. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: "Trên núi có động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc, cây và đá xanh um, thật là một cảnh đẹp ở nhân gian". Vẻ đẹp của Thanh Hư động cũng từng được ngòi bút của Nguyễn Phi Khanh lột tả: "Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bầy/Hoa dọc suối, cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới/ Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem...".

Tuyển tập "Thơ văn Lý Trần tập 3" của Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 1978 có chép lại nội dung bài minh của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông khắc sau bia Thanh Hư Động (Côn Sơn Thanh Hư động bi minh, nghĩa là bài minh viết sau Thanh hư Động). Nội dung bài minh cũng toát lên vẻ đẹp tiên cảnh của nơi đây với những câu: 

Tư Đồ dựng am,
Trên núi thâm nghiêm,
Há phải muốn riêng mình vui thú.
Chính là để ngụ cái ý lên cao,
Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn,
Cúi nhìn dòng nước trong là muốn bàn sâu vào việc nước.
Nương dưới bóng cây là muốn mở rộng được sự che chở cho dân,
Tựa vào khóm trúc là muốn đến với nhiều hiền sĩ…

Bảo vật quốc gia

Sau khi Trần Nguyên Đán mất (năm 1390), công trình Thanh Hư Động trở nên hoang phế. Sang thế kỷ 15, giặc Minh sang xâm lược nước ta, khu di tích Côn Sơn bị giặc phá tan hoang, song bia Thanh Hư Động vẫn còn. Năm 1602, khi trùng tu chùa Côn Sơn nhà sư Mai Trí Bản đã phát hiện được tấm bia và đưa về sân chùa. Trải qua mấy trăm năm, bia Thanh Hư Động vẫn trơ gan cùng trời đất như một chứng tích thời gian. Các nhà nghiên cứu đánh giá, bia Thanh Hư Động là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị.

Theo quan sát, thân bia dẹt, trán cong, có kích thước lớn. Chiều cao bia 165cm, rộng 98cm, dày 17cm. Toàn bộ thân bia được đặt trên lưng một con rùa đá. Về hình dáng rùa giống với rùa ở bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” thời Trần ở chùa Thanh Mai, đầu tạc rõ hai mắt và sống mũi, tư thế nghển cao, mai để trơn, đuôi vắt lên mai. Bốn chân rùa, các móng quắp lại nén xuống đất ráng sức đỡ bia. Mặt trước trán bia khắc 4 chữ Nho theo thể chữ triện “Long Khánh Ngự Thư” trong khung chữ nhật (Niên đại thời Long Khánh 1373-1377). Giữa bia đề 3 chữ lớn “Thanh Hư Động” viết theo lối chân phương. Đây là ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Xung quanh diềm bia trang trí rồng triện gẫy khúc. 

Mặt sau bia khắc bài ký “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Theo nhận định, sự xuất hiện của bài ký “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” sau bia có thể do bài minh của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông được khắc trước đó đã bị phai mờ nên nhà sư Mai Trí Bản đã cho mài mặt sau bia để khắc vào. Nội dung bài ký đề cập: “Chùa Tư Phúc là nơi Trần Minh Tông (1300-1357) tu thân học đạo. Vị tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang (1251-1334) từng trụ trì nơi đây. Nay chùa đã hư hỏng, nhà sư Mai Trí Bản đứng ra hưng công, cùng mọi người xây dựng tam quan, phòng oản. Nay khắc bia ghi tên họ những người công đức”. Bia đề niên hiệu Hoằng Định tam niên (năm 1602). Chữ viết trên mặt bia sau có 29 cột, mỗi cột có từ 2-45 chữ. Trán bia trang trí mặt trời, diềm bia trang trí hoa dây đơn. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Chùa Côn Sơn hiện còn lưu giữ được 16 văn bia. Các bia ký tại chùa có nhiều hình dáng kích thước như 2 mặt, lục lăng. Các bia đều có họa tiết trang trí đẹp, trán bia chạm lưỡng long chầu mặt trời, diềm hoa leo, lá đề, cúc dây. Một số bia lục lăng ngoài hình dáng độc đáo, như một trục vũ trụ nối giữa trời đất còn được chạm nổi rồng cuộn rất tinh tế. Bia chùa Côn Sơn không chỉ ghi lại quá trình trùng tu, xây dựng ngôi chùa mà còn là những tác phẩm điêu khắc có giá trị, nổi bật trong số đó là bia Thanh Hư động. Bia Thanh Hư Động là một trong những tài sản vô giá của di tích Côn Sơn bởi đến có niên đại lâu đời nhất trong các văn bia còn sót lại và mang ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Tấm bia cũng nổi bật với nghệ thuật văn triện hóa long độc đáo. Hoa văn, cấu trúc của bia là căn cứ quan trọng để xác định niên đại, dấu ấn các loại bia thời Trần khác.  

Với giá trị về nội dung, cấu trúc, UBND tỉnh đã lập  hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia.

Nguồn tin: vtv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây